Theo bản tin của Tân Hoa xã Trung Cộng thì hôm Thứ Tư 10/4 vừa qua, dàn khoan dầu khí lớn hàng thứ nhì của họ là Dongfang 13-2 CEPB (Đông Phương) đang trên đường di chuyển đến khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam, cách Đồng Hới 44.4 hải lý, cách Đà Nẵng 100 hải lý – tức địa điểm nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đi kèm theo dàn khoan Dongfang 13-2 là 3 tàu hộ tống và 50 tàu đánh cá có vũ trang.
Dàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB do tổ hợp liên doanh Zhuhai COOEC (China’s Offshore Oil Engineering Company) và Fluor Heavy Industries Co. Ltd. xây dựng, theo Tân Hoa Xã “nặng 17,247 tấn, tương đương với sức nặng của 10.000 chiếc xe hơi và diện tích bề mặt tương tự như một sân banh”.
Vẫn theo tin này thì “dàn khoan Dongfang 13-2 CEPB được đưa tới khu vực bồn trũng Yinggehai (Oanh Ca Hải) để dò tìm dầu khí và dự trù bắt đầu hoạt động từ tháng 06/2019”. Nhiều bản tin không chính thức khác mô tả dàn khoan Đông Phương rất lớn và nằm sát bờ biển Việt Nam, gần đến nỗi chỉ cần bằng mắt thường ngư dân có thể nhìn thấy cả một tòa nhà khổng lồ nổi trên biển Quảng Trị.
Yinggehai (Oanh Ca Hải – cũng là tên một thành phố bờ biển phía Tây của đảo Hải Nam, Trung Cộng) là khu vực bồn trũng có tiềm năng chứa nhiều dầu khí nằm trong vịnh Bắc phần, khoảng giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì gọi địa điểm này là bồn trũng Sông Hồng, dựa trên các nghiên cứu khoa học về cấu tạo địa tầng của khu vực.
Ngay từ năm 2012, hãng thông tấn Reuters đã loan tin, Vương Nghi Lâm – Chủ tịch của Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Trung Cộng (CNOOC) đã báo cáo về mỏ khí đốt thuộc bồn trũng Oanh Ca Hải (Yinggehai) nằm giữa vịnh Bắc Bộ, đối diện huyện Lạc Đông, tỉnh Hải Nam, Trung Cộng, đối diện với đảo Cồn Cỏ, Việt Nam (tính theo điểm phân định số 21).
Bản tin này khiến người Việt nhớ lại biến cố trước, cách nay 5 năm -từ đầu tháng Năm đến giữa tháng Bảy 2014- Trung Cộng đã kéo dàn khoan nước sâu Hải Dương 891 tới dò tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và cũng nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Lúc đó đã bùng nổ nhiều cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc chống dàn khoan Hải Dương 891 nhất là các vụ biểu tình bạo động xảy ra ở khu kỹ nghệ Bình Dương và Sài Gòn, gây khá nhiều thiệt hại cho các công ty Trung Quốc (kể cả của Đài Loan và Singapore) đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Điểm khác biệt lần này là, trái với chuyện dàn khoan Hải Dương 891 năm 2014, lần này dàn khoan Đông Phương không phải là chuyện giương oai, hù dọa mà là chính thức Trung Cộng đưa vào vận hành và khai thác tại chỗ ngay tại bờ biển Đồng Hới, Quảng Trị của Việt Nam.
Tuy công khai đưa dàn khoan vào sát bờ biển Việt Nam, xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam nhưng ngược lại Bắc Kinh thường xuyên ngăn chặn mọi hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam, viện cớ những nơi đó nằm trong phạm vi “chủ quyền” của Trung Quốc mà họ tuyên bố theo các vạch 9 đoạn nối lại (quen gọi là hình Lưỡi Bò) chiếm hơn 80% diện tích biển Đông, ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Luật Biển Quốc Tế (UNCLOS) mà cả Trung Cộng và Việt Nam đều là thành viên công nhận.
Hồi tháng Ba năm 2018, hợp đồng dò tìm dầu khí Việt Nam ký với công ty Repsol tại dự án Cá Rồng Đỏ ngoài khơi biển Đông tại lô số 07/03, thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km đã phải dừng đột ngột dưới áp lực của Trung Cộng. Một năm trước khi ép Hà Nội phải hủy bỏ dự án khai thác Cá Rồng Đỏ, Bắc Kinh đã gọi thầu quốc tế cho 22 dự án dò tìm dầu khí trên Biển Đông.
Căn cứ trên bản tin chính thức của thông tấn xã nhà nước Trung Cộng, cũng như hàng loạt bản tin tràn lan trên báo chí và trang mạng tại Trung Quốc, công luận chứng kiến cảnh Trung Cộng công khai hành xử như thể là chủ nhân của vùng biển Đông Việt Nam, trắng trợn vi phạm ngay cả cái gọi là “hiệp định phân định ranh giới chủ quyền trên biển và vịnh Bắc phần” đã ký với Cộng sản Việt Nam, khi tin tức, hình ảnh dàn khoan Dongfang 13-2 CEPB tiến vào vịnh Bắc phần với hàng chục tàu chiến, tàu bán quân sự hộ tống diễu võ dương oai ngay gần khu vực thành phố Huế và Đồng Hới. Tin tức được đưa liên tục như một chiến thắng về mặt chủ quyền trong khi về phía CSVN thì từ thông tấn xã nhà nước, hệ thống truyền thông (chính thức và không chính thức) do nhà nước quản lý thì đều im hơi lặng tiếng.
Trước đó, báo chí Việt Nam loan tin, vào ngày 7/4, lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã phun vòi rồng, phát loa đẩy nhiều tàu đánh cá vũ trang trá hình dẫn đầu cho dàn khoan trong vùng biển Tây Bắc đảo Bạch Long Vỹ. Tuy nhiên -như hầu hết tin tức phía Việt Nam loan tải- tin này không được kiểm chứng.
Ngay cả Bộ Ngoại giao CSVN, cái loa rè của chế độ, cho đến nay vẫn chưa thấy lên tiếng, dù trước sau gì cũng chỉ là giọng văn rên rỉ, bất lực nhàm chán “rất lấy làm quan ngại”.
Chủ quyền Việt Nam ngay trên vùng biển của mình có còn (sót chút nào) không?
Việt Luận