Về Cà Mau!

Chẳng qua năm 1978, tất cả dòng sông đều tìm đường ra biển, tui cũng vậy.

Mà muốn vượt biên bằng đường biển thì phải mò về cái xứ nào nằm sát biển đặng vọt cho nó lẹ. Vậy là tui về Cà Mau, nơi có người bà con xa bên Má tui, đại bác bắn không tới; nên nhỏ lớn giờ chưa biết mặt tròn méo ra sao?

Cà Mau (tên do người Khmer đặt) nghĩa là nước đen vì lá tràm của rừng U Minh Hạ bạt ngàn, rụng xuống, xác lá phân hủy làm đổi thay màu nước.

Xưa Cà Mau là quận, thời mình là tỉnh An Xuyên. VC vô, nhập Cà Mau vào Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải. VC đúng là hưởn thiệt! Nhập đã rồi cắt, rồi chia giống hịt như cũ là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

***

Tui có thói quen dân chợ là sáng phải đi quán uống cà phê. Mới lon ton ra chợ thì ngang nhà có thằng cha hừng sang là đã ngồi bên xị rượu đế ngoắc tui: “Ê giáo vô tao biểu”. “Ủa sao bác biết tui làm giáo?” “Ối cái xóm nhỏ chút éc hè. Mầy xuống mới hai bữa nay là bà con biết ráo. Mầy cháu bà con xa của chị Tư Bửu phải hông? Mầy kêu tao bằng dượng chín, chín Muối vì xưa tao chèo xuồng đi bán muối! Nè ngồi xuống làm với tao một ly!”

Dượng chín Muối nầy thực ra không có bà con gì ráo với tui chẳng qua là lối xóm thân tình vậy thôi! Làm vài ly là quen hè. Ổng không phân biệt được v (vờ) và d (dờ) hoặc g (gờ) chọc quê tui là: “Dáo dì dáo dây?. Dụ dổ dợ dân dệ; dân dệ dề dứt dáo dăng dô dách… dáo dọt!” Xong thầm thì; mầy xuống đây chắc tình ‘dọt’ ra biển phải hông? Tui trả lời phân hai là: “Để coi mà dượng!”

Ồng cười hè hè: “Dượng cháu mình năm khi mười họa, năm thuở mười thì trời xui đấ khiến mới gặp nhau đây; nhậu trước vì chuyện đâu còn có đó, không gấp. Giờ mới tháng Hai, tháng Ba bà già đi biển chừng đó để tao tính cho mầy!”

“Tao làm trưởng ấp nhưng không phải là VC đâu mà mầy ngại. Chẳng qua dân nó bầu vì thấy tao hưởn quá vậy thôi. Sáng dân đem hộ khẩu tới chứng, nó lăn tay, tao cũng lăn tay! Có đứa nào biết đọc biết viết gì đâu! Nghe mầy làm giáo tao khoái lắm. Vì ông bà mình nói lấy bồ đựng lúa chớ không lấy bồ đựng chữ bao giờ; vì chữ mầy nhiều quá bồ nào đựng cho nó hết hé?”.

Đang nghe dượng chín Muối nói chuyện tào lao, bổng văng vẳng đàng sau nhà thấp thoáng chiếc áo hoa cà, vọng lên tiếng ru em: ‘Cà Mau là xứ quê mùa

Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu!’

“Con gái tao đó, con Út Đẹt, thứ chín rồi làm sao bự con cho được nên ‘đẹt’. Ru em chớ hổng phải ru con vì nó chưa chồng, ru để ‘nhát’ mầy đó.

Cà Mau giờ muỗi thì còn nhiều thiệt nhưng cọp bị nấu cao hổ cốt hết rồi mầy đừng sợ! Nếu vừa ý, cứ xáp vô, tao thích gả con gái cho dân có chữ chớ hổng gả cho thằng tư Bự, Trưởng công an xã, một chữ bẻ đôi không biết!”

***

Tui có cái tật xấu là ai xúi làm tui làm hè. Từ bữa nhậu đó, tui cứ cà rề cà rà theo em Út Đẹt đi ruộng và học được nhiều điều nhỏ tới lớn chưa biết về cái xứ quê mùa nầy.

Em Út Đẹt kể rằng: “Hồi xưa ông cố của em ngoài Trung, theo dòng họ và bà con chòm xóm trên chiếc xuồng ba lá với cái nóp xuống đây. Giữa miệt biển, miệt rừng rậm rạp, bà con mình chặt cây, đốn lá dừa nước cất chòi, móc lõm rừng để trồng lúa có gạo mà ăn, tát đìa bắt cá rồi bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm đó anh giáo.

Đất nầy phèn nặng, nước lợ! Trồng lúa phải nhờ nước mưa trên trời rơi xuống nên nhà em chỉ làm lúa mùa thôi. Gieo mạ từ tháng Sáu, cuối năm gió chướng về, lúa gom mình, đứng cái, làm đòng, trổ bông, ngậm sữa và chín vàng là gặt!

Một công chừng 5, 7 vạ, đâu có không phân phướng thuốc trừ sâu gì ráo nên gạo rất ngon cơm nhứt là giống lúa Một Bụi, hột gạo ốm dài, cong, nấu cơm, cơm dẻo, mềm, để nguội cơm vẫn mềm và thơm”.

***

“Em Út giỏi quá, hơn cả kỷ sư nông nghiệp. Tui tính về làm rể Cà Mau; Út dạy tui làm ruộng đi”. “Anh giỡn chơi với em hoài hè. Học chữ mới khó chớ làm ruộng dễ ẹc. Anh về đây, một mùa lúa theo em là anh rành sáu câu vọng cổ!”

