Nửa Đường- Chuyện nhà – Chuyện Lính- Chuyện người-Những câu chuyện ấy tuy là ở qúa khứ nhưng lại vẫn ở thì hiện tại tuy của một thời thế mịt mù nhưng vẫn hiện diện trong lòng những người tị nạn. Nhất là đối với những người lính VNCH, tuy là bên thua trận nhưng vẫn không quên được những ký ức dù đã qua hơn nửa thế kỷ.
Trong tác phẩm này, tác giả Tô Văn Cấp tuy không nhận mình là nhà văn nhưng đã gửi nhiều thông điệp đầy tính văn chương của một người lính đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Ông tri ân anh hùng tử sĩ và thương binh VNCH, tạ ơn người anh cả và bà mẹ quê thân sinh của ông, cám ơn đồng đội, đồng môn TQLC và Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và thân tặng đến tuổi trẻ Việt Nam.
Có phải cuộc chiến đã qua một thời gian dài và nhắc lại chuyện cũ chỉ làm khơi sâu thêm hố ngăn cách dân tộc? Điều ấy sẽ đúng nếu sau khi Cộng sản miền Bắc thôn tính được cả nước mang đến tốt đẹp cho dân tộc tự do cho đất nước dù làm tay sai đánh cho Tầu cho Nga như lời Lê Duẩn nói. Hiện thực bây giờ, Việt Nam là một quốc gia hầu như chậm tiến nhất trên thế giới với tất cả tệ hại mọi mặt từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục. Nhìn lại cuộc chiến đã qua, phải là nhìn lại một bài học lịch sử cần thiết cho tương lai. Nhất là đối với những người lính đã đổ xương máu cho lý tưởng tự do, những chứng nhân của một thời thế đầy biến động của dân tộc.
Tác giả Tô Văn Cấp là một nhà văn không lạ với độc giả. Những bài viết của ông phát xuất từ tâm tư của những người lính đã trải qua nhiều biến cố của dân tộc nên chất chứa nỗi niềm của cả một thế hệ và tiểu sử của ông tuy của một cá nhân nhưng chung mang nhiều nét của một thời đại chiến tranh. Chúng tôi xin ghi lại đơn sơ vài nét. Ông sinh quán làng Cựu Viên, tỉnh Kiến An và di cư vào Nam năm 1954, học trường Petrus Ký, tốt nghiệp khóa 19 Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam, phục vụ tại binh chủng TQLC cấp bực sau cùng là Thiếu tá và bị thương 5 lần trong 11 năm tác chiến. Ông bị tù Cộng sản 10 năm và tị nạn tại Hoa Kỳ HO1. Hiện nay về hưu và sinh sống tại NamCalifornia.
Là một người lính, với những trăn trở từ cuộc chiến và nhất là mang truyền thống của gia đình có hai ba thế hệ chiến đấu trong cùng một đơn vị với 5 anh em và 3 ba người cháu tổng cộng là 8 người đã và đang mặc quân phục TQLC thì có 7 người đã bị tử trận không kể đến 4 người khác thuộc binh chủng Thiết giáp, SĐ23 BB, Hải Quân và Quân Cảnh.Đại gia đình của tác giả Tô Văn Cấp đã chịu nhiều hy sinh cho tổ quốc trong cuộc chiến bảo vệ đất nước chống lại làn sóng đỏ xâm lăng.Trong truyền thống gia tộc ấy, tác giả trong các bài viết của mình đã nhìn chiến tranh Việt Nam như một cuộc chiến chính nghĩa của những người công dân yêu nước chống lại những kẻ tay sai của chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai.
Tôi đọc tác phẩm Nửa Đường như đọc một phần trong bộ lịch sử vĩ đại nhiều người viết. Hàng trăm ngàn chứng nhân lịch sử, mỗi người ở hoàn cảnh khác nhau nên sự ghi chép tuy bao gồm chỉ một phần nhưng là những sự thực cấu thành lịch sử chân thực. Những ghi chép ấy làm rõ hơn một thực tế oái oăm của một đất nước đầy phức tạp, là đấu trường của những thế lực cường quốc trên thế giới mà những người trong cuộc cũng khó mà chủ động trong cuộc chiến.
