Phân tích: Trump mời Tập dự lễ nhậm chức, đi hay không cũng đều khó xử

Mộc Vệ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp tổ chức lễ nhậm chức tại Washington vào ngày 20/1 năm sau. Người phát ngôn của nhóm chuyển giao quyền lực xác nhận hôm 12/12 rằng đã mời lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tham dự buổi lễ. Điều này làm dấy lên phản ứng trong công chúng. Giới bình luận thời sự người Hoa ở hải ngoại cho rằng chiêu này của ông Trump là rất tuyệt.

Đề cử viên tổng thống 2024 của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump tại buổi tập trung chiến dịch ở Asheboro, Bắc Carolina vào ngày 21/8/2024. (Nguồn ảnh: Melissa Sue Gerrits/Getty Images)
Trump phát tín hiệu chính trị mạnh mẽ

Việc ông Trump mời ông Tập Cận Bình tham dự lễ nhậm chức đã thu hút sự chú ý, vì thông thường các nhà ngoại giao như đại sứ sẽ được mời, hồ sơ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kể từ năm 1874 cho thấy chưa có nguyên thủ nước ngoài nào tham dự lễ chuyển giao quyền lực của Mỹ.

Hiện chưa rõ liệu ông Tập có đồng ý tham dự hay không.

Động thái này khiến những người phản đối Trump không hài lòng, cho rằng ông không nên mời một nhà độc tài tham dự buổi lễ quốc gia long trong nhất nước Mỹ.

Nhà bình luận thời sự người Hoa sống tại Mỹ – ông Đường Tĩnh Viễn – đặt câu hỏi trên kênh Youtube của mình rằng Trump biết rõ làm như vậy chắc chắn sẽ bị nhiều người lên án, vì sao ông vẫn làm?

Ông Đường phân tích, trước hết ông Trump muốn nhân cơ hội này để gửi tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới ông Tập rằng: “Trump ta đã trở lại, không chỉ trở lại trung tâm quyền lực của Mỹ, mà còn trở lại trung tâm quyền lực của thế giới”.

Bản tin của CBS nói rằng trong bối cảnh có rất nhiều lãnh đạo quốc gia mong muốn gặp mặt Trump, để đỡ phải mất công tiếp đón chiêu đãi lẻ tẻ nhiều lần tại điền trang Mar-a-Lago, ông muốn ‘tập hợp’ nhiều người một lần cho tiện.

Ông Đường Tĩnh Viễn phân tích: “Điều này rõ ràng là để nói với cộng đồng quốc tế rằng mô hình thế giới do Mỹ dẫn đầu sẽ không thay đổi, trật tự quốc tế hiện tại cũng không thay đổi. Miễn có Trump tôi ở đây thì đừng ai nghĩ sẽ thay đổi. Động thái này ít nhiều cố ý cho Tập Cận Bình chứng kiến, bởi vì bây giờ Tập là người duy nhất muốn thách thức trật tự này”.

Ông Đường Tĩnh Viễn còn nói, việc ông Trump mời ông Tập Cận Bình còn có một bối cảnh quan trọng khác, Trump nói khi trả lời phỏng vấn của NBC hôm 9/12 rằng sau khi trúng cử ông đã nhận được điện thoại riêng của ông Tập, hơn nữa không chỉ gọi một lần. 3 ngày trước khi trả lời phỏng vấn của NBC, hai ông lại liên lạc với nhau.

“Vì Trump và Tập Cận Bình đều đã liên lạc nhiều lần, bây giờ Trump còn mời Tập tham dự lễ nhậm chức, cho thấy trong quá trình liên hệ đó thì Tập đã thể hiện ‘chiếu dưới’, khuất phục, cho nên Trump mới thấy rằng hiệu quả liên hệ của mình với Tập không tệ, và cũng do đó Trump không ngại ngần lôi Tập ra khi có cơ hội, vừa để giương oai, vừa tiện cùng nhau hoàn thành một số việc khác,” ông Đường nhận định.

