Một năm người có mười hai tháng,
Ta trọn năm dài một tháng Tư!
Đã 44 năm tính từ ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử.
Trong suốt 44 năm ấy, rất nhiều người miền Nam cứ đến ngày 30/4 lại ngậm ngùi với nỗi đau của mình, của gia đình và của cả đất nước.
Trong suốt 44 năm ấy, những người CS cầm quyền ở Việt Nam vẫn lải nhải một giọng hãnh tiến bỉ ổi và tàn ác, vẫn tung hô, ăn mừng “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng miền Nam”, “ngày thống nhất đất nước”.
Người CSVN hân hoan với thành tích “chiến thắng, giải phóng, thống nhất” cái gì?
“Chiến thắng” với cả hơn 4 triệu (?) người phải bỏ mạng trong cuộc chiến nhân danh chủ nghĩa không tưởng? “Chiến thắng” với hàng trăm ngàn người liều mình tìm tự do đã bỏ mạng trong rừng sâu, trên biển cả? “Chiến thắng” với hơn 3 triệu người chấp nhận lìa xa quê hương, gia đình họ tộc sống lưu vong?
“Chiến thắng”ấy vẻ vang vì là chiến thắng trên xác người cùng da vàng máu đỏ”?
“Giải phóng” một nửa đất nước đang trên đường xây dựng, phát triển kinh tế, đang đứng trên cả những quốc gia lân bang trong vùng Đông Nam Á (dù ngày đêm vẫn phải hứng chịu đạn bom)? “Giải phóng” gần 20 triệu người đang sống trong cảnh cơm no, áo ấm, được học hành, được quyền nói lên ý nghĩ, ước mơ để đưa họ đến “thiên đường của đói nghèo, thiếu thốn từ miếng ăn, tấm áo đến cả những ước mơ bình dị, đơn giản nhất của một con người”? Như Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã chứng nghiệm bằng chính mồ hôi, máu và nước mắt:
“Đảng dìu dắt thiếu nhi thành trộm cướp
Giải phóng đàn bà thành đĩ, thành trâu
Giúp người già bằng bắt bớ rể dâu
Và cải tiến dân sinh thành xác mướp”
Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 30/4 là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại tổ chức kỷ niệm cái-gọi-là “ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” bằng các lễ mít tinh, duyệt binh, ra sức biến ngày này thành một ngày được-người-dân-hân-hoan đón chờ vì là ngày nghỉ lễ, có hội hè, ca múa, pháo bong…
Thế nhưng đối với đại đa số đồng bào người Việt sống ở hải ngoại, và càng ngày càng rất nhiều người ở trong nước – cả miền Nam lẫn miền Bắc- thì đấy là “ngày đau thương, ngày quốc hận”; là nỗi đau mãi-mãi-khôn-nguôi!
Hiển nhiên đó là nỗi đau của người dân miền Nam sau biến cố 30/4/1975, và đó là những sự thật không thể chối cãi, không thể bị bôi xóa. Đó là nỗi đau của người dân một quốc gia (Việt Nam Cộng Hòa), với chính nghĩa sáng ngời, với tinh thần nhân bản đã bị cưỡng chiếm một cách đau đớn, tức tưởi. Đó là nỗi đau của hàng triệu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa đã phải chấp nhận bị đày đọa, trả thù trong các trại tập trung, lao tù cưỡng bách. Đó là nỗi đau của hàng nhiều triệu người mẹ, người vợ, con cái của họ phải gánh chịu thân phận bị kỳ thị, phân biệt đối xử trăm bề cay đắng vì bị gắn nhãn hiệu “thân nhân, gia đình, con cái ngụy quân ngụy quyền”.
Nếu không có những nỗi đau nhục ấy thì đã không có hàng trăm ngàn người phải liều mình tìm đủ mọi cách bỏ nước ra đi, vượt biên, vượt biển chỉ vì không thể cố sống nổi – dù cho hèn mọn – trên quê hương mình. Nếu không có nỗi đau ấy thì cả trăm ngàn người đã không phải thành oan hồn uổng tử nằm trong bụng cá dưới đáy biển sâu…
Nhưng ngày 30/4/1975 cũng chính là bước ngoặt và đưa tới một nỗi đau tột cùng cho những người bên kia vĩ tuyến 17, từ những người đến nay vẫn mù quáng tin tưởng cho đến cả những người “bị” ép buộc đứng vào hàng ngũ của “kẻ thắng cuộc”, với mỹ từ “anh dũng chiến đấu để giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược”.
Nỗi đau lớn nhất của họ đến một cách âm ỉ, dồn nén và với nhiều người “đau đến độ không nói lên được” khi nhận thực được cái ảo tưởng chính nghĩa và lý tưởng đã bị tan vỡ như bọt nước khi họ thấy và va chạm với thực tế của một miền Nam có 21 năm sống dưới thể chế tự do dân chủ!
Họ cay đắng bừng tỉnh khi tai vẫn bị bắt nghe những bài tụng ca cũ kỹ “đất nước sạch bóng quân thù, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” nhưng mắt họ chứng kiến bức tranh toàn cảnh hôm nay của đất nước Việt Nam dưới bộ máy cai trị độc tài, chuyên chế, thối nát của đảng cộng sản: “sự toàn vẹn lãnh thổ không còn, đất đai, hải đảo, lãnh hải bị mất và bị xâm phạm nghiêm trọng; khối nợ cao gấp đôi, gấp ba GDP và không có khả năng thanh toán; mọi giá trị đạo đức, nền tảng xã hội bị băng hoại và phá hủy hoàn toàn; sự dồn nén cùng cực của tất cả mọi tầng lớp nhân dân…” Hiện tình Việt Nam hôm nay đang nguy hơn bao giờ hết; về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn mà vẹn toàn lãnh thổ, tham nhũng và nợ công là chính; về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương, vì bọn lãnh đạo chỉ đặt quyền lợi riêng của cá nhân, bè đảng để cam tâm xem quyền lợi ngoại bang lên trên quyền lợi và sự tồn vong của dân tộc.
Đó chính là nỗi đau chung của toàn thể 90 triệu người Việt trong nước và hải ngoại.
Hiển nhiên rằng cứ ôm chặt và gặm nhấm nỗi đau không phải là giải pháp cứu vãn đất nước. Nhưng một vết thương -dù nặng đến đâu- cũng có thể được chữa lành để cơ thể hồi phục nếu chúng ta biết và dám nhận diện nguyên nhân gây nên cái thương đau ấy để có phương cách chữa trị.
Việt Luận