Làm ruộng trước hết là làm cỏ, rồi cày, rồi bừa cho đất ruộng nó bằng, những vũng nước thì mình đánh đường nước để chắt cạn nước đi. Để khi sạ, mầm lúa mới lên đều, không bị chết ngộp. Đào một mương nhỏ xung quanh ruộng để xả phèn.

Cấy xong trời mưa, nước nổi, cây lúa cứ thế đâm chồi nẩy nở. Cuối năm, thấy chim bay về vì lúa đã ngậm sữa, cong trái me hoặc sắp đỏ đuôi, mình chỉ việc chống xuồng thăm đồng, làm vài con bù nhìn để đuổi chim. Lúa chín, vần công đến gặt bó lại dùng trâu cộ về sân nhà.

Ngày nắng ráo để bắt giàn đập lúa hoặc dùng trâu để đạp. Lúa hạt rụng ra, giũ rơm, gom lúa, dê lúa lép để lấy lúa chắc, phơi khô, cho vào bồ.

Muốn có gạo, cho vào cối xay tróc vỏ trấu, bỏ vào cối giã đến khi gạo trắng rồi mới nấu ăn. Còn rơm chất thành cây, từng đống, để làm ông cúi hun khói đuổi muỗi, chụm bếp, hoặc cho trâu, bò, gà, vịt nó ăn. Có gạo không sợ đói rồi anh giáo, sau đó thì mình tát đìa để có cá ăn, làm mắm để dành khi thắt ngặt!

***

Nghe lời em Út Đẹt, tui tự xét cái vụ làm ruộng nầy tui bù trất hè. Nhưng để dấu dốt, tui bèn đem cái sỡ học như cái lá mít do cọp dê của người khác ra khoe, kẻo sợ em chê tui lưng dài vai rộng ăn no lại nằm.

“Nè Út! Bà con mình Miệt Thứ rừng U Minh Thượng, Rạch Giá, gọi cá sặt rằn là ‘cá sặt lò tho’, vảy có vằn chỗ đậm chỗ lợt, dưới bụng có thêm cặp râu dài là ‘đại ca’ vì nó bự con nhứt trong dòng cá sặt!”

“Cà Mau, quê em, cá sặt rằng là cá đồng bưng trấp, ngập nước tư niên, cỏ lác, cỏ năn, lác voi, lác nước, u du, rau muống, sậy, đế dày đặc. Đìa, bào phèn chua, nước cỏ đỏ lòm mình đào mương để xả phèn nên cá sặt bướm, cá sặt điệp dữ lắm, lớp lớp cả một vùng ruộng đồng bao la bát ngát.

Sang tháng Hai, tháng Ba cắt gặt xong xuôi, lúa thóc ví đầy bồ là vào mùa tát đìa. làm mắm cá lóc, cá trê mà nhiều nhất vẫn là cá rô, cá sặt! Cá lóc, cá trê đổ xuống hầm rộng để dành, rồi sau này bắt lên để ăn từ từ.

Con nào bắt lên khỏi nước mà ngáp ngáp đi theo ông bà ông vải thì mình làm khô để ăn cơm và mồi cho Tía em nhậu. Làm mắm chỉ cần cụ bị vài hũ đường, vài ba khạp da bò, vài ba lu mái đầm, mái vú để làm mắm cá lóc, cá rô, cá sặt, cá rằm, cá linh, cá chốt, cá trèn…

Sợ anh giáo chê xứ quê nghèo, chớ về mọc rể ở đây em không bỏ anh chết đói đâu nhe!”

 Em Út Đẹt vẻ ra một khung trời viễn mộng: “Tía em hừng đông đi cày bừa. Má em hừng đông đi cày bừa! Cùng sống trên đồng bao la. Bỏ thằng ‘cu’ ở nhà, khát sữa khóc thiếu điều lòi rún”!

 ***

Đúng là đi một đàng học một sàng khôn mà. Cả tháng trời qua nhà dượng chín Muối ăn cơm chực do tay em Út Đẹt nấu làm tui yêu cái đất, lậm con con gái Cà Mau hồi nào hổng biết.

Dẫu vậy tháng Ba mùa biển im độ ấy, tui ra biển và đi luôn cho tới bây giờ. Tui nhớ: tiệc tiễn hành anh, em thết đãi cá sặt rằn khô, xoài thanh ca. Rắc chút đường, thêm vài lát ớt. Uống đã đời đi lắm đắng cay!

Khô cá sặc rằn em nướng chin, gỡ bỏ xương lấy thịt xé ra từng miếng nhỏ. Trái xoài thanh ca, cà rốt, hành tím xắt mỏng trộn với, tỏi, ớt chan nước mắm với đường.

Cạn chừng một xị đế, ‘quỷnh’, ra bờ kinh Rạch Rập rửa mặt, tui cắm đầu luôn xuống nước tính làm thằng ‘chổng’ chết trôi. Em Út Đẹt đang rửa chén trên sàn nước thấy vậy vội cỡi cái quần ‘Mỹ a’ ra, vì sợ ướt cái quần tui mới mua cho hôm qua, nhảy cái ‘đùng’ vớt tui lên; bằng không là tui đã lên bàn thờ từ độ ấy!

Vì biến loạn, phải bỏ xứ đi nhưng trên cái lưỡi của tui vẫn mang theo cái vị quê nhà; và cái tâm cứ vấn vương hoài cái hồn cố thổ, đất Cà Mau. Em Út Đẹt ơi! Hu hu!

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts