Việc Hồng Y George Pell bị kết tội xâm phạm tình dục trẻ em và bị giam gây ra nhiều phản ứng trái ngược nhau.
Những người chống đối ông đặc biệt là phe tả lấy làm hả hê, cho rằng mình đã tóm cổ được con mồi xưa nay “phe ta” vẫn không ngừng nhắm tới.
Ngược lại phe hữu vẫn ủng hộ Hồng y Pell và cho rằng ông cụ 78 tuổi bị hàm oan. Đại diện cho phe bảo thủ này có các cựu thủ tướng, John Howard, Tony Abbot và ông trùm truyền thông ở Mỹ và Úc Rupert Murdock.
Còn một phe nữa, đứng giữa, lấy con mắt chuyên môn để phân tích vụ án làm rung động dư luận, gây bàng hoàng trong giáo hội Công giáo. Nhóm này là các luật sư, chuyên gia về luật hình sự.
Theo tường trình của tờ Sydney Morning Herald, một số luật sư chuyên về hình sự cho biết họ rất ngỡ ngàng về việc Hồng Y Pell bị kết tội. Các luật sư này không muốn nêu tên tuổi trên báo.
Tại sao vậy?
Luật sư Greg Craven cũng là phó viện trưởng Viện Đại học Công giáo cho rằng đã có một chiến dịch bôi nhọ Hồng Y Pell trong thời gian điều tra của cảnh sát Victoria – Ông nêu đích danh Chỉ huy trưởng cảnh sát Victoria, Graham Ashton. Ông cho rằng cảnh sát Victoria cùng ăn cánh với một số ký giả, phóng viên đài ABC, trước kia làm việc cho các tờ báo của công ty Fairfax để đưa những thông tin bất lợi cho cụ Pell.
Chặng hạn Chỉ huy trưởng cảnh sát tuyên bố đang điều tra việc tố cáo xâm phạm tình dục của Hồng y Pell. Đáng lẽ cảnh sát không nên tuyên bố như thế. Kế đến là việc ký giả của ABC tên Louise Milligan xuất bản cuốn sách về Hồng y Pell nhan đề “Hồng Y: Bước thăng trầm của Hồng y George Pell” (The rise and fall of George Pell).
Tất nhiên cuốn sách này đưa ra những hình ảnh bất lợi cho cụ Pell.
Theo luật sư Craven đây là một chiến dịch bôi nhọ thanh danh của Hồng y Pell. Nhà xuất bản vội vàng cho ra đời cuốn sách này vào tháng 5 /2018 trước vụ xử.
Luật sư này muốn ngầm ý nói rằng những dư luận như thế sẽ ảnh hưởng đến phán đoán của bồi thẩm đoàn. Cũng theo ông Craven cảnh sát đã chuyển hồ sơ sang Công tố viện yêu cầu truy tố tới 3 lần. Nhưng Công tố viện trả lại hồ sơ, không truy tố. Cuối cùng cảnh sát áp lực bắt ép (forced) Công tố viện ra tay.
(They- Victoria’s prosecutorial authorities never determined to proceed. They returned the police brief three times, before the police forced the case to go forward. The Australian, 27 February 2018, page 7).
Đó là điều bất thường thứ nhất trong vụ án.
Theo các luật sư chuyên cãi về hình sự, ít có vụ án nào chỉ căn cứ vào lời khai của một người hoàn toàn không có kiểm chứng qua các lời khai của nhân chứng khác. Lại càng không có các bằng cớ căn cứ vào khoa học như các vụ án có thử nghiệm máu DNA.
Có lẽ vì những khác lạ nói trên, vụ án đã đưa tới một sự việc không bình thường khác. Đó là bồi thẩm đoàn trong phiên toà đầu tiên đã không đi tới kết luận nào. Tòa án phải sắp xếp một phiên xử thứ hai.
Linh mực dòng Tên (Jesuit Priest) cũng là một luật gia nổi tiếng, con trai một thẩm phán tối cao pháp viện viết một bài khá dài phân tích các sự kiện mà ông cho là không hợp lý trong vụ án Hồng Y Pell. (The Australian, 27 February 2019, trang 1 và 4).
Thứ nhất nạn nhân khai rằng trong khi đang có cuộc rước kiệu ở nhà thờ thì Hồng y Pell, lúc đó là Tổng giám mục Melbourne thình lình bỏ cuộc rước một mình đi vào phòng áo (là phòng bên trong nhà thờ, phía đầu nhà thờ, đàng sau bàn thờ, để vị chủ lễ mặc áo lễ hoặc thay áo lễ sau khi cử hành lễ).
