Tin thế giới sáng thứ Tư

Biểu tình trước tòa đại sứ Cuba ở Argentina và Mỹ

Thu Hằng

image.png
Người Cuba chống chính quyền La Habana biểu tình trước Nhà Trắng, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2021 AP – Jacquelyn Martin

Nhân ngày Quốc Khánh Cuba, 26/07, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền La Habana đã diễn ra trước đại sứ quán Cuba ở một số nước trên thế giới. Các sự kiện này được cho là dư âm của cuộc biểu tình chưa từng có tại Cuba ngày 11/07 vừa qua.

Tại Mỹ, hôm 26/07/2021, hàng trăm người tập trung trước Nhà Trắng và đại sứ quán Cuba ở Washington để « đả đảo chế độ độc tài » Cuba, khẳng định « chúng tôi không còn sợ » và kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp.

Tại Argentina, hai cuộc biểu tình, chống và ủng hộ cuộc cách mạng Cuba đã diễn ra trước sứ quán Cuba ở Buenos Aires.

Từ thủ đô Achentina, thông tín viên Théo Conscience gửi về bài tường trình :

«Trước cửa đại sứ quán Cuba ở Buenos Aires, cờ Cuba rồi cờ Achentina, những tấm bảng in hình Che Guevara và vài chục người, như Alicia Bello, cho rằng chế độ do nhà lãnh đạo Miguel Diaz Canel điều hành không phải chịu trách nhiệm về sự phẫn nộ của hàng chục nghìn người Cuba hôm 11/07 vừa qua.

Bà nói : « Tôi tới đây để thể hiện tình đoàn kết với dân tộc Cuba phản đối lệnh cấm vận và chính sách thù địch kéo dài của Mỹ từ nhiều năm qua khiến dân tộc này phải chịu những điều kiện sống tồi tệ nhất ».

Bên kia phố, đằng sau dây ngăn của cảnh sát, là những người biểu tình khác, không có cùng quan điểm với bà Alicia Bello, cựu tù nhân thời độc tài quân sự Achentina. Họ tới đây để phản đối chế độ cộng sản mà họ coi là « độc tài ».

Miguel là một người Cuba lưu vong tại Achentina từ nhiều năm nay, nói : «Cuba cần tự do, cần dân chủ ! Chúng tôi có quyền lựa chọn chủ tịch của mình, được sống mà không có dối trá. Họ ăn cắp tiền của Cuba trong suốt những năm qua. Họ là triệu phú trong khi người dân Cuba thì chết đói ».

Một lý do khác giải thích sự tức giận của những người đối lập với chế độ Cuba, đó là Achentina không ký vào tuyên bố gần đây do Mỹ soạn thảo để lên án những vụ bắt giữ hàng loạt sau cuộc biểu tình ngày 11/07 ở Cuba ».

Đại sứ quán Cuba tại Pháp, ở quận 15 Paris cũng bị ném chai xăng, dù chỉ bị thiệt hại rất nhỏ, theo lực lượng cứu hỏa Paris. Trên Twitter ngày 26/07, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lên án « hành động khủng bố » và cáo buộc « chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về những chiến dịch không ngừng nhắm vào đất nước » Cuba.

21 nước kêu gọi Cuba tôn trọng tự do của người dân

Về mặt ngoại giao, ngày 26/07/2021, 20 quốc gia cùng với Hoa Kỳ ký chung lời kêu gọi La Habana « tôn trọng nhân quyền và tự do của dân tộc Cuba », cũng như « trả tự do cho những người bị bắt » trong cuộc biểu tình ngày 11/07.

Brazil, Colombia và Ecuador là những nước bảo thủ ở châu Mỹ Latinh đã ký vào lời kêu gọi của Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có các nước khác như Áo, Ba Lan, Hy Lạp, Hàn Quốc…

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trong thông cáo rằng « cộng đồng quốc tế sẽ không ngừng ủng hộ dân tộc Cuba và những người đấu tranh cho những quyền tự do cơ bản mà mọi người đều được hưởng »

.Joe Biden loan báo kết thúc “nhiệm vụ chiến đấu” của quân Mỹ ở Irak

Thụy My

image.png
TT Mỹ Joe Biden (P) hội đàm với thủ tướng Irak Mustafa al-Kadhimi tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng (Washington, Hoa Kỳ), ngày 26/07/2021. AP – Susan Walsh

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/07/2021 tuyên bố Hoa Kỳ từ nay đến cuối năm sẽ ngưng « nhiệm vụ chiến đấu » tại Irak, để bước vào « một giai đoạn mới » trong việc hợp tác quân sự với nước này.

