Việt Luận (VL): Trước hết ông có thể cho biết mục đích chuyến đi Úc của ông lần này?
Ông Lê Minh Nguyên (LMN): Thưa anh và thưa quý độc giả Việt Luận, chuyến đi Úc lần này của tôi nhằm mục đích vận động sự quan tâm của quần chúng cho một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam, cũng như vai trò của người Việt hải ngoại trong công cuộc chuyển đổi lịch sử này. Ở hải ngoại tức bên ngoài môi trường Việt Nam thì vai trò của chúng ta nên như thế nào, chúng ta nên làm gì để tạo dấu ấn lịch sử khi cuộc tranh đấu cho dân chủ pháp trị đang càng ngày càng rạng đông ở phía chân trời.
VL: Một cách ngắn gọn, ông có thể trình bày cho mọi người biết quan điểm, đường hướng đấu tranh của đảng Tân Đại Việt hiện nay?
LMN: Thưa anh, quan điểm của đảng Tân Đại Việt là xây dựng các định chế dân chủ pháp trị cho Việt Nam, nó có thể là một chế độ tổng thống hay một chế độ đại nghị tuỳ sự chọn lựa của nhân dân. Các chế độ này đã trãi qua thử thách lịch sử và cho thấy đó là các chế độ hữu hiệu nhất trong các thể loại để xây dựng quốc gia dân tộc. Đường hướng tranh đấu của đảng Tân Đại Việt là vận động quần chúng trong nước đứng lên làm một cuộc cách mạng dân chủ. Vận động để chuẩn bị và sẵn sàng là điều kiện cần, khi nào lực lượng đàn áp của tầng lớp cai trị bị chia rẽ hay tê liệt xảy ra thì đó là điều kiện đủ, và sự hổ trợ của các quốc gia dân chủ là để tạo thêm trớn hay momentum. Nếu đảo chánh xảy ra trước khi có cách mạng dân chủ thì đảng Tân Đại Việt sẽ tìm cách khai thác động tính này tìm cách lái nó về hướng xây dựng các định chế dân chủ pháp trị.
VL: Theo ông tình hình thế giới hiện nay có những thuận lợi bất lợi như thế nào đối với công cuộc tranh đấu dân chủ cho Việt Nam?
LMN: Thưa anh, tình hình thế giới hiện nay có những thuận lợi chiến lược mà trước kia không có. Tuy nhiên, nó cũng có những bất lợi chiến thuật mà tôi nghĩ chỉ tạm thời. Về lợi thế chiến lược, Mỹ không còn coi Trung Quốc là công dân tốt trong cộng đồng thế giới nữa khi Trung Quốc trừng lên để trở thành siêu cường. Hiện có sự nhất thống ở Mỹ ở cả hai đảng, hai viện quốc hội, bộ quốc phòng, các viện nghiên cứu chiến lược, truyền thông báo chí và dân chúng Hoa Kỳ là Trung Quốc đe doạ hoà bình và an ninh thế giới, Trung Quốc không phải là công dân tốt nên cần ngăn chận, chiến tranh lạnh đang bắt đầu xảy ra. Hơn nữa, không phải chỉ riêng Hoa Kỳ mà rất nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới có cùng quan điểm. Trung Quốc lãnh đạo khối độc tài cộng sản mà CSVN là đàn em, cho nên CSVN đang đi vào giai đoạn bị chia rẽ, càng ngày càng khó có thể đu dây, họ phải chọn bên, chọn Trung Quốc dễ xảy ra cách mạng, chọn Hoa Kỳ dễ xảy ra đảo chánh. Về bất lợi chiến thuật, hiện giờ vấn đề dân chủ nhân quyền không được quan tâm nhiều và CSVN đàn áp thẳng tay hơn với các án tù nặng nề hơn.
VL: Kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 2016 với chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” (America First), theo ông chính sách ngoại giao này có gây trở ngại cho công cuộc tranh đấu dân chủ cho Việt Nam không?
LMN: Thưa anh, chính sách ngoại giao của Tổng Thống Trump theo tôi có cộng có trừ, cộng là Mỹ đang muốn ngăn chận và be bờ Trung Quốc trên mặt trận chính trị và an ninh, trừ là rút ra khỏi TPP tạo chân không trên mặt trận kinh tế để cho Trung Quốc thao túng qua Vành Đai Con Đường và khối 16 nước RCEP hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đang đi vào hoạt động trong năm nay. Về công cuộc tranh đấu cho dân chủ VN, đó là công việc của chúng ta như tôi có trình bày bên trên, gió thuận thì thẳng tiến đi nhanh hơn, gió nghịch thì đi zic zac dù có chậm nhưng vẫn tiến tới. Nếu chúng ta cùng quan tâm và cùng tham dự vào công cuộc tranh đấu dân chủ thì tôi nghĩ tổng thống nào của Hoa Kỳ cũng đều ủng hộ chúng ta cả, nhưng không có chuyện họ làm giùm cho chúng ta.
VL: Theo ông, đâu là những vấn đề lớn nhất của đất nước Việt Nam hiện nay?
