Lời nói đầu: Ngày 14 tháng Tư năm 2019, buổi giỗ Tổ Hùng Vương đã được Cộng Đồng người Việt Tự do Sydney tổ chức rất trọng thể với sự hưởng ứng nhiệt liệt của cộng đồng người Việt tại Sydney. Trong bầu không khí trang nghiêm, đông đảo mọi người đều nghĩ về nước Việt Nam ngày nay đang trong tình trạng bên bờ vực mất nước, trở thành thuộc địa của Tàu Cộng phương Bắc. Buổi giỗ Tổ Hùng Vương của người Việt ở Sydney như một thông điệp gợi dậy tinh thần yêu nước, bảo vệ giang sơn, giống nòi, không chỉ cho người Việt hải ngoại, mà quan trọng hơn là cho toàn thể người Việt trong nước đang đối diện với tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”.
Vấn đề 18 đời Hùng Vương đã được đặt ra từ rất lâu, trên mọi khía cạnh, và đã có nhiều ý kiến dựa vào sử học, xã hội học, khảo cổ cũng như văn học xoay quanh chủ đề này mà mục đích chung là để xác lập một thời đại Hùng Vương có thật trong lịch sử.
Hùng Vương: Khởi nguyên của lịch sử Việt Nam
Nhiều sử gia căn cứ vào các sách sử cổ của ta, chép từ sách “Lĩnh Nam Chích Quái” câu chuyện “Hồng Bàng Thị” rồi xưng tụng tổ tiên ta rất vinh quang, có nguồn gốc từ Trung Hoa trải qua 18 đời Hùng Vương v.v… “Tổ tiên nước Việt ta tương truyền vua đầu tiên gọi là Kinh Dương Vương, là dòng dõi vua Viêm Đế, họ Thần Nông, truớc kia 3 đời của họ Thần Nông là Đế Minh, đi tuần thú đến Hải Nam, gặp con gái Vụ Tiên lấy làm vợ, sinh con Lộc Tục. Lộc Tục tinh thần đoan chính, có đức tính của thánh nhân. Đế Minh yêu quý lạ thường, muốn lập làm thừa kế. Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi. Đế Minh bèn phong cho đất Nam Việt. Đó là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân (Sử cũ chép năm Nhâm Tuất thứ Nhất, Kinh Dương Vương đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, nay bỏ đi.)
Con Kinh Dương Vương là Sùng Lãm lên ngôi, gọi là Lạc Long Quân. Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra 100 con trai (Tục truyền Âu Cơ sinh ra 1 bọc có 100 trứng nở thành 100 người con trai) một hôm bảo Âu Cơ rằng: ta là rồng, Âu Cơ là Tiên, nước lửa xung khắc, khó sống với nhau. Thế là chia nhau, 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ lên núi, suy tôn người con cả làm vua, nối ngôi hiệu là Hùng Vương,
Hùng Vương đã lên làm vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.(Theo sử cũ thì nước phiá Đông giáp biển, phía Tây đến Ba Thục, phiá Bắc đến Hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn tức Chiêm Thành ngày nay). Chia nước làm 15 bộ, gọi là Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng và Cửu Đức. Nơi vua ở gọi là Văn Lang, con trai gọi là Quan Lang,con gái vua gọi là Mỵ Nương. Đời cha truyền cho con gọi là phụ đạo. Tương truyền đã truyền cho nhau 18 đời đều gọi là Húng Vương.” (1)
Bộ sử cổ mới nhất là “Khâm Định Việt sử Thông giám (Cương mục) thời Minh Mệnh (Thế kỷ 19) đã có nhiều phê phán khoa học về truyền thuyết thời cổ của nước ta:
Phần trước thời Hùng Vương đã được chính vua Minh Mệnh phê như sau: “Kinh Thi có câu: “Hằng trăm con trai” đó là lời chúc có nhiều con trai. Xét sự thực, thì chưa đến số đó; huống chi là một trăm trứng? Nếu quả có như thế thì có khác chi với loài cầm thú, còn là loài người được sao? Chuyện nuốt trứng chim én, hay giẫm vào dấu chân người to lớn cũng chưa quái lạ như thế! Thì chuyện ấy với chuyện mình rắn đầu người, mình người đầu trâu (ngưu quỷ xà thần) đồng một loại hoang đường không thể kê cứu được.”(2)
Tuy những nhận xét của vua Minh Mệnh có tính chất khoa học, duy lý, nhưng sách Cương Mục vẫn chưa xác minh được niên đại của thời Hùng Vương. Khiến người ta vẫn dùng sự nối kết từ Lộc Tục đến khi Hùng Vương mất nước, mà cho quãng thời gian trị vì của các đời vua Hùng Vương quá dài và lúng túng trước tuổi thọ của các vua Hùng trị vì: “Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời vua Húng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2879) đến năm Quý Mão (258 BC) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người đời Thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết chuyện đời Hồng Bàng không chắc là chuyện xác thực.” (3)
Các sử gia lúng túng vì tin tưởng vào tính chất nhất thống của sử Việt như một chuỗi xích nối liền các sự kiện và niên đại. Sách “Tiền Biên” và “Cương Mục” không đặt vấn đề thời gian trị vì của các vua Hùng. Riêng sử gia Trần Trọng Kim tỏ vẻ duy lý, nên thắc mắc về tuổi thọ vô lý của các vua Hùng. Nhưng lý luận của Trần Trọng Kim lại căn cứ vào một định kiến chưa được chứng minh là: “Dẫu là người thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy”. Trái lại khoa nhân chủng học đã cho biết tuổi thọ của những người thượng cổ thấp hơn những người đời sau này, do vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh và y tế.Cho nên thắc mắc về khoảng thời gian trị vì của họ Hồng Bàng vẫn không được giải đáp. Có lẽ sử các nước điển hình như Trung Hoa, Nhật Bản cũng không có vấn nạn này.