Ông Biden phát biểu như trên trong dịp tiếp đón thủ tướng Irak Moustafa al-Kazimi tại Nhà Trắng hôm qua, nhưng không nói cụ thể về lực lượng được triển khai tại Irak. Tổng thống Mỹ giải thích, vai trò của các quân nhân Mỹ tại đây là « huấn luyện »« trợ giúp » quân đội Irak chống lại tổ chức thánh chiến Daech (IS).

Về phía thủ tướng Irak nói rằng quan hệ giữa hai nước « chưa bao giờ vững chắc như thế ». Ông Al-Kazimi đến Washington tìm kiếm một dấu hiệu hỗ trợ về chính trị nhằm củng cố vị trí khá bấp bênh, ba tháng trước cuộc bầu cử Quốc Hội.

Lãnh đạo một đất nước bị nạn tham nhũng, nghèo khó và đại dịch hoành hành – với trên 12.000 ca lây nhiễm virus corona chỉ trong vòng 24 giờ qua – ông Moustafa al-Kazimi đang trong thế kẹt giữa đồng minh Mỹ và các phe phái quyền lực thân Iran.

AFP cho biết trên thực tế, các chuyên gia không chờ đợi có sự thay đổi lớn, vì đa số lực lượng Mỹ – được gởi đến Irak năm 2014 trong khuôn khổ liên minh quốc tế chống thánh chiến – đã được rút về nước dưới thời tổng thống Donald Trump. Về mặt chính thức, khoảng 2.500 quân nhân Mỹ còn hiện diện không tham gia tác chiến nữa, mà chỉ đóng vai trò « cố vấn », « huấn luyện viên ».

Với loan báo kết thúc « nhiệm vụ chiến đấu », thủ tướng Irak hy vọng nắm được thế thượng phong trước Hachd al-Chaabi. Liên minh hùng mạnh thân Iran, bị nghi ngờ đã tiến hành khoảng 50 vụ tấn công vào các lợi ích của Mỹ tại Irak từ đầu năm nay, luôn đòi hỏi Washington triệt thoái tất cả lực lượng. Điều này khó thể xảy ra vì tàn dư của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn còn hoạt động tại Irak.

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ-Trung tiếp tục chỉ trích nhau trong cuộc gặp tại Thiên Tân

Thụy My

image.png
Xe của sứ quán Mỹ đợi trước Khách sạn số 1 Tân Hải Thiên Tân, nơi diễn ra cuộc đàm phán ngoại giao Mỹ-Trung, Thiên Tân Trung Quốc, ngày 25/07/2021. AP – Ng Han Guan

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 26/07/2021 đã hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân. Trong cuộc gặp lần này, cả hai bên đều tỏ cứng rắn và lần đầu tiên, Bắc Kinh tỏ thái độ ngạo mạn, tuyên bố sẽ hướng dẫn cho Washington trong cách hành xử để hàn gắn và cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hứa hẹn vào cuối tuần sẽ đưa ra « hướng dẫn »  cho người Mỹ để dạy cho họ cách « đối xử bình đẳng với các nước khác », và ông ta đã thực hiện.

Trong số những thông tin ít ỏi lọt ra được từ cuộc họp cấp cao không cho báo chí tham dự, có hai danh sách về những điều cần làm và nhất là những gì không nên làm, được phía Trung Quốc trao cho phái đoàn Mỹ. Danh sách thứ nhất liên quan đến các hành động mang tính cưỡng bức chống lại Trung Quốc cần phải dỡ bỏ, và danh sách thứ hai gồm những điểm mà chế độ cộng sản Bắc Kinh quan ngại.

