Cựu Thủ tướng Tony Abbott đã bị chỉ trích tứ phía sau hành động “kiếm phiếu trên xác chết” của cố Thủ tướng Bob Hawke vào thứ Năm tuần qua, chỉ hai ngày trước ngay bầu cử.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông Bob Hawke qua đời vào tối 16.5.2019, ông Abbott đã lên tiếng trên mạng xã hội rằng ông Hawke là một chính trị gia với “trái tim Lao Động nhưng cái đầu Tự Do” (a Labor heart but a Liberal head) để rồi than thở là ngày nay đảng Lao Động đã xa rời di sản của ông Bob Hawke.
Không chỉ Lao Động chỉ trích, cả Thủ tướng Scott Morrison cũng chỉ trích ông Abbott thế nhưng rõ ràng những gì ông Hawke từng làm đều là những gì mà Tự Do đang xiển dương.
Úc được xem là may mắn nhất trong thế giới phát triển khi thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế trong 27 năm liên tiếp. Các nhà kinh tế nhận định kết quả đáng khích lệ nói trên có được là nhờ chương trình cải cách kinh tế trong vào cuối thập niên 1980 và đầu 1990 như thả nổi đồng Úc kim, tạo sự linh hoạt cho thị trường nhân công, bãi bỏ một số quy định đối với thị trường vốn và lĩnh vực tài chính, kết hợp với giảm thuế.
Đó là công lao của ông Hawke cùng ông Paul Keating. Chính ông là người quyết định thả nổi đồng Úc kim và mở cửa thị trường Úc, ông “khai phóng hóa” hay chơi chữ là “Tự do hóa đảng Lao Động” (liberalization the Labour), khiến đảng này bớt cứng nhắc trong vấn đề ý thức hệ hay “quyền lợi giai cấp” để thích hợp hơn với đường lối kinh tế duy lý, “thân Mỹ” hơn về mặt đối ngoại.
Từng là chủ tịch nghiệp đoàn ACTU, trong vai trò thủ tướng ông Hawke thuyết phục nghiệp đoàn đồng ý không đòi hỏi tăng lương để giải tỏa áp lực lạm pháo, thay vào đó ông gia tăng cô hội huấn nghệ cho họ qua việc mở rộng các hệ thống trường TAFE v.v..
Bây giờ, sau sự ra đi của vị thủ tướng được xem là “hợp lòng dân nhất” này, chúng ta thử ôn lại con người cùng cá tính của ông.
Sành bia, lờ mờ về Thượng Đế
Bob Hawke chào đời năm 1929 tại Bordertown, một thị xã nhỏ thuộc tiểu bang South Australia, vùng giáp giới với tiểu bang Victoria. Bác của Hawker là Albert Hawke, thủ hiến Tây Úc từ năm 1953 và 1959 và cũng là bạn thân của vị thủ tướng Lao động John Curtin, thần tượng của Bob Hawke.
Cha là một mục sư và mẹ rất sùng đạo, tuy nhiên ngay từ nhỏ Hawke đã từ bỏ niềm tin Thiên Chúa và đến khi tham chính thì tự diễn tả mình là người theo thuyết bất khả tri (agnosticis). Thuyết này cho rằng Thượng Đế nói riêng và thề giới vô hình nói chung hoàn toàn nằm ngoài khả năng trí tuệ của con người, do đó những xác tín của môn thần học về sự tồn tại của Chúa Trời hay các vị thần là điều khó mà biết được: có thể đúng, có thể sai. Thuyết bất khả tri bao hàm một hình thức của chủ nghĩa hoài nghi đối với các khẳng định tôn giáo, tuy nhiên thuyết này khác với thuyết vô thần mạnh phủ nhận sự tồn tại của bất cứ thần thánh nào.
Tốt nghiệp xuất sắc cử nhân luật và kinh tế tại Đại học Western Australia, Bob Hawke được cấp Học bổng Rhodes năm 1953 để theo học cao học tại Đại học Oxford và tại đây đã hoàn tất luận án về vấn đề tiền lương ở Úc. Trong thời gian lãnh đạo Úc, ông đã đưa ra nhiều cải cách quan trọng, để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh.
Nhưng tại Oxford Hawke nổi danh nhất khi đạt được chức vô địch uống bia cũng như phá kỷ lục thế giới về khả năng uống bia nhanh nhất: nốc cạn 1.7 lít bia trong 11 giây.