Ta có thể nêu lên niên đại của một số triều đại của Trung Hoa, cứ kể từ sau đời Nghiêu Thuấn vốn dĩ cũng mang nhiều tính chất khuếch đại, thì mỗi triều đại cũng không lâu đến 1000 năm, như: “Nhà Chu 867 năm, nhà Ân 629 năm, nhà Hạ 432 năm” (4). Các triều đại về sau ngắn hơn. Lịch sử Trung Hoa tin được là niên kỷ có những ghi chép không gián đoạn và được khởi đầu từ hai đời vua Lệ Vương và Tuyên Vương nhà Chu. Như thế lịch sử khả tín bắt đầu từ nhà Chu tính cho đến năm đầu Trung Hoa Dân quốc (1910) là 2752 năm.
Để giải quyết vấn đề thời gian của triều đại Hùng Vương, có lẽ chúng ta cần xoá bỏ mặc cảm thua kém Trung Hoa, để dùng lịch sử làm việc cân bằng với lịch sử Trung Hoa, Thí dụ: như Trung Hoa tự hào có hơn 4 ngàn năm lịch sử (dù có nhiều sự kiện bịa đặt): “Theo sự suy tính của Thiệu Ung đời Tống thì năm đầu đời Đường Nghiêu là trước Dân quốc kỷ nguyên (1910) 4268 năm trước Tây lịch kỷ nguyên 2357 năm” như các sử gia Việt Nam ở các triều đại Lý, Trần sau này đã viết: “Xét từ Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2879) đến năm Quý Mão (258 BC) thì vừa được 2622 năm. Cộng chung lại ta có 2879 +258 + 2019 = 5156, rất hãnh diện là lịch sử của ta cũng ngang với Trung Hoa để hãnh diện nói 4000 năm văn hiến”.
Thật sự ra, dân tộc nào cũng đã phải trải qua thời kỳ tiền sử, mọi rợ như nhau. Không có gì mà tự ái, mặc cảm. Ông Tàu và ông Việt 4, 5 ngàn năm trước cũng vẫn cởi trần đóng khố như nhau và có sanh kế là săn bắt, hái, lượm. Nếu lịch sử làm bằng những chuyện khóc cười theo vận nước nổi trôi, thì chẳng việc gì mà phải tô hồng thời kỳ tiền sử hay ngoại sử như các tiền bối chúng ta ở thời Lý, Trần đã làm.
Khởi thủy triều đại Hùng Vương với họ Hồng Bàng, có lẽ ngày nay cũng nên chấp nhận một hiện thực lịch sử để đính chính Hùng Vương hay Lạc Vương. Lịch sử chúng ta từ quyển sử đầu tiên đã chép là Hùng Vương, nhưng vấn đề nhìn lầm tự dạng, lỗi từ sử gia Trung Hoa, dù được nêu ra đã lâu cũng chưa thảo luận để sửa đổi. Trong bài khảo luận sử, học giả Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố đã nêu và giải quyết vấn đề Hùng Vương hay Lạc Vương trong tạp chí Tri Tân như sau: “Đến cả chữ Hùng cũng phải cải chính, vì sử cũ của ta và của Tàu không hề chép Hùng Vương, chỉ chép Lạc Vương (*). Như quyển Annam Chí lược, soạn vào khoảng cuối thế kỷ 13 hay đầu thế kỷ 14 có dẫn một đoạn sách cũ, là quyển Giao Chỉ thành ký như sau: “Xưa lúc chưa có quận huyện, tháo nước vào ruộng theo nước triều lên xuống (nghĩa là lúc nước lên thì thôi, lúc nước xuống thì làm) Làm ruộng là Lạc dân, trị dân là Lạc vương. Giúp vua là Lạc tướng, đều ấn đồng dải xanh”. Như thế là Lạc Vương chứ không phải Hùng Vương.
Thế Hùng Vương xuất xứ từ đâu?
Một ông giáo ở Trường Bác Cổ, tên là Henri Maspéro có tìm thấy điển tích trong quyển “Nam Việt Chí” là quyển của người Tàu làm ra từ thế kỷ thứ 5 sau kỷ nguyên. Trong quyển đó đều viết là Hùng Vương. Sau các nhà chép sử bắt chước cũng viết là Hùng Vương.
Sở dĩ nhầm như thế là vì chữ Hùng với chữ Lạc giống nhau và dễ lẫn lắm”.(5)
Các nhà nho của ta luôn căn cứ vào sách Tàu, lại thấy chữ Hùng có vẻ đẹp cho dân tộc, nên chép theo mà không có ý truy tìm nguồn gốc để đính chính. Một trường hợp khác sáng suốt là tác giả của “Đại Việt sử ký (toàn thư) có thắc mắc, nhưng cũng không dám biện luận để cải chính: “Chữ Lạc tướng sau chép sai là Hùng Tướng” (Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng).(6)
Có lẽ tác giả “Toàn thư” không biện luận để cải chính Hùng Vương thành Lạc Vương, một là vì tư tưởng phục cổ (không dám nghi ngờ sửa chữa cổ nhân); Hai là đã dùng quen, cải chính cũng không mang lại thay đổi gì cho một triều đại nhiều phần là khuyết sử.
Vấn đề chính của chúng ta là ấn định thật sự quãng thời gian của các vua Hùng, cùng những hành động để xác lập một nước Việt độc lập với nước Tàu ở phương Bắc. Hành động “tiện việc sổ sách” của các sử gia đầu tiên là Lê Văn Hưu, dù có cho thời gian trước Triệu Đà là ngoại sử, đã nối kết Hùng Vương vào với hai vua Lạc Long Quân và Kinh Dương Vương cho có tính chất nhất thống, mà không để ý đến sự thật lịch sử có sự gián đoạn thời gian từ Lạc Long Quân đến các vua Hùng.
Cũng có thể các nhà đọc sử về sau đã không đặt thắc mắc để thấy dụng ý của tác giả “Toàn thư” đầu tiên là không ấn định niên đại Hùng Vương để người sau đọc sử phải thắc mắc về những biến cố xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp từ Lạc Long Quân sang vua Hùng.
Trong lịch sử cũng không từng thắc mắc: vì sao con Kinh Dương Vương là Sùng Lãm lại xưng Lạc Long Quân? Kinh Dương Vương là Lộc Tục, con Đế Minh. Đế Minh sinh Đế Nghi; Đế Nghi sinh Đế Lai, ba đời vua kế tục nhau đều xưng Đế. Khi phong Kinh Dương Vương tức là đã xuống cấp chư hầu. Nhưng sao Lộc Tục nối nghiệp Kinh Dương Vương lại xuống cấp “Quân”?(*)
Hệ thống chính trị của nhà Chu áp dụng cho tất cả các chư hầu trước khi Tần Thủy Hoàng diệt các nước, kể cả nhà Chu, mà thống nhất thiên hạ, từ đó mới áp dụng chế độ Trung ương tập quyền và quận huyện trực thuộc một Hoàng Đế. Không còn Vương Bá như thời nhà Chu nữa. Như thế sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, Giao Chỉ thuộc vào Tượng Quận, tức là gốm một ít đất của Quảng Tây, Quảng Đông và Giao Chỉ.
Trở lại câu hỏi vì sao có sự xuống cấp của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân? Lịch sử tranh chấp ở Trung Hoa thời Đông Chu còn gọi là “tranh Bá đồ Vương”. Các vương cố gắng để làm Bá như đã có thời nước Tề, nước Sở v.v…(*)Làm Bá thì có thể lấy danh nghĩa Thiên tử nhà Chu mà hiệu lệnh chư hầu. Kể về danh vị thì kém Thiên Tử; nhưng quyền uy thì lấn Thiên Tử. Hư danh là Thiên tử nhà Chu, mà thực quyền là các Bá.
Nếu theo trật tự phong kiến thì Lạc Long Quân không thừa kế ngôi vị Vương của Kinh Dương Vương. Ắt hẳn phải có lý do mất ngôi, hoặc mất nước.Trong thời phong kiến nhà Chu, có rất nhiều chư hầu mất nước, để cho một vài nước lớn gồm thâu các nước nhỏ(*).
Theo Việt Sử Lược thì: “Cuối đời nhà Chu (tức khoảng 300 – 256 BC) ở Trung Hoa, cục diện đánh dẹp các nước để gồm thâu của vua Tần (Doanh Chính). Nhưng các nước còn kháng cự với Tần, rồi đi đến diệt vong là Triệu, nước Yên. Riêng nước Sở bị diệt năm 223. Còn nước Tề cuối cùng bị diệt vào năm 221. Nếu so sánh niên đại thì sự kiện Thục Phán diệt Hùng Vương thứ 18 xảy ra trước sự diệt vong của nước Sở đến hơn 30 năm (256-223 =33)chứng tỏ nước Sở của họ Hùng với nước Giao Chỉ của các vua Lạc Việt khác nhau vừa về địa bàn, vừa về niên đại.
Khi Thục Phán diệt được vua Hùng rồi, đổi tên nước đang là Văn Lang thành Âu Lạc. Chữ Âu Lạc chẳng có nghĩa gì, ngoài việc cho ta nhớ lại tên Âu Cơ và Lạc Long Quân. Có ý kiến cho rằng tên nước Âu Lạc là do sự hợp nhất của hai nước (hay là hai bộ tộc lớn) Tây Âu và Lạc Việt để chống lại sự xâm lăng của quân Tần: “Phân tích tên Âu Lạc, chúng ta thấy nó có hai thành phần rất có ý nghĩa: Chữ Âu tất là do tên Tây Âu và chữ Lạc tất là do tên Lạc Việt. Có lẽ để dựng nước Âu Lạc, Thục Phán đã tập hợp một số bộ lạc Tây Âu với các bộ lạc Lạc Việt mà dựng nước, rồi lấy tên cũ của hai thành phần ấy mà ghép lại thành tên Âu Lạc.”(7)
Nếu căn cứ vào lịch sử thành lập nước Âu Lạc xảy ra vào cuối đời nhà Chu sau khi vua Hùng đã bị diệt, thì việc phần ngoại kỷ của Việt Sử nói đến Âu Cơ và Lạc Long Quân là do tác giả sách “Lĩnh Nam Chích Quái” đã huyền thoại hoá hai tên nước Tây Âu va Lạc Việt thành Âu Cơ và Lạc Long Quân. Vì là ở huyền thoại nên vấn đề thời gian không được tôn trọng bằng sự kiện thống nhất quân bằng của hai nước (hay là những bộ tộc trên núi và sông nước). Ý niệm “đem 50 con xuống biển, 50 con lên núi:”Ta đem 50 con về Thủy phủ (*) chia trị các xứ; 50 con theo nàng về trên đất, chia nước mà trị. Lên núi xuống biển hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên nhau.”(8) Tức là nói lên giải pháp khôn ngoan muốn chống lại sự nam xâm của người Tàu phương Bắc. “Mẹ con Âu Cơ không thể về được, bèn quay lại nước Nam mà gọi Long Quân rằng: Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này,(ắt hẳn lúc đó Âu Cơ còn ở với 100 con trai)” thì phải chia người ra, mở mang địa bàn trên núi và đồng bằng, dù có cách xa vẫn liên lạc huyết thống mà gíup đỡ để sinh tồn.
Trong “Lĩnh Nam chích quái” viết rằng: “Long quân ở lâu dưới Thủy quốc (có bản khác viết: “Long Quân ở dưới Thủy phủ, quên mình là người có con; các con cũng không biết là mình có cha!” là nêu lên một thực trạng với hai giải thích: Một là dân tộc Việt Nam ở thời đại đó chỉ biết có Âu Cơ, hay nói cách khác là ở chế độ thị tộc mẫu hệ. Có lẽ vì vậy mà các vua Hùng đều không có tên; Hai là tù trưởng Lạc Việt bị thua trận chạy trốn xuống vùng đầm lầy, cho đến khi liên lạc kết hợp được với những bộ tộc ở vùng rừng núi thì mới đủ lực lượng để thành lập và phát triển đất nước.
Một chi tiết tưởng rằng hời hợt, nhưng lại nêu lên được rằng: ngay từ khởi thủy Việt Nam và Tàu luôn là đối lập, và Tàu ăn hiếp Việt Nam để phát triển về phương Nam. Cái gọi là “tuần thú phương Nam” tưởng rằng rất hiền lành, nhưng sao lại gây cho dân chúng ở miền Nam những khốn khổ: “Nhân khi thiên hạ vô sự(?) bèn sai bề tôi là Xuy Vưu thay mình trông coi quốc sự rồi đi tuần xuống nước Xích Quỷ ở phiá Nam (một lối nói vua thân chinh đi đánh phương Nam)… Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa, mới cùng gọi Long quân rằng: “Bố ơi ở đâu mà để cho người phương Bắc xâm nhiễu dân!”.
Rồi lại một biến cố nữa: “Long quân ở lâu dưới thủy quốc, vợ con ở lại trên mặt đất, muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói, rất sợ hãi, cho binh ra chắn cửa ải. Mẹ con Âu Cơ không thể về được, bèn quay lại nước Nam mà gọi Long quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này”.
Xét kỹ câu chuyện, ta thấy có sự lộn xộn về niên đại. Theo sử Tàu thì Hoàng Đế là vị vua kế Thần Nông. Trong truyện Hồng Bàng thị thì: “Đế Minh, cháu ba đời họ Viêm đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi về phía Nam, đến núi Ngụ Lĩnh lấy được con bà Vụ Tiên, rồi trở về sinh ra Lộc Tục”.
Sau Lộc Tục được phong là Kinh Dương Vương. Sau Kinh Dương Vương cả ba đời mới đến Âu Cơ. Vậy làm sao mà khi kết hợp với Lạc Long Quân lại còn có ông Hoàng Đế nào làm vua phương Bắc mà ngăn cản Âu cơ đem các con về Bắc?
Vậy, đừng chú ý đến niên đại, mà chỉ căn cứ vào sự kiện là có sự đụng độ quân sự giữa phương Bắc và phương Nam, đưa đến sự phân chia lãnh thổ và chủng tộc là Hán tộc và Việt tộc (tức Lạc Việt).
Đọc lại những lời tường thuật ngắn gọn không thời gian, không gian trong chuyện Hồng Bàng thị ta cần phải thấy dụng ý này: “Long Quân nói: “Ta là loài rồng, đứng đầu thủy tộc; nàng là giống Tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hoả tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia lìa. Ta đem 50 con về thủy phủ chia trị các xứ; 50 con theo nàng về ở trên đất, chia nuốc mà trị. Lên núi xuống bể hữu sự báo cho nhau biết đừng quên”. Trăm con vâng theo sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và 50 con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang”.
Rõ ràng thời gian chuyển tiếp từ Kinh Dương Vương sang Lạc Long Quân rồi vua đầu Hùng Vương rất mù mờ, không thể dùng ý niệm liên tục để cho đời Hùng Vương với 18 đời kéo dài đến 2622 năm.
Căn cứ vào sách “Việt Sử lược”, đoạn chép về vua Hùng, ta sẽ giải được nghi ngờ trên đây: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) ở bộ Gia Ninh (*) có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lac, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.
