Trâu bò húc nhau … con kiến Việt Nam về đâu?

Hội nghị thượng đỉnh G 20 sắp diễn ra tại Osaka, Nhật Bản trong 2 ngày 28 và 29/6 này đang được công luận đặc biệt chú ý trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới liên tục có nhiều dấu hiệu đe dọa, nhất là vụ đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Iran kéo dài hơn một tháng qua có lúc tưởng như sắp làm bùng nổ một cuộc chiến vùng Vịnh mới với nguy cơ đẩy cả nhân loại vào vòng khói lửa dẫn đến hậu quả có thể làm tắc nghẽn nguồn chảy của dầu hỏa, trực tiếp đe dọa đến tất cả mọi nền kinh tế lớn nhỏ. Dù cả hai bên, Mỹ và Iran đều lập đi lập lại rằng họ muốn tránh chiến tranh nhưng điều mọi người e ngại là những tuyên bố và hành động bất thường, không thể tiên liệu của Tổng Thống Trump –như ông liên tục cho thấy từ ngày vào ngồi trong Tòa Bạch ốc. Sau khi đặt quân đội Mỹ trong tình trạng báo động, đưa thêm chiến hạm, phi cơ B 52 và binh sĩ đến Trung Đông chuẩn bị tấn công trả đũa vụ Iran bắn rơi 1 phi cơ thám thính không người lái loại tối tân nhất của Mỹ hiện nay, ông Trump đột ngột ra lệnh bãi bỏ.

Thay vào đó Hoa Kỳ gia tăng áp lực cấm vận lên Iran, hành động mà Teheran gọi là “gia tăng cường độ gây hấn”.

Tổng Thống Trump tuyên bố -và  tại Hội nghị G20 sẽ nhắc lại- lập trường tiếp tục tăng áp lực kinh tế đối với Iran như các lệnh trừng phạt leo thang đang áp dụng và không ngần ngại nếu cần phải tiêu hủy khả năng xuất cảng xăng dầu của Teheran.

Nhiều người cho rằng với bản tính và cung cách của một phú thương địa ốc nổi danh và làm giàu nhờ khả năng mặc cả và tự tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mình trong thương trường, ông Trump đang tiếp tục thi triển những chiêu thức không theo quy tắc ngoại giao thông thường và do đó khiến cả đối thủ lẫn bạn bè đối tác đều phải e dè.

*

Tại Osaka, bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng Thống Trump dự trù sẽ có những cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới mà đáng chú ý nhất là với  Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản, Shinzo Abe.

Trong khi cuộc họp tay đôi của ông Trump với Putin chắc chắn sẽ được người Mỹ chú ý, vì trong quá khứ từng gây nên nhiều tranh cãi ồn ào và sôi nổi trên chính trường nội bộ bởi những chuyện liên quan đến cuộc bầu cử Tổng Thống 2016, thì cuộc hội kiến giữa Tổng Thống Mỹ với Chủ tịch Trung Cộng mới là tiêu điểm theo dõi của thế giới.

Một viên chức cao cấp Hoa Kỳ nói rằng ông Trump tự tin với vị thế hiện nay sau khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng Năm và Hoa Kỳ tăng thuế nhập cảng hàng hóa của Trung Cộng và không tính chuyện nhượng bộ khi gặp Tập.

Tòa Bạch Ốc hy vọng sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Trung Cộng sau cuộc họp tay đôi Trump-Tập sắp tới nhưng nói thêm là sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào về thuế quan của Bắc Kinh đưa ra.

Tổng Thống Trump nói rằng ông  hài lòng với những gì đã đạt được, tính tới nay, vì theo ông thì “kinh tế Trung Cộng đang đi xuống”. Đồng thời Trump đe dọa sẽ đánh thuế trị giá hơn 325 tỷ đô la đối với tất cả mọi mặt hàng Trung Cộng xuất cảng sang Hoa Kỳ mà chưa phải chịu mức thuế 25% hiện hành.

Lời tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ vài phút sau khi đài truyền hình CNBC loan tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói là hai nước gần đạt được thỏa thuận.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế hàng đầu quốc tế và của Mỹ là cuộc họp tay đôi Trump-Tập sẽ không đưa ra thỏa thuận thương mại quan trọng nào nhưng hy vọng sẽ mở một con đường mở cho  đàm phán nhằm sớm kết thúc cuộc thương chiến đã làm suy yếu thị trường toàn cầu và làm nền kinh tế thế giới bị tổn thương.

Dù khi cuộc đàm phán được nối lại thì cũng phải mất hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới có thể kết thúc với kêt quả cả hai cùng chấp nhận nhưng ý của Mỹ muốn Trung Cộng quay lại với lập trường trong  dự thảo thỏa thuận thương mại vốn gần hoàn tất trước khi Bắc Kinh đổi ý vì ngần ngại trước một số điều khoản, đặc biệt là đòi hỏi của Hoa Kỳ muốn Trung Cộng phải thay đổi luật về những vấn đề chủ chốt là sở hữu trí tuệ và đòi hỏi các công ty Mỹ phải chia sẻ kỹ thuật  với các công ty Trung Cộng thì mới được phép vào làm ăn ở Hoa lục.

Giới chức Mỹ cho biết các vòng đàm phán giữa Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Cộng Lưu Hạc có thể sẽ bắt đầu lại sau hội nghị thượng đỉnh G20. Nếu nối lại đàm phán, phái đoàn Trung Cộng chắc chắn sẽ được bổ sung bằng một số nhân vật mới có lập trường cứng rắn.