Ngược lại, nếu ông Tập trong quá trình liên lạc cùng ông Trump tỏ ra rất ‘chiến lang’, cứng rắn, ông Trump phỏng chừng đã sớm cúp điện thoại, khó mà có khả năng sẽ lại tiếp tục liên lạc nói chuyện với ông Tập, nói gì đến chuyện mời ông Tập dự lễ nhậm chức.

Bình luận viên thời sự Giang Phong (Jiangfeng) cho biết trên kênh riêng của mình rằng tin tức này là trò giễu cợt của ông Trump đối với ông Tập: “Nội các do Trump đề cử đều là những người diều hâu chống Trung Quốc, điều này khiến Tập Cận Bình khó chịu. Đây là lý do tại sao Bộ ngoại giao của ĐCSTQ cho đến bây giờ vẫn không dám trả lời, rốt cuộc chưa rõ Tập Cận Bình có đến hay không?”

Giang Phong phân tích rằng nước cờ này của ông Trump là chiêu ‘chiếu tướng’ lợi hại. Vì ĐCSTQ thường nhấn mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ phải tăng cường gặp gỡ, bây giờ ông Trump mời ông Tập đến mà Tập không đến thì cho thấy lời nói không đi đôi với việc làm, nếu không phải là đối lập thì cũng có thể xem như không hợp tác, vậy chẳng phải là nuốt lời và tự bôi nhọ? Còn nếu ông Tập đến, ngày hôm sau ông Trump vào Nhà Trắng lập tức tuyên bố tăng thuế quan đối với Trung Quốc, ước tính ngày hôm đó ông Tập vẫn còn ở Washington D.C, thì e rằng đó là sự xúc phạm lớn nhất mà ông Tập phải chịu trong đời.

Mặt khác, Điện Kremlin đã xác nhận rằng ông Putin không nhận được lời mời của ông Trump. Ông Giang Phong cho rằng chiêu mời Tập của Trump cực kỳ tinh quái, vì gây chia rẽ thêm giữa ông Putin và ông Tập, vốn đã ngày càng nghi kỵ nhau.

Nhà bình luận chính trị người Hoa tại Mỹ – ông Trần Phá Không – cũng cho rằng ông Tập Cận Bình đi hay không thì đều khó xử, vì Trump đã dành cho ông ấy phép lịch sự cao nhất, nếu Tập không tham dự đó thì là chuyện của chính ông ta, nếu tham dự có thể cũng sẽ rất miễn cưỡng. Nếu không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị nước khác, mà chỉ có một mình Tập thì ông ấy phải làm sao? Đột nhiên thành tâm điểm chú ý mà không nói được tiếng Anh, không thể nói chuyện với người khác, không thể giao lưu… sẽ là tình huống căng thẳng áp lực lớn, giả như bệnh nặng tái phát gây đột quỵ té ngã từ khán đài Nhà Trắng thì sao? Vậy nên ông Tập Cận Bình sẽ rất do dự.

Ông Trần Phá Không nói rằng việc ông Trump mời ông Tập có thể đã tính toán trước, “Chính là cho rằng tôi mời ông đến đây, tôi cần sự khẳng định từ ông, tôi muốn ông ngăn chặn việc xuất khẩu fentanyl sang Mỹ, ông hứa thì phải thực hiện, ông làm không được thì tôi sẽ tăng thuế quan”.

Ngoài ra, có thể ông Trump còn có dụng ý khác, “Để Tập Cận Bình xem buổi lễ lớn của nền dân chủ, xem tổng thống được người dân bầu vinh quang và uy danh như thế nào, được cổ vũ ngưỡng mộ thực sự, không giống như các người (ĐCSTQ) làm kiểu hộp đen, chia chác nhau ở hậu trường làm lãnh đạo.”

Mộc Vệ, theo Vision Times

Related posts