Trong hồi ký Hawke cho rằng chiến công này đã góp phần vào thành công chính trị của ông nhiều hơn thứ khác, khiến công chúng Úc với một nền “văn hóa bia” đã cảm thấy gần gũi và dồn phiếu cho ông.
Chủ nghĩa nam tính
Cách làm việc của Hawke rất “cao bồi” nhưng lại rất hiệu quả, cho thấy ông là nhà lãnh đạo biết điệu, biết chơi, biết dùng người.
Ngày 2.6.2008 nhà bình luận John Lyon viết bài “Captain Chaos and the workings of inner circle” (Tạm dịch: Người cầm lái của một con tàu hỗn loạn và nhóm quyền lực tay trong) trên tờ The Weekend Review để phê phán cách làm việc quan liêu của nguyên Thủ tướng Kevin Rudd. Để chê bai ông Rudd, tác giả đưa ra một nhân vật để làm chuẩn, và người này chính là Bob Hawke.
Theo Lyon thì Rudd chỉ thể hiện cách làm việc của một nhà điều hành vi mô (micro-manager), chỉ chúi mũi vào những việc lặt vặt, việc nào ông cũng xía vào mà không thấy được bức tranh lớn. Nhà nhận định này cho rằng phong cách điều hành của Rudd khác hẳn phong cách của Bob Hawke và John Howard. Từ lúc lãnh đạo nghiệp đoàn ACTU Hawke đã biết cách điều khiển một cuộc họp. Trong khi đó thì Howard nổi tiếng trong việc cho các tổng trưởng tự do phát biểu, tuy nhiên bất cứ lúc nào ông nhận ra rằng viên bộ trưởng này chỉ nói vớ vẩn, ông sẽ cắt ngang, không cho nói nữa.
Trước đó, vào tháng Sáu năm 1988), Lyon đã tiến hành điều tra để viết loạt bài về cung cách điều hành trong bộ máy chính quyền Liên bang của Bob Hawke và khám phá ra sự kình chống và dè chừng “bộ máy Bob Hawke” và “bộ máy Paul Keating”. Đồng thời, tác giả cũng khám phá một thứ văn hóa nam tính (blokey culture) trong bộ máy tham mưu của ông Hawker.
Lúc đó tác giả diễn tả bộ máy nhân sự của Hawke: tay nào cũng tu bia ừng ực và phun khói thuốc mù trời, tuy nhiên đằng sau chuyện này tác giả vẫn nhận ra bóng dáng điều khiển của nhà tổng chỉ huy Bob Hawke với “đội ngũ tham mưu hạng A”, trong đó có nhiều nhân vật vai vế, dám cãi lại xếp, dám nói KHÔNG với Thủ tướng. Ngược lại, bộ máy tham mưu của Rudd là một bộ máy hoàn toàn thiếu kinh nghiệm và sự hỗn loạn, mất phương hướng của nội các có thể bùng ra thành một cuộc khủng hoảng.
Cũng trong bài báo trên Lyon đã so sánh sâu hơn về quan hệ giữa Rudd và Hawke với các cố vấn, cộng sự viên.
Theo ông thì Rudd luôn cố chứng tỏ sự lãnh đạo của mình ở bề nổi, chuyện gì cũng có bàn tay chỉ đạo của ông, cả những chuyện nhỏ nhặt không đáng để mất thì giờ, thế nhưng trên thực tế ông Rudd đã không thể điều khiển được tình hình. Rudd cẩn thận, muốn nắm vững từng chi tiết, muốn biết phe Đối Lập nói gì về mình. Mỗi khi biết được Đối Lập nói gì trái ý lập tức Rudd sẽ liên lạc với người này người kia, bàn bạc qua điện thoại hay hội họp để bàn cách đối phó.
Lấy thí dụ Đối Lập nói về lời hứa của Rudd về việc trang bị máy computer cho học sinh. Bị chỉ trích, Rudd liền gọi nguyên nữ phó thủ tướng Julia Gillard ở phòng bên gọi sang họp bàn, từ đó hai người đốc thúc toàn bộ nhân viên trong văn phòng mình sao lục tài liệu lưu trữ để đoan chắc từng lời mà ông ta đã phát biểu trong khi vận động tranh cử, liên quan tới chương trình computer. Khi đã chúi mũi vào việc cỏn con này thì ông ta và bà Gillard sẽ dời hoãn những chương trình làm việc đã định, bất kể những cuộc họp quan trọng nhất.