Thứ trưởng ngoại giao Tạ Phong (Xie Feng) chủ yếu nêu ra việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và mức thuế áp đặt lên doanh nghiệp trong khuôn khổ cuộc chiến tranh thương mại, cũng như việc bỏ yêu cầu dẫn độ người con của nhà sáng lập Hoa Vi (Huawei) đang bị quản thúc tại gia ở Canada. Trừng phạt nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc và gia đình họ cũng phải dỡ bỏ, và chấm dứt tình trạng được cho là « quấy nhiễu » các đại diện ngoại giao và truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Liên quan đến cụm từ « vô cùng bất mãn », Bắc Kinh không còn muốn nghe các đại diện Mỹ nói về việc điều tra xuất xứ của Covid-19, về Đài Loan, Hồng Kông hay Tân Cương nữa !

Sau cuộc họp, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman viết trên Twitter : « Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Vương Nghị hôm nay, tôi đã nói về những cam kết của Hoa Kỳ về sự cạnh tranh lành mạnh, việc bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ, tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong đó tất cả đều có lợi ».

TT Duterte: Gây chiến với Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines sẽ bị “tàn sát”

Thùy Dương

image.png
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đọc Diễn Văn Quốc Gia tại Hạ Viện Philippines ở thành phố Quezon (Philippines) ngày 26/07/2021. AP – Jam Sta Rosa

Philippines sẽ bị « tàn sát » nếu nước này gây chiến với Trung Quốc về vấn đề Biển Tây Philippines (tức Biển Đông), tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu như trên vào hôm qua 26/07/2021 trong bài Diễn Văn Quốc Gia cuối cùng trước khi mãn nhiệm.

Theo trang mạng Inquirer, tổng thống Philippines Duterte nói rằng Manila không thể gây chiến chống Trung Quốc, trong bối cảnh có nhiều tiếng nói phê bình chỉ trích tổng thống Philippinnes về những bình luận trước đây của ông về vấn đề Biển Đông.

Ông Duterte nhấn mạnh Philippines chưa phải là một « đối thủ có năng lực » của Trung Quốc và tên lửa Trung Quốc có thể được phóng đến bờ biển Palawan của Philippines chỉ sau 5-10 phút, ngay cả trước khi máy bay của Philippines có thể cất cánh.

Ông Duterte một lần nữa hạ thấp giá trị chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye hồi năm 2016. Lý do ông nêu lên là vì Trung Quốc không tham gia vụ kiện. Tổng thống Philippines từng gọi chiến thắng này là một “mảnh giấy lộn” và ví nó như một thứ rác có thể vứt bỏ.

Bắc Kinh thông báo thao dợt quân sự ở vùng Biển Đông có tranh chấp

Về phía Trung Quốc, trong bối cảnh thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân, Bắc Kinh hôm qua 26/07/2021 thông báo tổ chức tập trận Hải Quân ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền.

Trang mạng ANI News, trích dẫn Taiwan News, đưa tin cuộc diễn tập được tổ chức trong vòng 2 ngày, tại vùng biển giữa đảo Thương Xuyên (Shangchuan), tỉnh Quảng Đông và Biển Đông, từ 18 giờ ngày hôm nay 27/07 (giờ địa phương) và kéo dài đến 22 giờ ngày 29/07.

ANI News nhắc lại từ ngày 17 đến ngày 21/07, Hải Quân Trung Quốc cũng tập trận ở Biển Hoa Đông, ngoài khơi tỉnh Chiết Giang. Khu vực thao dợt chỉ cách Đài Loan 243 km.

Nắng nóng và bão ở Tokyo khiến Thế vận hội Tokyo gặp khó khăn

image.png

Các ngôi sao quần vợt hối thúc thay đổi lịch trình trong khi ban tổ chức dự kiến sẽ có cơn bão vào thứ Ba ngày 27/7, theo Nikkei Asia đưa tin.

Cái nóng như thiêu như đốt và một cơn bão đang đến gần đặt ra nhiều thách thức đối với Thế vận hội Tokyo, bên cạnh những lo ngại kéo dài về COVID-19.

Thứ Hai ngày 26/7, các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo đã báo cáo 16 trường hợp dương tính với COVID-19 mới trong số các nhân viên Olympic và vận động viên. Ba trong số 16 người là vận động viên và họ chưa từng ở Làng Olympic.

