Gần đây tại Việt Nam đã xảy ra một vụ án mạng kinh dị. Theo thông tin ban đầu thì các nạn nhân bị một nhóm thủ phạm toàn phụ nữ giết chết và xác chết được đổ bê tông để che dấu sự vụ. Vụ án mạng đổ bê tông ở Bình Dương bắt đầu được báo chí đồng loạt đưa tin từ ngày 15/5 sau khi có người phát hiện thi thể trong khối bê tông.
Ba ngày sau đó báo chí và công an Việt Nam khẳng định nhóm thủ phạm nói trên là những người đang tu luyện theo môn phái Pháp Luân Công. Cách đưa tin của báo chí nhà nước làm cho đa số mọi người đều có suy nghĩ rằng Pháp Luân Công là một tà giáo và việc giết người là một trong những cách thức mà người theo Pháp Luân Công dùng để tu luyện.
Phong trào luyện tập Pháp Luân Công ở Việt Nam xuất hiện khoảng 7 hay 8 năm sau khi phong trào này xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1992. Đến năm 2011, số lượng người tham gia tập luyện đã tăng hơn 1500 người và tính đến năm 2016 có rất nhiều người tu luyện, rất nhiều điểm tập luyện Pháp Luân Công xuất hiện ở các công viên ở Việt Nam. Hình ảnh những người tu luyện Pháp Luân Công tại các công viên tại Sài Gòn và Hà Nội đã được đa số công chúng nhìn thấy. Tuy nhiên chế độ CSVN vẫn chưa ban hành một văn bản công khai nào nói về quan điểm của họ đối với môn tập luyện Pháp Luân Công và những người dân Việt Nam đang luyện tập môn này.
Tại Việt Nam, hai người Việt đầu tiên tập Pháp Luân Công trong nước là Nguyễn Nam Trung ở Sài Gòn và Trần Ngọc Trí ở Hà Nội. Thông qua Internet, cả hai người nói đến đã tìm hiểu và tu luyện theo môn phái này. Khi đang theo học ở Hoa Kỳ, khoảng năm 1998, Nguyễn Nam Trung đã bắt đầu tập Pháp Luân Công. Còn vào năm 2000, Trần Ngọc Trí mới biết đến Pháp Luân Công.
Theo nhiều tài liệu khoa học thì người tu luyện Pháp Luân Công “có khả năng đả thông các nguồn năng lượng bên trong cơ thể, hấp thu năng lượng vũ trụ để điều chỉnh, lưu thông khí huyết, giúp cơ thể khỏe mạnh”.. Tờ Sức khỏe & Đời Sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) thì cho biết: “Theo thống kê về các báo cáo sức khỏe của học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh năm 1998: Sau khi tập luyện Pháp Luân Công rất nhiều bệnh nghiêm trọng như ung thư, tim mạch đã giảm nhẹ triệu chứng thậm chí chữa khỏi.”
Báo Đầu tư Tài chính đã viết một bài khá chi tiết về nạn mổ cắp nội tạng của Nhà nước Trung Quốc lên những người tập Pháp Luân Công tại nước này, trong đó có những cáo buộc của 180 thành viên lưỡng đảng của Nghị viện Hoa Kỳ đối với hoạt động thu hoạch tạng trái phép được bảo hộ bởi Nhà nước Trung Quốc. Trong khi đó, báo Gia Lai nói rằng Pháp Luân Công là tà đạo. Bài viết được website của Đài Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) đăng tin lại và sau đó cả hai Báo Gia Lai, ANTV đều gỡ bài và không có thông báo chính thức nào được đưa ra cho hành động trên. Mặc dù như vậy nội dung tái bản của bài báo vẫn còn đăng trên báo công an Thành phố Đà Nẵng và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Ngãi.
Dù không có văn bản chính thức cấm hoạt động, người ta tin rằng Pháp Luân Công là một tổ chức bị nhà nước cộng sản cho là tà giáo và cấm hoạt động. Nhiều thành viên Pháp Luân Công đã bị bắt với những cáo buộc có tính chất chính trị tại Việt Nam.
