Chân tướng Đỗ Mười

Đỗ Mười đã quy tiên và đang được ca ngợi cùng biện minh rầm trời. Một loạt các bài ca ngợi hay biện hộ hay đến đâu cũng không thể nào xóa nhòa hai vết nhơ thiên cổ của y là phá nát tiềm lực kinh tế miền Nam bằng chiến dịch đánh tư sản năm 1976 và đẩy đất nước vào thời kỳ “tân Bắc thuộc” sau Hội nghị Thành Đô 1990.

Để khách quan thì tốt nhất là hãy nghe những người từng gọi Mười là “đồng chí” hạch tội y,

Trong “Lời phát biểu bổ sung góp ý vào bản dự thảo báo cáo chính trị của ĐH10” viết ngày 28.6.2005, “lão thành cách mạng” Đặng Văn Việt đã “hạch tội” Mười:

 “Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay là 30 năm. Trong ấy có 10 năm khủng hoảng – 20 năm đổi mới. Sau 1975, miền Nam được giải phóng, ta tiếp quản một vùng kinh tế còn nguyên vẹn không bị tàn phá, được Mỹ đầu tư, xây dựng trong 20 năm. Vận dụng đường lối theo chủ nghĩa Mác-Lênin: xoá bóc lột, xoá tư hữu, tất cả là quốc doanh, là tập thể tổng bí thư Đỗ Mười đã chỉ đạo tiến hành cách tạo công thương, hợp tác hoá nông nghiệp, thực hiện đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản trong toàn bộ hệ thống chính quyền. Sau 1 thời gian, cả nước bị đẩy vào cảnh đói nghèo, suy sụp. Hàng chục vạn người dân miền Nam di tản; hàng chục vạn người đã bị chết chóc vì bão táp, vì hải tặc, làm mồi cho cá mập. Sau 10 năm suy thoái, nhờ có đổi mới, rút kinh nghiệm của việc thực hiện Học thuyết Mác-Lênin đưa đất nước kiệt quệ và các cơ Đảng và Nhà nước phải mở rộng kinh tế cho tư nhân kinh doanh, mở rộng thương nghiệp, tư nhân…. nhờ vậy mà nền kinh tế mới đi phục hưng, khởi sắc cho đến ngày nay.”

Đỗ Mười thực hiện điều này một cách hung hăng vì học vấn chẳng là bao mà lại cực kỳ cuồng tín. Các bài viết ca ngợi Đỗ Mười bao giờ cũng diễn tả căn nhà ông ở bao giờ cũng đầy sách nhưng như có thể thấy ở phần sau, sách đây chỉ là dấu hiệu của kẻ ít học muốn vượt qua mặc cảm.

Một trong những người gần và hiểu Mười nhất có lẽ là Đoàn Duy Thành (ĐDT). Trong bộ hồi ký bị cấm Làm người là khó – Làm người xã hội chủ nghĩa còn khó hơn được phổ biến trên Internet, ông Thành đã dành nhiều lời cho Mười, một nhà lãnh đạo mà ông ta khinh ghét.

Xin nói thêm rằng ĐDT là một khuôn mặt sáng sủa hơn trong giới gọi nhau… đồng chí.

Hồi ký của nhiều nghệ sĩ hay trí thức khác, khi đề cập đến ĐDT đa số đều có cái nhìn ưu ái, coi trọng. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, sau bao nhiêu năm đi tù trở về, đã tìm được một việc làm tại một công ty quốc doanh để nuôi thân và nuôi vợ con là nhờ sự giúp đỡ của ĐDT. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người chủ trương xây dựng một nền thể thao “con nhà nghèo”, thích hợp với túi tiền của Việt Nam đã bị phản đối là “chống lại quan điểm thể dục thể thao của đảng” nên bị xa lánh, chỉ có ĐDT sốt sắng hưởng ứng từ đầu.

