Normandy D-DAY 6 tháng 6 năm 1944
Mỗi lần đến nưóc Pháp tôi thường đến thăm bãi biển Normandy nơi quân đội đồng minh đã đổ bộ để giải phóng nước Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1944. Lực lượng đồng minh gồm quân đội các nước Mỹ, Anh, Canada, Úc, Bỉ, Hoà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Tiệp Khắc và Pháp. Mặc dù đã đến đây nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, đứng nhìn bãi biển và những lô cốt bê tông còn sót lại, tôi không khỏi xúc động khi nghĩ lại cảnh những người lính đồng minh đã từ những con tàu đổ bộ chạy lên những bãi cát này giữa bom đạn ngút ngàn, giữa những chướng ngại vật chằng chịt với kẽm gai và những bãi mìn để đánh chiếm những lô cốt bê tông kiên cố của lính Đức được trang bị bằng súng đại liên các loại.
Bãi biển Normandy dài 80km, được chia làm năm khu vực đổ bộ: Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword. Kế hoạch đổ bộ Normandy đã được định trước bằng việc tấn công toàn diện khu vưc với máy bay thả bom, đại bác bắn từ các tàu chiến đậu ngoài khơi vào và cuộc tấn công của lính nhảy dù với 24,000 lính nhảy dù Hoa Kỳ, Anh và Canada. Ngay ngày đầu tiên số thương vong về phía đồng minh ước lượng 10,000 người, với 4,414 người xác nhận tử thương. Phía Đức ước lượng khoảng từ 4,000 đến 9,000 người chết. Cuộc đổ bộ Normandy là một cuộc tấn công bằng đường biển lớn nhất trong lịch sử. Lòng dũng cảm và sự can trường của những người lính đồng minh đã giải phóng vùng Tây Bắc nước Pháp thuộc Đức chiếm đóng, đã góp phần vào chiến thắng giải phóng Ấu Châu của quân đội đồng minh khỏi tay Phát Xít Đức. Lòng hy sinh vĩ đại của những người lính đồng minh đã đem lại tự do cho Ấu Châu và cho cả thế giới.
“D-Day” trong tiếng Anh và “Jour J” trong tiếng Pháp là thuật ngữ dùng trong quân đội để chỉ ngày bắt đầu một cuộc hành quân. D-Day là ngày bắt đầu cuộc hành quân “Overlord” đổ bộ Normandy, nên ngày nay D-Day được gắn liền với ngày đổ bộ Normandy 6 tháng 6 năm 1944.
D-Day là ngày quan trọng nhất trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc của Đức Quốc Xã ở phía tây châu Âu, Cuộc đổ bộ của 156,000 quân của lực lượng đồng minh đã chọc thủng phòng tuyến Đức đưa đến cuộc bại trận của quân đội Đức, buộc Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945. Nhìn lại cuộc đổ bộ Normandy mỗi quốc gia tham chiến có một cái nhìn khác nhau. Nhưng ngày nay nhiều sử gia đã công nhận để có thể đánh bại quân Đức bắt buộc phía đồng minh phải có một cuộc đổ bộ vào Âu Châu. Richard von Weizsäcker, Tổng thống nước Đức (1984-1994) đã nói vào năm 1985 nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, đó là “một ngày giải phóng Âu Châu” và đối với Đức cũng vậy.
Năm nay ngày 6 tháng 6 năm 2019 đánh dấu 75 năm cuộc đổ bộ Normandy đã được tổ chức trọng thể tại Anh và tại Pháp với sự tham dự của 16 vị nguyên thủ quốc gia, Nữ Hoàng Anh, Thái Tử Charles và một số cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến trong đó có cả những người cụu chiến binh Đức.
Mười lăm năm trước, năm 2004, ông Gerhard Schröder là thủ tướng đầu tiên của Đức tham dự lễ tưởng niệm D-Day, đánh dấu 60 năm ngày quân đội Đồng minh chiếm được bãi biển Normandy. Mười năm sau, bà Angela Merkel là thủ tướng thứ hai tham dự buổi lễ kỷ niệm này, nhưng không phải tại Normandy mà tại Portmouth, một thành phố của nước Anh, là nơi bắt đầu cuộc hành quân Overlord vào ngày 5 tháng 6 năm 1944. Nhiều vận động đang được tiến hành để có một ban tổ chức chung giữa đồng minh và Đức để tổ chức ngày D-Day 6 tháng 6.
