Khải Đơn
4-4-2025
Khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam hai ngày trước, tôi tự hỏi mình phải làm gì?
Ta có nhiều cách để “hiểu” hàng rào thuế quan mà chính phủ Mỹ áp lên những quốc gia trong danh sách mà họ cho rằng có thâm hụt thương mại lớn.
Tôi không phải người làm kinh tế, vì vậy, bài viết này thể hiện dưới góc độ người lao động bình thường, với hiểu biết hạn chế và đang cố gắng hiểu thêm những gì xảy ra sắp tới.
Đầu tiên, khả năng cao con số 46% sẽ là doạ dẫm, vì tối nay Tô Lâm đã có điện đàm với Donald Trump, chơi theo cách thông thường Trump làm hai tháng qua, là kêu áp thuế thật cao, xong sau đó đợi đối phương xuống nước hoặc đáp ứng điều kiện nào đó (như Mexico đã làm), sau đó sẽ lùi thời gian áp thuế, hoặc giảm con số này xuống ở một số mặt hàng. Trong cuộc điện đàm này, Tô Lâm “cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng nhập từ Việt Nam.”
Thông tin này rất quan trọng, vì vậy nếu bạn quan tâm đến thuế quan, bạn sẽ cần phải cập nhật nhóm mặt hàng sẽ bị đánh thuế hay thuế thay đổi ra sao (cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu), chứ không thể dùng một con số duy nhất để “phán” toàn bộ gương mặt của tác động. Cũng như vậy, các con số này dường như sẽ thay đổi trong 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng tuỳ theo cách chính phủ VN sẽ thương thảo ra sao với Mỹ. BạnJogging Minh có viết một bài tôi đọc được, tôi nghĩ là sẽ giải quyết phần nhiều kiến thức ban đầu bạn cần biết về thuế quan Mỹ áp lên Việt Nam.
Tôi nghĩ việc cập nhật thông tin chính xác quyết định trực tiếp đến cách bạn ra quyết định với công ty của gia đình, doanh nghiệp nhà bạn, hoặc đơn giản là giúp bạn suy nghĩ về câu hỏi lúc này mình có nên nghỉ việc không, hay mảng nào mình có thể xin việc thuận lợi. Bạn cần quan tâm đến MẢNG/NGÀNH/CHUỖI sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mình và lối sống của mình, chứ không phải dạng bình luận mang tính chê trách hay xỉa xói hoặc thần thánh hoá lãnh tụ. Các dạng bình luận chia phe (rạch ròi trắng hay đen) có thể khiến người đọc ra quyết định sai trong giai đoạn quan trọng.
Ví dụ, ngay sau khi có quyết định áp thuế 46% với Việt Nam thì giá cổ phiếu Nike lập tức giảm 14%, lý do là vì Việt Nam sản xuất khoảng 50% giày cho Nike và 30% quần áo Nike bán. Con số này cũng sẽ gây khó khăn cho các công ty sản xuất giày, quần áo khác bán tại Mỹ vì ngành hàng dệt may là một trong những nhóm sản phẩm lớn Việt Nam xuất đi Mỹ. Một ví dụ tương tự là với Intel hay Samsung, các công ty này cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu thuế xuất 46% xảy ra, vì sản phẩm của họ nằm trong nhóm lớn nhất xuất khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm máy tính, hàng điện tử nằm trong nhóm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam đến Mỹ năm 2024.