Lúc đó ông Viện chủ trương rằng việc bỏ ra hàng đống tiền và một diện tích thật rộng để xây một sân bóng đá thì chỉ là một sự phí phạm khổng lồ: cái sân rộng đó chỉ phục vụ cho hai đội bóng, nghĩa là chỉ phục vụ 22 người. Thay vào đó nếu nhà nước đầu tư để phát triển môn đá cầu thành một môn thể thao quốc gia thì sẽ tốt hơn rất nhiều vì phục vụ rất nhiều người. Môn này rẻ tiền, hầu như không tốn, chơi ở đâu cũng được mà lại vận động được toàn thân: tay, chân, mình, đầu và cả mắt. Chính ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng ĐDT đã ưu ái tiếp nhận sáng kiến này, đón các đội đá cầu của ông Viện về đây để “nhân phong trào”.

Điều này cho thấy rằng trong hàng ngũ cán bộ cộng sản, ông ĐDT có bộ mặt dễ nhìn hơn, sáng suốt hơn, dễ tiếp nhận cái mới hơn.

Do đó Đỗ Mười, kẻ từng là cấp trên trực tiếp của ĐDT, đã trở thành kẻ thù của ĐDT.

Đánh tư sản mại bản ở MNVN sau 1975 dưới thời Đỗ Mười

Ít học nhưng quan cách, tự phụ

Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, chào đời năm 1917, ngồi ghế thủ tướng từ năm 1988 đến năm 1991, sau đó nhảy lên ghế tổng bí thư một nhiệm kỳ rưởi, từ 1991 đến 1997, trở thành tổng bí thư duy nhất bị miễn nhiệm ngay giữa khoá.

ĐDT diễn tả Đỗ Mười như một kẻ ít học nhưng tự phụ; bề trên quan cách nhưng hay kèn cựa, đâm bị thóc thọc bị gạo; thích hưởng thụ nhưng ra vẻ khắc kỷ, máy móc kiểu cộng sản; tự phụ với gốc gác làm nghề thợ sơn của mình, cho rằng đó là “thành phần công nhân”. Khi phát biểu điều gì sai, bị chỉ trích mà không giải trình được, Đỗ Mười lại dở chiêu “Lập trường Bôn-xê-vích” và “tinh thần cộng sản”.

Điều này có thể kiểm chứng qua cuốn hồi ký Hồi ức và suy nghĩ – cũng không được phép xuất bản – của cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ. Trong cuốn này tác giả đã tả lại hai cuộc họp kiểm điểm của Bộ chính trị, kiểm điểm về việc họ bị Trung Quốc lừa để tham dự Hội nghị Thành Đô và tháng 9.1990 và trở thành những tên hề.

 Bề ngoài Trung Quốc hứa hẹn là sẽ đàm phán vấn đề Cambodia và vấn đề bình thường hoá quan hệ, nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Cambodia để sau đó tung hê ra để bêu xấu Việt Nam và lấy lòng thế giới sau biến động Thiên An Môn 1989. Đầu tiên Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp cố vấn Phạm Văn Đồng để dụ nhà “cách mạng lão thành” này tham gia cho thêm phần trịnh trọng và sau đó là thêm phần bẽ mặt của đoàn sứ thần đi chầu. Cuối cùng Việt Nam nhận hai quả đắng. Thứ nhất là Đặng không thèm tới. Thứ hai là dù hứa hẹn sẽ giữ bí mật của hội nghị, ngay sau đó Trung Quốc đã tiết lộ toàn bộ nội dung buổi mật nghị cho truyền thông quốc té khiến VN mất hết uy tín với thế giới và bị Hunsen hậm hực phản đối.

Hai buổi kiểm điểm này tập hợp tất cả bá quan: Nguyễn Văn Linh, cố vấn Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình và một số giới chức như Trần Quang Cơ ngồi dự thính.

Tại đây đa số ai cũng cho rằng hội nghị trên là một sai lầm, gây nên những hậu quả ngoại giao trầm trọng khi Cambodia trở nên ngờ vực VN. Chính Phạm Văn Đồng đã đấm ngực than vãn như muốn khóc: “Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.”

Tình hình như vậy mà Đỗ Mười là vẫn thản nhiên với cái phao “kiên định lập trường”, ngay sau khi Đông Âu sụp đổ: “Với tinh thần một người cộng sản, tôi cho là ta không sai. Bạn Campuchia nghĩ gì về ta là quyền của họ. Với tinh thần một người cộng sản, ta không bao giờ vi phạm chủ quyền của bạn.”