Ngày Quân Lực 19 tháng 6
Sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào cuối năm 1963, Việt Nam Cộng Hòa đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chánh, chỉnh lý liên tục xảy ra. Sau những cuộc đảo chánh đó tình hình miền Nam chẳng những không ổn định mà trái lại càng khủng hoảng trầm trọng hơn. Để ổn định tình hình Hội Đồng Quân Lực đã lập ra một chính phủ tạm thời với cụ Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng. Tuy nhiên, các vị này cũng không thể lãnh đạo đất nước trong một hoàn cảnh rối ren, đen tối và rất phức tạp. Những khó khăn do những tranh chấp giữa các đảng phái, tôn giáo, sự phá hoại của tay sai cộng sản nằm vùng, sự bất đồng giữa Thủ tướng và Quốc trưởng. Thêm vào đó chiến tranh mỗi ngày một gia tăng cùng với sự thúc ép của người Mỹ ào ạt đổ quân vào Việt Nam để chặn đứng làn sóng xâm lăng của cộng sản. Cuối cùng chính phủ dân sự phải tuyên bố trao quyền cho các tướng lãnh.
Ngày 11/6/1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát tuyên bố từ chức và giải tán chính phủ. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng tuyên bố từ chức. Sau đó, trong cuộc họp Hội đồng Quân lực (HĐQL), Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu được chỉ định là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng với danh xưng là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTU).
Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Chủ tịch UBLĐQG, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh 001/a/CT/LĐQG thành lập Nội các Chiến tranh, gọi là Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch. Khác với những lần đảo chánh, chỉnh lý trước đây, lần này do sự thoả thuận của chính phủ dân sự, các tướng lãnh ra nắm chính quyền. Từ đó ngày 19 tháng 6 được xem là ngày Quân Lực VNCH nhận vai trò lãnh đạo đất nước và thường được gọi là Ngày Quân Lực. Hàng năm Ngày Quân Lực được tổ chức để vinh danh các chiến sĩ QLVNCH và tưởng niệm những người đã hy sinh vì tổ quốc. Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973 được tổ chức long trọng nhất với cuộc diễn binh vĩ đại nhất trong lịch sử của QLVNCH.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) được thành lập vào ngày 30 tháng 12 năm 1955 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà. QLVNCH được tổ chức và huấn luyện theo tiêu chuẩn của các nước tây phương. Tiền thân của QLVNCH là Quân Đội Quốc Gia được huấn luyện bởi các sĩ quan người Pháp. Từ năm 1955 đến sau này QLVNCH được quân đội Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Úc, Tân Tây Lan trợ giúp huấn luyện. QLVNCH được trang bị vũ khí tối tân, với sức cơ động cao và hỏa lực mạnh. Chỉ trong vòng 20 năm từ một quân đội có 60,000 quân nhân, QLVNCH đã phát triển thành một quân lực hùng mạnh với quân số trên 1 triệu người. QLVNCH đã phát triển rất nhanh và trở thành một quân đội có truyền thống, có kỷ luật cao. Những năm dài chiến đấu trên khắp các chiến trường đã tôi luyện những người lính VNCH thành những người lính dũng cảm, có khả năng, có trách nhiệm và nhân bản. Nhiều vị chỉ huy, nhiều đơn vị trong QLVNCH đã được tướng lãnh quân đội đồng minh kính trọng và mến phục. Cựu Đại Tướng Barry Richard McCaffrey, vị tướng bốn sao của Hoa Kỳ, cựu cố vấn của Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, đã viết một bài báo có tựa đề: “The Forgotten South Vietnamese Airborne” đăng trên tờ The New York Times số ra ngày 8 tháng 8 năm 2017 có một đoạn như sau: “Người ta thường hỏi tôi về những bài học của chiến tranh ở Việt Nam. Không phải chỉ chúng tôi những người đã chiến đấu với Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam là những người được hỏi. Tất cả những gì chúng tôi nhớ và biết là sự can đảm và sự quyết tâm của những người lính nhảy dù Việt Nam đang tiến lên phía trước. Họ không có tượng đài để ghi nhớ công ơn, nhưng họ luôn sống trong ký ức của chúng tôi.”
Trong 20 năm hiện diện và chiến đấu QLVNCH đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng đã chứng tỏ là một quân đội chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tự vệ của người dân miền Nam trước sự xâm lăng của cộng sản, nên trong suốt cuộc chiến, QLVNCH luôn ở vào thế tự vệ. Chiến tranh tự vệ là một cuộc chiến khó khăn nhất, bất lợi nhất, vì địch có thể chọn thời gian, chọn chiến trường để mở ra trận chiến.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến ý thức hệ. Cộng sản đã dùng tuyên truyền gieo rắc sợ hãi, lợi dụng người dân để trà trộn đánh phá miền Nam. Trong suốt 20 năm CS đã không ngừng phá hoại, đặt mìn, pháo kích giết hại người dân. Trong lúc đó QLVNCH một mặt phải chiến đấu chống cộng sản, một mặt phải bảo vệ người dân và lãnh thổ.