Đọc đến đây thì bạn sẽ thấy thật vô ích nếu ta đọc các bài báo chửi chính phủ Việt Nam ngu, không hiệu quả hay không biết đàm phán trong vài tháng ngắn ngủi vừa qua. Vì nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản xuất, xuất khẩu và thị trường lớn (nơi có nhiều tiền để tiêu xài) lại là Mỹ. Đồng thời vô số các nhà máy sản xuất gia công cho thương hiệu Mỹ lại ở Việt Nam vì lịch sử vài chục năm qua các thương hiệu như Nike, Adidas… đều nhắm tới đặt nhà máy hoặc thuê gia công ở các quốc gia có giá lao động rẻ như Việt Nam (sản phẩm xuất đi chính là số lớn “xuất khẩu” mà ta ghi nhận với Mỹ). Ví dụ này giúp ta hiểu, vào lúc này, chửi bới hay đổ lỗi là loại nội dung sẽ không có ích cho bạn lắm. Bởi nhiều biến số trong tác động này không do chính quyền Việt Nam quyết định cấp tốc tại thời điểm này. Tất nhiên, đổ lỗi về tầm nhìn xa ta vẫn có thể đổ lỗi (ví dụ như vẫn coi lao động giá rẻ là sản phẩm ưu thế, hay không đa dạng thị trường xuất khẩu… nhưng ta cũng có thể thấy mức thuế này ra đời cũng từ hành vi khó đoán tức thời của Donald Trump chứ không phải lỗi gì của chính quyền Việt Nam).
Tuy nhiên cũng ở ngành công nghệ, nếu sản phẩm như điện thoại Samsung hay chip của Intel có thể bán về Mỹ với giá cao hơn (dân Mỹ mua giá mắc) vì thuế, gây lo ngại vì sản xuất ở Việt Nam không còn ưu thế giá rẻ nữa, thì những sản phẩm “mềm”, dịch vụ công nghệ, các công ty công nghệ, có thể lại không chịu tác động nhiều, vì không nằm trong nhóm “hàng hoá”. Vậy nếu bạn làm kỹ sư IT trong các công ty phần mềm, dịch vụ IT, có thể bạn sẽ không lo lắng quá mức sẽ bị giảm sản xuất hay mất việc, trừ khi công ty của bạn đang cung cấp dịch vụ trực tiếp cho Intel hay Samsung.
Trên đây là một ví dụ để bạn có thể tìm cách diễn giải và trả lời câu hỏi: Mình và công việc gia đình mình, ngành sản xuất của doanh nghiệp gia đình mình, hay công ty mình đang làm việc có thể sẽ gặp khó khăn ra sao? Chúng ta đang sống trong một chuỗi (global supply chain) và để hiểu tác động của “cánh bướm” bên kia địa cầu đập vung vãi sẽ gây ra cơn bão ở đâu, cách khó khăn và tốt nhất là bạn dành thời gian tìm hiểu về những sợi dây liên đới trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Tương tự, bạn cũng sẽ nhận ra là không có câu trả lời hoàn toàn giống nhau về tình hình ở các ngành khác nhau (dịch vụ/sản xuất) hoặc sản xuất gì, hoặc bạn cung cấp dịch vụ cho ai. Tự bạn sẽ phải đi tìm câu trả lời cho chính mình cùng với những đồng nghiệp hay bạn cùng ngành.
Một con số đã bị diễn giải nhầm khác là “À Việt Nam mình đánh thuế Mỹ tới 90% thì bị Mỹ đánh thuế 46% là đáng đời rồi còn gì!” – Ý kiến này cực kỳ phổ biến trên Facebook. Một số người lấy ví dụ là thuế Việt Nam đánh vào nhập khẩu xe hơi Mỹ. Tuy nhiên, thông tin này không đúng. Thuế suất trung bình Việt Nam đánh vào hàng Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 9,4% (theo WTO). Tuy các con số khác nhau ở từng mảng sản phẩm, thuế nhập khẩu xe hơi từ 9 chỗ trở xuống với sản phẩm từ Mỹ và Châu Âu là khoảng 70-80%, nhưng không có nhóm sản phẩm nào đến 90% như bảng biểu trung bình mà Trump đưa ra. Ví dụ này cho bạn thấy, một con số được nhà lãnh đạo cao cấp của một quốc gia đưa ra vẫn có thể không chính xác, và khi ta nghe đủ loại bình phẩm dựa trên con số sai này, thì các bình phẩm đó sẽ giúp bao nhiêu cho bạn?
