Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin tại Đông Nam Á

Triệu Hằng

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (ảnh: Shutterstock).

Trung Quốc đang sử dụng nguồn cung vắc-xin Sinovac Biotech của mình để tăng cường sức ảnh hưởng ở Đông Nam Á trước thềm lễ nhậm chức dự kiến của ông Joe Biden vào tuần tới, theo Nikkei.

Nhằm thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến công du đến thăm 4 nước Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines.

Tại cuộc họp báo với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi hôm thứ Tư (13/1), ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp vắc-xin cho Indonesia.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã được tiêm liều vắc-xin Sinovac đầu tiên ngay tại phủ tổng thống ở Jakarta trong cùng ngày, trở thành người đầu tiên đươc tiêm vắc-xin tại đất nước 274 triệu dân.

Chính phủ Indonesia cho đến nay đã nhận được hơn 3 triệu liều vắc-xin Sinovac từ Trung Quốc và tính đến thứ Ba (12/1), đã có 1,2 triệu liều được phân phối trên toàn quốc. Lô hàng tiếp theo gồm 15 triệu liều vắc-xin cũng đã được nhập khẩu trong tuần này.

Indonesia đã ký một thỏa thuận mua khoảng 230 triệu liều vắc-xin với Sinovac, Novavax và Liên minh vắc-xin toàn cầu COVAC Facility của Tổ chức Y tế thế giới. Chính phủ cũng đang đàm phán để bảo đảm mua được 50 triệu liều vắc-xin mỗi loại từ hai hãng dược phẩm AstraZeneca và Pfizer.

Chính phủ Indonesia ước tính sẽ cần khoảng 427 triệu liều cho 270 triệu người dân.

Tại Myanmar, ông Vương Nghị hứa sẽ cung cấp cho nước này 300.000 liều vắc-xin Sinovac.

Vắc-xin Covid của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại do có hiệu quả thấp hơn so với tuyên bố, theo một báo cáo gần đây. Giới nghiên cứu Brazil xác định vắc-xin chống Covid-19 của Tập đoàn Sinovac Biotech chỉ đạt hiệu quả 50,4% thay vì 78% như công bố trước đó.

Đại diện Viện nghiên cứu sinh học Butantan ở Brazil cho biết tỷ lệ 50,4% đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, các quan chức Bộ Y tế Brazil cho rằng tỷ lệ này gây nhiều lo ngại. “Chúng tôi phải chờ Cơ quan Quản lý Y tế Brazil đánh giá”, một quan chức Bộ Y tế Brazil cho biết.

Các nhà phân tích cho biết tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Coronavac là thấp nhất trong số các loại vắc-xin Covod-19 được các tập đoàn dược phẩm toàn cầu tung ra.

Chuyên gia Yanzhong Huang thuộc Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) mô tả hiệu quả của vắc-xin Sinovac là “đáng thất vọng”. Các loại vắc-xin của những công ty phương Tây như Pfizer-BioNTech và Moderna đều đạt hiệu quả trên 95%. Nga cho biết vắc-xin Sputnik V đạt hiệu quả 91% effective. Sản phẩm của Đại học Oxford (Anh) và AstraZeneca đạt hiệu quả 70%.

Related posts