Giới khoa học đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về kế hoạch tiêu diệt cá chép (carp) bằng virus bệnh herp, cho rằng việc này lợi bất cập hại.
Để tiêu diệt giống cá này, năm 2015 Cục Khoa học và Kỹ nghệ liên bang (CIRSO) và Trung tâm hợp tác nghiên cứu động vật xâm lăng (Invasive Animals Co-operative Research Centre) đã thí nghiệm việc sử dụng siêu vi khuẩn virus herp và tin chắc rằng biện pháp này an toàn, không lây lan sang người và các giống cá khác. Tuy nhiên biện pháp này phải chớ tới cuối năm nay mới có những báo cáo đánh giá tác động môi sinh cuối cùng.
Lên tiếng đầu tuần này, bà Heather McGinness, một khoa học gia cao cấp của CIRSO, lo ngại rằng những con các chép bị chết vì virus này sẽ trở thành thực phẩm cua các giống sinh vật khác, trong đó có nhiều loài chim.
Trong khi đó nhà sinh thái ngư học Alison King của đại học La Trobe cho rằng một khi hàng ngàn con cá chép bị tiêu diệt thì các giống sinh vật khác sẽ bị thiếu hụt nguồn thực phẩm trầm trọng.
Năm 2016 Chính phủ liên bang đã tuyên bố cuộc chiến chống cá chép với kinh phí $15 triệu. Tuyên bố với các ký giả khi công bố chương trình tại Murray Bridge (Nam Úc), nguyên Tổng trưởng kỹ nghệ Christopher Pyne đã chơi chữ khi dùng từ “Carpegeddon”, mượn từ Armageddon để chỉ trận đánh cuối cùng trước ngày tận thế. Ông phát biểu: “Chúng ta sẽ chứng kiến trận đánh tiêu diệt cá chép trên sông River Murray, giống cá chép Âu châu”.
Ngân khoản trên sẽ được sử dụng cho chương trình chế ngự cá chép toàn quốc, trong đó có việc đưa virus bệnh herpes xuống nước với mục tiêu tiêu diệt 95% lượng cá chép. Lúc đó ông Pyne cho hay cá chép là một trong những giống sinh vật tệ hại nhất từng nhập vào Úc, cùng với cóc mía, thỏ và lừa.
“Carp” tức là cá chép hay cá gáy tại Việt Nam, được người Anh mang vào Úc và các khảo sát khoa học cho thấy đây là nguyên nhân gây ra nước sông luôn luôn đục và giảm sút thảm thực vật ngầm trong hệ thống sông Murray-Darling, gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái của sông, phẩm lượng nước và các loài cá bản địa.
Cá chép chuyên ăn các loại rong rêu dưới đáy sông và hoạt động như cái máy ủi, do đó khuấy động lớp bùn này lên làm sông đục ngầu, dẫn đến đáy sông thiếu ánh sáng và các loại rong rêu dưới đáy chậm phát triển, càng làm nước sông đục hơn. Dân đánh cá Úc gọi cá chép là “heo nước ngọt”.
Hiện cá chép chiếm đến 80% quần thể thủy sản trong sông Murray, gây thiệt hại kinh tế đến nửa tỷ Úc kim mỗi năm.
Ở những nơi khác như Việt Nam cá chép được xem là cá quý và được dùng rộng khắp trên thế giới như một loại thực phẩm. Tại Czech, cá chép là một món ăn truyền thống trong bữa ăn tối vào dịp lễ Giáng Sinh, y như gà tây với người Mỹ. Tuy nhiên người tiêu thụ Úc và cả Mỹ không ưa chuộng giống cá này vì mùi tanh do ăn rong rêu đáy sông: chính vì không tiêu thụ nên không ai đánh bắt, cá này tha hồ phát triển.
Trong khi đó thì một con cá chép có thể sống 20 năm và mỗi năm có thể đẻ 1 triệu cái trứng, bởi vậy chính phủ nghiêm cấm bất cứ hình thức nào có thể tiếp tay cho sự phát triển của cá chép. Riêng tại NSW, nếu bị bắt quả tang thả một con cá chép xuống sông sẽ bị phạt $11,000.
Năm 2015 ông David Borger, Gíam đốc phòng Thương mại Tây Sydney, đã đề nghị thả một con cá chép (carp) 1 triệu Úc kim xuống sông Parramatta để tiêu diệt bớt giống cá không phải là sinh vật bản địa của Úc này. Con cá này sẽ được gắn chip điện tử và ai câu được sẽ được thưởng tiền.
Theo người đưa ra ý tưởng này thì việc này sẽ kích thích các tay câu amateur đến sông này diệt bớt cá chép. Nghị viên Paul Garrard tán thưởng ý tưởng này nhưng vấn đề là tìm ra nhà bảo trợ.
Sáng kiến này đến từ Bắc Úc. Năm 2015 chính quyền tại đây thả 76 con cá barramundi xuống các hồ và kênh lạch trong đó, có 1 con cá gắn (tag) ghi giá 1 triệu Úc kim và 75 con cá gắn với tag ghi rõ trị giá 10 ngàn Úc kim.Cuộc thi câu bắt đầu từ ngày 1 tháng 10.2015 đến ngày 29 tháng 2.2016. Bất cứ ai câu được con cá nào có gắn tag, thì sẽ được lãnh số tiền thưởng ghi trên tag. Chương trình này có mục đích thu hút du khách trên khắp nước Úc và thế giới để chứng tỏ rằng Bắc Úc là “nơi tốt nhất trên thế giới để ở, để chơi và để câu cá”.