Vậy những gì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn?
1. Việc làm:
Nếu bạn là Gen Z hay nhỏ hơn, bạn sẽ hiểu điều này khá rõ, là không có nghề nào ở yên một chỗ vĩnh viễn. Tôi biết có nhiều bạn đã làm đa dạng đầu việc, tiết kiệm bằng nhiều cách hoặc đầu tư nhiều chỗ. Nhưng nếu bạn là 8x như tôi, đã quen có một nghề ổn định, mỗi ngày đều làm việc y chang và có thu nhập tốt, thì lúc này có lẽ là lúc bạn sẽ nhìn nhận lại việc làm sẽ không “đứng im” như 5-10 năm trước. Nhận thức sâu sắc về điều này sẽ khiến bạn ít sốc hơn, và cũng dũng cảm hơn nếu buộc phải thay đổi phần nào đó của công việc. Bạn có thể tìm thấy vài bài đọc về chủ đề này ở đây, hoặc ở đây hoặc comment ở dưới cho mọi người cùng tham khảo về chủ đề này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ mất việc. Bạn có thể tăng cường giá trị của bản thân trong cùng vị trí hay việc bạn đang làm. Nói cách khác, bạn phải làm nhiều đầu việc hơn, nhận trách nhiệm lớn hơn, hoặc ứng dụng cải tiến mới nào đó tiên phong cho việc bạn đang làm. Mục đích là để bạn trở thành nhân sự không thể thay đổi hoặc sa thải vào thời khó khăn. Điều này về mặt cá nhân sẽ rất có ích cho bạn, vì bạn đã tăng giá trị bản thân trong công việc (nghĩa là nếu cần đi xin việc mới thì bạn cũng cao giá hơn :D). Nhưng điều này cũng không đảm bảo bạn sẽ không mất việc nếu như ngành hàng/công ty của bạn gặp khó khăn thực sự vì không có đơn hàng do thuế suất quá khắc nghiệt gây ra
Bạn cũng phải cảnh giác với các hình thức khác nhau của lừa đảo việc làm. Khi càng có nhiều khó khăn về việc làm, thì lừa đảo việc làm càng hung hãn và đa dạng vì rất nhiều người cần việc. Tôi ở trong một group các bạn freelance về nghề viết thường tìm việc. Trong khoảng hai năm gần đây, số post tuyển dụng là lừa đảo nhiều hơn số việc tuyển dụng thật. Có hai kiểu lừa đảo rất dễ hiểu hay xảy ra:
a. Lừa bạn làm các việc vô cùng không tạo ra giá trị gì cả (ví dụ như đặt dùm phòng khách sạn, hay mua sắm dùm cho đủ KPI) , sau đó lừa bạn nộp tiền để lấy hoa hồng. Càng nộp nhiều bạn càng mất nhiều. (Kiểu này sử dụng cách gần giống với các app chỉ chơi đánh bạc, gửi tiền lấy lãi…)
b. Lừa bạn đi làm THẬT – nhưng là làm nô lệ/nhân viên bị ép buộc ở một công ty đánh bạc, scam nào đó ở Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia. Có một bạn làm kỹ sư CNTT từng kể tôi nghe trong một tuần bạn nhận được hơn 20 lời mời ứng tuyển kỹ sư cho các công ty ở Thái, Philippines trên LinkedIn, nhưng cứ hỏi sâu hơn về vị trí thì càng hỏi càng lộ ra đây là dạng tuyển dụng lừa đảo có thể dẫn đến việc bắt cóc vào các công ty scammer ở biên giới Myanmar. Đáng nói, các loại việc làm dạng này giờ đã mở rộng đến cả sales, phiên dịch, kỹ sư công nghệ, admin quản lý phòng/bộ phận, copywriter chứ không phải như cách ta quen nghĩ về các dạng việc lừa đảo là “việc nhẹ lương cao” như báo chí đưa tin. Bạn có thể xem thử bộ phim Trung Quốc No More Bets nói về quy trình bị lừa này. Bộ phim được nhiều nhà báo đánh giá là đã làm rất rất gần với hiện thực mà các nạn nhân mô tả lại sau khi được giải cứu.
