Hai phi
hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt những bước chân đầu tiên của họ lên
mặt trăng ngày 20 Tháng 7 năm 1969. Gần 50 năm sau khi phi thuyền Apollo 11 đáp
xuống thành công, mặt trăng đến nay vẫn tiếp tục được coi như là cửa ngõ đầu
tiên để đi vào vũ trụ, có thể dùng làm nơi huấn luyện cho các phi hành gia và
là khu vực có tiềm năng đặt dàn phóng để thám hiểm hoả tinh trong tương lai.
Mặt trăng có tất cả mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên (nước, dưỡng khí oxy, chất
silicon, kim loại titan, sắt) đủ để xây dựng một căn cứ làm nơi có thể đặt trạm
tiếp tế nhiên liệu từ trái đất, là vì từ trái đất bay lên bay xuống chỉ mất độ
ba ngày. Cơ quan NASA đang dự tính kế hoạch thành lập một “cửa ngõ” để các phi
thuyền trong tương lai có thể bay quanh quỹ đạo mặt trăng được dễ dàng, giúp
cho các chuyến bay đáp lên mặt trăng một cách thường xuyên và nhịp nhàng tựa
như những chuyến xe bus đi từ trạm này đến trạm kia vậy. Tuy nhiên, để có thể
xây dựng được một căn cứ lâu dài trên mặt trăng trước hết người ta phải học
cách làm sao có thể khai thác được các khoáng chất thiên nhiên trên mặt trăng
và cho thiết lập những hệ thống viễn vọng kính và các loại máy móc cần thiết
khác cho việc quan sát và thám hiểm không gian, và sau đó là xây dựng hệ thống
giao thông để luân phiên đưa các nhóm phi hành gia lên xuống thay đổi cho nhau
như người ta vẫn làm vậy trên trạm không gian quốc tế trong mấy thập niên qua,
nhưng trong tương lai sẽ thường xuyên hơn, có thể cứ mỗi ba hoặc sáu tháng một
lần.
Câu hỏi ở đây là các quốc gia sau khi bay được lên mặt trăng rồi thì có hành
động theo một quy tắc chung nào không khi mà những loại khoáng chất và khí hiếm
quý như helium-3, hay còn được viết tắt với ký hiệu He-3, có sẵn đó mà ai có
khả năng cũng có thể khai thác tự do? Có thể nào một cơn sốt tìm vàng miền viễn
tây mới, nhưng có nguy cơ tàn phá hơn nhiều lần, sẽ bùng phát bởi vì chất He-3,
được cho là rất hiếm trên trái đất nhưng lại có rất nhiều trên mặt trăng? He-3
được dùng trong năng lượng nhiệt hạch, là một thứ nhiên liệu thay thế có hiệu
quả hơn cho các lò phản ứng phân hạch nguyên tử. Ước định trị giá của He-3 là
khoảng $5 tỷ hoặc hơn cho mỗi một tấn. Trong khi trị giá của vàng chỉ vào
khoảng $42 triệu một tấn.
Trung Quốc đã cho phóng một phi thuyền do thám lên phía mặt sau của mặt trăng
vào Tháng 1 đầu năm nay và đã có một kế hoạch dài hạn để xây dựng một căn cứ
mặt trăng cho riêng họ để có thể khai thác chất He-3 trong tương lai. Một số
nhà nghiên cứu không gian như Gerald Kulcinski, giám đốc của Viện Kỹ thuật
Nhiệt hạch thuộc Đại học Wisconsin-Madison, và Harrison Schmit, người đã từng
bước lên mặt trăng trong chuyến thám hiểm mặt trăng cuối cùng của NASA năm
1972, đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ cũng nên làm như vậy để chuẩn bị cho tương
lai, nếu không có thể thành trâu chậm phải uống nước đục hoặc là không còn nước
đục để uống nữa.
Năm 1967, Hoa Kỳ đã cùng với hơn 100 quốc gia khác ký vào một hiệp ước có tên
là Hiệp định Không gian Bên ngoài (Outer Space Treaty) với mục đích là ngăn
ngừa bất cứ ai có mưu đồ tự nhận làm của riêng mình bất cứ một phần nào thuộc
không gian ở bên ngoài kia, kể cả mặt trăng. Tuy nhiên đến năm 2015, quốc hội
đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh Thám hiểm và Khai thác Không gian, hay viết
ngắn gọn là Đạo luật Không gian (Space Act), cho phép các công dân Mỹ được
quyền khai thác tài nguyên từ không gian bên ngoài để thu lợi cho cá nhân.
Điều này có nghĩa là mặt trăng nay đang được mở rộng cho tất cả mọi người được
quyền vào làm ăn, khai thác. Liệu các quốc gia trên thế giới có xem mặt trăng
như một mảnh đất chung cho sự hợp tác và tiến bộ khoa học thì còn phải chờ xem
mới biết. Tuy nhiên có điều này mà hầu như ai cũng thấy là lòng con người ta
tham lắm, cái gì ngon đẹp cũng muốn xí hết về phần mình.