Nửa Đường như một ghi chép lại của chứng nhân nhà văn Tô Văn Cấp đã trải qua nhiều biến động của lịch sử theo suốt chiều dài cuộc chiến. Người thực việc thực có phải là một đặc tính cần thiết cho bộ lịch sử ngàn người viết mà bây giờ và đến mãi về sau đã có nhiều người đang ghi chép lại?
Tôi hơi ngạc nhiên khi tác giả chọn Nửa Đường làm nhan đề tác phẩm của mình Tại sao bây giờ, có lẽ ông đã qua tuổi “cổ lai hy” rồi thì còn “nửa đường” cái gì? Thì, tác giả đã trả lời, rất chân thành. Nửa Đường là gợi ý từ bài Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong của Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến đọc trong đêm truy điệu trước ngày mãn khóa, mở đầu:
“Lúc bấy giờ… phút chốc liệt vị đã trở nên người thiên cổ
Sự nghiệp đang công đeo đuổi, thôi đành gián đoạn nửa đường…”
Ý của bài văn tế nhắc cho các tân sĩ quan biết đến đã có nhiều đàn anh hy sinh trên khắp các chiến trường. Và trong cuốn sách này, tác giả Tô Văn Cấp nhắc cho chính mình nhớ đến các đàn anh và đồng đội đã hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ như các TQLC Nguyễn Văn Nho, Dương Hạnh Phước, Lê Hằng Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Văn Hợp, Nguyễn Quốc Chính,… và… những người lính trong gia đình đã hy sinh.
Và ngay như chính bản thân tác giả, chúng ta đây đều bị gãy gánh giữa đường. Nửa Đường binh nghiệp vào ngày 30/4/75. Nửa Đường còn lại là tị nạn Cộng sản, lưu vong.Chúng ta đã và đang làm gì hiện nay trong hoàn cảnh này. Chống Cộng thì dĩ nhiên nhưng việc mà mọi người nhớ đến là các anh thương phế binh hiện đang sống ở quê nhà. Do đó, trang đầu của cuốn sách có ghi hàng chữ: Thành kính tri ân anh hùng tử sĩ và TPB/VNCH.
Bình thường , bài viết thay lời tựa do một tác giả có uy tín viết. Nhưng, với Nửa Đường, lại do một hậu duệ TQLC viết cho một TQLC. Cháu Nguyễn Diễm Nga viết cho chú Tô Văn Cấp. “Ngày xưa, chú Cấp từng là niên đệ của bố tôi tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam- Bố tôi khóa 17, còn chú Cấp khóa 19 và cả hai đều là “lính” Thủy Quân Lục Chiến. Theo như lời kể của chú trong bài viết mà tôi tình cờ đọc được nói trên thì bố tôi SVSQ Cán Bộ Nguyễn Tiến Đức Khóa 17 trong tuần lễ đầu huấn nhục đã dùng cái quyền làm hung thần mà nẹt các tân khóa sinh Khóa 19 trong đó có chú Cấp…”. Và đó, là lý do để bài viết thay lời tựa được in trên những trang đầu tiên của Nửa Đường
Nhưng khi đọc được vài trang, tôi hiểu tại sao tác giả Tô Văn Cấp sắp xếp như vậy:
“Trong một buổi nói chuyện thân tình, chú Cấp đã nói với tôi về tựa đề cuốn sách “Nửa Đường” và hình ảnh của “chiếc cầu gẫy” luôn ám ảnh trong tâm tư của chú.
Tuy nhiên khi đọc qua những bài viết của chú, không hiểu sao tôi lại liê tưởng đến một nhịp cầu có khả năng diệu kỳ nối liền những gẫy đổ.
Gẫy đổ do chiến tranh gây ra những mất mát trong trong tâm hồn, trong hình hài trong thân phận của một con người
Gẫy đổ trong ngôn ngữ càng ngày càng rời rạc và lu mờ của Tiếng Việt ngày nay.
Gẫy đổ trong thâm tình giữa hai thế hệ- đời cha và đời con- do hệ lụy của chiến tranh.
Chính những công trình viết lách, tìm tòi và ghi chép lại trong hành trình lội ngược dòng trí nhớ của chú Cấp đã là một “nhịp cầu” nối kết thế hệ đời sau của chúng tôi với lịch sử chiến đấu anh dũng của cha chú”.