2. Tiêu xài:
Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra, thì năm 2009 ở Việt Nam là năm tôi tốt nghiệp đại học. Tôi vẫn còn nhớ thời điểm đó, có một lần bạn tôi đã nói là tiền nhà và tiền ăn của cô đã tăng thêm 2/3 trong hai tháng qua, dù cô không tiêu xài gì thêm. Lúc đó, chi phí ăn uống tăng nhanh đến mức chúng tôi có thể thấy túi tiền mình hết nhanh ra sao. Tôi không có ý định so sánh thuế quan với khủng hoảng tài chính, nhưng hệ quả cuối cùng một người lao động chịu thường khá giống nhau trong các cơn bão này: mất việc, ít việc (thu nhập giảm), chi phí ăn uống mua sắm tăng (hoặc không có tiền để mua). Vậy bạn có thể làm gì?
Tiêu xài vừa phải trong khả năng kiếm được và có tích luỹ cho rủi ro: Nếu trước đây bạn đi cafe 5 ngày/tuần, thì thử đặt câu hỏi nếu bạn pha cafe cầm đi làm hay ngồi ở văn phòng/nhà làm thì sao? Nếu trước đây bạn mua sắm quần áo, giày dép hai tuần/lần thì giờ thử về xem lại tủ quần áo, giày dép xem, có thể bạn có thể giảm xuống còn 2 tháng/lần. Tiết kiệm luôn là phương thức tất cả các bài báo về tài chính cá nhân hướng dẫn khi tình huống bên ngoài không lường trước được hoặc có thay đổi liên tục. Quần áo, giày dép, cà phê, nhậu, tiệc tùng… là những thứ đầu tiên bạn có thể cắt bỏ. Tình hình càng khó khăn thì nỗ lực kiểm soát chi tiêu càng phải nghiêm túc để giúp bạn vượt qua với sự bình tĩnh. Chi xài vừa phải phù hợp với thu nhập còn giúp bạn giảm bớt các nỗi hoảng sợ về tiền bạc (như nợ nần, không đủ tiền ăn, không đủ tiền nếu bị bệnh…). Các nỗi sợ này thực ra gây hại rất nhiều đến sức khoẻ nói chung.
Mua sắm khôn ngoan hơn: Là phụ nữ, tôi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày vì có bạn đời. Tôi để ý mỗi lần đi mua thuốc tránh thai như sau: Ở Thái Lan, nhân viên bán thuốc sẽ bày lên bàn 7-8 thương hiệu họ có, từ đồ Thái đến đồ ngoại nhập, nêu giá, chỉ cho tôi xem chỗ ghi hợp chất, và hỏi tôi muốn chọn cái nào. Ở Mexico (do tôi ở các đô thị nhỏ), tiệm thuốc sẽ đưa lên loại rẻ nhất là loại do Mexico sản xuất, sau đó hỏi tôi có thích “đồ Mỹ”, “đồ Đức” không thì mới lấy ra cho xem ( thường đắt hơn 2-3 lần). Ở Sài Gòn, người bán thường đưa cho tôi loại đắt nhất (175 ngàn đồng – 230 ngàn đồng) khi tôi hỏi có sản phẩm của Ấn Độ hay Việt Nam không thì giá giảm xuống còn…15 ngàn đồng/vỉ.
Tại sao tôi lại chọn loại rẻ nhất, có phải vì tôi không quan tâm tới sức khoẻ không? – Nếu bạn cầm tờ thông tin của tất cả các loại thuốc trên lên đọc, bạn sẽ phát hiện ra các loại dược chất liệt kê trong đó gần giống nhau, thường chỉ có vài công thức phổ biến. Thuốc tránh thai trên toàn cầu đều chỉ dựa vào vài công thức và vì vậy chúng sẽ giống nhau dù sản xuất ở nước nào.