Việt Câu Tiễn (505-465) đã sai sứ tới dụ, Hùng Vương chống cự lại.
Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay (7)
Đoạn văn này nêu lênnhững sự kiện gì?
Sách VSL không nêu xuất xứ tài liệu thành lập nước Văn Lang, nhưng căn cứ vào sự kiện trên ta đoán là lấy ở sách “Nam Việt chí” và sách này đã lầm chữ Lạc ra chữ Hùng. Việc biện minh Lạc hay Hùng có lẽ không cần thiết, mà ta chỉ chú ý ở những sự kiện sau:
Trước hết là xuất xứ của vua Hùng: “Đời Trang Vương nhà Chu (696-682) ở bộ Gia Ninh, có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương.”
Bộ Gia Ninh lúc ấy dân chúng còn trong chế độ bộ lạc và trồng trọt theo mùa nước gọi là Lạc dân. Trình độ có thể là thấp so với những nước ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến quốc, như những nước Tề, nước Sở, nước Việt. Việc tự xưng Hùng Vương cũng là một đầu mối cho thấy sự lẫn lộn cố ý hoặc vô tình của những sử gia đời sau. Vì họ vốn là vua nước Sở, chiếm trọn vùng lưu vực sông Trường Giang (9)Có lẽ sự lầm lẫn về chữ Hùng và chữ Lạc đã khiến các sử gia đời Trần của ta đưa nước Lạc Việt có 18 đời vua Hùng.
Nếu cứ kể từ “Nam Việt Chí” viết lầm chữ Lạc ra chữ Hùng từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, các sử gia Việt Nam sớm nhất là cuối thời Lý, đầu thời Trần ở vào thế kỷ 12,13 sau Công Nguyên đã lầm mà nghĩ rằng Hùng Vương là các vua nước Sở cũng đủ 20 triều vua từ hai vị vua khai sáng, rồi các đời nối sau 18 đời đều là dòng họ Hùng. Cũng có thể sự lầm lẫn nước của các vua Lạc vốn là dân làm ruộng theo nước triều ở vùng châu thổ sông Hồng với nước Sở ở vùng châu thổ sông Trường Giang, nên hư cấu chuyện Lộc Tục lấy Công chúa Động Đình Hồ, xưng Lạc Long Quân. Sự nhầm lẫn này lại tránh khỏi vấn nạn thời gian trị vì quá lâu của các vua Hùng, vì khởi thủy của nước Sở là ở thời Tây Chu, tức là 7, 8 trăm năm trước Công nguyên.
Nhưng,dù là Hùng hay Lạc là thủy tổ của nước Việt vốn có địa bàn ở vùng Giao Chỉ,thì theo chính sử, thủy tổ người Việt không có tương quan huyết thống gì với người Hoa. Nếu là nước Sở thì theo sử Trung Hoa: “Sở là hậu duệ vua Xuyên Húc dấy lên ở Đơn Dương, trong lưu vực sông Hán. Người được phong đầu tiên là Dực Hùng”. Theo sử Trung Hoa thì nước sở đã bị diệt vong sau khi Tần Thủy Hoàng đã gồm thâu 6 nước. Vậy nước Việt với dòng dõi Hùng Vương (do chữ lạc chép lầm) thì sách sử của Tàu đã xác quyết là tồn tại ở miền Giao Châu: “Quyển Sử Ký của Tư Mã Thiên (về đời Hán Vũ Đế (140-88 BC) viết rành chữ Lạc () () như thế không tài nào lẫn được nữa. Sử Ký quyển 113, trang 16 chép rằng: “Lạc là nước Việt. Xét Quảng Châu ký thấy chép Giao Chỉ có ruộng Lạc, trông nước triều lên xuống dân kiếm ăn ở ruộng, người nào được ăn lộc ở ruộng gọi là Lạc Hầu. Mọi huyện tự gọi là Lạc tướng, ấn đồng dây xanh, tức là quan lệnh ngày nay”.
Phải kể từ quyển sử Lê Văn Hưu viết theo lệnh vua Trần, sử Việt Nam mới được ghi chép có hệ thống, làm cơ sở cho những quyển sử của các đời sau. Tuy nhiên chính Lê Văn Hưu đã viết từ những sử liệu mơ hồ, không được ghi cụ thể, nên có thể ông đã căn cứ nhiều vào sử Tàu. Theo sách “Toàn Thư” thì hoàn cảnh viết sử của Lê văn Hưu rất khó khăn vì sự khiếm khuyết của sử liệu: “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh (*) thế là Trời đã phân chia giới hạn Nam Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi Thần Nông, thế là Trời sinh chân chúa, cư thể cùng với Bắc Triều mỗi bên làm đế một phương. Nhưng vì thiếu sử sách biên chép mà sự thật đều nghe truyền miệng, lời ghi có phần quái đản, sự việc có khi quên sót, cho đến viết chữ không đúng, ghi chép rườm rà, chỉ làm loạn mắt, còn dùng làm gương sao được. Đến đời Trần Thái Tông mới sai học sĩ Lê Văn Hưu soạn lại từ Triệu Vũ Đế trở xuống đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng.”(10)
Sách “Tiền Biên” chép theo “Lĩnh Nam Chích quái” ở chuyện “Hồng Bàng thi” nhưng chỉ lấy phần đầu có thể hợp với tư duy, sau khi đã cho những phần hoang đường vào “ngoại kỷ”. Câu: “Tôn người con cả làm vua hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, truyền được 18 đời thì bị Thục Phán diệt mà cướp được nước Văn Lang, mở ra nước Âu Lạc.” Ông đã không chép tên 18 đời Hùng Vương, vì thực ra là ngay chính sách “Lĩnh Nam chích quái” cũng không chép. Hiển nhiên thời Hùng Vương nước Việt chưa theo hệ thống phong kiến cha truyền con nối như bên Trung Hoa, nên không đặt tên vua mà chỉ là đời quân trưởng kế tục vủa nước Lạc Việt.