Đồng thời, Tokyo đã bước vào những ngày hè căng thẳng với độ ẩm cao và nhiệt độ tối đa lên đến 30 độ C hoặc cao hơn.

Cuối tuần qua, hai tay vợt nam hàng đầu thế giới Novak Djokovic và Daniil Medvedev đã kêu gọi ban tổ chức dời các trận đấu sang chiều muộn cho tất cả các trận đấu còn lại tại Thế vận hội.

Djokovic cho biết điều kiện thi đấu là “rất khó khăn”, theo Reuters. Anh nói, “Tôi nghĩ hôm nay là ngày nóng nhất từ trước đến nay. Trời rất nóng và ngột ngạt vì độ ẩm cao. Các sân cứng hấp thụ nhiệt và rất nóng. Không có gió, gió nhẹ cũng không nhiều”.

Cái nóng gay gắt đã thúc đẩy Liên đoàn Quần vợt Quốc tế sửa đổi các quy định của mình cho Thế vận hội. Theo quy định mới, một trong hai người chơi trong trận đấu đơn có thể yêu cầu nghỉ 10 phút giữa hiệp hai và hiệp ba nếu nhiệt độ tăng đến một mức nhất định.

Các điều kiện thực tế khác xa so với mô tả trong hồ sơ ứng cử ban đầu của Tokyo, trong đó nêu rõ, “Với thời tiết nắng nhẹ nhiều ngày, giai đoạn này mang lại khí hậu lý tưởng cho các vận động viên thi đấu tốt nhất”.

Năm 2019, Ủy ban Olympic Quốc tế đã quyết định thay đổi địa điểm tổ chức cuộc thi marathon từ Tokyo đến Sapporo, Hokkaido, do lo ngại về nắng nóng. Hiện các nhà tổ chức cho biết, họ đang thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với thời tiết bằng cách chuẩn bị dồi dào nước đá cho các địa điểm thi đấu.

Đối với yêu cầu chuyển các sự kiện sang thời điểm mát mẻ hơn, giám đốc thể thao IOC, Kit McConnell cho biết vào Chủ nhật ngày 25/7 rằng, “lịch thi đấu đã được xây dựng ở những nơi có thể tránh những thời điểm nóng nhất trong ngày nhưng điều đó không thể thực hiện được với mọi môn thể thao”.

McConnell nói thêm, “Liên đoàn Quần vợt Quốc tế đang xem xét điều này và sẽ hỗ trợ cầu thủ với các biện pháp thích hợp nhất có thể”. Ông cũng cho biết, IOC sẽ có thể đưa ra các thay đổi nếu cần thiết.

Djokovic và Medvedev không phải là những người duy nhất phàn nàn vì thời tiết nóng bức. Cung thủ người Nga Svetlana Gomboeva đã ngất xỉu ở vòng loại hôm thứ Sáu tuần trước.

Bên cạnh các vấn đề về thời tiết nóng bức, các nhà tổ chức đang phải đối mặt với một cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ vào Tokyo và các khu vực lân cận vào thứ Ba ngày 27/7. Thủ đô Tokyo có khả năng có mưa lớn, gió mạnh và sóng biển lớn.

Đài truyền hình NHK đưa tin cơn bão đang mạnh lên và có thể mang lại gió giật lên tới 126 km một giờ.

Trước tin tức về bão, các nhà tổ chức đã dời các sự kiện chèo thuyền sang ngày Chủ nhật, sớm hơn một ngày so với dự kiến ban đầu. Một số sự kiện bắn cung được lên kế hoạch cho Thứ Ba cũng sẽ hoãn lại sau ngày Thứ Tư 28/7.

Nhưng vào thứ Hai ngày 26/7, phát ngôn viên của Thế vận hội Tokyo 2020 Masanori Takaya cho biết “tại thời điểm này không có kế hoạch thay đổi lịch trình cho bất kỳ sự kiện nào theo kế hoạch của ngày thứ Ba.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin thời tiết mới nhất để đảm bảo an toàn cho tất cả những người tham gia”, phát ngôn viên Takaya nói thêm.