Như vậy, đúng là nói chuyện quá khứ nhưng vẫn phóng chiếu tới một hiện tại và một tương lai.Nói chuyện với tuổi trẻ có phải là tâm sự về những ngày cũ để họ hiểu biết thêm về sự thực hôm qua để hành trang vào đời của tuổi trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm cho cuộc đời sẽ mở ra nhiều ước vọng?Bài tựa, bài bạt hay một bài giới thiệu chỉ có nghĩa là một nhip cầu thì cả cuốn sách chỉ là nối kết hai thế hệ với nhau…
Tôi đọc Nửa Đường. Và chạnh nghĩ đến mình tôi cũng có một bà mẹ quê như tác giả Tô Văn Cấp và tôi cũng có những tháng ngày tản cư chạy loạn ở miền Bắc và di cư vào Nam lập nghiệp. Tôi gọi mẹ tôi bằng mợ thì anh Cấp gọi mẹ bằng bu. Cả hai bà đều có những lúc lo lắng cho đứa con đang ở vùng chiến trường nguy hiểm. Trong Nửa Đường anh viết về bà mẹ quê của mình:
“… Ngày tôi ra trường, bu tôi lên Đà Lạt dự lễ mãn khóa để xem tôi mang lon “quan một” nó ra sao, nhưng mục đích chính là bảo ông anh rể tôi làm Cảnh Sát: “Sắp xếp làm sao cho tôi làm việc tại Đà Lạt cho có chị có em” cho bu tôi yên tâm. Thế rồi bu tôi thấy tôi đội mũ beret xanh Thủy Quân Lục Chiến, cụ lo lắng. Vì một ông anh rể khác của tôi ở TQLC đã bị thương nhiều lần nên tôi phải nói dối cụ là tôi được làm văn phòng ở Thủ Đức, gần nhà hơn.
Nhưng rồi tôi đi biền biệt, từ Bến Hải đến mũi Cà Mau chẳng có ngày phép để về thăm mẹ già! Đời lính chiến là vậy còn bu tôi thì hàng ngày vẫn thót con tim mỗi khi thấy xe GMC chở quan tài phủ cờ chạy qua cửa. Khi nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau rằng áo quan phủ cờ vàng sọc đỏ là của lính chết thì bu tôi vịn tường ngồi xuống đất đọc kinh tiếp.
Rồi một ngày tháng 6 năm 1966, một xe GMC/ TQLC chạy vào xóm và từ từ dừng lại khiến bu tôi hốt hoảng khuỵu xuống, nhưng người lính TQLC tìm nhà bà Châu, bà hàng xóm và cũng là người cùng quê, để báo tin con trai của bà là thằng Mão đã tử trận.Bà Châu xỉu, bu tôi cũng hoảng hốt lo lắng xỉu theo vì Mão và tôi là bạn và cùng tình nguyện vào TQLC. Mão ở Tiểu Đoàn 1, tôi ở Tiểu Đoàn 2 Cả hai vừa đụng trận tại Ngã Ba Sông Định, thuộc Bích La Thôn, Quảng Trị. Nó bị tử thuơng, tôi bị đạn xuyên khuỷu tay, thấy không sao nên tôi đã nói với hậu trạm là đừng báo tin về cho gia đình biết. Khốn thay, hậu trạm rồi hậu cứ ở Thủ Đức cứ theo đúng thủ tục mà báo tin nên hai ngày sau lại một xe jeep TQLC đậu trước cửa hỏi nhà bà Tiệp, tên anh cả của chúng tôi. Người báo tin chưa kịp nói gì thì bu tôi ngã xuống bất tỉnh và không còn biết gì nữa.