Trong cuộc chiến hơn 20 năm giữ nước của quân và dân miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa CS. Đã có hơn 260,000 chiến sĩ QLVNCH hy sinh vì đất nước. Riêng trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, hàng ngàn chiến sĩ QLVNCH đã anh dũng hy sinh cố gắng bảo vệ miền Nam khỏi rơi vào tay CS. Trong số những người đã chết vì nước, có 5 vị danh tướng và hàng trăm sĩ quan, binh sĩ các cấp đã tự sát để giữ tròn tiết tháo. Sau Thế chiến thứ hai, một số tướng lãnh Nhật đã tự sát không chịu đầu hàng quân địch. Hành động can đảm đó đã được nhiều tướng lãnh đồng minh Anh Mỹ kính phục.
Ngày nay mọi người đều biết rằng QLVNCH không thua trận trên chiến trường mà thua trên bàn hội nghị ở Paris, trên đường phố ở New York, Washington DC, Melbourne, Sydney… Thua bởi sự phản bội của một số chính trị gia vô lương tâm, bởi sự dối trá của giới truyền thông khuynh tả và sự ngu muội của những phong trào phản chiến do CS giật dây.
Bốn mươi bốn năm đã trôi qua kể từ ngày QLVNCH bị bức tử, nhưng hình ảnh của người lính VNCH vẫn ghi đậm trong tâm trí của người dân miền Nam. Người dân miền Nam vẫn không quên những hy sinh của người lính VNCH. “Bên nhau đi nốt cuộc đời” là chương trình giúp đỡ thương phế binh VNCH do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế lập ra. Nhưng câu “bên nhau đi nốt cuộc đời” còn mang rất nhiều ý nghĩa.
Những năm vừa qua, trước sự hèn nhát của nhà cầm quyền CSVN đối với việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam và giết hại ngư dân, nhiều người dân miền Bắc đã nhận ra là QLVNCH là quân đội bảo vệ tổ quốc. Trong những cuộc biểu tình chống Tàu xâm lược vào tháng 7 năm 2011 tại Hà Nội nhiều biểu ngữ với tên Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và 74 đồng đội của ông đã được người biểu tình mang theo để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại hải ngoại bất cứ ở đâu có người Việt tỵ nạn cũng có bóng dáng người cụu quân nhân QLVNCH tham gia trong các sinh hoạt cộng đồng. Các hội Cựu Quân Nhân đã giữ những vai trò hết sức quan trọng, được ví như xương sống của cộng đồng. Mặc dù không còn trong quân đội, nhưng người cụu quân nhân QLVNCH đã luôn thể hiện tinh thần Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.
Nhiều nơi trên thế giới có cộng đồng người Việt đã xây dựng tượng đài chiến sĩ để vinh danh và tri ân người lính VNCH. Tại NSW, năm 1991 Cộng đồng Người Việt Tự Do NSW đã xây dựng tượng đài chiến sĩ Úc Việt tại công viên Cabra-Vale Park để tri ân các chiến sĩ Úc Việt đã hy sinh vì tự do cho miền Nam Việt Nam và vinh danh tình chiến hữu của những người lính Úc và VNCH.
Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm nay đánh dấu 54 năm ngày QLVNCH đã đứng lên gánh vác trọng trách điều hành đất nước. Mặc dù VNCH chỉ tồn tại được 10 năm sau đó, nhưng QLVNCH đã cố gắng hết sức để làm tròn trách nhiệm của mình trong việc điều hành và bảo vệ quốc gia. Kỷ niệm Ngày Quân Lực, không phải để chúng ta hồi niệm một quá khứ, mà một lần nữa chúng ta xác định trách nhiệm của người quân nhân QLVNCH đối với đất nước.
Đã 44 năm kể từ ngày tôi cởi bỏ bộ áo chiến binh, nhưng tôi vẫn rất hãnh diện mình là người lính VNCH. Hãnh diện đã từng là người trai thời chiến, xông pha trên chiến trường để bảo vệ quê hương. Cách đây 2 năm tôi có dịp tham dự một buổi họp mặt của các cựu quân nhân trên tàu du lịch Princess. Số người tham dự khoảng 40 người, đa số là cụu chiến binh Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan. Mỗi người tự giới thiệu mình: tên, đến từ đâu và đã ở đơn vị nào trong quân đội. Sau khi nghe tôi giới thiệu về tôi, một bà vợ của một cựu quân nhân Hoa Kỳ đã đến ôm lấy tôi và nói “thank you!” rồi bà đã khóc. Tôi thật bất ngờ, cho đến giờ này vẫn còn có người nói cám ơn tôi, về những đóng góp của tôi cho đất nước của tôi, người đó lại không phải là người Việt Nam.
Nguyễn Văn Thanh
Sydney