Nguyên thủ tướng Bob Hawke có hàng loạt cố vấn như: Bob Hogg, Peter Barron, Graham Evans, Ross Garnaut, Geoff Walsh, Dennis Richardson và Barrie Cassidy. Ai cũng có thể phát biểu với Hawke như là người bằng vai bằng lứa: “Không được đâu thủ tướng, ngài làm thế là sai rồi, là gây họa đấy!”
Bob Hawke và người tỵ nạn
Năm 1977 khi làn sóng thuyền nhân lên cao thì ông Hawke là Chủ tịch nghiệp đoàn ACTU. Lúc đó dư luận Úc lại dấy lên một nỗi lo sợ mới về “hoạ thuyền nhân” nên nhiều chính khác Đảng Lao Động lại chăm chăm khai thác vấn đề này như một đề tài chủ chốt trong cuộc tổng tuyển cử năm đó, theo đúng đường lối của Gouth Whitlam.
Hết chính khách Lao Động này đến chính khách Lao Động khác, ai cũng lên tiếng xua đuổi người tỵ nạn Việt Nam về nước. Lúc đó ông Clyde Cameron, người từng nắm giữ chức Bộ trưởng Di Trú trong chính phủ Whitlam, đã nói về những thuyền nhân Việt Nam như thế này: “Đây là những người giàu có, những kẻ đã cướp bóc, buôn bán ma túy và trong nhiều trường hợp, chính là gái mại dâm ngay tại đất nước của họ, nhiều người đã mang những mầm bệnh hoa liễu vốn chưa có thuốc chữa trị.”
Theo lời kể của ông Cameron, chính cựu Thủ tướng Whitlam đã tuyên bố với các đồng chí Lao Động của mình, bảo phải ngăn chặn, đừng để “Bọn Balt Việt Nam chết tiệt đó đem những oán thù chính trị và tôn giáo của chúng đế gieo rắc vào xã hội chúng ta.”
Lúc đó ông Hawke cũng khai thác vấn đề này để đầu tư cho chính trị. Ý kiến của ông Hawke được tờ The Australian số ngày 29.11.1977 đăng trong bản tin với hàng tít lớn: “Hawke: Hãy trả những người tỵ nạn giả mạo về nước”.
Bài báo đó trích lời tuyên bố của Hawke: “Những kẻ đến đây trong cung cách đó không phải là loại người duy nhất đáng được chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn. Bất cứ quốc gia có chủ quyền nào cũng có quyền quyết định cung cách thể hiện lòng trắc ẩn của mình và cung cách gia tăng dân số của mình.”
Ba năm sau (1980) Hawke đắc cử dân biểu và đến năm 1983 thì trở thành thủ tướng. Khi Hawke làm Thủ tướng thì người Việt vẫn đến định cư tại Úc từ các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á. Tuy nhiên đầu thập niên 90, khi các thuyền nhân Cambodia vượt biển đến thẳng nước Úc, Hawke đã ra lệnh thiết lập các trại giam để giam giữ họ lại. Hawke đã đi vào lịch sử như là thủ tướng đầu tiên thiết lập trại giam di dân lậu trên lãnh thổ Úc.
Nhưng năm 1989 ông Hawke đã bậc khóc trên đài truyền hình sau khi chứng kiến cảnh chính quyền Trung Quốc dùng xe tăng đàn áp các sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn và sau đó ra lệnh ban cấp quy chế thường trú cho toàn bộ sinh viên Trung Quốc đang du học tại Úc.
Thẻ căn cước và số thuế
Năm 1987 Hawke đề nghị áp dụng “thẻ căn cước Úc” (Australia Card), theo đó sẽ làm cho mỗi công dân tấm thẻ căn cước với đầy đủ chi tiết cá nhân được lưu giữ trong hệ thống dữ kiện điện toán nhưng bị phản đối dữ dội, sợ rằng việc này sẽ xâm phạm vào quyền riêng tư của công dân.
Dự luật thẻ căn cước bị Thượng viện bác bỏ hai lần và trở trở thành lý do giải tán sớm Quốc hội để tổ chức cuộc tổng tuyển cử 1987. Lao Động vẫn thắng và nhưng cũng chỉ chiếm thiểu số tại Thượng viện so với liên đảng Tự Do – Quốc Gia và đảng Dân Chủ. Vì vậy, dự luật Australia Card bị bỏ quên và được thay thế bằng số hồ sơ thuế vụ (tax file).
Lợi ích kinh tế của biện pháp “Số hồ sơ thuế vụ” thì khá rõ ràng vì nó được sử dụng để truy thu nguồn lợi chính đáng cho quốc gia từ những người trốn thuế.
