Tác giả: Alvin Powell
Dương Lệ Chi biên dịch
14-4-2025

Ông Garber nói rằng, những thay đổi do chính phủ thúc đẩy “không theo luật pháp. Trường đại học [Harvard] sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc không từ bỏ các quyền hiến định của mình”.
Hôm thứ Hai [ngày 14-4-2025], trường Đại học Harvard đã bác bỏ các yêu cầu từ chính quyền Trump, điều này có thể ảnh hưởng tới việc mất 9 tỷ đô la tiền tài trợ nghiên cứu, trường lập luận rằng những thay đổi do chính quyền thúc đẩy vượt quá thẩm quyền hợp pháp của chính quyền và xâm phạm cả quyền độc lập và quyền hiến định của trường đại học này.
Chủ tịch Harvard Alan Garber viết trong một thông điệp gửi đến cộng đồng: “Trường đại học sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc từ bỏ các quyền hiến định của mình. Không chính quyền nào – bất kể đảng nào nắm quyền – có thể ra lệnh cho các trường đại học tư thục được phép giảng dạy điều gì, họ có thể tuyển dụng và thuê ai, và họ có thể theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu và điều tra nào“.
Thông điệp của ông Garber đưa ra để phản hồi bức thư được chính quyền Trump gửi tới trường tối thứ Sáu [ngày 11-4-2025], nêu rõ các yêu cầu mà trường Harvard sẽ phải đáp ứng để duy trì mối quan hệ tài trợ với chính phủ liên bang. Những yêu cầu này bao gồm “kiểm soát” các chương trình học thuật và các khoa, cùng với việc kiểm soát các quan điểm của sinh viên, giảng viên và nhân viên, cũng như những thay đổi đối với cơ cấu quản lý và hoạt động tuyển dụng của trường đại học.
Khoản tiền 9 tỷ đô la đang được chính phủ xem xét, bao gồm 256 triệu đô la hỗ trợ nghiên cứu cho Harvard, cộng với 8,7 tỷ đô la cam kết trong tương lai cho trường đại học và một số bệnh viện nổi tiếng, trong đó có bệnh viện Mass General, Viện Ung thư Dana-Farber và Bệnh viện Nhi Boston. Tối thứ Hai [ngày 14-4-2025], chính quyền Trump thông báo rằng, họ sẽ đóng băng 2,2 tỷ đô la tiền tài trợ và 60 triệu đô la trong các hợp đồng của trường Harvard.
Chính quyền Trump đã chỉ trích cách Harvard xử lý các cuộc biểu tình của sinh viên, liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Họ cáo buộc rằng trường đại học này không bảo vệ đầy đủ cho sinh viên Do Thái trong khuôn viên trường khỏi sự phân biệt đối xử và quấy rối bài Do Thái, vi phạm Mục VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964.
Ông Garber nhấn mạnh rằng, trường Harvard vẫn cam kết chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, bao gồm thông qua một loạt các biện pháp trong khuôn viên trường, được thực hiện trong 15 tháng qua. Ngoài ra, ông cho biết, trường đại học đã tuân theo phán quyết của Tối cao Pháp viện, chấm dứt việc tuyển sinh có sự phân biệt chủng tộc và đã nỗ lực mở rộng sự đa dạng về trí tuệ và quan điểm tại trường Harvard.
Ông Garber cho biết, mục tiêu của trường trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái sẽ “không đạt được bằng cách khẳng định quyền lực, tách khỏi luật pháp, để kiểm soát việc giảng dạy và học tập ở trường Harvard và chỉ đạo cách chúng tôi phải hoạt động như thế nào. Công việc giải quyết những thiếu sót của chúng tôi, thực hiện các cam kết của chúng tôi và hiện thực hóa các giá trị của chúng tôi là nhiệm vụ của chúng tôi để xác định và thực hiện như một cộng đồng”.