Trở lại với hồi ký của ĐDT, hãy nghe tác giả kể về lần đầu gặp Đỗ Mười, một kẻ kiêu ngạo, hãnh tiến: “Khoảng trung tuần tháng 2-1954 chúng tôi tập trung đến lớp chỉnh huấn do khu uỷ Tả ngạn tổ chức. Lớp chỉnh huấn do đồng chí Đỗ Mười, Bí thư khu uỷ, trưởng ban tuyên huấn khu uỷ Tả ngạn, trực tiếp chỉ đạo. [… ] Trong buổi khai mạc lớp, lần đầu tiên tôi biết đồng chí Đỗ Mười. [… ] Tôi nghĩ anh Mười chắc là người hiền dịu, nho nhã. Khi thấy anh đến nói chuyện, tôi cảm thấy anh là võ tướng, ăn nói bộc trực, dễ gần… Đôi lúc thông tục anh vỗ vào ngực nói: ‘Ở Tả Ngạn, tôi làm Bí thư Khu uỷ, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Khu, Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên huấn…’. Tôi nghĩ chắc anh giỏi lắm. Hay Tả Ngạn không có người tài buộc anh phải kiêm tới 6 chức? Anh đến lớp giải đáp những vấn đề thảo luận và hôm bế mạc anh đến dặn dò anh em. Tôi thấy anh hăng say, xông xáo, ăn nói khúc chiết, đôi khi người ta cảm thấy được cả sự tự hào, tự phụ bên trong người anh nữa.” (Ch 5)

Và đây là nét bề trên của họ Đỗ:

Trong một buổi về thôn Vũ Xá làm việc với thành uỷ Hải Phòng, làm việc xong, mọi người còn có mặt cả, đồng chí Đỗ Mười bảo đồng chí Hoàng Mậu: “Cho đồng chí Thành về giúp việc tôi tiếp quản Hải Phòng…” Tôi vừa ngỡ ngàng vừa sững sờ, không hiểu ai đã giới thiệu tôi với đồng chí Đỗ Mười, mà đồng chí biết tôi một cách đột ngột như vậy. Đồng chí Hoàng Mậu hơi lúng túng nói: “Có một cậu nó đang làm quen với công việc, anh lấy đi chưa có người thay!” Anh Mười đứng phắt dậy tuyên bố: “Cứ cho cậu Thành lên giúp việc tôi, nếu Hải Phòng có gì xảy ra tôi chịu trách nhiệm…”. Anh Mậu lặng im. Tôi đứng dậy thưa với anh Mười: “Tôi mới ở tù ra, mới đi chỉnh huấn về, mới được xác minh, còn nhiều anh em biết tôi nhưng chưa về, sợ rằng sau này có vấn đề chính trị sẽ phiền cho anh.” Anh Mười nói to: “Cậu muốn lấy lý do để không đi giúp việc mình. Cậu phải biết tôi là Bí thư khu uỷ chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính khu, Tư lệnh kiêm chính uỷ khu, trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên huấn, ai thế nào mình biết hết, địch ta ai lừa dối được mình”. Anh Mậu nhìn tôi có vẻ e dè, sợ anh Mười, khẽ gật đầu. Tôi nói: “Nếu anh đã nói như vậy tôi xin đi giúp việc anh”. Anh Mười và đoàn tùy tùng ra về. Anh Mười dặn lại tôi: “Mai lên Hải Dương gặp tôi…” Lúc đó khu đóng ở thành phố Hải Dương mới giải phóng.”