Đời sống riêng
Tháng 12 năm 1991 Hawke bị Keating đảo chính và từ đó về sau không hề nhìn mặt Paul Keating. Mất ghế thủ tướng, Hawke từ chức dân biểu và từ đó về sau công khai chỉ trích ông Keating, quyết không nhìn mặt kẻ phản phé. Tuy nhiên đầu năm 2004, sau gần 17 năm thù hận, Hawke nói rằng cuối cùng thì ông cũng đã vượt qua được “cảm giác cay đắng” đối với Keating.
Trong cuộc phỏng vấn trong chương trình “Andrew Denton’s Enough Rope Elders” của Đài ABC, Hawke tiết lộ rằng bây giờ hai người là bạn bè với nhau. Ông Hawke phát biểu: “Đương nhiên, khi Paul thách thức tôi và sau cùng đã chiến thắng thì thực sự trong thâm tâm chúng tôi đã không còn là bạn bè. Chúng tôi đã không có những cuộc giao tiếp xã hội trong một thời gian dài nhưng bây giờ chúng tôi đã là bạn bè và ông ấy sắp tới đây để dự bữa cơm tối”.
Ông Hawke thổ lộ là ông “không muốn sự thù ghét và đố kỵ khống chế cuộc đời mình”, và ông bày tỏ: “Tôi đã thấy người ta bị hủy diệt hoặc trở thành nhỏ nhen vì sự đố kỵ và thù ghét. Cuộc đời rất ngắn ngủi”. Theo ông thì đã đến lúc nên nhìn về tình trạng lúc đó một cách tích cực vì diễn tiến xảy ra đã đưa ông tới việc kết hôn với người yêu của mình, nhà viết tiểu sử Blanche d’Apulget, người mà ông mô tả là “vui không thể tưởng”.
Ông Hawke và người vợ đầu tiên là bà Hazel đã ly dị sau gần 40 năm chung sống vào năm 1995. Ông nói: “Tôi không muốn trong bất cứ chiều hướng nào, làm cho nhỏ lại những gì đã qua đi trước đó nhưng tôi phải thành thật nói rằng đây là điều đã mang lại cho tôi những gì là tình yêu mà tôi có thể hình dung được là bất cứ ai đó có thể tưởng tượng ra được trong một lúc nào đó. Tình yêu thể xác, đương nhiên là quan trọng nhưng cảm xúc và sự đối thoại trí tuệ là điều mà chúng tôi có được”.
Là Thủ tướng thành công nhất của đảng Lao Động với bốn nhiệm kỳ liên tiếp trong các cuộc bầu cử liên bang và là vị thủ tướng nhiệm chức lâu thứ ba, sau cố thủ tướng Robert Menzi và cựu thủ tướng John Howard, tuy nhiên ông có một bi kịch gia đình với cô con gái Rosslyn Dillon.
Tháng Chín năm 1984 Bob Hawke đã bật khóc trong một cuộc họp báo khi thú nhận rằng con gái mình nghiện ma túy và hình ảnh này đã được phát trên hệ thống truyền hình. Trước đó ông luôn chối bỏ điều này và bị cáo buộc là bao che cho những kẻ buôn bán ma túy, tuy nhiên khi tình trạng con gái đến mức “hết thuốc chữa”, ông không thể che giấu được nữa.
Đây cũng là một cô con gái “hết cách trị”: từ năm 15 tuổi đã nghiện heroin và bỏ nhà đi sống bụi đời. Năm 1984 cô lại sinh con, và vì sử dụng ma túy trong thời gian có thai nên khi chào đời, đứa con cũng bị nghiện heroin bẩm sinh.
Không rõ vì điều này và giọt nước mắt của cha hay không mà sau đó cô tu tỉnh, chỉ bị rắc rối với luật pháp với vài tội hình sự lặt vặt không liên quan đến ma túy vào năm 2007. Tháng Năm năm 2013 chính cô là người đã gọi điện thọai cho cha, gọi ông đến thăm mẹ Hazel Hawke khi bà “chẳng còn sống bao lâu nữa” trong viện dưỡng lão.
Tiêu diệt chủ nghĩa phân chủng
Việc lãnh tụ da đen Nam Phi Nelson Mandela được xem là biểu tượng của tinh thần tự do nhưng việc ông được trả tự do có công đầu của Bob Hawke. Năm 1990, khi đến Úc ông Mandela đã nói với Bob Hawke: “Tôi muốn bạn biết chuyện này, Bob, tôi có mặt ở đây là nhờ bạn”. Chi tiết này vừa được kể lại trong cuốn sách “Hawke, The Prime Minister” xuất bản năm 2010, do chính vợ của ông Hawke là bà Blanche d’Alpuget viết, kể lại giai đoạn cầm quyền của ông từ năm 1983 đến 1991.