Một số sự kiện ngoài trời bao gồm bóng chuyền bãi biển và lướt sóng sẽ vẫn diễn ra theo dự kiến vào ngày thứ Ba 27/7.

Pháp từng cảnh báo Mỹ sau khi ‘bị đá khỏi’ phòng thí nghiệm Vũ Hán

image.png

Ông David Asher, cựu điều tra viên chính về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau khi “bị đá khỏi” phòng thí nghiệm Vũ Hán vào năm 2017, các quan chức Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ quan ngại sâu sắc về động cơ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở phòng thí nghiệm này.

Theo Daily Caller News Foundation đưa tin ngày 26/7, ông David Asher, cựu điều tra viên chính của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, các quan chức tình báo Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Pháp và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2015 rằng, ĐCSTQ đang cắt giảm thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp về phòng thí nghiệm.

Nguồn gốc của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên thế giới, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã trở thành tâm điểm của dư luận. Phòng thí nghiệm này là một dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp, được khởi công xây dựng vào năm 2004.

Vào thời điểm đó, Pháp đã cung cấp thiết kế, đào tạo an toàn sinh học và hầu hết các công nghệ cho phòng thí nghiệm này.

Dự án này chính thức ra mắt vào tháng 2/2017, mất hơn 10 năm để hoàn thành.

Ngày 23/02/2017, cựu Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, để hỗ trợ dự án này, Pháp sẽ giúp đỡ phòng thí nghiệm Vũ Hán về chuyên môn kỹ thuật, cũng như tổ chức đào tạo để cải thiện mức độ an toàn sinh học, và tiến hành chương trình nghiên cứu chung. 

Trung Quốc kiểm soát phòng thí nghiệm Vũ Hán

Nhưng năm 2015, ông Alain Mérieux đã từ chức vụ đồng chủ tịch của Ủy ban hỗn hợp giám sát dự án. Lúc đó, trả lời Đài Phát thanh Pháp (Radio France) thường trú ở Bắc Kinh, ông giải thích : “Tôi rời chức đồng chủ tịch (phòng thí nghiệm Vũ Hán) vì đó là một công cụ rất Trung Quốc. Phòng thí nghiệm này thuộc về họ, dù công trình được phát triển với sự trợ giúp kỹ thuật của Pháp”. Ngoài ra, công ty Pháp Technip cũng từ chối tiến hành chứng nhận công trình này.

Theo một bức điện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 4/2018, người Pháp nghĩ rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán là một cơ sở nghiên cứu mở và minh bạch, chuyên cung cấp dịch vụ cho việc nghiên cứu các đại dịch tiềm ẩn trên thế giới. 

Vào tháng 5/2017, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu công cộng Pháp Inserm, cũng là người hỗ trợ thành lập phòng thí nghiệm Vũ Hán, nói với Tạp chí Health Sciences Authority rằng, khoản kinh phí dự trù 1 triệu euro mỗi năm trong thời hạn 5 năm của Pháp sẽ tài trợ cho 50 nhà khoa học Pháp đến Trung Quốc đào tạo các nhân viên của phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Theo thỏa thuận giữa Paris và Bắc Kinh, người Pháp sẽ giám sát công việc của các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Vũ Hán. Tuy nhiên, trái với mong đợi, phòng thí nghiệm này dần dần thoát khỏi sự quản lý của các nhà khoa học Pháp. 50 nhà nghiên cứu Pháp dự kiến sẽ đến Vũ Hán làm việc trong 5 năm lại chưa hề rời khỏi Pháp.

Ông David Asher nói rằng, năm 2017, người Pháp đã “bị đá khỏi” phòng thí nghiệm và hai bên ngừng hợp tác. Vì lý do này, các quan chức Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ quan ngại sâu sắc về động cơ của ĐCSTQ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra trong một bức điện vào tháng 1/2018 rằng, phòng thí nghiệm Vũ Hán thiếu các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Bộ Ngoại giao tiếp tục tiết lộ vào tháng 1/2021 rằng, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã thay mặt quân đội ĐCSTQ tiến hành các nghiên cứu bí mật ít nhất là từ năm 2017.

