“Đất trời” đã thay đổi tại Hội An khi một “đảo cát” dài khoảng 100 m bất ngờ xuất hiện, cách bờ Cửa Đại khoảng 15 phút chạy xuồng máy, trở thành một chướng ngại thiên nhiên cho sự lưu thông của tàu thuyền.
Hiện tượng này lại nhắc đến tự mãn và duy ý chí với tham vọng “thay trời đổi đất” chỉ để mang lại hậu quả “tàn phá đất trời” của những ông quan cách mạng ếch ngồi đáy giếng.
Thời “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên miền Bắc, họ hô hào khẩu hiệu “Một mo cơm, một quả cà và một ý chí – Thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Thời ấy thông tin bị kiểm soát chặt, và cùng lắm chỉ với cái cuốc và cái xẻng, chúng ta không biết đến tác hại từ những trò “phá sơn lâm – đâm hà bá” mệnh danh “cải tạo thiên nhiên” này.
Nhưng cũng chính tại Quảng Nam, những ngày đầu sau năm 1975, thói ngông cuồng này đã thể hiện trong việc nối dòng hai con sông để chia bớt nước hay chặn ngang một con sông để ngăn nước mặn. Trò “thay trời phá đất” này được ông Hoàng Minh Thắng – nguyên là Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, sau là Bộ trưởng Nội thương – kể lại trong hồi ký “Trải một đời người”:
“Vì nguồn nước tưới, chúng tôi quyết định khơi thông con sông Bà Rén để chia nước sông Thu Bồn cho vào cánh Nam. Hàng vạn lượt người lên công trường khơi thông sông Bà Rén. Sông thông dòng, niềm vui sướng vô bờ chưa theo nguồn nước chảy về, chưa kịp đưa nước lên đồng ruộng trong vụ mùa đầu tiên thì mùa mưa đến. Chỉ một trận lụt, con sông Bà Rén nối với sông mẹ Thu Bồn trở thành bãi cát bồi như xưa! Một bài học đắt giá. Rồi ngăn sông Trường Giang cũng vì nguồn nước tưới. Nhưng khi lấp sông, nhân dân không còn đánh bắt tôm cá được. Nước mặn không vào sông, nhưng lại thấm vào nước lợ không thể tưới cho đồng ruộng được. Đây là hai thất bại rất đau, không nói nên lời.”
“Đau không nói nên lời” nhưng họ không bao giờ học được bài học. Cộng với máy móc khá nhiều, tham vọng thay trời đổi đất này vẫn tiếp tục gây ra những thất bại như là thảm họa, đại họa cho đất nước và nhân dân.
Thay trời phá đất
Trở lại với Cửa Đại, dĩ nhiên lượng cát bồi thành đảo ngoài khơi là cát lấy từ bờ biển bị xâm thực bên trong. Mà tình trạng sạt lỡ này đã bị “báo động đỏ” từ tận năm 2013 khi mỗi năm biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10 đến 15 mét. Lời báo động này đã thấu đến tai Chính phủ Pháp và nước này đã có hành động thiết thực khi cử chuyên gia đến giúp đỡ trong việc nghiên cứu giải pháp cứu chữa!
Nhưng đâu là lý do đưa đẩy Cửa Đại đến tình trạng này?
Ngoài nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu, giới chuyên môn đã đưa ra những lý do mang yếu tố “con người” và ở đây phải nói thêm là “con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Cửa Đại sạt lỡ là do thiếu hụt bùn cát từ thượng nguồn đổ về. Nếu mưa lũ khiến đất bị xói mòn thì cân bằng sẽ lập lại với lượng bùn cát này. Cân bằng đã bị phá vỡ khi bùn cát thượng nguồi bị chặn đứng vì:
- xây dựng ồ ạt các đập thủy điện đầu nguồn
- khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn
- xây dựng quá nhiều các resort khu vực bãi biển, cản trở tiến trình trao đổi cát giữa bãi biển và biển.
- xây dựng các cây cầu ngang sông hay các công trình kiên cố hai bên bờ mà không chú ý việc gây cản trở dòng chảy của sông Thu Bồn khiến tốc độ dòng nước đổ ra biển chậm lại, do đó cường độ sóng biển đánh vào bờ cao hơn, gây tác động xâm thực mạnh hơn.
Toàn bộ những lý do này xuất phát từ một lý do đầu mối chính: sự bất lực, sự kém cõi của chính quyền.
Chính quyền đã không thể quản trị hiệu quả tài nguyên của quốc gia, thậm chí còn là đồng phạm, là kẻ tiếp tay trong việc bóc lột tài nguyên và phá vỡ cân bằng thiên nhiên.
Ví dụ vụ hút trộm cát ngoài khơi cửa Đại.