Harvard chỉ là một trong số hàng chục trường học bị chính quyền Trump nhắm đến trong những tuần gần đây. Tháng trước, Bộ Giáo dục đã gửi thư cho 60 trường đại học, gồm trường ĐH Columbia, Northwestern, Đại học Michigan và Tufts, đe dọa sẽ thực hiện các hành động bắt buộc vì không tuân theo các điều khoản chống sự phân biệt đối xử trong Đạo luật Dân quyền năm 1964. Chính quyền [Trump] đã thực hiện thêm một bước nữa là đóng băng nguồn tài trợ nghiên cứu của một số tổ chức.
Quan hệ đối tác nghiên cứu và đổi mới mạnh mẽ giữa các trường đại học, chính phủ liên bang và ngành công nghiệp tư nhân có từ Thế chiến thứ II. Nghiên cứu do chính phủ hậu thuẫn được tiến hành tại các trường học trên khắp cả nước đã dẫn đến vô số khám phá, thiết bị, phương pháp điều trị và những tiến bộ khác giúp định hình thế giới hiện đại. Máy tính, robot, trí tuệ nhân tạo, vaccine và phương pháp điều trị các căn bệnh nguy hiểm đều bắt nguồn từ nghiên cứu do chính phủ tài trợ, từ phòng thí nghiệm và thư viện đến ngành công nghiệp, tạo ra các sản phẩm, công ty và việc làm mới.
Hồi tháng 3, một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận United for Medical Research, cho thấy, mỗi đô la nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia (NIH) tài trợ — đơn vị tài trợ lớn nhất cho nghiên cứu y sinh học của đất nước — tạo ra 2,56 đô la hoạt động kinh tế. Chỉ riêng trong năm 2024, NIH đã trao 36,9 tỷ đô la tiền tài trợ nghiên cứu, tạo ra 94,5 tỷ đô la hoạt động kinh tế và hỗ trợ 408.000 việc làm, theo báo cáo.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai, Daniel P. Gross, phó giáo sư khoa quản trị kinh doanh tại Đại học Duke và là đồng tác giả của một bài báo nghiên cứu gần đây của NBER về mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thập niên giữa chính phủ Hoa Kỳ và giáo dục đại học, cho biết, việc cắt giảm tài trợ nghiên cứu từ các trường đại học sẽ là “thảm họa” đối với sự đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ.
“Các trường đại học là một phần không thể thiếu của hệ thống đổi mới hiện đại của Hoa Kỳ, đến mức hệ thống này sẽ không thể tồn tại nếu không có họ”, ông Gross là người đã giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard trước khi chuyển đến Duke, nói.
George Q. Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard, nói rằng, y sinh học từ lâu phụ thuộc vào mối quan hệ đối tác chặt chẽ với chính phủ liên bang, một mối quan hệ đã mang lại lợi ích trong việc cứu sống người Mỹ. Ông lưu ý rằng, chỉ trong tháng này, [giáo sư] Joel Habener của Trường Y [ĐH Harvard] đã được trao Giải thưởng Đột phá cho công trình nghiên cứu của ông về chất GLP-1, công trình nghiên cứu này đã tìm ra chất chống lại bệnh tiểu đường và béo phì. Ông Daley cũng trích dẫn công trình chuyển đổi về sức khỏe tim mạch, liệu pháp miễn dịch ung thư và nhiều tình trạng khác.
Ông nói: “Khi chúng ta nhìn lại 70 năm quan hệ đối tác đó, nó đã mang lại lợi nhuận tuyệt vời cho các khoản đầu tư mà chính phủ đã thực hiện. Thực tế là chúng ta có Harvard, MIT và tất cả các bệnh viện đặc biệt này, đó là nam châm thu hút đầu tư mạo hiểm và giờ đây chúng ta có cơ sở hạ tầng nghiên cứu dược phẩm được đưa vào cộng đồng của chúng ta. Tất cả những điều này là viên ngọc quý trên vương miện của ngành khoa học sinh học Hoa Kỳ“.
Ông nói thêm rằng, mối đe dọa đối với khoa học là một vấn đề lớn, thậm chí còn lớn hơn trong kỷ nguyên cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc.