Ông Asher nói rằng, các quan chức Mỹ từng đến thăm phòng thí nghiệm này và đưa ra cảnh báo bằng điện tín đã bị Bắc Kinh cấm quay lại, bởi vì họ đưa ra “quá nhiều câu hỏi”.

Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Theo bức thư điện tử do WikiLeaks công bố, ngay từ năm 2009, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ, đã bày tỏ quan ngại về phòng thí nghiệm Vũ Hán. Bà Hillary đã hỏi Pháp về cách Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ “kiểm duyệt các nhà nghiên cứu nước ngoài nhập cảnh”, và các vấn đề khác như tránh chuyển giao công nghệ cho các nước có vấn đề về phổ biến vũ khí sinh học.

Theo tờ Le Figaro của Pháp đưa tin, mặc dù các chính trị gia cấp cao của Pháp ủng hộ dự án hợp tác này, nhưng các chuyên gia an ninh quốc phòng của nước này lại bày tỏ phản đối. Những chuyên gia này nói rằng, họ không muốn chia sẻ các công nghệ nhạy cảm với “quốc gia có tính áp bức và không phải là đồng minh”, đồng thời cảm thấy lo ngại về việc phòng thí nghiệm này có thể bị biến thành “kho vũ khí sinh học”.

Một quan chức cấp cao của ĐCSTQ cho biết hôm 22/7 rằng, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc điều tra nguồn gốc của virus giai đoạn hai, bao gồm một cuộc điều tra về giả thuyết phòng thí nghiệm Trung Quốc bị rò rỉ. Đồng thời Bắc Kinh đã chặn WHO tiếp cận các hồ sơ quan trọng của phòng thí nghiệm này.

Ông Asher nói rằng, Pháp đã sớm cảnh báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2015 rằng, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nên dừng gửi tiền cho phòng thí nghiệm Vũ Hán, và các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nên đóng tất cả các hợp tác liên quan đến phòng thí nghiệm này.

“Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hút Hoa Kỳ vào vại mật của họ để có được các hỗ trợ về công nghệ, tri thức và vật chất của Mỹ. Đây là một (ví dụ) kinh điển. Nó giống với những gì họ (ĐCSTQ) đã làm trong mọi lĩnh vực”, ông Asher nói.

Từ tháng 10/2009 đến tháng 5/2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã cung cấp 1,1 triệu USD cho Liên minh EcoHealth (EcoHealth Alliance) – một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ – để ký một thỏa thuận phụ với phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Theo tạp chí New York đưa tin, EcoHealth Alliance còn nhận được tài trợ từ Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) – một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, và 600.000 USD của Viện Y tế Quốc gia Mỹ từ năm 2014 đến năm 2019. Các khoản tiền này cuối cùng đều được chia cho phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Tượng ‘virus ĐCSTQ’ ở California bị phá hủy

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, tác phẩm điêu khắc “CCP virus” (virus Trung Cộng) trên Quốc lộ 15 của California đã bị thiêu rụi vào khoảng 6 giờ chiều ngày 23/7 theo giờ Bờ Tây. Tác giả của tác phẩm điêu khắc, ông Trần Duy Minh tuyên bố rằng ĐCSTQ muốn xóa bỏ những thiệt hại đã gây ra cho thế giới, họ sẽ không thành công và tác phẩm điêu khắc mới sẽ sớm được dựng lên.

Nhà điêu khắc Trung Quốc Trần Duy Minh đã thành lập “Công viên điêu khắc tự do California” vào năm 2017 tại Yermo, California, bên cạnh Xa lộ liên bang 15 sầm uất trong sa mạc Mojave. Có rất nhiều tác phẩm điêu khắc do ông Trần Duy Minh và các tình nguyện viên Trung Quốc đã được thực hiện bằng công sức và mồ hôi của mình. Những tác phẩm điêu khắc này ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của nhân dân Trung Quốc.

“Công viên điêu khắc tự do California” nằm trên bãi cát rộng mênh mông, với nhiều cây cối và chỗ ngồi để tưởng niệm. Trong công viên đặt nhiều tác phẩm điêu khắc về chủ đề tưởng niệm Sự kiện 4/6 (thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989) và các phong trào dân chủ ở Trung Quốc trong những năm qua: có tượng đài 4/6 lớn bằng thép không gỉ, “người xe tăng Lục Tứ”, người biểu tình đường phố chống Luật Dẫn độ ở Hồng Kông v.v. cũng như tác phẩm điêu khắc “Virus Trung Cộng” vừa được đặt ở đây vào ngày kỷ niệm Sự kiện 4/6 năm nay.