Tháng Tư năm 2017, giữa lúc chính quyền tỉnh Quảng Nam gào réo cầu cứu trung ương và các chính phủ nước ngoài về cách cứu Cửa Đại, báo chí đã làm ầm lên về vụ hút trộm cát công khai ngoài khơi cửa biển này. Cửa Đại đang sạt lỡ nhưng các công ty lại lạm dụng sự lập lờ của giấy phép để hút trộm hàng ngàn mét khối ở ngay ở chân móng của Cửa Đại để làm nền móng cho một “khu đô thị mới” tại Nam Ô.
Báo chí đồng loạt lên tiếng: tội này phải trị, trị thẳng tay!
Trong tình thế này chính quyền cực chẳng đã phải vào cuộc. Ngày 4.4.2017 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) chủ trì cuộc họp báo rất ư là đầu voi đuôi chuột.
Tại đây các quan cách mạng tỉnh xác nhận là 5 tàu của Công ty Thành Đô tại Đà Nẵng đã hút trộm 4,394 m3 cát từ Cửa Đại rồi đưa ra Đà Nẵng đổ vào công trình lấn biển Khu đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty Cổ phần Trung Nam thi công. Tuy nhiên chính quyền tỉnh chỉ kết tội nhóm này là “vận chuyển cát trái phép” và đưa ra hình thức xử lý nhẹ hều là “truy thu bằng tiền theo giá trị thị trường đối với khối lượng cát múc trộm trên”.
Tại sao không buộc chúng phải trả lại 4.394 mét khối cát đã hút trộm cho Cửa Đại?
Tại sao không truy tố chúng ra tòa?
Thứ nhất, có thể chính quyền tỉnh này lâm cảnh “xôi chùa nghẹn họng”.
Thứ hai, nếu không là thế thì tỉnh đã bị “chỉ đạo” từ cấp trên nào đó, đã dây máu ăn phần với các nhóm lợi ích đằng sau “Khu đô thị quốc tế Đa Phước”.
Nhưng không chỉ có mỗi một Cửa Đại.
Thông tin nêu ra trong cuộc họp về “Tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung” tại trụ sở chính phủ ngày 7.11.2018 thì bờ biển từ tỉnh Nghệ An đến Bình Thuận có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km, trong đó khu vực sạt lở nghiêm trọng nằm ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Tác hại này, ít hay nhiều, đều có bàn tay của các nhóm lợi ích đằng sau các đập thủy điện. Chính chính quyền chứ không ai khác, đã a tòng với các nhóm lợi ích để phá đất, hại dân!
A tòng nhóm lợi ích hại dân
Có lẽ nếu làm đơn đăng bộ, miền Trung của Việt Nam hay tỉnh Quảng Nam sẽ được ghi nhận là khu vực có mật độ đập thủy điện cao nhất thế giới. Riêng Quảng Nam, số liệu tháng Sáu năm 2018 cho thấy chỉ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đã thực hiện đến 42 dự án thủy điện theo hệ thống bậc thang. Chính chính quyền quyền tỉnh này tạo mọi điều kiện dễ dãi để mời các nhà đầu tư thủy điện về tỉnh, bất kể sinh mạng và sự mưu sinh của hàng chục vạn nông dân và thị dân, bắt họ phải trả giá trong cả hai mùa mưa nắng!
Mùa nắng, các đập này ngăn nước gây khô hạn cho nông dân, khiến nguồn nước sinh hoạt của thị dân bị nhiễm mặn. Đến mùa mưa thì họ xả nước ồ ạt để bảo vệ đập gây nên tình trạng “lũ chồng lũ”, gây cảnh chết người chết, nhà trôi, mùa màng bị hủy diệt.
Thủy điện Đắk Mi4, huyện Phước Sơn là một trong những công trình như vậy. Năm 2007, thủy điện này chặn dòng sông Đắk Mi, tích hơn 500 triệu mét khối nước để phát điện. Lẽ ra, Đắk Mi4 phải trả nước lại dòng cũ sau nhà máy. Nhưng thủy điện này đã dẫn nước sang sông Thu Bồn để khai thác sự chênh lệch độ cao, tối đa hóa hiệu năng phát điện. Hậu quả là hàng triệu mét khối nước của sông Đắk Mi đã bị chuyển sang sông Thu Bồn, khiến Đắk Mi thành dòng sông chết.
Từ tháng 7 năm 2008, khi Thủy Điện A Vương bắt đầu chặn dòng Vu Gia thì cứ đến mùa hè là dân Đà Nẵng phải uống nước mặn. Từ đó đến nay Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần kêu cứu đến Bộ Tài nguyên – Môi trường, Chính phủ, thậm chí đâm đơn kiện tụng để giành nguồn nước mà nay vẫn chưa đâu vào đâu.
