Một năm người có mười hai tháng.
Ta chỉ riêng mình một tháng tư
(Thanh Nam)
Đã 44 năm qua, người Việt Nam tha hương mỗi năm chỉ có riêng mình toàn tháng Tư. Tháng trống hốc vì nhớ đến nước: nước đã mất. Nói đến nhà: nhà đã tan.Nghĩ tới đồng bào: đồng bào phải vùng vẫy vì gông cùm đỏ.
Những chiến sĩ gãy súng trong tháng Ba cách đây 44 năm nay người đã về bên kia núi, người còn lại tóc không còn xanh như thủa oai hùng nữa. Ai đã từng cầm súngthì không chết – mà chỉ tàn phai. (Lời của tướng Douglas MacArthur). Tàn phai theo màu áo trận. Thế thôi. Phần người còn lại như thể mãnh hổ trong lời thơ của Thế Lữ:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua. (Thơ ThếLữ)
Trong ngày tháng của nửa đời sau có ‘tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn’; có ‘kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới: ‘ta làm gì cho hết nửa đời sau?’ (Tho Cao Tần)
Trong cơn đau của người mất nước, người Việt Nam lòng nhủ lòng ‘còn lâu mới quên niềm đau này’. Đừng ai nghĩ ‘chuyện cũ đã 44 năm – khơi lại chi cho mệt; vùng vẫy lắm rồi cũng chẳng làm được gì!’. Nói vậy tức là chưa mở lại trang sử ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây của người Việt Nam.
Năm -111 vua Vũ Đế nhà Hán xua quân xuống phía Nam, chiếm lấy nước Nam Việt. Lạc hầu, Lạc tướng lâm vào thế yếu đành phải chịu cảnh mất nước. Nhà Hán cai trị châu thổ sông Hồng và dùng Nam Việt làm bàn đạp buôn bán với các nước Đông Nam Á. Không chịu được cản hnước mất nhà tan, Hai Bà Trưng đã hô hào 65 thành trì trong các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đứng lên khởi nghĩa. Ngọn lửa độc lập này chỉ lóe lên trong ba năm. Từ năm 40 đến 43. Đáng nói ở đây là lửa của người Việt Nam vẫn còn đó sau gần trăm năm nô lệ người Hán. Trăm năm sau khi Hán Vũ Đế thắng cuộc ở Nam Việt mà vẫn còn Hai Bà Trưng. Vậy thì 44 năm quả là chưa muộn.
Khi ngọn lửa Hai BàTrưng bị dập tắt, nước nhà một lần nữa phải nô lệ người phương Bắc. Lần này kéo dài đến 500 năm (43-544). 500 vẫn chưa muộn để Lý Bí khởi nghĩa và lập nên nhà Tiền Lý cho Việt Nam. Nhà Tiền Lý kéo dài chưa bao lâu thì lần thứ ba Việt Nam lại bị nô thuộc phương Bắc. Lần này kéo dài gần 300 năm cho đến khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng.
Trong ngàn năm nô lệ giặc Tàu kể trên, không biết bao nhiêu người đã lên tiếng phản đối, bất chấp cường quyền hay dấy quân khởi nghĩa. Những Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh, Lý Thức Hiền chống giặc phương Bắc đã tạo cảm hứng cho Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… vùng lên chống thực dân Pháp. Nối tiếp các danh tính lẫy lừng kể trên, hiện nay là những người dân thấp cổ bé miệng ở Thủ Thiêm, Lộc Hưng,… đau cái niềm đau bị mất nước ở ngay chính quê hương mình, bị đuổi khỏi nhà ở ngay đất tổ của cha ông mình.
Người ở trong nước phải chặt từng nấc xiềng mới có thể vung cánh tay đòi lẽ phải. Phải luồn lách khỏi trùng trùng vòng vây của bọn bò vàng mới có thể tìm đến bên nhau để gầy lên ngọn lửa tranh đấu. Trong khi đó, người ở ngoài nước có nhiều cơ hội hơn để thổ lộ cõi lòng tan nát của người mất nước.
Năm nay, người Việt Nam tại Úc không ngại đường xa đến trước hang ổ của cường quyền Hà Nội nói lên nỗi lòng của đồng bào đang bị bịt miệng. Đây là việc phải làm để chứng minh tình đồng bào của đàn con mẹ Việt Nam ở ngoài nước đối với người ở trong nước.
Kế đến, rất đông người Việt Nam tề tựu trước Đài Tưởng Niệm Các Lực Lượng Chiến Đấu Trong Chiến Tranh Việt Nam (The Australian Vietnam Forces National Memorial) toạ lạc bên Anzac Parade, thủ đô Canberra. Buỗi lễ đã diễn ra thật trang nghiêm và cảm động. Xin cám ơn ban tổ chức và ghi nhận sự đóng góp của rất nhiều người cho buổi lễ đầy ý nghĩa này. 500 chiến binh Úc và ba triệu đồng bào Việt Nam được ngậm cười nơi chín suối.
Bên cạnh hai cơ hội hiếm có giúp cho chúng ta nói lên cõi lòng kể trên, nhiều nơi khác tại Úc đã tổ chức nhiểu lễ nghi. Ở Sydney và Melbourne có đêm thắp nến cho Ngày Quốc Hận 30/4 tại Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng, Bonnyrigg và Đền Thờ Quốc Tổ, Sunshine. Ở Brisbane có lễ tưởng niệm ngày Quốc hận 30-4-1975 với nghi thức đặt vòng hoa nhớ tới anh hùng vị quốc vong thân. Hiển nhiên, Việt Luận còn phải kể thêm biết bao cuộc lễ, lời cầu nguyện, phút chia sẻ tâm tình của người Việt chúng ta khi niền đau mất nước bị khơi lại.
Niền đau này đã dài 44 năm mà còn lâu chúng ta mới quên.
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây mà cha ông chúng ta vẫn chưa quên niềm đau mất nước. Huống hồ 44 năm…
Việt Luận