Nhân viên hiệu thuốc ở Sài Gòn có lần nói với tôi chị đừng xài loại Việt Nam, dễ ứ nước tăng cân lắm. Thường phụ nữ nghe tăng cân sẽ sợ và mua ngay loại đắt có chức năng bổ máu này nọ (như cô dược sĩ quảng cáo). Tuy nhiên, tôi biết ứ nước/tăng cân là tác dụng phụ TẤT CẢ các loại thuốc tránh thai có thể gây ra. Bạn sẽ phải lắng nghe cơ thể khi xài, chứ không phải mua loại đắt hơn vì tin rằng nó sẽ không gây ra tác dụng phụ. Còn bổ máu là dạng “truyền thuyết truyền miệng” do các cô bán hàng thêm vào, vì với loại 28 viên, 7 viên còn lại là giả dược (là viên thuốc không có thuốc gì cả), nó chỉ có tác dụng giúp người dùng nhớ dùng theo thói quen không làm họ quên và có thai ngoài ý muốn.
Sự khác biệt về giá tiền bạn trả khi mua loại thuốc trên có thể gồm tiền thuế nhập khẩu (khác nhau tuỳ theo nước và có thể kèm tariff – nếu có) và các chi phí khác. Nhất là các sản phẩm ngoại nhập, xách tay (nhất là từ Mỹ) sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại thuế này, nên việc hiểu về các tác động đến từng loại hàng hoá mới có thể giúp bạn ra quyết định mua sắm đúng đắn.
Tôi từng thấy có các ông bà lớn tuổi đòi con cháu phải mua Vitamin C nhập từ Mỹ chứ nhất quyết không chịu mua Vitamin C loại rẻ ở Việt Nam bán ngoài nhà thuốc. Quan niệm cho rằng “đồ Mỹ là tốt nhất”sẽ quyết định đến việc bạn chọn hàng mắc hay rẻ (dù bạn biết Vitamin C không khác nhau dù ở Mỹ hay Việt Nam). Mua sắm khôn ngoan hơn đòi hỏi bạn phải tự trang bị kiến thức nhiều hơn những gì mình cần mua để biết có những loại sản phẩm không thực sự khác nhau dù sản xuất ở đâu và hiểu số tiền mình chi ra bao nhiêu % sẽ là gánh nặng từ thuế (nếu tariff làm hàng tiêu dùng ở Mỹ tăng giá, khi “xách tay” về đến VN đương nhiên cũng sẽ không rẻ hơn).
Mua sắm khôn ngoan hơn cũng đồng nghĩa với việc bạn KHÔNG TIN vào những quảng cáo gần như phi thực tế như “Một viên kẹo bằng một đĩa rau” (135 ngàn hộp kẹo Kera đã được bán ra vì nhiều người tin như vậy) và các sản phẩm về sức khoẻ. Những thông tin “quá tốt tới mức xạo sự” này là thứ khiến bạn cần phải chậm lại, không đặt hàng ngay, và tìm cách hiểu nó là gì trước khi mua. Bởi nếu bạn ăn/dùng không đúng, tiếp theo bạn có thể phải chịu hậu quả sức khoẻ (là tiêu nhiều tiền hơn vì rủi ro sức khoẻ) trong thời thắt lưng buộc bụng.
Không sử dụng hoặc bỏ thẻ tín dụng: Bạn có thể kể 1000 lợi ích khi có thẻ tín dụng. Tôi có thể kể 3 điều hại khi có thẻ tín dụng: (1) Tôi luôn “tự tin” mua sắm trước khi mình kiếm ra số tiền đó; (2) Tôi quên trả nợ đúng hạn dẫn đến bị phạt nợ quá hạn; (3) Tôi phải đóng tiền lãi (RẤT CAO) nếu không thể trả hết toàn bộ số đã tiêu trong 45 ngày.