Vì bị thương nhẹ nên tôi xin xuất viện ngay để đi phép về thăm nhà. Bu tôi đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh thấy tôi về, cụ ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay vuốt mặt con, nắn vai, nắm tay con lắc lắc như muốn biết đây là thực hay chiêm bao/ Bu tôi không nói gì mà chỉ khóc. Cụ khóc vì lo âu cụ khóc vì còn cầm được tay con vừa từ mặt trận trở về. Những bà mẹ lính chiến thấy mặt con lúc nào thì được hạnh phúc lúc đó, còn suốt ngày dài lại đêm thâu chỉ toàn là sầu khổ vì nghĩ đến con ngoài chiến trường Tôi xin mượn ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim “Không chết người con lính chiến mà chết người mẹ hậu phương.” Người lính chiến nếu có chết, chỉ có chết một lần nhưng những bà mẹ hậu phương thì chết dần chết mòn, chết khi nghe “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” chết giấc khi con trở về trên đôi nạng gỗ…
Bu tôi đã chết giấc nhiều lần như thế khi thấy mấy đứa con, đứa cháu trong họ cùng đi TQLC lần hồi tử trận như Tô Thanh Chiêu, Tô Văn Sơn, cháu ngoại Vũ Tuấn, Nguyễn Thanh… Cuối cùng thì ngày 19/6/1969 trên con kinh Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, những tiếng nổ đã loại tôi ra khỏi vòng chiến. May mắn hơn Chiêu, Sơn, Tuấn, Thanh, tôi còn nặng nợ chưa ‘ đi’ được nên khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường bệnh viện, toàn thân những giây cùng nhợ! Mờ mờ qua lớp băng quấn đầu, tôi nhận ra bu tôi đang lấy tay cạy những vết máu, vết sình đã khô trên mặt tôi. Tôi mấp máy đôi môi, gọi qua hơi thở của bình dưỡng khí:-Mẹ… Tiếng Mẹ dễ gọi dễ thương là thế nên tôi quen với chữ Mẹ từ đó!”
Phần đầu cuốn
sách nói về người mẹ thì phần cuối lại là những lời ghi khắc dành cho ông anh cả.
Một ông anh quyền huynh thế phụ đặc biệt tuy là cảnh sát viên nhưng lại ưa
thích binh chủng TQLC và khuyến khích em con gia nhập binh chủng thiện chiến
này.
“Anh
quý bộ quân phục TQLC nên anh rất hãnh diện với bà con họ hàng và đồng nghiệp
có “thằng em là Cọp Biển nên khi em ngỏ ý định rời Binh Chủng TQLC vì lý do
thương tật thì khiến anh luyến tiếc khiến em luyến tiếc theo anh. Khi em “gãy cánh giữa đường”, nhận giấy phân loại thương tật loại 2 vĩnh
viễn sẽ được giải ngũ. Thiếu tá Huỳnh Văn Phú, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Sư
Đoàn, thương bạn bèn giới thiệu em với anh ruột là Huynh Văn Mạnh, người có thẩm
quyền kho xăng Nhà Bè. Anh Mạnh đã xin cho em được vào làm an ninh kho xăng,
lương cao gấp 3 lần lương đại úy nhưng khi nghe em muốn cởi bỏ bộ quân phục thì
Anh luyến tiếc nên em đành cám ơn anh Mạnh, cảm ơn anh Huỳnh Văn Phú mà xin ở lại
Binh Chủng TQLC.
Anh Cả muốn em tiếp tục mặc áo lính, muốn em “tiếp tục sự nghiệp đang công theo đuổi” nhưng không ngờ Anh em và tất cả đồng đội đã phải khóc vào ngày 30 tháng tư vì bị gián đoạn nhiệm vụ giữ nước….”
Đoạn đường binh lửa của tác giả có nhiều thăng trầm, có lúc hãnh diện vì những chiến công mà ông đã góp phần nhưng cũng có lúc đau đớn khi đơn vị bị tổn thất và đồng đội bị gục ngã hy sinh.Mặc dù lúc đầu, vì bốc đồng tuổi trẻ bị kỷ luật nhưng sau đó đã gượng dậy, thuyên chuyển đến một đơn vị nổi tiếng thiện chiến nhất của binh chủng là Tiểu Đoàn 2 TQLC mang danh hiệu Trâu Điên và đã lập được nhiều chiến công. Ông kể lại chuyện đời lính của mình, chân thực của một chứng nhân. Trong cách diễn tả, có sự tận tường của sự thực. Không phải kể lại từ chuyện của người khác nói lại, mà chính là chuyện của mình, biết ra sao thì kể như vậy, không thêm bớt không cường điệu. Chiến tranh Việt Nam có nhiều sự kiện phức tạp, và từ những nhận định, quan sát khác nhau của nhiều phía đã tạo thành những huyền thoại nhiều khi xa cách với sự thực.