Hay ở một đoạn khác, về giai đoạn năm 1956 khi Đỗ Mười là Bí thư Thành ủy Hải Phòng:

‘Trong lúc phong trào Cải cách ruộng đất đang lên, du kích và cốt cán cải cách ruộng đất vác súng vào thành phố lùng bắt địa chủ và con cái địa chủ là cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Họ đã bắt được một vài người. Tôi báo cáo anh Mười cứ để thế này thì không nên. Thành phố mới tiếp quản, lòng dân còn nhiều điều suy nghĩ về chế độ mới, đề nghị anh nhắc các Đoàn uỷ Cải cách ruộng đất không để cốt cán vác súng vào nội thành tìm địa chủ… Anh Mười nổi nóng tuyên bố: “Bắt trói tất cả đứa nào vác súng vào bắt cán bộ nghi là địa chủ. Muốn làm loạn à”. Công an ra tay, tóm được mấy nhóm giải về Đoàn uỷ xử lý. Từ đó không có cốt cán nào dám vào nội thành nữa. Nhưng họ tung tin: “Tay Bí thư Thành uỷ Hải Phòng phản động, chống lại Cải cách ruộng đất, nhưng nó to lắm, Đoàn uỷ cũng không làm gì được…”. Đến khi phát hiện sửa sai, đi họp Trung ương về, anh Mười phấn khởi gọi tôi bảo: “Mình đúng, mình đúng? Làm sai hết rồi! Sửa sai mới mệt cơ!”.’

Một Đỗ Mười máy móc:

‘Nhớ lại những ngày ở Khai Trí Tiến Đức bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, mọi người làm việc mệt mỏi, những khi nghỉ ngơi chốc lát, đứng trông ra cửa sổ về phía Hàng Khay thấy học trò nữ Trường Trưng Vương quần áo dài thướt tha qua bờ Hồ, nhiều đồng chí ngắm nhìn không chớp mắt. Anh Mười biết, bảo: “Các cậu hủ hóa mắt hết rồi… Hỏng hết, viên đạn bọc đường nó làm hỏng hết cán bộ…”. Chỉ có tôi, anh Nam, anh Tuân, là anh Mười không bắt được chúng tôi nhìn, ngắm bao giờ nên anh không nói gì..”

Nhưng ác hại hơn là sự máy móc của Đỗ Mưòi trong chiến dịch tịch thu nhà 2 tầng trở lên gọi là Z-30 vào giữa thập niên 1980:

Trong khi đó bất ngờ ở Hà Nội có chỉ thị “Z30” rất mật, tịch thu nhà từ 2 tầng trở lên, bất kể to nhỏ, trị giá bao nhiêu. Chỉ thị “Z30” không được phổ biến cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ có chỉ thị bằng “miệng”. Một hôm anh Mười về làm việc với Hải Phòng. Làm việc xong, tôi và đồng chí Nguyễn Dần, Chủ tịch, đưa anh Mười đi xem nhà máy đóng tàu bến Kiền. Qua Quán Toan, anh Mười trông thấy nhà anh Bút lái xe, anh Mười hỏi nhà ai mà to thế! Tôi báo cáo đó là của một lái xe Đoàn 12. Anh Mười nói: “Nếu tôi là Bí thư, Chủ tịch Thành phố, tôi sẽ tịch thu cái nhà này làm nhà mẫu giáo…”. Tôi và anh Dần nhìn nhau lặng im.’

Chủ trương như vậy nên Đỗ Mười được tin cậy trong vai trò ông đao phủ của công thương nghiệp tự do. Thế nhưng khi liên quan đến quyền lực của mình thì con người này đâm ra nhỏ nhen, kèn cựa, đâm bị thóc, thọc bị gạo. Lúc ĐDT là Bí thư thành ủy Hải Phòng và Đỗ Mười là phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng đặc trách việc sắp xếp công nghiệp cho Hải Phòng, hai người đã kèn cựa với nhau:

Khi các đồng chí nhắc nhiều và đánh giá cao việc phát triển nông nghiệp Hải Phòng, nhân có ý kiến hỏi, tôi báo cáo bổ sung, có nói một ý như sau: “Thế mà đồng chí phụ trách Tổ sắp xếp công nghiệp Hải Phòng (tức Đỗ Mười) lại phê bình Thành uỷ phát triển nông nghiệp là trệch hướng…”. Anh Lê Duẩn nói chen vào: “Nói tầm bậy…”. Sau khi tan hội nghị, tôi nghĩ mọi chuyện vậy là bình thường, và như vậy Trung ương đã bác bỏ báo cáo của Tổ sắp xếp công nghiệp ở Hải Phòng. Tối hôm đó, tôi và đồng chí Trịnh Thái Hưng đến thăm anh Mười, thâm tâm tôi nghĩ chỉ có thân tình thôi. Ai ngờ hai chúng tôi đến nhà, anh Mười tỏ vẻ không bằng lòng, không bắt tay chúng tôi. Anh đứng dậy đi đi, lại lại nói gay gắt: “Cậu Thành phê bình mình, nói đồng chí phụ trách công nghiệp phê bình Hải Phòng trệch hướng, cứ nói đi nói lại mãi”.