Daley nói: “Có vẻ như nó tự hủy hoại và gây tổn hại cho nền kinh tế và cho vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm. Cảm giác như cái búa giáng xuống theo cách đe dọa đến một thứ vốn có trong vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ và cuối cùng là khả năng cạnh tranh kinh tế của chúng ta với những nước như Trung Quốc, nơi đang đầu tư rất, rất nhiều vào công nghệ sinh học“.
Trong thông điệp gửi đến cộng đồng, ông Garber nhấn mạnh những đóng góp của nghiên cứu đại học đối với tiến bộ khoa học và y tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy độc lập và học bổng.
“Tự do tư tưởng và tìm tòi, cùng với cam kết lâu dài của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp theo những cách quan trọng cho một xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ quyền tự do đó”, ông nói.
Chủ tịch Harvard: Lời hứa của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ
Alan Garber, Chủ tịch Harvard
Trúc Lam chuyển ngữ
14-4-2025

Kính gửi các thành viên trong cộng đồng Harvard,
Trong ba phần tư thế kỷ, chính quyền liên bang đã trao các khoản tài trợ và hợp đồng cho trường Harvard và các trường đại học khác để giúp chi trả cho công việc, cùng với các khoản đầu tư của chính các trường đại học, đã dẫn đến những đổi mới sáng tạo mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực như y tế, kỹ thuật và khoa học. Những đổi mới sáng tạo này đã giúp vô số người dân trên đất nước chúng ta và trên toàn thế giới khỏe mạnh và an toàn hơn.
Trong những tuần gần đây, chính quyền liên bang đã đe dọa mối quan hệ đối tác của họ với một số trường đại học, bao gồm cả trường Harvard, với cáo buộc bài Do Thái trong khuôn viên trường của chúng ta. Những quan hệ đối tác này nằm trong số những quan hệ đối tác hiệu quả và có lợi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Những ranh giới mới vẫy gọi chúng ta với triển vọng về những tiến bộ thay đổi cuộc sống — từ phương pháp điều trị các bệnh như Alzheimer, Parkinson và tiểu đường, đến những đột phá trong trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử và kỹ thuật, cùng nhiều lĩnh vực khả thi khác. Việc chính quyền rút khỏi các quan hệ đối tác này hiện không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu cá nhân, mà còn gây nguy hiểm cho cả an ninh kinh tế và sức sống trên đất nước chúng ta.
Vào tối thứ Sáu, chính quyền đã ban hành một danh sách các yêu cầu được cập nhật và mở rộng, cảnh báo rằng trường Harvard phải tuân theo, nếu chúng ta có ý định “duy trì mối quan hệ tài chính [của chúng ta] với chính quyền liên bang“. Điều này nêu rõ rằng, mục đích không phải là hợp tác với chúng ta để giải quyết vấn đề bài Do Thái theo cách hợp tác và mang tính xây dựng. Mặc dù một số yêu cầu do chính quyền nêu ra nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng phần lớn là quy định trực tiếp của chính quyền đối với “điều kiện trí tuệ” (intellectual conditions) tại trường Harvard.
Tôi khuyến khích quý vị đọc bức thư này để hiểu rõ hơn về những yêu cầu chưa từng có mà chính quyền liên bang đưa ra nhằm kiểm soát cộng đồng Harvard. Các yêu cầu này bao gồm các yêu cầu “kiểm duyệt” quan điểm của các sinh viên, tập thể giảng viên, các nhân viên của chúng ta và “giảm quyền hành” của một số sinh viên, giảng viên và quản trị viên bị nhắm đến vì quan điểm ý thức hệ của họ. Chúng tôi đã thông báo cho chính quyền, thông qua cố vấn pháp lý của mình, rằng chúng ta sẽ không chấp nhận thỏa thuận do họ đề xuất. Trường đại học [Harvard] sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc từ bỏ các quyền hiến định của mình.