Bài viết “Sài Gòn 68 và ông Sáu Lèo” đã có giá
trị của một tư liệu quý giá cho những người viết sử. Qúy giá vì những điều mắt
thấy tai nghe, chính xác những biến cố của một thủ đô khói lửa mà ông tướng anh
hùng bị nhiêu phê phán bất công của truyền thông Mỹ. Qúy giá vì là tiếng nói của
một nhân chứng sau một thời gian dài đã được cất lên:
“Khoảng trung tuần tháng 6/ 2017, cựu Đại Úy Nguyễn Quang Đan chánh văn phòng
Thiếu Tướng Tư Lệnh Binh Chủng TQLC/VN gọi điện thoại báo cho tôi biết có toán
truyền hình người Mỹ muốn tìm hiểu thêm về việc Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn
tên VC Bảy Lốp vào dịp Tết Mậu Thân 1968 tại Chợ Lớn. Đan nói:
“Trường đại học Mỹ ở Texas ( Briscoe Historical- University of Texas) tài trợ cho Mc Douglas Sloan cùng một toán chuyên viên truyền hình để quay cuốn phim Sài Gòn 68. Họ đang tìm những TQLC/VN đã tham dự trận đánh ở Chợ Lớn trong Tết Mậu Thân để phỏng vấn về vụ Tướng Loan bắn tên VC Bảy Lốp. Vậy anh muốn “đóng phim” không?
- Lại truyền thông Mỹ! Khi còn sống Ông Tướng đã bị truyền thông và phản chiến Mỹ phê bình gay gắt về bức hình này rồi, nay ông đã mất,họ cần gì nữa, hay lại muốn đóng thêm cái đinh vào quan tài của Ông chăng?
- Không phải đâu, họ muốn tìm hiểu thêm sự thật để trả lại công bằng cho Ông. Tôi nghĩ anh nên tham gia ít nhất cũng cần một vài tiếng nói của chúng ta, những TQLC đã chứng kiến hoặc biết ít nhiều về vụ này. Tôi sẽ giới thiệu anh với cô Thúy Lan, một người trong toán quay phim và cũng là thông dịch viên, nếu anh muốn.
Chuyện Ông Sáu Lèo bắn tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém ( tự Bảy Lốp) bị phóng viên Adams chụp hình đã qua nửa thế kỷ rồi, truyền thông và phản chiến Mỹ đã làm ông lao đao khi còn sống. Lúc Ông Sáu Lèo qua đời, ông Adams gửi vòng hoa phúng điếu đến gia đình Thiếu Tướng Loan với lời xin lỗi chân thành: “Tôi xin lỗi ông. Nước mắt đang tràn dâng trong mắt tôi”.
Khi còn sống, Ông Sáu giữ im lăng trước làn sóng phê bình chỉ trích, ngày nay Ông đang ở trên chốn bình yên, một lời xin lỗi hay trăm lời khen chê chẳng còn ý nghĩa gì đối với Ông, nhưng “một nửa sự thực” còn lại rất cần thiết để làm sáng tỏ thêm chính nghĩa, tính nhân bản trong công cuộc chống Cộng của đồng đội ông, của thuộc cấp ông nói riêng và Quân Đội VNCH nói chung. Vì vậy tôi đồng ý với đề nghị của Đan để nói với toán quay phim Sài Gòn. 68 những gì chúng tôi nhìn tận mắt, nghe tận tai, tay sờ vào sự thật…”
Và, tác giả Tô Văn Cấp đã trong phim của truyền thông Mỹ đã có dịp kể lại tường tận từ đầu tới đuôi trận đánh tại thủ đô Sài Gòn mà đơn vị ông là Tiểu Đoàn 2 TQLC Trâu Điên tham dự. Những tình tiết ly kỳ nhưng có thật có giá trị như những chứng cớ sống thực về chân dung của một ông Tướng xông pha trên trận địa và là một trong những anh hùng đã làm thủ đô yên bình đẩy chiến trường ra khỏi thành phố. Tiểu đoàn của tác giả Nửa Đường đã theo sát ông Tướng từ cuộc dẹp loạn Biến Động Miền Trung đến những trận đánh tại thủ đô nên ông đã chứng kiến bao nhiêu là những hành động qủa cảm, của một người “chiến sĩ” yêu nước và có lòng nhân ái thương người chứ không phải là mẫu người hung ác như truyền thông và phản chiến Mỹ tạo dựng ra.