Vào lúc 5 giờ sáng Chủ Nhật ngày 02/07/2017, khoảng 40 người tập Pháp Luân Công cùng tập luyện tọa thiền tại khu vực tháp Trầm Hương, bên bờ biển thành phố Nha Trang, một nhóm công an xuất hiện yêu cầu giải tán và mời về phường làm việc.
Một đoạn video lan truyền trên các trang mạng xã hội ghi lại hình ảnh những học viên tập luyện Pháp Luân Công lên tiếng từ chối lời mời của công an trong lúc họ đang tập luyện. Sau đó, 16 người tập Pháp Luân Công bị những người mặc sắc phục lẫn thường phục dùng vũ lực bắt lên xe và đưa về đồn công an phường Lộc Thọ.
Theo thông tin Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được, nhóm 16 học viên tập luyện Pháp Luân Công bị giữ cho đến tầm 3 giờ chiều cùng ngày. Công an phường Lộc Thọ thu giữ sách và điện thoại của họ; đồng thời yêu cầu họ ký vào văn bản để xin lấy lại điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, những học viên Pháp Luân Công này đã không ký vào biên bản để nhận lại tài sản đã bị tịch thu của mình.
Ngày 11 tháng 10 năm 2011, hai học viên Pháp Luân Công Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành đã bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án tù ba và hai năm tù giam vì đã phát chương trình ‘Tiếng nói Hy vọng’ sang lãnh thổ Trung Quốc bằng làn sóng phát thanh ngắn hồi tháng 4 năm 2009.
Cáo trạng cho rằng phát sóng trái phép các thông tin, xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý Nhà nước về Bưu chính Viễn thông.
Ngày 25 tháng 4 năm 2014, CA tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã xử lý các hoạt động lợi dụng Pháp Luân Công để tuyên truyền chống nhà nước.
Khoảng tháng 4 và 5 năm 2014, công an tỉnh Gia Lai thu hồi 883 tập tài liệu về Pháp Luân Công được phát ở trên địa bàn tỉnh này.
Ngày 21 tháng 6 năm 2016, Công an TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận quyết định xử phạt hành chính Phạm Văn Mới (SN 1980, ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang) và Nguyễn Thị Sen (SN 1974, trú Sơn Tây, Hà Nội) về hành vi bị coi là tuyên truyền trái phép tài liệu Pháp luân công.
Tháng 8 năm 2016, Công an tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn của tỉnh này tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ và ngăn chặn việc phát tài liệu Pháp Luân Công.
Ngày 07/05/2010, Báo Công an Nhân Dân đưa tin Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Đội An ninh Công an TP Vĩnh Long tiến hành kiểm tra và bắt Trần Quốc Sơn (26 tuổi, tạm trú TP Hồ Chí Minh) đang phát tờ rơi và băng đĩa “Pháp Luân Công” tại Khoa Nhi BV Đa khoa Vĩnh Long và Công an TP Vĩnh Long đã đề nghị UBND TP Vĩnh Long ra quyết định xử phạt hành chính 14 triệu đồng đối với Trần Quốc Sơn về hành vi được cho là “vi phạm pháp luật trên lĩnh vực hoạt động báo chí, xuất bản tuyên truyền tà đạo”.
Ngày 3/2/2014, bốn người Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiểm và Trinh Kim Khánh, tự nhận theo Pháp Luân Công, đã có kế hoạch mang theo búa ra lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý định đập phá. Trước đó, ngày 4/1/2014, nhóm này cũng đã dùng dây cáp nhằm kéo đổ tượng Lenin ở vườn hoa trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) nhưng không thành. Kế hoạch kéo đổ tượng Lenin và đập phá lăng Hồ Chủ tịch đều được nhóm này công bố công khai trên mạng xã hội trước khi tiến hành. Ngày 27 tháng 3 năm 2014, bốn người này đã bị tòa kết án 4-6 năm tù vì tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại công trình Nhà nước. Theo báo Đại Kỷ Nguyên thì bốn người này không phải học viên Pháp Luân Công.