Nhưng không chỉ thị dân Đà Nẵng. Đến mùa nắng hàng chục vạn nông dân 2 bên sông Vu Gia lâm cảnh thiếu nước để canh tác và 300,000 héc ta đất ruộng có khi phải bỏ hoang. Trong tình cảnh này nhiều nông dân phải bỏ vào Nam mưu sinh, già cả thì đi bán vé số, trẻ trung đi làm thợ hay làm công nhân.
Nhưng đến mùa mưa thi họ lãnh đủ, thí dụ cảnh lũ chồng lũ vào cuối tháng 9 năm 2009 khi thủy điện A Vương “xả lũ theo quy trình”.
Ngày 26 và 27.9.209 cơ quan khí tượng đã dự báo tình hình bão lụt nhưng Thuỷ điện A Vương vẫn bình chân như vại. Họ sợ rằng nếu lỡ xả hết nước mà mưa không to, đến mùa hè lấy gì phát điện. Đến ngày 29.9.2009 giữa cảnh mưa bão đùng dùng, nước lũ cuồn cuộn tràn về, họ mới xin phép mở đập xả lũ.
Thoạt đầu, chính quyền tỉnh không đồng ý vì sợ sẽ đe doạ tính mạng của dân. Tuy nhiên lên từ trung ương là là phải “đảm bảo cơ sở vật chất của hồ chứa thuỷ điện, tránh gây vỡ hồ”.
Ở đây, nhóm lợi ích thủy điện đã bắt tay với cấp cao nhất, trong thời kỳ đó là Nguyễn Tấn Dũng!
Nhưng dầu có cái ô của thủ tướng, những con cá mập này cũng cố tình gian dối. Thông báo gửi tỉnh Quảng Nam, A Vương cho biết chỉ xả 14 triệu mét khối, xả từ 13 giờ 30 – 17 giờ ngày 29.9 với lưu lượng 1,000m3/s và từ 17h với lưu lượng xả 3,000m3/s. Chính quyền thì chỉ cho phép từ 13h-17h, sau đó tuỳ tình hình thực tế mới tiếp tục quyết định, cân nhắc. Trên thực tế thì A Vương đã xả nước hồ từ 15 giờ ngày 29.9 và đã xả tới… 149.3 triệu mét khối, nghĩa là cao hơn 10 lần.
Nước xả từ hồ chứa cùng với nước mưa từ trên trời đã đổ về xuôi, gây hoạ cho hàng chục ngàn gia đình và uy hiếp di sản Hội An. Hậu quả là gần như ngay sau đó, lúc chiều tối 29.9.2009, huyện Đại Lộc “chịu trận” vì nước lũ đổ về, dâng cao nhanh, bất ngờ. Tại Ái Nghĩa trên sông Vu Gia vượt mức lũ lịch sử năm 1998-1999. Khi hơn 30,000 gia đình tại Đại Lộc chìm sâu dưới nước lũ thì chính quyền huyện Đại Lộc liên tục cấp báo với lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, nhà máy vẫn thản nhiên việc xả nước, bất kể sinh mạng người dân.
Luợng nước khổng lồ này đã cùng nước mưa khiến các huyện, thành phố hạ lưu như Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Hội An ngập nặng, nhiều nơi lũ dâng vượt mức lũ lịch sử năm 1998-1999 dù lượng mưa không lớn, gây hậu quả thiệt hại vô cùng nặng nề.
Tuy nhiên ban giám đốcA Vương vẫn không bị động đến một sơi lông chân, khăng khăng là mình đúng bằng việc nêu ra “quy trình vận hành”.
Cứ cho là các nhà máy thủy điện xả lũ đúng quy trình, thế nhưng vấn đề là quy trình do chính phủ đặt ra đó đã sai từ đầu.
Năm 2012 xảy ra vụ chín gia đình ở huyện Nam Trà My kiện Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì đã tích nước gây ngập làm hư hỏng tài sản nhà cửa họ. Theo họ thì thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã làm tài sản như bàn ghế, giường ngủ, gỗ… hư hỏng, tổng số tiền thiệt hại của mỗi gia đình từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, do đó EVN phải bồi thường số tiền 1.7 tỷ đồng.
Tuy nhiên họ bị thua kiện vì chính quyền tỉnh Quảng Nam đã cho phép EVN.
Đầu tiên, Tòa án huyện xử EVN thắng, cho rằng dân của mình có trách nhiệm phải “di dời tài sản”. Không chịu, dân kiên lên tòa trên nhưng EVN cũng thắng vì tỉnh đã có công văn “cho phép” họ làm như thế.
Mưu sự tại quan, thành sự tại thiên
Đến đây chúng ta cần ôn lại một sai lầm mang tính “vĩ mô” mà các ông quan cách mạng đã gây ra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ thập nhiên 1980.
Mùa lũ tại ĐBSCL kéo dài từ tháng 7 cho đến cuối tháng 12, có thể chia làm ba giai đoạn.