Tác phẩm điêu khắc “virus Trung Cộng” được làm bằng nhựa gia cố sợi thủy tinh, và phải mất 7 tháng nhóm của ông Trần Duy Minh mới có thể hoàn thành tác phẩm. Tác phẩm điêu khắc dựa trên hình dạng của virus COVID-19, với một protein hình gai màu đỏ tươi nhô ra từ phần hình cầu của virus. Một nửa bức điêu khắc là chân dung của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, nửa còn lại là hình đầu lâu tượng trưng cho cái chết.

Tác phẩm điêu khắc đã chính thức được công bố vào dịp kỷ niệm Sự kiện 4/6.

Tuy nhiên sau vụ đốt phá, phần phía trên của tác phẩm điêu khắc đã trở thành một đống gạch vụn cháy đen. Phần đế của tác phẩm điêu khắc và các chữ cái đậm màu đỏ ghi tên của tác phẩm, là tất cả những gì còn lại của tác phẩm điêu khắc.

Việc phá hoại tác phẩm điêu khắc này trông có tổ chức, không giống như hành động cá nhân. Theo ông Trần Duy Minh, trước đó, những kẻ phá hoại đã cố gắng phá hủy bức tượng “virus Trung Cộng” từ phía sau bằng công cụ điện, cho rằng như vậy có thể kéo được bức tượng xuống, nhưng họ đã không thành công. Sau khi các tình nguyện viên đến canh giữ bức tượng hàng đêm, không ai dám tiếp tục đến phá hoại.

Nhưng sau đó, những kẻ phá hoại chắc hẳn đã quan sát rất kỹ lưỡng, nhận thấy rằng vào khoảng 6:00 chiều sẽ có ít khách du lịch hơn và không có người trông chừng, do đó tác phẩm điêu khắc đã bị đốt phá vào khoảng thời gian này. Những kẻ phá hoại này nhắm vào bức tượng kỷ niệm Sự kiện thảm sát Thiên An Môn có khả năng cũng là người Trung Quốc.

Theo báo cáo, có rất ít người Trung Quốc sống gần Yermo, những kẻ phá hoại có thể đến từ Los Angeles, cách đó hai giờ lái xe. Họ liều lĩnh lẻn vào đất tư nhân để làm các việc phá hoại phi pháp, thì hẳn phải có thế lực chống lưng mạnh mẽ, có thể chi tiền bất kể giá nào.

Tác giả Trần Duy Minh rất buồn, bức tượng này là công sức của các tình nguyện viên Trung Quốc ở California trong hơn nửa năm. Ông cho biết, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, dự liệu rằng ĐCSTQ sẽ dùng thủ đoạn hạ lưu để phá hủy bức tượng, nhưng ở Mỹ, việc đốt phá tượng một cách trắng trợn còn vượt quá tưởng tượng của ông.

Ông Trần Duy Minh nói rằng tác phẩm điêu khắc này tượng trưng cho tác hại của chế độ tà ác ĐCSTQ đối với thế giới. Tác hại mà virus Trung Cộng mang lại cho thế giới là một cột trụ đáng xấu hổ của lịch sử, và chúng tôi muốn đặt ĐCSTQ vào cột trụ đáng xấu hổ này. Chúng tôi cần phải luôn nói với thế giới rằng thảm kịch do virus ngày nay chính là do chế độ độc tài ĐCSTQ gây ra.

Israel tấn công căn cứ quân sự Hamas, đáp trả hành động phóng khinh khí cầu của Hamas

Vào chiều Chủ nhật ngày 25/7 giờ địa phương, các nhóm khủng bố có trụ sở tại Gaza đã phóng khinh khí cầu vào miền nam Israel, gây ra một số đám cháy. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các cuộc không kích quân sự vào một căn cứ của Hamas để đáp trả, Fox News đưa tin.