Năm 1987, khi VN lâm vào cuộc khủng hoảng “giá tiền lương” 1987, Hội đồng bộ trưởng đã có những thay đổi lớn về nhân sự. Phạm Hùng thay Phạm Văn Đồng còn Đỗ Mười bị thôi chức phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, chuyển về làm Thường trực Ban bí thư Trung ương đảng. Giữa lúc này, từ vị trí bộ trưởng ngoại thương, ĐDT được thăng lên cương vị phó chủ tịch, kiêm cả bộ ngoại thương.

Nếu cái đà này cứ tiếp diễn, có lẽ ĐDT sẽ còn lên xa, đi xa hơn Đỗ Mười và do đó ông ta phải phá. Bị kèn cựa mãi, năm 1988 ĐDT nộp đơn xin Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười cho phép từ chức, việc mà hai người này không tán thành vì bộ ba này khá “hợp rơ” với nhau, ĐDT viết:

“Khi tôi đọc đơn từ chức, hai anh mới cho là thật. Các anh cứ tưởng tôi bực tức với anh Mười nên nói vậy thôi. Anh Hùng còn bảo: “Tôi tưởng anh nói đùa”. Vì khi đề nghị xin từ chức, thái độ tôi vẫn vui vẻ bình thường, không có thái độ tức giận gì cả, nên anh vẫn nghĩ tôi chỉ nói cho đỡ bực mình với anh Mười thôi. Khi tôi đọc đơn xin từ chức Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, hội nghị có khoảng hơn 60 người, họp ở Hội trường T78, tại thành phố Hồ Chí Minh, mọi người đều lắng nghe với vẻ bất ngờ. Sau đó, anh Linh đứng lên luôn, phê bình anh Đỗ Mười một cách nghiêm khắc, với mấy ý chính sau đây:

– Ông Mười tưởng rằng Uỷ viên Bộ Chính trị là to lắm, muốn nói gì cũng được, muốn phê bình ai cũng được. Hồi tôi làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi lần vào thành phố là ông Mười đòi gặp tôi. Nhiều lần tôi từ chối không gặp. Ông tưởng là Uỷ viên Bộ Chính trị muốn làm gì thì làm…

Khi anh Linh dứt lời, anh Mười nói: Tôi nói đó là tinh thần Bôn-xê-vích.

Tôi xuýt nữa bật cười to…”

Cũng với “tinh thần Bôn-xê-vích” đó, Đỗ Mười đã đâm sau lưng Võ Nguyên Giáp:

Khi Đại hội (đại hội 7– 1986) đang họp ở các Đoàn và Tổ, tôi được đồng chí Đỗ Mười gọi ra ngoài và cùng sang số 4 Nguyễn Cảnh Chân, Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng chí dẫn tôi vào một phòng. Khi đi lên đường tôi suy nghĩ không rõ anh Mười có việc gì. Tôi đoán có lẽ anh Mười làm tư tưởng cho tôi để rút lui khỏi danh sách Trung ương giới thiệu. Một số đồng chí thôi Uỷ viên Trung ương khóa này, đều được từng đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị gọi đến làm tư tưởng để rút lui. Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng vậy. Nhưng khi vào một phòng, ngồi nói chuyện, anh Mười nêu vấn đề anh Võ Nguyễn Giáp (anh Văn) ra nói về lý lịch anh Văn, năm 16 tuổi đã được thực dân Pháp cho sang Pháp học 6 tháng. Anh Mười bảo tôi về nói cho Đoàn Đại biểu Hải Phòng biết và những ai quen biết ở Đoàn khác cũng nói cho các đồng chí ấy biết… Rồi anh Mười đi ngay.