Sau này, khi các nhà nho Việt Nam đã học giỏi văn hoá Trung Hoa rồi, mới theo những định chế của họ mà “con cháu rửa mặt cho ông vải”, viết nên “ngọc phả” của đền Hùng, cũng như các thành hoàng của các đình, đền quan trọng. Các sử gia đời gần đây chép theo mà xác quyết tên của 18 đời Hùng Vương. Nếu chịu khó suy nghĩ về ý nghĩa của tên mỗi vị vua Hùng, ta đều thấy ý thức văn hoá quốc gia muộn màng ở những thế kỷ gần đây, không sớm hơn đời Lê. Thí dụ như vị vua mở nước là “Hùng Quốc Vương” (chữ Quốc Vương là danh từ gọi ông vua, như Tàu đã phong vua Trần là “Annam Quốc Vương”.) Hoặc “Hùng Trinh Vương”, lấy chữ “Trinh” trong Kinh Dịch hẳn là không thể xuất hiện trước đời Chu bên Tàu. Nếu không nói Kinh Dịch chỉ xuất hiện ở Việt Nam khi có các ông Thái thú người Tàu đời nhà Hán, nhà Đường sang cai trị Giao Chỉ.
Lịch sử Việt Nam thời cổ, nhất là lịch sử văn hoá có những điều phải nói là khác biệt với Tàu. Dù người Tàu nói văn hoá của dân Giao Chỉ hay Lạc Việt hoàn toàn lạc hậu, khác với văn hoá Tàu. Để hiểu rõ nguồn cội và xác minh ý hướng độc lập của dân tộc, chúng ta không nên dựa vào mặc cảm hơn kém về văn hoá mà đánh mất những đặc thù về cơ bản văn hóa của mình. Ý hướng ưu việt về văn hoá và chủng tộc đã khiến các sử gia đời Trần tô vẽ cho lịch sử Việt Nam đầy hào nhoáng, có thể khác xa với sự thật lịch sử và xã hội. Thí dụ như nói tổ tiên người Lạc Việt gốc từ dân nước Việt đời Chiến Quốc bên Tàu (tức là ở vùng châu thổ sông Dương Tử, bị thua trận, diệt vong, nên đã chạy xuống định cư ở vùng châu thổ sông Hồng, thành một nước Việt nhỏ trong những nước Việt nhỏ ở Quảng Dông, Phúc Kiến hay Quảng Tây như Mân Việt chẳng hạn. Lập luận như thế sao người ta không đặt vấn đề niên đại? Năm nước Việt của Câu Tiễn bị diệt vong là năm 333. Làm sao mà một dúm người sống sót, chạy loạn sang Giao Châu mà đã thành lập ngay được một nước hùng mạnh để cho Thục Phán nhiều phen khốn đốn, phải dùng đến cái kế “cầu thân” mới diệt được như trong sách Tiền Biên chép: “Giáp Thìn, năm thứ I (257 BC) Chu Noãn Vương năm thứ 58, Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia Vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương (thứ 18), nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, Vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo Vua rằng: “Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư?””. (11)
Có lẽ các sử gia đã lầm vì suy diễn từ chữ Việt, như đã lầm Việt Thường là tên của một châu nhỏ vùng Phong Khê với Việt Thường vốn là tên nước trước khi đổi là Lâm Ấp có địa bàn từ Nghệ An vào sâu miền Trung, đến tận Bình Thuận.(*)
Đa số các sử gia của ta căn cứ vào sử liệu của sách Tàu, vì thật sự ta không có sách ghi chép. Ngay đến ngôn ngữ, chữ viết cũng chưa có kết luận xác thực. Ngôn ngữ thì rõ ràng tiếng Việt còn được nói đến ngày nay, ngoại trừ những tiếng vay mượn của tiếng Tàu, hẳn là có cùng với lúc khởi thủy của người Việt. Nhưng chữ viết thì cho đến nay cũng vẫn chưa có kết quả tìm hiểu chính xác.