Theo linh mục Brennan và các giáo dân khai với Toà thì không có vị chủ tế nào lại bỏ ngang đám rước, đi vào phòng áo một mình.
Sự kiện thứ hai là nạn nhân khai rằng trong khi còn đang mặc lễ phục thì Hồng y Pell kéo dương vật ra, đưa vào miệng nạn nhân (0ral penetration).
Theo linh mục Brenan và những người phụ giúp nghi lễ, thì phẫm phục của một giám mục khi hành lễ rất là trang trọng, dầy cộm, gồm nhiều lớp thường phải có người phụ giúp khi mặc vào hoặc cởi ra. Không vị chủ lễ nào có thể dễ dàng kéo dương vật ra ngoài qua bao lớp áo dầy cộm.
Luật sư Brenan cho là kỳ lạ khi nhân chứng khai Hồng y Pell đã có những hành động trên khi cửa phòng áo mở toang và ai cũng có thể nhìn thấy.
Ông cũng nêu lên một sự kiện rất đáng chú ý. Đó là cảnh sát không hề xem xét về áo lễ của Hồng y Pell.
Theo Việt luận trích đăng tin tức về việc các luật sư của cụ Pell kháng cáo, một trong những lý luận của họ là Hồng y Pell đã không có cơ hội xuất hiện để khai trực tiếp tại phiên toà. Quan toà chỉ để bồi thẩm đoàn nghe ông cụ khai với cảnh sát qua video. Có thể luật sư của cụ tính toán rằng với lối nói bộc trực, với thái độ đầy tự tin, lại bị báo chí phe tả bôi bẩn, luật sư không muốn cụ đối mặt với bồi thảm đoàn.
Năm 1981 khi tôi mới định cư tại Úc, có một vự án làm rung động nước Úc. Lyndy Chamberlain bị kết tội giết con gái nhỏ. Cô một mực cho rằng chó sói đã bắt con cô khi đi cắm trại.
Nhưng bồi thẩm đoàn nhất quyết cho rằng cô đã giết con. Vì thế cô ngồi tù.
Sau này những bằng chứng khoa học đã cho thấy qủa thực chó sói đã tha con cô đi. Cô được trắng án.
Một vụ án khác tại New South Wales cũng khiến một phụ nữ nằm tù oan trên 10 năm, cô Rose Catt.
Cô này bị bồi thẩm đoàn cho là có tội giết chồng. Bằng cớ là cảnh sát tịch thu được một khẩu súng dấu dưới gầm giường của cô.
Sau này viên cảnh sát phụ trách điều tra vụ án trong một bữa nhậu say đã nói với anh bạn nhậu rằng “chính tao đã vứt khẩu súng vào gầm giường để làm bằng cớ”.
Thế là người bạn nhậu trình báo sự việc. Cô Rose Catt được trắng án.
Việc bồi thẩm đoàn đưa ra những quyết định sai lầm là chuyện bình thường trong sinh hoạt pháp lý tại Úc. Người Việt mình có thể nói đó là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Trong phiên toà xử Hồng y Pell ông chánh án tuyên bố rằng bị cáo một mực kêu oan. Ông chánh án nói thêm rằng Hồng y Pell có quyền nói như thế, tức cho rằng mình vô tội.
Vì vậy các luật sư của cụ Pell đã kháng cáo. Chúng ta chờ kết qủa của Toà Thượng thẩm vào tháng 6 năm nay.
Nếu quả tình Hồng y Pell bị kết tội oan, thì nỗi oan này quá lớn, nặng ngàn cân đè lên đôi vai của ông lão tuổi đời đã 78. Hồng y Pell sinh năm 1941 tại Ballarat, Victoria.
Nỗi oan đó quá sức chịu đựng của một vị giữ phẫm trật cao nhất của Giáo hội Công giáo Úc.
Nỗi oan đó hiện đang như nhận chìm Toà thánh Vatican vì Hồng y Pell là nhân vật quan trọng thứ ba của Vatican.
Nếu quả tình Hồng Y Pell bị kết tội oan, thì nỗi oan này mang đậm màu sắc tôn giáo. Ví thế, là người Việt ta có thể gọi nỗi oan khiên này là nỗi oan Thị kính.
Luật Sư Trần Hữu Trung
Sydney 29/03/2019.