Nếu là người nông nổi hung dữ thì Ông Tướng đâu có ra lệnh:
- Trong cái building kia còn một toán VC mà CSDC của “moi” chưa thanh toán được, liệu “toi” có thể giúp “moi” giải quyết được không? Điều quan trọng nhất là làm sao bắt sống được tụi nó.
Ông là cấp Tướng chỉ huy, tôi là cấp úy biệt phái, lệnh Ông ra là tôi phải thi hành, nhưng kết qủa đạt được như thế nào còn tùy thuộc vào tình hình “địch –bạn”. Địch chưa biết nhưng “bạn” thì có CSDC. Ông Tướng Cảnh sát lại thân mật “toi moi”, thay vì chỉ tay năm ngón ra lệnh. Ông hỏi ý kiến thân tình “Liệu “toi’ có thể giúp “moi””… nên cảm thấy vui vui cần phải nghĩ cách giúp ông. VC cố thủ trên building cao tầng ngó vào ngay dinh Độc Lập thì nhức nhối và nguy hiểm quá. Các anh CSDC đã cố gắng hết mình mà chưa chiếm lại được lại còn bị tổn thát nên Ông Tướng mới dùng TQLC giúp. Tiêu diệt thì dễ nhưng cái khó là Ông yêu cầu phải bắt sống. Bắt sống VC mà lính tôi chết thì sao đây? Nhưng vì danh dự của Trâu Điên của Binh Chủng, tôi phải cố gắng. Để giảm thiểu thiệt hại tối đa tôi trình Ông:
- Thưa Thiếu Tướng. Chúng tôi sẽ cố gắng bắt sống nếu họ muốn sống, còn nếu họ muốn chết khiến lính tôi chết theo thì đó là ngoài ý muốn. Chúng tôi đã có mặt nạ, áo giáp và khói màu rồi xin CSDC cung cấp thêm lựu đạn cay và bao vây xung quanh.
Ông Tướng cam kết sẽ có lựu đạn cay ngay còn bao vây thì CSDC đã siết chặt rồi. Hơi cay và khói màu không phải là vũ khí sát thương nhưng sẽ làm cay mắt, ngộp thở, vì bản năng sinh tồn, địch sẽ phải tìm cách thoát thân.
Một yếu tố tâm lý hết sức quan trọng khi chúng tôi đi vào chỗ chết để bắt sống VC trước con mắt chăm chú theo dõi của Ông Tướng Cảnh Sát, của anh em CSDC và của đồng bào khiến Thiếu úy Huỳnh Vinh Quang điều động trung đội tiến vào mục tiêu như đóng phim, anh em Trung Đội 14.ĐĐ1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắt sống 6 tên VC trong tình trạng ngơ ngác, lảo đảo say khói màu như say thuốc lào Ba số 888.
Đánh trận có thắng có thua. Nhưng có trận thua một cách kỳ lạ đau đớn, trận cửa Thuận An. Tô Văn Cấp viết “Những hồn hoang trên pháp trường cát”. Trước đây, trong chương trình Tản Mạn Văn Học Tưởng niệm Cao Xuân Huy với tôi và Nhã Lan, ông đã nói về trận chiến ấy với sự căm phẫn của nỗi niềm dắn vặt qua tháng năm dài sau cuộc chiến. Và trong bài viết này, ông bầy tỏ:
“Chiến đấu là có thắng có thua, mà phần quyết định thắng thua thường do khả năng và tài lãnh đạo của cấp chỉ huy. Viết về một chiến thắng thì quá dễ dàng, vui trong bụng và làm hài lòng những người tham dự, nhất là những cấp chỉ huy trận đánh đó. Nhưng rất dễ “lãnh đạn” khi viết về một chiến bại dù cho là “Can trường trong chiến bại”. Viết về biến cố Thuận An thì lại càng khó. Nó không chỉ là chiến bại mà là một tan hoang! Tan hoang không hoàn toàn do địch quân mà có phần trách nhiệm chỉ huy cao cấp của cuộc rút quân đó! Lại càng khó khi những nhân vật chỉ huy cao cấp đó còn đây. Không khéo lại bị mang vạ là hỗn hào, sao dám phê bình…?