Quyển sử gọi là sớm nhất của Việt Nam, theo khuôn khổ của sử quan Tàu đã mô tả rất ngắn gọn đời sống của dân chúng: “Lúc bấy giờ dân ở rìa núi thấy vùng nước như các sông ngòi có cái lợi tôm cá, kéo nhau đi bắt để ăn, thường bị loài rắn cắn hại, bèn tới vua nói rõ việc ấy. Vua nói: “Giống Man ở núi thật khác với loài ở dưới nước, nó yêu loài giống nhau, ghét loài khác nhau, cho nên như thế, bèn sai mọi người lấy mực vẽ loài thủy quái vào mình. Từ đó các loài rắn trông thấy không cắn hại nữa”.(12)
Ta hãy chú ý đến đoạn văn trên có đề cập tới “giống sơn man và giống thủy tộc”. Ý nghĩa của giống sơn man đã là những người cư trú ở rìa núi, ven rừng, sống bằng cách săn, bắt. Khi họ xuống nước bắt cá gặp “giống thủy tộc” thì hiển nhiên là những người cư trú ở vùng sông nước, bảo vệ nguồn sống của họ là tôm cá, nên xung đột giết hại. Hẳn là đã có cuộc thoả thuận với những bộ tộc có xâm mình đánh dấu hình dạng gì để nhận nhau, nên không còn hãm hại nhau nữa.Thực tế là loài rắn hay cá sấu tấn công người cũng như các loài vật khác đâu có căn cứ được vào hình vẽ trên thân hình. Việc xâm hình trên da người có tính chất đánh dấu và trang trí dành cho con người thuộc về các bộ tộc khác nhau.
Đoạn văn trên có lẽ chỉ muốn chứng tỏ dân chúng ở thời Hùng Vương hãy còn ở trạng thái săn bắt. Nếu đúng là dân Lạc Việt thì cũng chỉ mới biết trồng lúa hạn chế theo nước triều lên xuống, chứ chưa cải tạo được kỹ thuật đắp bờ ngăn nước để làm ruộng trồng lúa nước.
Cứ theo mô tả trong truyện “Hồng Bàng Thị thì dân Lạc Việt lúc ấy chưa trồng được lúa tẻ ở ruộng nước: “Hồi quốc sơ dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tùng lư làm cơm (có lẽ là tên hai thứ củ gì có bột ăn được như khoai mì, khoai nước?), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao (chưa có cây bừa làm ruộng nước), trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm)”. Cuộc sống như thế xem ra rất giống với sinh hoạt hiện nay ở một số dân tộc ít người ở thượng du Bắc Việt hay trên cao nguyên miền Trung. Chẳng thể nào có những tổ chức triều chính, cung điện cùng lễ nghi, y phục như nhiều người sau tưởng tượng tô vẽ mà không có chứng cớ khảo cổ: “Lấy vỏ cây làm áo; đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm “ (tức là chưa biết dệt thổ cầm để may quần áo).
Như thế 18 đời Hùng Vương vẫn còn là chuyển tiếp của mẫu hệ. Sử được viết ở đời Trần đã nói rất ít về đời Hùng Vương. Điều trở ngại chính là không có chứng tích ghi lại. Ngay cả thẻ tre có lẽ cũng không. Chữ viết của người Việt Nam cổ đến nay vẫn còn là đoán mò thuộc về họ chữ khoa đẩu. Điều rất không may là trên những đồ đồng gọi là của Việt Nam cổ, tức là xuất hiện ở thời Hùng Vương cũng không có chữ, dù chỉ là chữ khoa đẩu. Điển hình như trống đồng Ngọc Lũ chỉ là những hình chim bay và người ngụy trang.
Hiển nhiên, các sử gia đời Trần liệt thời Hùng Vương vào ngoại sử là có cân nhắc về sự thật lịch sử và hư cấu truyền thuyết. Tuy nhiên điều lầm đầu tiên từ “Nam Việt Chí” đã không hề được thắc mắc, khiến đưa đến việc 18 đời Hùng Vương cùng lãnh thổ nước Văn Lang rộng bằng gần nửa nước Tàu, nghĩa là khắp cả vùng Hoa Nam cùng với Bắc Việt,tới Nghệ An.Một chi tiết mà các sử gia không thắc mắc là theo “Việt Sử Lược” thì: “Việt Câu Tiễn (550-465) đã sai sứ tới dụ, Hùng Vương chống cự lại”. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Nước Việt thời Xuân Thu ở vùng châu thổ sông Dương Tử; còn nước Lạc Việt ở lánh vào cuối nước Tàu, miền Giao Chỉ: “Xưa Hoàng Đế dựng muôn nước, thấy Giao Chỉ ở xa ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn chia giới hạn ở góc Tây Nam”. Miền Giao Chỉ rất xa xôi, có liên quan gì đến tranh chấp vương bá thời Chiến Quốc. Hiển nhiên Việt Vương Câu Tiễn dụ Hùng Vương đây là nước Sở có các vua họ Hùng. Nuớc Sở nằm kề cận với nước Ngô vốn là cừu địch của nước Việt. Dụ Sở đánh Ngô, để Việt Sở hai mặt giáp công sẽ diệt được Ngô.
Đầu mối địa bàn giữa Lạc Việt và Sở cho phép ta khẳng định sự sai lầm của sách Nam Việt Chí và Việt Sử Lược, đồng thời xác quyết dân tộc Lạc Việt sau này là Việt Nam không có liên quan huyết thống gì với Hán Tộc ở lưu vực Hoàng Hà mà Đế Minh là đại biểu.