Tôi thì dốt toán, vì vậy để giảm hết rủi ro có thể gây ra cho bản thân, tôi đã huỷ thẻ tín dụng của mình sau khi trả hết mọi loại phí và nợ. Tôi làm việc này ngay thời gian xảy ra dịch Covid-19 và luôn cảm thấy biết ơn người bạn đã khuyên tôi điều này. Vì trong vài tháng đầu khi chưa có nhiều việc ổn định lại, tôi cũng không bị bức bách tới mức lên mạng mua sắm loạn xạ trong cơn căng thẳng. Cắt bỏ thẻ tín dụng đã cắt bỏ toàn bộ nguy cơ tiêu xài quá mức của tôi. Nhưng cách làm này của tôi sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn rất giỏi về quản lý tiền bạc, tài chính cá nhân, và khi đó bạn sẽ có lựa chọn khác thậm chí có thể sinh ra thu nhập vì có dòng tiền tạm thời xoay vòng để làm gì đó.
3. Có sức khoẻ là rẻ nhất:
Với tôi có sức khoẻ là rẻ nhất. Trước đây, hàng tháng tôi phải bỏ tiền đi bệnh viện để khám/tái khám viêm đốt sống cổ, đau lưng, đau đầu gối, nhức nửa đầu. Số tiền thuốc và số lượng thuốc hàng tháng tôi dùng rất nhiều. Khi tôi có thể cắt bỏ hết tất cả các phần thuốc và tiền khám bệnh này, bỗng nhiên tôi nhận ra thu nhập của mình cũng không tệ lắm. Để cắt bỏ chi phí chữa bệnh thì tôi phải hết bệnh, hết đau. Từ khi tôi chịu tập thể dục hàng ngày (miễn phí, dùng Youtube tập theo), tôi đã không còn đau nửa đầu, không còn thừa cân, đau đầu gối. Đến cả viêm đốt sống cổ và đau cột sống cũng biến mất. Với tôi, có sức khoẻ tốt đã giúp tôi cắt bỏ hết các loại tiền chi vào bệnh viện, phòng khám do các căn bệnh thường trực gây ra. Vậy nếu bạn đang rất sợ tình hình này sẽ ảnh hưởng đến bản thân hay gia đình mình, buổi tối đi làm về, bạn hãy xỏ giày đi ra sân chung cư chạy bộ với vợ, với bạn trai, với hàng xóm, và từ đó tiếp tục chọn các thói quen mới miễn phí có thể giúp bạn khoẻ hơn (đứng dậy vung tay xoay hông sau mỗi 30 phút ngồi gõ máy tính, uống đủ nước, ăn ít mặn lại, ăn ít ngọt lại, ăn ít đồ chiên lại, tự nấu ăn mang đi làm).
4. Bạn cảm thấy mất hướng và lo sợ về thế giới ngoài kia:
Hai ngày nay tôi đọc được hàng trăm bài viết diễn giải về thuế suất 46% ở đủ cung bậc: ca ngợi, cảm xúc, hạnh phúc, căm tức, giận dữ, hoảng loạn… thứ mà dân mạng làm tốt nhất khi có biến cố xảy ra. Một tuần trước khi có động đất ở Myanmar, sau một đêm ngủ dậy, toàn bộ newsfeed của tôi đã là các… chuyên gia về địa chấn, các loại đứt gãy của trái đất. Ví dụ trên cho thấy bên cạnh việc được chia sẻ và tận hưởng hiểu biết của toàn nhân loại, bạn cũng phải bơi trong một bể của những sự xạo lol không khoan nhượng.
Tôi biết một số bạn trẻ của mình cảm thấy lo sợ. Lo sợ thực ra là điều tốt, khi sợ bạn thường dành thời gian để… ẩn nấp. Điều này có thể bạn chậm lại để suy nghĩ xem phải làm gì lúc này. Một số bạn nhân lúc sợ hãi quá mức có thể bắt đầu tìm hiểu thật kỹ xem những sợi dây mơ rễ má của thuế suất kiểu này sẽ kéo chân mình ra sao trong công việc, tiêu xài hàng ngày. Vậy nỗi sợ thực sự là có ý nghĩa nhất định trong giai đoạn khó khăn khó lường.