Biết vậy nhưng tôi phải viết, viết để trả lời cho những người đã khóc, đang khóc, và còn khóc mãi khi thân nhân của họ là những oan hồn chưa tìm được ra nơi tạm trú, những hồn hoang vẫn còn lang thang trên “pháp trường cát” Thuận An vào những buổi hoàng hôn.
Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó/Sư Đoàn TQLC đã ghi lại: “Chiều đã xuống, Bộ Chỉ Huy nhẹ SĐ/TQLC đã gọi bất cứ hệ thống vô tuyến điện nào có thể, để xin tiếp tục gửi tàu đến bãi bốc, nhưng mọi câu trả lời nhận được đều bi quan và tuyệt vọng.”
Kể từ 4 giờ chiều 26/3, cả LĐ 147/TQLC coi như đã bị đưa ra “pháp trường cát” Thuận An. Trước mặt là Biển Đông, sau lưng là Đầm Thanh Lam, Đầm Hà Trung, phía Bắc là Cửa Thuận An và Phá Tam Giang. Nam là Cửa Tư Hiền, giữa bãi cát mênh mông thì có thể làm gì được đây?
Đã 6 giờ chiều, nhưng người lính TQLC phải quyết định thật nhanh. Thiếu Tá Phạm Cang cho họp các Tiểu Đoàn Trưởng để đi đến một quyết định “Tiếp tục đánh và đi về phía Nam” đi về Cửa Tư Hiền dù biết rằng không có cầu phao, nhưng hy vọng vào cái cầu bằng “bọt nước” tức là hy vọng vào Duyên Đoàn 13 thuộc BTL/HQ Vùng I Duyên Hải còn trấn giữ ở đây. Nhưng tất cả đúng là “bọt nước”, không tàu, không cầu, không bạn, hết đạn, hết lương thực, hết nước, chỉ còn nước biển mênh mông và súng địch thì không tử trận cũng tự sát, và bị bắt! Còn ai thoát được?
Có bạn trách chúng tôi rằng tại sao lại dùng chữ “pháp trường cát’? Nói như vậy, có nghĩa ám chỉ quân sĩ là “tội nhân” à?
Xin thưa, khi Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ trói Tạ Vinh, tên Ba Tàu đầu cơ gạo vào pháp trường cát trước cửa chợ Bến Thành mà bắn. Nay các chiến sĩ bảo vệ chế độ bị đẩy ra bãi biển cát, tứ bề mênh mông là nước, không có bất cứ phương tiện nào khác, không đạn dược, không lương thực chỉ có còn họng súng AK ,B40, RPD chĩa vào trước mặt thì có khác chi các anh bị thượng cấp, trong đó có Phó Tổng Thống Kỳ, trói chân tay các anh trước họng AK, thì có khác gì các anh bị đem ra pháp trường cát!
Tác phẩm Nửa Đường còn viết về câu chuyện ngôi mộ “Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ” mà đồng bào thôn An Dương đã cải táng được nấm mồ tập thể của 132 quân nhân trên bãi biển Thuận An. Hai chữ “hiển hách” đã nói lên tấm lòng thương mến của người dân thôn An Dương đối với các quân nhân đã hy sinh vì đất nước. Mà trong đó có Đại Uý Tô Đức Chiêu ĐĐT thuộc TĐ 2/TQLC, em chú bác ruột của tác giả. Xác thân của anh hùng tử sĩ đã chung một chỗ nằm của đồng đội sống chiến đấu cùng nhau nhưng khi chết cũng cùng chung mộ chí…
Lính cầm súng chiến đấu thì cầm chắc cửa tử trong tay, không chết nay thì chết mai, đang nhai miếng cơm sấy thì đạn bắn toét miệng, cơm mau và óc văng vào mặt thằng bên cạnh! Họ không kêu không than không trách vì đó là bổn phận, nhưng nếu chết vì cấp chỉ huy cẩu thả “đem con bỏ chỡ” thì không hiểu được, chỉ biết chửi thề…