D’Alpuget dẫn lời cựu cố vấn của Hawke là Mike Codd, cho biết ông Hawke đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh đổ chủ nghĩa phân chủng Apartheid. Hawke đưa ra ý tưởng tấn công vào chế độ Apartheid thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế và thuyêt phục được sự ủng hộ của một nhóm nhàcác lãnh đạo trong Khối Thịnh Vượng Chung và sau đó là chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Wolfensohn.
Ông Hawke đã cử ông Codd đến New York để trình bày tình hình và vạch ra những bước cần phải làm, theo đó ông Wolfensohn đã đích thân tiếp xúc với các ngân hàng Mỹ, nguyên ổng trưởng kinh tế Mỹ Tony Cole và thương thảo với các ngân hàng Âu châu, đặc biệt là các ngân hàng Đức, nhà tài trợ lớn nhất của chính quyền Apartheid.
Bà D’Alpuget dẫn lời bộ trưởng tài chính Nam Phi là Barend du Plessis vào năm 1990, cho biết kế hoạch trên đã vô hiệu hoá chế độ phân chủng này.
Áp lực quốc tế và các cuộc nổi dậy nổ ra ngày càng nhiều tại các thành phố đã làm tăng thêm sức ép đối với chính quyền Nam Phi. Chính sách Apartheid của chính phủ bắt đầu được dỡ bỏ. Năm 1990, vị Tổng thống tân cử F. W. de Klerk tuyên bố chính thức xoá bỏ luật Apartheid, trả tự do cho nhà lãnh đạo ANC, Nelson Mandela, và công nhận các tổ chức chính trị của người Phi da đen.
Ông Gareth Evans, với tư cách ngoại trưởng của chính phủ Hawke, cho biết Úc giúp lãnh đạo chiến dịch thế giới chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Phát biểu sau khi nghe tin ông Mandela, ông nói: “Cấm vận thương mại, tẩy chay thể thao và văn hóa có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, những biện pháp đó không gây nhiều ảnh hưởng tới chế độ này. Điều tạo sự khác biệt là cấm vận tài chính, yêu cầu các ngân hàng thế giới ngừng dòng chảy vốn tới Nam Phi. Những bánh xe khiến nền kinh tế xoay chiều và Úc đã đóng vai trò chủ đạo lớn trong việc này.”
Theo Evan cho biết Úc đã vận động hành lang hệ thống ngân hàng châu Âu và châu Mỹ cũng như các chính phủ khác thông qua cơ chế liên bang và cho biết: Cuối cùng, việc làm đó hơn hẳn bất cứ biện pháp nào khác thực sự đã đẩy Nam Phi vào cảnh túng quẫn.
Ông Evans cho hay vai trò của Úc cuối cùng đã được công nhận bởi cựu chủ tịch Nam Phi thời kỳ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông F W De Klerk, và thống đốc ngân hàng quốc gia Nam Phi tại thời điểm đó.
Trước ông Hawke, nhiều nhà lãnh đạo khác của Úc cũng tích cực tham gia nỗ lực lập kế hoạch và củng cố lệnh cấm vận quốc tế giúp kết thúc hệ thống phân biệt chủng tộc gây nhiều tranh cãi ở Nam Phi. Khởi xướng vào đầu thập niên 70, nguyên Thủ tướng Gough Whitlam đã ban hành lệnh cấm triệt để một số đội thể thao Nam Phi được cử tới tham gia thi đấu tại Úc. Tiếp nối ông Whitlam, nguyên Thủ tướng Malcolm Fraser là một trong những nhân vật quốc tế đầu tiên tới thăm ông Mandela trong tù và quan tâm tới việc cấm vận Nam Phi.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận đối với Nam Phi thời kỳ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được đưa ra rất chậm chạp và lâu mới có tác động thực sự ảnh hưởng tới Nam Phi. Cấm vận kinh tế và thương mại được tăng cường vào thập niên 1980 nhưng không có hiệu quả và đến cuối thập kỷ những người phản đối chủ nghĩa Apartheid quyết định cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa để ra sự thay đổi, và lúc này nổi lên vai trò nổi bật của ông Bob Hawke.
Phạm Đức Đồng Hùng