LMN: Thưa anh, vấn đề lớn nhất của đất nước là người dân có thực sự tham gia quyết định vận mạng của dân tộc hay không, tức có được một thể chế chính trị thích hợp cho sự vận dụng sức mạnh toàn dân, việc thoát Trung chỉ có thể thực hiện được bằng cách này, như Mã Lai trong cuộc bầu cử vừa qua. Yêu nước thì chúng ta ai cũng yêu nước cả, nhưng những tấm lòng ấy cần được thể hiện bằng sức mạnh của một chính quyền do dân mà ra. Cho nên vấn đề lớn là xây dựng dân chủ pháp trị, từ đó đất nước giải quyết được vấn đề thoát Trung, bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, làm sạch môi trường, tái xây dựng văn hoá giáo dục đã bị cộng sản làm cho hư hỏng.
VL: Ông đánh giá thế nào về các tổ chức, phong trào tranh đấu tự do dân chủ, quyền xã hội dân sự cho Việt Nam hiện nay?
LMN: Như anh biết, trong tất cả các quốc gia cộng sản, chủ nghĩa của họ không cho phép có tổ chức, nhất là tổ chức chính trị, họ phải đập tan như CSTQ đập tan Pháp Luân Công hay CSVN đập tan Hội Đồng Công Án Bia Sơn, hay Hội Anh Em Dân Chủ, hay Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết của anh Lưu Văn Vịnh. Về xã hội dân sự, vì CSVN có ký khế ước đồng ý với Mỹ cho nên họ không dám công khai đàn áp nhưng kín đáo cản trở, gây khó khăn và kiểm soát chặc chẽ. Cho nên, không thể trách các tổ chức này tại sao yếu kém cũng như không thể thuần túy dựa vào các tổ chức này để thay đổi chế độ mà phải dựa vào quần chúng trong giai đoạn phát pháo và các tổ chức sẽ là bộ xương cho phong trào trong giai đoạn tiếp theo. Quần chúng là nước, CSVN là thuyền, nước chở thuyền nhưng nước có khả năng nhận chìm thuyền.
VL: Theo ông người Việt hải ngoại có thể đóng góp được gì cho công cuộc tranh đấu dân chủ cho Việt Nam hiện nay?
LMN: Thưa anh, người Việt hải ngoại rất quan trọng cho công cuộc tranh đấu dân chủ Việt Nam, nhưng quan trọng ở vai trò không phải là diễn viên trên sân khấu, mà là vai trò làm phong, dựng cảnh, viết tuồng và làm cho cách mạng xảy ra. Người Việt hải ngoại là hậu phương lớn cho đồng bào trong nước, có khả năng giúp đỡ từ vật chất đến kỹ năng xây dựng quốc gia dân tộc. Nếu mỗi người Việt hải ngoại qua điện thoại thông minh xây dựng cộng đồng với người trong nước theo nguyên tắc 3-5, tức kết nối thân tình với tối thiểu 3 người và tối đa 5 người trong nước, duy trì được mối quan hệ lâu dài và khắn khít, rồi theo nguyên tắc này mà xây dựng cộng đồng cấp hai, cấp ba…theo hình kim tự tháp thì người Việt hải ngoại có thể xây dựng được một khối quần chúng vĩ đại ở trong nước. Cùng lúc, người Việt hải ngoại tạo sự thức tỉnh (awareness) để người trong nước quyết định nên làm gì khi các tinh tú thẳng hàng của một vận hội mới cho đất nước mở ra.
VL: Ông đến Úc lần này đúng vào dịp Tháng Tư Đen, theo ông, người Việt, nhất là những người, những tổ chức đang đấu tranh giành lại quyền làm người cho Việt Nam nên rút ra bài học gì từ thất bại lịch sử 30 tháng 4, 1975?
LMN: Thưa anh, từ thất bại 30 tháng 4, 1975, theo tôi có những bài học rút ra sau đây:
Bài học thứ nhất, cuộc tranh đấu cho dân chủ VN là cuộc tranh đấu của chúng ta, không ai làm giùm cho chúng ta cả, không nên trông chờ ai đó bật đèn xanh, người ngoài đến VN vì quyền lợi của họ và ra đi cũng vì quyền lợi của họ, nếu họ đến thì chúng ta nên tận dụng họ trong tinh thần tự chủ, chuẩn bị cho việc họ ra đi mà chúng ta không bị hụt hẫng.
Bài học thứ hai, chính đáng tính không thể để ai đó lấy đi, làm cho chúng ta bị mất, mất chính đáng tính là mất dân. Venezuela hiện nay ông Guaido muốn thành công thì phải giữ cho được chính đáng tính, quần chúng tiếp tục ủng hộ ông chấp nhận xuống đường biểu tình rầm rộ, cùng việc các lực lượng đàn áp quay về với ông hay đứng thờ ơ mới giúp ông thành công.
Bài học thứ ba, đấu tranh dân chủ là đấu tranh chính trị, nên để cho những người dân chủ lãnh đạo, không nên để cho quân nhân hay lãnh tụ tôn giáo lãnh đạo, bởi vì họ được đào tạo để lãnh đạo các định chế độc tài. Người cộng sản họ có thể dỡ trong vấn đề xây dựng quốc gia dân tộc, nhưng họ rất giỏi trong chính trị đoạt quyền, muốn thắng họ trong cuộc tranh đấu cho dân chủ, chúng ta cần những nhà lãnh đạo dân chủ.
Và bài học thứ tư là không bỏ cuộc, thắng thua không phải là thất bại, bỏ cuộc hay đầu hàng mới là thất bại.
Việt Luận cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này và chúc ông đạt nhiều kết quả trong chuyến đi Úc..