Má quê hương!

Hồi thời Trung học, một giáo sư Việt Văn của tui là người Việt gốc Hoa nên rất ‘khoái’ chữ Tàu. Giảng một từ Hán Việt nào là thầy tui hay cầm cục phấn, chớ không phải bút lông, vẽ lăng quằn lít quỵt một đống lãi của Trạng Quỳnh lên bảng. Đám học trò ngơ ngơ ngác ngác; không đứa nào biết cái gì hết ráo?

Tui cứ thầm nghĩ trong bụng là tiếng Việt mình chưa hiểu hết thì mắc mớ chi mà học chữ Tàu, chữ Hán hè? Còn nhỏ quá nên tui chưa cần ‘Hán’ (không ‘g’). Sau nầy gẫm lại, tui thấy nghĩ vậy là sai bét; vì tiếng Việt mình có quá nhiều chữ vốn là từ tiếng Hán nên ông Thiều Chửu mới soạn ra từ điển Hán Việt đó chớ?

Nói nào ngay, tui cũng hơi ‘khoai khoái’ thơ văn Tàu như mấy câu thơ của Đỗ Phủ:“Áo bông gán nợ qua ngày. Quán ven sông, rượu khướt say mới rời. Vẫn thường uống chịu đấy thôi. Xưa nay bảy chục tuổi đời hiếm hoi!” (Già rồi mà vẫn là dân chơi thứ thiệt) dĩ nhiên ca dao của quê mình tui khoái hơn rất nhiều. Khoái chí tử nên có lần nhờ thầy cắt nghĩa dùm câu ca dao:“Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”. Xôi nếp một là dẻo số một; đường mía lau là nó ngọt kể số gì. Nhưng chuối ba hương là chuối gì vậy cà? Tui chỉ nghe chuối già, chuối xiêm, chuối sứ, chuối cau, chuối hột, chuối tiêu… hầm bà lằng chuối; chớ chưa nghe chuối ba hương. Thầy tui nói: “Hỏng biết”. Tui không biết tiếng Hán; thầy không biết tiếng Nôm! Vậy là huề.
Sau nầy nằm gác chưn lên trán, tui thấy chuối ba hương không phải là tên chuối mà là nải chuối dú trong khạp da bò, đốt tàn ba cây hương, là nó chín tới, thơm hết biết.

***

Nhắc Má của ta, tui lại nhớ tới bài ‘Lòng Mẹ’ của nhạc sĩ Y Vân (1933-1992). Hình ảnh một từ mẫu thức đến quá nửa đêm giặt áo cho con ở phông tên công cộng xóm lao động Bàn Cờ và bản nhạc Lòng Mẹ, điệu Slow, ton La thứ, theo nhịp võng ru con ra đời. “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương”. Rồi sau 75, nhạc trên đài phát thanh và truyền hình độc quyền cầm cho Quốc Hương mắc võng tòn teng trên ‘Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây’ xong tuột xuống cái rột để đêm nay hành quân ra mặt trận.

Nhạc vàng ủy mị bị cấm. “Vì không ai đánh mà rên” như lời quan tuyên huấn dè bỉu!). Ngay cả Khánh Ly với Ca dao Mẹ chung chung của Trịnh Công Sơn (1939-2001). “…Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình. Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong. Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương. Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù.” cũng bị kêu dẹp dẹp!

Rồi khoảng năm 1980, bà con mình thuở đó có đi qua Bắc Mỹ Thuận hoặc Bắc Cần Thơ, Bắc Vàm Cống nghe Tuấn Vũ, ca sĩ hải ngoại, theo các băng ‘cassette’ nhét trong món quà dành cho quê hương. làm mưa làm gió trên mấy cái máy cassette. “….Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi. Để con, còn đi gìn giữ cho đời. Đã mang trong lòng kiếp con người. Phải thương nhau hoài chớ quên lời. Mong một ngày mai chan hòa đất mẹ niềm vui …Chiều nay lối về đất mẹ là đây. Đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy. Có nghe đêm trường tiếng ai cười. Có nghe đêm trường tiếng ru hời. Suối lệ đoàn viên giữa lòng đất mẹ triền miên.” Lối Về Đất Mẹ của Duy Khánh (1936-2003)

Để đua với Tuấn Vũ, mấy ‘quan anh’ đưa em Bảo Yến (và Nhã Phương là cựu học sinh Đoàn Thị Điểm Cần Thơ đó nhe) ra chào hàng với những bài hát của Hoàng Phương (1943-2002) gọi là Nhạc Gò Công.

“Dưới nắng hồng, tôi đi giữa, Gò Công. Đất như cao, trời như thấp lại. Trong khoảng không, trên sóng biển chập, chùng. Chỉ còn lại, dáng mẹ hiền, Gò Công.”

“Mẹ là tình, mẹ biển Đông.Yêu nước dòng, sông Cửu Long, Trong gian nan, giông bão, bao ngày/ Thời gian in, sương trắng, mái đầu.”

Rồi “Trùng khơi, con sóng thì thầm, từng đêm như lời mẹ… ru. Tình yêu… quê hương thiết tha. Tình yêu non sông gấm… hoa! Đất nước ơi ngày vui thái bình. Nay con về nghe tiếng đàn mẹ ru!” (Ngày vui thái bình; non sông gấm hoa mà bà con ta ùn ùn nhào ra biển?).

Lâu lâu, Bảo Yến cũng cho ông Trịnh Công Sơn ké vô một tụ ‘Huyền thoại Mẹ’.

Anh đi mau qua bến Bắc Cần Thơ để về Cà Mau vượt biển nên tui chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu: “Mẹ về đứng dưới mưa che từng căn hầm nhỏ. Xóa sạch vết con về, mẹ ngồi với cơn mưa…Mẹ là nước chứa chan, trôi giùm con phiền muộn. Cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan.” (Má của tui là thứ thiệt chớ không phải là Mẹ ‘huyền thoại’ của ông Trịnh Công Sơn)

Ban ngày ban mặt, mấy quán cơm trên hai bờ Bắc còn e dè ‘chơi’ Bảo Yến hát nhạc Gò Công; chớ trời sâm sẩm tối, và hơi khuya khuya là xả giàn ‘chơi’ Tuấn Vũ hát nhạc hải ngoại không hè. Nghĩa là em Bảo Yến không thể nào ‘địch’ cho lại anh Tuấn Vũ, ca sĩ Việt kiều Mỹ. He he.

***

Chúa Nhựt, 12 tháng Năm năm 2019 tới là Mother’s Day, ngày Hiền mẫu;

Tui cũng có Mẹ mà tui kêu bằng Má! (Chớ hỏng lẽ tui từ đất nẻ chui lên?). Tui thương Má tui cũng như mấy ông Tây mình thương ‘Mommy’ mình vậy.

Má tui hổng phải là Mẹ Gò Công của Hoàng Phương hay Huyền thoại Mẹ của Trịnh Công Sơn. Má tui là Má của một thằng từng mặc áo lính, thất trận đi tù. Tui ở tù Má đi thăm nuôi. Tui tù về, Má đưa tui ra biển. “Đêm ác mộng nhớ ngày năm cũ. Đưa con buồn, vàm, ngã ba sông, xót Má xa con, trời vần vũ, đêm mịt mùng Má sợ bão giông”.

Má là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau. Má là quê hương! Quê hương là Má! Giờ Má tui mất rồi! Không trả hiếu được ngày nào hết trơn hè.

Mất Má rồi từng tuổi đi chăng nữa tui vẫn là một đứa bé mồ côi.

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne

Related posts