Quyết định của chính quyền vượt ra ngoài quyền hạn của chính quyền liên bang. Điều này vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của Harvard và vượt quá giới hạn theo luật định về thẩm quyền của chính phủ theo Quy định VI. Và nó đe dọa các giá trị của chúng ta với tư cách là một tổ chức tư nhân cống hiến cho việc theo đuổi, sản xuất và phổ biến kiến thức. Không một chính quyền nào, bất kể đảng nào nắm quyền, có quyền chỉ định các trường đại học tư thục được phép giảng dạy điều gì, chỉ định những người mà họ có thể tuyển dụng và thuê, và được phép tham gia các lĩnh vực nghiên cứu và tìm hiểu mà họ có thể theo đuổi.
Phương châm của chúng tôi là — Veritas, hay sự thật — hướng dẫn chúng tôi khi chúng tôi điều hướng con đường đầy thử thách phía trước. Tìm kiếm sự thật là một hành trình không có hồi kết. Nó đòi hỏi chúng tôi phải cởi mở với thông tin mới và các quan điểm khác nhau, phải liên tục giám sát niềm tin của mình và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ. Nó buộc chúng tôi phải thực hiện công việc khó khăn là thừa nhận những khiếm khuyết của mình để chúng tôi có thể nhận ra toàn bộ lời hứa của Trường, đặc biệt là khi lời hứa đó bị đe dọa.
Chúng ta đã nói rất rõ ràng rằng, chúng ta không coi nhẹ nghĩa vụ đạo đức của mình là chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Trong mười lăm tháng qua, chúng ta đã thực hiện nhiều bước để giải quyết vấn đề bài Do Thái trong khuôn viên trường. Chúng ta có kế hoạch sẽ làm nhiều hơn nữa. Khi chúng ta bảo vệ trường Harvard, chúng ta sẽ tiếp tục:
– Nuôi dưỡng một nền văn hóa phát triển mạnh mẽ về sự tìm tòi cởi mở trong khuôn viên trường của chúng ta; phát triển các công cụ, kỹ năng và thực hành cần thiết để tương tác với nhau mang tính xây dựng; và mở rộng sự đa dạng về trí tuệ và quan điểm trong cộng đồng của chúng ta;
– Khẳng định các quyền và trách nhiệm mà chúng ta chia sẻ; tôn trọng quyền tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến, đồng thời bảo đảm rằng chuyện biểu tình diễn ra vào thời điểm, địa điểm và cách thức thực hiện, không ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu; và tăng cường tính nhất quán và công bằng của các quy trình kỷ luật; và
– Cùng nhau tìm ra những cách thức, phù hợp với luật pháp, để thúc đẩy và hỗ trợ một cộng đồng năng động, minh họa, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta cũng sẽ tiếp tục tuân theo vụ kiện “Students For Fair Admissions v. Harvard”, trong đó phán quyết rằng, Mục VI của Đạo luật Dân quyền, khiến các trường đại học đưa ra quyết định “trên cơ sở chủng tộc” là bất hợp pháp.
Những mục tiêu này sẽ không đạt được bằng cách khẳng định quyền lực, tách khỏi luật pháp để kiểm soát việc giảng dạy và học tập ở trường Harvard và chỉ đạo cách chúng ta phải hoạt động như thế nào. Công việc giải quyết những thiếu sót của chúng ta, thực hiện các cam kết của chúng ta và là hiện thân cho các giá trị của chúng ta là nhiệm vụ của chúng ta phải xác định và thực hiện như một cộng đồng.
Tự do tư tưởng và tìm tòi, cùng với những cam kết lâu dài của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp theo những cách quan trọng cho một xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ quyền tự do đó. Chúng ta tiến hành ngay bây giờ, như mọi khi, với niềm tin rằng việc theo đuổi chân lý không sợ hãi và không bị ràng buộc sẽ giải phóng nhân loại — và với niềm tin vào lời hứa lâu dài mà các trường cao đẳng và đại học của Mỹ dành cho đất nước và thế giới của chúng ta.
Trân trọng,
Alan M. Garber
Nguồn: Tiếng Dân