– 1: kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8: nước lũ chảy vào các kênh mương thiên nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Giai đoạn này nước lên bình thường, không đáng báo động.
– 2: kéo dài từ tháng 8 đến tháng 9: đây là giai đoạn nước dâng lên cao nhất. Theo tiêu chuẩn do Ủy ban Quốc tế Sông Mekong (Mekong River Commission: MRC) thì nước lụt được xem là cao điểm khi mực nước sông Tiền ở Tân Châu lên cao hơn 4.2 mét, và mực nước sông Hậu ở Châu Đốc cao hơn 3.5 mét.
– 3: bắt đầu từ tháng 10 khi mực nước hạ thấp dần cho đến cuối tháng 12.
Theo quan niệm của họ thì để ngăn nước mặn tràn vào ruộng đồng hay ao hồ nuôi thủy sản thì tốt nhất là… đắp đê ngăn mặn, bao gồm những điểm sau:
– Tiếp tục nạo vét kênh mương, sửa chữa bờ bao, cống bọng, cống kiểm soát mặn.
– Đắp đập tạm thời vụ, theo dõi diễn biến mặn để có thể lấy nước tưới khi chưa có mặn.
– Ở những vùng đan xen lúa-tôm cần có kế hoạch đóng mở cống hợp lý, kiểm soát ranh mặn, có biện pháp kịp thời trong khống chế và ngăn chặn nước ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản.
– Hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc sông, xây dựng các cống ngăn mặn và lấy nước ngọt.
Từ giữa thập niên 1980, chính quyền cho nạo vét và mở rộng hệ thống kênh đào sẵn có, đào thêm kênh mới. Kèm theo là các công trình đê ngăn lũ kết hợp với đường giao thông cao để ngăn không cho nước lụt tràn vào các cánh đồng, giúp nông dân sản xuất được ba vụ và nhà nước… thu thuế nông nghiệp ba lần.
Từ đó suốt vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và các vùng khác đã xuất hiện một mạng lưới kênh chính và kênh phụ kết nối với nhau theo mục đích đó. Nhưng hậu quả không ngờ là đến mùa lũ chính hệ thống kênh đào thông suốt này đã dẫn nước lũ từ Cambodia tràn lãnh thổ Việt Nam sớm hơn, nhanh hơn, có cường độ mạnh hơn nhưng lại bí hơn.
Chỗ xả bí này nằm ở vùng trũng Đồng Tháp Mười. Nếu toàn bộ châu thổ sông Mekong có Biển Hồ để điều hoà mực nước giữa hai mùa mưa-nắng thì ĐBSCL có vùng trũng Đồng Tháp Mười.
Theo ước tính thì lượng nước từ Cambodia đổ vào đồng bằng sông Cửu Long ở khoảng từ 300 đến 400 tỷ mét khối nước trong mùa lũ. Với lưu lượng ở mức từ 50,000 đến 60,000 mét khối một giây, phần lớn lượng nước này sẽ dồn vào vùng trũng Đồng Tháp Mười tích tụ. Chờ đến khi mực nước lũ cạn dần thì lượng nước tích tụ ở đây sẽ theo các kênh mương và sông ngòi chảy ra biển.
Nhưng vì các hệ thống đê điều, đường sá đắp cao để làm “thủy lợi” nói trên, lượng nước từ Cambodia đổ vào Việt Nam bị ngăn lại, nước lũ chẳng thể nào dồn phần lớn vào vùng trũng Đồng Tháp Mười mà sẽ theo các kênh mương dồn về đe doạ vùng tứ giác Long Xuyên và các vùng khác: thủy lợi đã biến thành “thủy hại”.
Trong khi nước lũ không được tràn vào ruộng đồng để lắng phù sa, chúng lại bị hệ thống đê chống ngập mặn kia ngăn không cho thoát ra biển. Hậu quả là tác hại của lũ lụt càng dữ dội hơn nữa: mực nước ngập ngày càng cao hơn với thời gian ngập kéo dài hơn.
Tác dụng điều hoà của vùng trũng Đồng Tháp Mười không còn nữa nên thế cân bằng nước bị phá vỡ khiến đời sống và các cơ sở vật chất tại đây càng bị đe doạ: nhà cửa, trường học, đường sá, nhân mạng v.v… Ngoài ra, việc nước ngập cao và không thấp thụ phù sa sẽ đưa đến nhiều hậu quả về kinh tế và môi sinh: tình trạng này đã khiến hàng ngàn hecta tràm bị chết đứng.
Nó chung, hễ các quan cách mạng càng đưa ra nhiều ý tưởng “thay trời đổi đất”, người dân càng phải chiến đấu với nạn đói nghèo, càng đối diện với một tương lai bấp bênh, bất trắc.
Lê Trọng Hiệp