Trước nguồn tin của công an Bình Dương về vụ giết người chôn xác trong bê tông, nhiều người tu luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam đã tỏ ý nghi ngờ tính chính xác của nguồn tin thủ phạm là những tín đồ Pháp Luân Công. Những người này cho rằng đã tu luyện Pháp Luân Công tức là tu luyện theo Phật gia, không sát sanh, không uống rượu, pháp lý xuyên suốt là Chân-Thiện-Nhẫn. Cho nên nếu các thủ phạm được công an nêu tên mà là tín đồ Pháp Luân Công thì họ không thể giết người. Hơn nữa các người bị nêu tên đều là phụ nữ. Mặc dầu phụ nữ cũng có thể giết người, đặc biệt trong bối cảnh đạo đức, luân lý suy đồi tại Việt Nam hiện tại, nhưng ai cũng tỏ ra dè dặt khi đọc tin thủ phạm là Pháp Luân Công.
Theo xác nhận của Nguyễn Thị Hồng và Lê Phú Hạnh thì trong các ngày 17-18/5, cả hai người cùng được công an mời lên cung cấp lời khai liên quan tới nhóm Thiên Hà – nhóm nghi phạm trong vụ án mạng tại Bình Dương.
Đáng chú ý, cả hai người làm chứng nói trên đều khẳng định họ đã không nói rằng nhóm Thiên Hà tu luyện Pháp Luân Công cho công an. Song, thông tin về nhóm nghi phạm nói trên là tín đồ của Pháp Luân Công vẫn được công bố tràn ngập trên mặt báo từ ngày 18/5/2019.
Ngay sau đó tên của bốn nghi phạm trong vụ sát nhân có trên báo chí của nhà nước bao gồm tên của Nguyễn Thị Hồng và Lê Phú Hạnh. Từ đâu công an có thể khẳng định những người này là tín đồ Pháp Luân Công trong khi cả hai nhân chúng đều khẳng định nhóm Thiên Hà không phải là Pháp Luân Công?
Bốn ngày sau sự việc – ngày 22/5, một số trang báo lớn tự động sửa đổi danh tính của nghi phạm, trong đó Nguyễn Ngọc Tâm Huyên được thay thế cho Lê Phú Hạnh. Không có một lời đính chính xin lỗi nào đối với nhân chứng Lê Phú Hạnh. Trong khi đó sang ngày 23/5/19 đài VTC có tin khẳng định nhóm nghi can không tu luyện theo Pháp Luân Công. Cũng trong ngày này, cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988), Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953), Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979), tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “Giết người” trong vụ án phát hiện tại Bình Dương.
Vào tháng 10/2018, một nhóm người bắt đầu đến thuê căn nhà ở Ấp 5, xã Hưng Hoà, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để tập luyện một phương thức tu tập chưa từng có. Đến tháng 12/2018, các đối tượng chuyển đến Bà Rịa Vũng Tàu thuê một căn villa tiếp tục tập luyện, theo đó phải trải qua hai giai đoạn gọi là “tẩy tịnh” – tẩy bỏ những dơ bẩn của cơ thể và “tịch cốc” – không ăn cho đến khi thành chánh quả.
Theo lời khai của nghi can Phạm Thị Thiên Hà, “tịch cốc” tức là nhịn ăn được khoảng 10 ngày thì anh Trần Đức Linh một người trong nhóm đã không chịu đựng nổi khổ hạnh và nhảy lầu bỏ trốn. Khi phát hiện, nhóm đối tượng dìu anh Linh lên phòng mà không đưa đi cấp cứu, và sau đó anh Linh đã tử vong. Một nạn nhân khác tên là Trần Trí Thành. Nạn nhân này theo công an thì bị đâm chết và đúc bê tông trong thùng nhựa. Còn nạn nhân Trần Đức Linh thì thi thể bị bỏ trong thùng nhựa vứt ngoài vườn.
Ai cũng biết Pháp Luân Công bị đàn áp dữ dội tại Trung Quốc và các tín đồ bị giết chết để lấy nội tạng bán ra trên thị trường chợ đen. Nội dung vụ án mạng tại Bình Dương đang còn được tiến hành, tuy nhiên việc báo chí và công an làm um sùm lên khi nhắc đến Pháp Luân Công có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ tại Việt Nam đã bắt đầu một chiến dịch tấn công và tiêu diệt giáo phái này tại Việt Nam.
Ls Lê Đức Minh