Vì bị đô hộ hơn nghìn năm, với chủ trương đồng hoá, mà từ ngôn ngữ Việt Nam đã bị lẫn có đến hơn 70% tiếng Tàu. Tuy nhiên một số phong tục, nếp sống có khác với người Hán. Xem một bức thư của Lưu An gởi cho Hán Vũ Đế để can đừng tiến quân đánh Bách Việt: “Nước Việt là đất ngoài cõi, là dân cắt tóc xâm mình, không thể lấy pháp độ của một nước đội mũ, mang đai mà xử lý được. Từ buổi Tam đại thịnh trị, người Hồ, người Việt không chịu chính sóc (không theo văn hoá, chính trị Trung Hoa). Không phải là sức không phục được; không phải là oai không chế nổi, chỉ là bởi cho rằng đất họ là đất không ở được, không đủ để làm phiền Trung Quốc vậy… Thần nghe nước Việt không có thành quách, thôn ấp, họ ở trong khoảng khe hang, trong vùng lau trúc. Họ quen thủy chiến mà giỏi dùng thuyền, đất rậm rạp um tùm mà nhiều nơi nước hiểm.Người Trung Quốc không biết những nơi hiểm trở mà vào đất họ thì dẫu một trăm người cũng không đương nổi một người”(13).
Tổ chức gia đình của dân Lạc Việt khác với xã hội Nho giáo mà sau này các ông Thái thú Tích Quang, Nhâm Diên kể công đã khai hoá cho dân Lạc Việt, có lẽ lúc ấy vẫn còn ở chế độ mẫu hệ. “Lại dân Lạc Việt không có lễ phép giá thú, chỉ theo dâm hiếu, chớ không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng”. Ngay đến đời Tam Quốc, chế độ mẫu hệ có lẽ vẫn còn tồn tại ở các vùng cao ở Giao Chỉ: “Tiết Tôn làm quan ở Giao Châu còn nói rằng: “Hai huyện Cửu Chân và Đô Long đều là anh chết thì em lấy chị dâu làm vợ, đời đời vẫn theo tục ấy”” (Tam Quốc Chí – Tiết Tôn truyện- Q 53) (14).
Thời Lạc Vương (hay Hùng Vương lầm ra), ở Giao Chỉ chắc hẳn tổ chức xã hội khác hẳn với những gì được mô tả là triều đình phong kiến với vua quan như ở bên Trung Hoa mà các nhà nho sau này tự động nâng cấp cho thời kỳ gọi là ngoại sử. Ngay cả đến những thời kỳ nội thuộc nước Tàu, ta cũng phải dựa vào sử Tàu nói về việc cai trị ở Giao Châu, do đấy tính chất xác thực cũng không hoàn toàn đáng tin cậy. Các Thái thú ở đời Hán, đời Đường khi tường thuật cũng như báo cáo công việc trị an của họ ở Giao Chỉ cũng không tránh được việc tô hồng cho công nghiệp của mình và hạ thấp người dân ở xứ đô hộ. Đường lối đồng hoá bằng văn hoá của Tàu từ truyền thống đã cho nó âm thầm mở rộng đế quốc Tàu từ một nhúm người Hán tộc ở châu thổ Hoàng Hà thành một nước rộng mênh mông như ngày nay.
Như vậy, những điều mà các sách sử Tàu nói về những dân tộc gọi là ở xa cái gọi là “ Trung Hoa “ấy không hẳn ở vào tình trạng xã hội bán khai như người tiền sử. Họ chỉ khác văn hoá trọng Nho của Trung Hoa. Với sự giao tiếp thường xuyên, sẽ có hỗ tương ảnh hưởng mà tạo ra những sắc thái văn hoá cá biệt của mỗi địa phương, mà chính trị khó lòng xoá bỏ được. Bất kỳ một quốc gia hay một dân tộc nào, đều có cái cá biệt của địa bàn và dân tộc tính, để theo thời gian, nếu biết phấn đấu, chọn lựa sẽ bảo tồn được chủng tộc của mình. Tục ngữ nói: “còn người còn của”. Khi dân tộc đã mất quá khứ, mất bản chất, thì đất nước ấy dù giàu đẹp cũng chẳng thể làm cho quốc gia hùng cường được.
Lê Văn Ngọc
Chú thích:
- Đại Việt Sử ký (Tiền biên)QI trg 41-42
- Khâm Định Việt sử thông giám(Cương mục)QI trg 26
- Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử lược trg 25
- Phan Khoang – Trung Quốc sử lược, trg 17
(*) Chỗ này Nguyễn Văn Tố thiếu kiểm chứng. Các sách (Tiền Biên) và (Cương Mục) của ta đều chép Hùng Vương.
(5) Nguyễn Văn Tố – Lạc Vương chứ không phải Hùng Vương – Tri Tân số 9 ra ngày 1-8-1941- trg 124
(6) (Toàn Thư) QI trg 130
(*)Ở thời Đông Châu liệt quốc, vua chư hầu là Vương lại phong cho một số người có thế lực trong nước là Quân như Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân v.v…
(*) Có 5 vua chư hầu kế nhau làm Bá. Đời sau gọi là Ngũ Bá, ấy là Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, Trang Công nước Sở, Mục Công nước Tần, Tương Công nước Tống (P.K. TQSL trg55)
(*)Các nước Trần, Lỗ, Thái đều bị mất về tay nước Sở; Chỉ nước Vệ đến năm -209 đời Tần Nhị Thế mới mất (PK trg 69)
(7) Đào Duy Anh – Lịch sử cổ đại Việt Nam – trg 65
(8) Lĩnh Nam Chích Quái trg 32