Nửa Đường còn có những bài viết ly kỳ khác mà tác giả Tô Văn Cấp đã viết với cả tấm lòng của mình. Như viết về những người cùng binh chủng, những Nguyễn Xuân Phúc, Đỗ Hữu Tùng, Trần Văn Hợp,Nguyễn Quốc Chính, Nguyễn Tri Nam, Tô Đức Chiêu,… đến nay đã khuất núi hay những người còn sống như Phạm Văn Tiền, Phạm Cang, còn sống sót ở xứ người với tư cách của những nhân chứng khả tín của lịch sử một thời đại đầy biến cố máu lửa của dân tộc. Hay như những đồng đội hoặc cấp chỉ huy của quân chủng bạn KQ như Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Đại Tá Vũ Đức Vinh… Mỗi người mỗi sự kiện, mỗi người mỗi trận đánh,những chiến thắng lẫy lừng, được phác họa lại với phong cách rất nhân bản của những người lính VNCH gìn giữ quê hương chống ngăn làn sóng đỏ xâm lăng thực hiện theo chỉ thị của Cộng sản quốc tế mà đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng.Không khát máu, không hận thù, những người lính ấy vẫn kiên quyết với lý tưởng của mình dù co khi phải tức tưởi buông súng. Tác giả Nửa Đường viết không phải chỉ để chia sẻ qúa khứ với những người cùng thời đại sống với mình mà còn chủ tâm viết cho thế hệ tương lai, những “hậu duệ” sẽ là thế hệ làm vinh danh đất nước và dân tộc Việt Nam mai sau.
Một “hậu duệ” của chú Tô Văn Cấp, cháu Nguyễn Diễm Nga đã viết, thực chân thành những suy nghĩ về thế hệ cha ông, những người lính VNCH:
“Thế hệ của chúng tôi sinh ra và lớn lên ở phần cuối của cuộc chiến, có các em hậu duệ còn sinh sau đẻ muộn hơn cả tôi nữa. Chúng tôi yêu quý và tự hào về những bậc cha chú của mình trong niềm thành kính nhưng đôi khi vẫn còn khá mơ hồ vì vào thời điểm ấy chúng tôi còn quá nhỏ. Lớn lên một chút thì lại xa cách những người cha bị đọa đầy trong ngục tù Cộng sản và trong khi gia đình phải cực khổ bươn chải kiếm miếng cơm manh áo nơi “Thiên Đường Mù Xã Hội Chủ Nghĩa” những hiểu biết non nớt của chúng tôi về bộ mặt thật của chiến tranh dường như chưa bao giờ được hiển hiện rõ nét, đầy đủ và chi tiết.
Nhờ những người cầm bút tận tụy như chú Cấp nói riêng và rất nhiều những ngòi bút đáng kính trọng khác khắp nơi trên thế giới viết về cuộc chiến một cách tường tận theo nhiều góc cạnh với vô số những dẫn chứng, những tâm tình uất nghẹn pha máu và nước mắt của từng quân/ binh chủng một – như “Trâu Điên và cố vấn Mỹ”, như “Kỷ niệm vui buồn với các anh Không Quân” – chúng tôi, những người con đã có được những nhận định trọn vẹn và hào hùng về quân sử quân lưc VNCH.
Tôi đặc biệt yêu mến bài viết: “Cha ơi! Con rất hãnh diện về cha”. Tôi vô cùng cảm động sự trân trọng của chú đã dành cho những người đã bỏ mình nằm xuống vì quê hương cũng như những người đã hy sinh một phần thân thể của mình cho quê hương giờ đây vẫn còn sống sót rất khổ sở với nỗi đau tàn phế của thể xác. Đây cũng chính là chủ đề tinh thần thứ hai trong các bài viết của chú Cấp:
“Dù thân phụ tử trận khi các cháu còn quá nhỏ hoặc chưa sinh ra, sau gần nửa thế kỷ, các cháu đã trưởng thành, đã thành công dân Mỹ, nhưng vẫn tìm về cội nguồn và hãnh diện có cha đã hy sinh cho Tổ Quốc Việt Nam. Chúng tôi có bổn phận phải kể lại cho các cháu những điều chúng tôi biết về cha các cháu. Từ đó các cháu mới hiểu vì sao các cháu có mặt trên đất nước này mà nhớ ơn các người lính Việt Nam Cộng Hòa”.
Nguyễn Mạnh Trinh