Các nhà nghiên cứu không gian dự đoán trong một thập niên tới hoạt động không
gian sẽ nở rộ cùng với sự phát triển của các công ty không gian tư nhân chuyên
về thương mại sẽ thường xuyên lên thám hiểm vùng quỹ đạo thấp của trái đất – là
khu vực mở rộng từ 100 đến 1,240 dặm phía trên bề mặt của trái đất. Công ty
SpaceX đề nghị một hệ thống internet kết nối bằng vệ tinh nhân tạo, và công ty
Planet Labs thì đang nỗ lực tăng cường thêm dàn vệ tinh nhân tạo chụp ảnh trái
đất của họ. Cơ quan không gian NASA thì đang trong tiến trình chuyển tiếp sang
việc điều hành trạm không gian quốc tế mang tính cách thương mại. Nhiều công ty
mới thành lập thì đang lên kế hoạch cho những chương trình quảng cáo trong khu
vực quỹ đạo trái đất – với những nhãn hiệu hay những thiết kế khác có thể từ
trái đất nhìn thấy được trên bầu trời ban đêm, được phát ra từ những vệ tinh
nhân tạo. Một số nhà kinh doanh khác thì đang có những dự án xây cất khách sạn
không gian.
Vậy, trước khi để cho những công cuộc phát triển trong không gian này tràn lan
đến không thể kiểm soát nổi, người ta cần phải có những dự tính và kế hoạch để
cho sự phát triển không gian trong tương lai không bị dẫm chân lẫn nhau.
Đã có người so sánh tình trạng phát triển không gian trong tương lai cũng không
khác gì tình trạng phát triển của những thành phố lớn trên thế giới vào thế kỷ
19. Khi ấy những thành phố như New York và Paris phát triển quá nhanh và rơi
vào tình trạng hỗn loạn thì lúc ấy các nhà quy hoạch đô thị đã phải đưa ra
những kế hoạch phát triển có hệ thống để biến những nơi này thành những thành
phố phát triển thật đồ sộ nhưng ngăn nắp và trật tự – biến các con đường phố
của thành phố thành một mạng lưới có trật tự, xây dựng hệ thống nước thải và
đường vận chuyển, và đề ra những loại kiến trúc mới, chẳng hạn như các tòa nhà
chung cư cao tầng. Ngày nay, thế giới lại đang phải đối diện với một vấn đề
tương tự, đó là sự phát triển tương lai trong khu vực không gian gần nhất với
trái đất của chúng ta.
Trong một ý nghĩa nào đó, những thử thách trong không gian trong một hai thập
niên tới cũng không khác gì những thử thách mà các nhà quy hoạch thành phố đã
phải đối phó trước đây. Trong thế kỷ 19, các nhà quy hoạch đô thị đã phải cho
xây dựng những hệ thống quản lý chất thải và vệ sinh tại những thành phố kỹ
nghệ. Nay, người ta cần phải có quy hoạch để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy
ra do các mảnh vụn trong không gian – là những hoả tiễn phóng phi thuyền đã qua
sử dụng, là những bình nhiên liệu cũ và những vệ tinh nhân tạo không còn sử
dụng có thể gây hư hại cho những vệ tinh nhân tạo khác cũng như những phi
thuyền bay lên đó, và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng cho những công dân dọn
lên ở trên không gian trong tương lai. Có nhiều công ty mới được thành lập đang
đưa ra thử nghiệm một số giải pháp, trong đó có lưới bắt những mảnh vụn, loại
máy “đuổi và bắt” để đẩy những mảnh vụn đó rớt trở lại trái đất, và một đề nghị
biến những hoả tiễn phóng phi thuyền đã hết nhiên liệu trở thành những nhà ở
tương lai trong không gian.
Tháng 11 năm ngoái, Uỷ ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để duyệt
xét và cho sửa đổi lại một số quy định xử lý các vệ tinh nhân tạo sau khi không
còn bay trong quỹ đạo trái đất nữa; những quy định nàylần đầu được áp dụng vào
năm 2004, và nay sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Để hạn chế việc thải ra các mảnh vụn mới, các cơ quan điều hành không gian trên
thế giới cần phải có những kế hoạch để giải quyết những máy móc và thiết bị
trong không gian sau khi không còn sử dụng, sau đó phải được phân loại và chứng
minh rằng những vật thể được phóng ra không gian có khả năng hoàn toàn bị đốt
cháy khi rơi trở lại trái đất.
Các thành phố tương lai xây dựng trong khu vực quỹ đạo thấp của trái đất thì
phần kiến trúc cũng cần được thiết kế theo lối mới để tránh những nguy hiểm do
công việc xây dựng có thể gây ra, và đồng thời thích ứng với nhu cầu của người
dân sống trên đấy.
Khi dân số trên quỹ đạo trái đất tăng từ ba phi hành gia trên trạm không gian
quốc tế như hiện nay lên đến hàng triệu người sống và làm việc trong không gian
trong tương lai, thì các quyết định liên quan đến kinh tế, kiến trúc và chính
trị xã hội về những gì xảy ra trong không gian chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp
đến cuộc sống ở trên trái đất. Và do đó muốn được thành công thì cần có một thế
hệ mới với những “nhà quy hoạch không gian” và “nhà kiến trúc không gian” là
những vị có đủ kiến thức để áp dụng được các nguyên tắc của cuộc sống cộng đồng
trên trái đất một cách hài hoà với cuộc sống mới của con người trong không
gian. Phải cần có những kế hoạch phối hợp mang tính quốc tế và làm việc với tinh
thần dân chủ nếu người ta muốn hiện thực hoá sự hiện diện của con người trong
không gian.
Huy Lâm