Theo Fox News, cuộc không kích diễn ra vài giờ sau khi khinh khí cầu được phóng vào Israel bởi các nhà hoạt động có liên đới với nhóm chiến binh Hamas cầm quyền ở Gaza. Các bức ảnh và video đăng trên mạng xã hội cho thấy họ phóng các quả khinh khí cầu vào Israel. Một trong số các quả khinh khí cầu mang dòng chữ “Thời gian không còn nữa”.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các cuộc không kích quân sự vào một căn cứ của Hamas để đáp trả. IDF cho biết căn cứ này gần các địa điểm dân sự, bao gồm cả trường học, và có cơ sở hạ tầng “và các phương tiện được sử dụng cho hoạt động khủng bố”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả bất kỳ nỗ lực khủng bố nào từ Gaza”, IDF cho biết.

Thủ tướng Naftali Bennett, nhà lãnh đạo cánh hữu từng là cựu tham mưu trưởng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã nói rằng ông sẽ phản ứng trước các cuộc tấn công bằng khinh khí cầu ở mức độ nghiêm trọng như tên lửa.

Vụ khiêu khích của Hamas diễn ra hai tháng sau cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas. Nhóm chiến binh Hồi giáo đã rất thất vọng vì Israel hầu như không nới lỏng phong tỏa đang làm tê liệt Dải Gaza kể từ khi cuộc giao tranh kết thúc, cũng như trì hoãn đàm phán gián tiếp để nối lại viện trợ tài chính của Qatar cho Gaza.

Theo The Times of Israel, để đối phó với các cuộc tấn công đốt phá, Israel tuyên bố cắt đôi vùng đánh cá của Dải Gaza, từ 12 hải lý xuống còn 6 hải lý, có hiệu lực ngay lập tức và cho đến khi có thông báo mới vào đêm Chủ nhật. Trước khi xảy ra xung đột giữa Israel và các nhóm khủng bố Palestine ở Gaza, ngư dân Palestine có thể hoạt động cách bờ biển tới 15 hải lý.

“Điều này xảy ra sau vụ phóng khinh khí cầu từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, hành động này vi phạm chủ quyền của Israel”, liên lạc viên quân sự của Israel với người Palestine, Điều phối viên các hoạt động của chính phủ tại các vùng lãnh thổ, cho biết trong một tuyên bố.

Không có thương tích hoặc thiệt hại về tài sản được báo cáo.

Trong tuyên bố của mình, Israel cho biết các cuộc tấn công cuối cùng là trách nhiệm của nhóm khủng bố Hamas, kẻ thống trị trên thực tế của Dải.

Hamas đã cảnh báo về việc quay trở lại chiến đấu nếu Israel tìm cách thắt chặt một lần nữa các hạn chế đối với Dải Gaza bị phong tỏa. Khu vực ven biển đã được kiểm soát chặt chẽ hơn bình thường kể từ cuộc xung đột kéo dài 11 ngày vào tháng 5 giữa Israel và Hamas.

Trước đó, vào ngày Chủ nhật, chính quyền Israel đã ngăn chặn 25 xe tải chở nhiên liệu do Qatar tài trợ vào Dải Gaza. Một quan chức quốc phòng Israel giấu tên cho biết, các quan chức Chính quyền Palestine ở Gaza đã thất bại trong việc phối hợp với họ.

Người phát ngôn của Hamas, Abd al-Latif al-Qanou, nói với đài phát thanh chính thức của Hamas vào tối Chủ nhật: “Các hạn chế hơn nữa đối với Gaza sẽ chỉ tạo ra khói lửa trong vùng chiếm đóng”.

Israel thường xuyên đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Hamas ở Gaza sau các cuộc tấn công bằng khinh khí cầu. Thủ tướng Naftali Bennett đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không để những vụ việc như vậy xảy ra mà không có phản ứng.

“Israel quan tâm đến sự ổn định và không muốn gây hại cho cư dân Dải Gaza, nhưng bạo lực… sẽ bị đáp trả mạnh mẽ”, Thủ tướng Bennett nói với nội các sau các cuộc tấn công như vậy vào đầu tháng Bảy, The Times of Israel cho hay.

Related posts