Nhưng nếu bạn … sợ quá và lại lên Instagram hay Tik Tok để swipe điên cuồng nhiều giờ thì thực sự nó cũng không có ích lắm để chuẩn bị tinh thần cho bạn trong vài tháng, vài năm tới. Nó có thể giúp bạn ẩn nấp cho tới khi bạn đã chậm chân mất rồi mà vẫn chưa chuẩn bị gì để đón những khó khăn sắp ập tới.
Bạn không nên cảm thấy khốn cùng. Bởi khốn cùng là cảm giác kinh dị nhất khiến ta không thể đứng dậy và phản ứng gì với điều sắp xảy tới.
Trong năm 2009, một tháng nọ, tôi đã xài hết tiền đi làm mà vẫn còn 1 tuần nữa mới hết tháng (vì các chi phí đột ngột tăng lên). Tôi rất sợ hãi. Hôm đó, khi nằm ở phòng trọ tôi đã bật khóc, vì cảm thấy mình như món của nợ của mẹ. Nếu tôi điện thoại về xin tiền, chắc chắn mẹ tôi sẽ cho. Nhưng mẹ tôi cũng phải làm việc kiếm tiền mà, tại sao tôi đã trưởng thành rồi còn đẩy khó khăn lên mẹ như vậy.
Sau khi khóc hết buổi chiều, tôi bèn dậy đi bộ, nhìn khắp các cột điện gần nhà trọ của mình ở Quận 10, sau đó ghi lại hết các số điện thoại tìm gia sư. Lúc đó tôi đã đi làm và không còn làm gia sư nữa (tôi cũng ghét việc dạy học), nhưng hôm đó đã vượt qua sự khó chiều của bản thân, gọi hết cho một mớ số điện thoại, và tìm được một gia đình cách chỗ tôi trọ khoảng 2km đang tuyển người dạy tiếng Anh và môn Văn cho một cô bé lớp 10. Vậy là tôi dạy cô bé đó thêm 2 buổi tối/tuần, cộng với tiền lương là tôi có thể trang trải đủ sinh hoạt lúc đó, không còn sợ đến mức oà khóc nữa.
Mãi một năm sau tôi mới nghỉ dạy thêm vì lúc đó có thêm việc trong ngành mình làm. Khi nhớ lại, lúc tôi chịu “xuống nước” đi tìm việc làm mình không thích, tôi đã giải quyết được sự khủng hoảng khốn cùng của mình ngay lúc gấp gáp.
Bạn không thể nào thay đổi một số sự không lường trước trong cuộc sống. Bạn có thể rúc đầu vào cát (xoè tay xin tiền cha mẹ, ẩn nấp trong tôn giáo hay những giải thích vĩ mô) hay tự mình cố gắng trèo qua quả đồi mà ai cũng phải trải qua.
Có thể bạn còn nhớ thương chiến nhiệm kỳ trước của Trump, khi các dự báo cả thế giới đều khó khăn, thì Việt Nam hưởng lợi một phần vì một số nhà máy sản xuất của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thương chiến đã chuyển qua sản xuất ở Việt Nam, dẫn đến Việt Nam có nhiều đơn hàng hơn, nhiều nhà máy nhỏ mới được lập… Dù sự tích cực đó là tạm thời, nó cho thấy không phải ai cũng trở thành nạn nhân tồi tệ nhất của một giai đoạn khó khăn.
Nhưng nói gì thì nói, có hiểu biết, sợ hãi và bình tĩnh thì vẫn tốt hơn là sợ hãi, mù mờ, và ăn theo những luận giải vô căn cứ và tràn đầy căm ghét, thù hận kiểu Mỹ, thù hận kiểu chia phe trên mạng.
Nguồn: Tiếng Dân