Tôi lại trở lại tổ họp tiếp. Tôi suy nghĩ, không hiểu tại sao lúc này anh Mười lại nêu vấn đề lý lịch anh Văn ra. Việc này anh Trường Chinh đã nói với tôi mấy lần, và anh Trường Chinh đã kết luận về tiểu sử anh Văn từ năm 1941 – 1942, kể cả việc làm con nuôi Martin, Chánh mật thám Đông Dương, cũng được kết luận là không có, chỉ do những phần tử xấu tung ra. Nay lại có vấn đề đi Pháp học 6 tháng. Tối hôm đó tôi đến nhà anh Trường Chinh hỏi việc này anh Trường Chinh bảo tôi: “Làm gì có việc đó…”.

Tôi về nhà, kể lại chuyện cho nhà tôi nghe. Lúc này chúng tôi ở nhờ một phòng của Bộ Ngoại thương. Tôi mới lên, nhà tôi đi theo để nấu nướng cho và nhà tôi cũng là đảng viên lâu năm, rất quan tâm đến việc một số người vu khống tôi. Nghe tôi kể xong, nhà tôi nói ngay: “Em đã nói với anh nhiều lần, anh thương người và tin người quá đáng, lại thêm tính “phổi bò”, có gì nói hết. Sống ở Hà Nội họ khôn lắm, anh phải đề phòng. Còn việc anh Mười nói với anh, anh cứ lờ đi. Có khi anh Mười chỉ tung ra tin như thế, để anh biến thành cái loa cho anh ấy. Anh Văn và những người thân anh Văn chỉ biết anh đi tuyên truyền xuyên tạc lý lịch anh Văn, họ sẽ quay sang đánh anh. Như vậy anh Mười bắn một phát tên, được cả hai đích.’

ĐDT kể thêm: “Trước khi họp Đại hội 7 vấn đề tiểu sử của anh Văn cũng lại được đem ra thảo luận, có thêm một vài việc mới, thiếu cứ liệu. Có một hôm anh Văn họp Trung ương khóa 6, anh Văn phải đứng lên thanh minh cho mình và nói: “Một vị tướng cầm quân đánh thắng ở Điện Biên Phủ mà còn bị nghi ngờ thân Pháp…”

Chúng ta biết rằng đại hội 7 (1991) diễn ra giữa cảnh rốn ren về nhân sự: trước đó Nguyễn Văn Linh tuyên bố sẽ về hưu và trong hàng “lão nhiêu” chẳng còn ai có uy tín hơn Võ Nguyên Giáp, tuy cao tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh. Có tin đồn họ Võ sẽ ra tranh ghế tổng bí thư và nếu người trên Võ Nguyên Giáp – chỉ lớn hơn Đỗ Mười 5 tuổi – trụ lại hay kẻ dưới mình như Đoàn Duy Thành vươn lên, có lẽ Đỗ Mười sẽ mất cơ hội. Do đó ông ta phải ra tay, dùng một mũi tên bắn hai đích. Quả nhiên, bằng những trò nhố nhăng như vậy, trong đại hội 7 Đỗ Mười đã trở thành tổng bí thư và được bầu tiếp chức vụ nào trong đại hội 8.

Nhưng kẻ nắm quyền số một này lại bị Phạm Văn Đồng xem là kẻ “chỉ có phá”. ĐDT viết:

 ‘Có hôm ngồi chờ đón khách ngoại ở phòng khách lớn của Chủ tịch phủ, tôi hỏi anh kỳ họp Quốc hội tháng 7-1987 anh sẽ nghỉ, anh đã chọn xong người thay chưa? Anh bảo: “Còn đang bàn…” Tôi hỏi: “Anh Đỗ Mười thế nào?” Anh suy nghĩ đến 2,3 phút, rồi trả lời gọn có 3 từ: “Chỉ có phá!” Tôi ngồi yên không hỏi gì thêm, anh cũng không nói gì thêm… rồi chúng tôi chuyển sang câu chuyện khác, khi khách chưa đến. Cách đánh giá của các anh lãnh đạo chủ chốt với anh Mười ra sao tôi đều biết cả, từ anh Lê Duẩn, anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ, anh Nguyễn Văn Linh… Nhưng anh Đỗ Mười vẫn làm cả Thủ tướng và Tổng Bí thư hơn 10 năm. Nhất là anh Phạm Văn Đồng biết rất rõ anh Mười, anh lại là người qua đời sau các anh trên. Sau này tôi mới hiểu một chi tiết nhỏ, là anh Mười làm thêm khóa thứ hai Tổng Bí thư, anh Tô phản ứng rất gay gắt. Tuy thế phản ứng của nhà lãnh đạo có tầm cỡ, nhà hiền triết, nhà ngoại giao cũng khác những người khác. Anh đã nói với 5 đồng chí là cấp tướng, nếu anh Mười không chịu thôi giữa nhiệm kỳ các đồng chí phải tham gia “hạ” anh Mười xuống… Việc này qua cơ quan nắm tin tức, anh Đỗ Mười đã được báo cáo lại.’

Quả nhiên, Đỗ Mười đã bị “hạ” giữa nhiệm kỳ. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) vào năm 1993 đã buộc Đỗ Mười bàn giao chức vụ tổng bí thư cho Lê Khả Phiêu cũng như ra khỏi Bộ Chính trị, trở thành cố vấn của Trung ương Đảng.

Đây là điều làm Đỗ Mười cay cú, và ở đây ĐDT lại kể tiếp:

‘Tôi lại thăm anh Mười. Dù anh đối xử với tôi thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn giữ tình cảm anh em, đồng chí với anh. Lúc nào tôi cũng coi anh là Thủ trưởng. Anh kể cho tôi nghe, cuộc họp Trung ương giữa nhiệm kỳ này, anh xin nghỉ. Tôi hỏi ai thay, anh bảo tôi: “Lê Khả Phiêu”. Rồi anh giới thiệu quá trình của anh Lê Khả Phiêu, có đoạn đáng lưu ý và buồn cười với sự giới thiệu và giải thích này “Cậu Phiêu nó chiến đấu ở Bình Trị Thiên được rèn luyện 14 năm. Nó lên có thể giữ được hai khóa. Còn bảo nó hủ hóa thì mấy người còn hủ hóa quá nó!”…. Khi nghĩ một Tổng Bí thư giới thiệu một Tổng Bí thư mới thay mình mà nói như vậy nghe không được. Không rõ anh Mười đã nói với bao nhiêu cán bộ về câu chuyện này? Tôi thấy cách giải thích đó không đúng tầm của một cán bộ lãnh đạo quốc gia…”

Đỗ Mười cay đắng tới độ mấy năm sau còn ôm mối hận và chờ dịp trả thù. ĐDT viết:

‘Đại hội 9, trong thời gian chuẩn bị nhân sự đại hội, tôi biết có nhiều phức tạp. Bộ Chính trị mời một số cán bộ cao cấp đến tham khảo ý kiến về nhân sự, trước khi đến họp tôi lại thăm anh Mười. Anh nói nhiều chuyện về nhân sự. Khi nói đến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, anh Mười nói: “Cậu Phiêu bây giờ gái nó nắm hết rồi. Có đứa là CIA. Kỳ này phải thay người khác…” Tôi đã định nói một câu, nhưng suy đi nghĩ lại sợ anh Mười phật lòng, nên tôi không nói nữa. Câu tôi định nói là: “Nay chắc anh Lê Khả Phiêu hủ hóa hơn mấy người trước?”. Tôi thấy rất buồn, cán bộ chủ chốt không đào tạo, không qui hoạch, thay đổi vội vàng thì lòng Đảng không yên, lòng dân yên sao được?

Trong việc thay anh Lê Khả Phiêu, tôi đến dự hội nghị được một đồng chí cho biết: có một cán bộ thân với anh Mười, hỏi anh Mười sao lại làm như vậy. Anh Mười trả lời: “Nó lật tôi, tôi lật lại”.’

Lê Trọng Hiệp

Related posts