*

Bên cạnh chuyện thương chiến Mỹ-Hoa, công luận cũng lưu ý tới tin nói rằng mới mấy ngày gần đây, Tổng Thống Trump đã thố lộ  với các Cố vấn tín cẩn về chuyện  rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước quốc phòng với Nhật, vì theo ông Trump hiệp ước an ninh này hoàn toàn bất công đối với Hoa Kỳ.

Ông Trump phê bình hiệp ước này không công bình vì trong khi Mỹ cam kết trợ giúp khi Nhật Bản bị tấn công, nhưng ngược lại thì lại không có khoản bắt buộc Nhật  phải tiếp tay bảo vệ Hoa Kỳ.

Tin này gợi lại khung cảnh y hệt như chuyện cách đây 2 năm mà ông Trump đã từng làm đối với các nước đồng minh Tây Âu –nhất là Đức- vào thời điểm trước khi dự hội nghị thượng đỉnh khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương –NATO- lúc đó.

Chỉ vài ngày trước khi lên đường bằng nhiều nguồn khác nhau, khi thì chính ông nói trực tiếp qua trả lời phỏng vấn hoặc viết trên mạng twitter, khi thì qua những điều do những nguồn tin thân cận và khả tín tiết lộ, ông Trump nhắc lại lập trường của mình –và của nước Mỹ dưới quyền mình lãnh đạo- rằng  Hoa Kỳ sẵn sàng xóa bỏ mọi hiệp ước quốc tế , cả đa phương lẫn song phương, để bảo vệ lợi ích riêng của nước Mỹ!

Từ ngày lên cầm quyền ông Trump liên tục chỉ trích những  hiệp ước an ninh Hoa Kỳ đã có trên khắp thế giới đã khiến các đồng minh của Mỹ từ Âu sang Á, từ Hán Thành đến Bá Linh, Paris và cả những nước không có hiệp ước an ninh quốc phòng gì với Hoa Kỳ đều phải lo lắng. Và lần này cũng thế, chuyện Mỹ tính rút khỏi hiệp ước an ninh với Nhật chắc chắn làm cả khu vực Á châu Thái Bình Dương không an tâm.

Hoa Kỳ hủy bỏ hiệp ước an ninh hỗ tương với Nhật sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho một liên minh hậu chiến vốn đã giúp bảo đảm nền an ninh ở Đông Bắc Á, nói riêng, và toàn vùng Á Châu Thái Bình Dương, nói chung, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của cả khu vực trong hơn 70 năm qua!

Trong tình thế hiện nay, trước một Trung Cộng đã thoát xác khỏi lớp vỏ trì trệ để trở thành một cường quốc –chẳng riêng ở Á châu mà toàn cầu; trước một Cộng sản Bắc Hàn nguy hiểm dưới quyền Kim Jong-Un với tham vọng thủ đắc sức mạnh nguyên tử, việc hủy bỏ hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật có nguy cơ nhường quyền kiểm soát  an ninh vùng Tây Thái Bình Dương cho Trung Cộng; chưa kể đến khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, nếu Nhật Bản quyết định cần phải tự vệ chính mình trước các nước láng giềng có sức mạnh nguyên tử trong tay.

Hiệp ước Hợp tác và An ninh Hỗ tương Hoa Kỳ Nhật Bản được ký năm 1951, cùng với Hiệp ước San Francisco chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước trong thời Đệ nhị thế chiến và được sửa đổi vào năm 1960. Hiệp ước này cho phép Hoa Kỳ đặt căn  cứ và duy trì lực lượng quân sự ở Nhật Bản với cam kết Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công, kể cả các cuộc tấn công trên mạng, vì Hiến pháp hậu chiến của Nhật (dưới áp lực của Mỹ) không cho phép tổ chức và duy trì lực lượng quân sự, cả trên bộ, trên biển hoặc trên không. Đổi lại, Nhật được che chở dưới chiếc dù nguyên tử của Mỹ.  Đến khi đã phát triển và nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế, Nhật Bản dần dần xây dựng một quân đội dưới danh xưng hiền hòa là   Lực lượng Tự vệ từng bước cải tiến khả năng quân sự bằng nhiều loại vũ khí tối tân, phần lớn mua của Mỹ, với ngân sách quốc phòng hàng năm là 5 ngàn tỷ Yen.

Một khi mất sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ, lại thêm tình trạng gần gũi của một Bắc Hàn vũ trang hạt nhân và Trung Cộng ngày càng gia tăng tốc độ phát triển, hiện đại hóa quân đội có thể đủ để đẩy Nhật Bản phải chon con đường tự trang bị vũ khí hạt nhân.

Điều này cũng đưa ra hình ảnh một Hoa Kỳ không còn tha thiết và gắn bó gì với nhưng cam kết hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Úc, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Đài Loan và một loạt nhiều đồng minh khác của Mỹ khắp năm châu!

Nhiều quan sát viên kỳ cựu về lĩnh vực quan hệ Mỹ Nhật cho rằng, chính quyền của ông Trump có thể cố tình cho tiết lộ ý định và lập luận của ông Trump nhằm tạo áp lực lên phía chính quyền Nhật để bảo đảm đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn trước khi thời hạn thương thảo chấm dứt vào tháng Tám này.

Tương tự như cách thức Tổng Thống Donald Trump xử sự với Tây Âu, với Đức, Pháp, ngay cả với Canada đây chỉ là chiến thuật nhằm xem xét lại chính sách của Mỹ về liên minh chiến lược Hoa Kỳ-Nhật Bản, theo cách làm sao  có lợi, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, nhất cho Mỹ mà thôi.

*

Trong bối cảnh đó, một số người  ngạc nhiên trước lời Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại, cáo buộc Việt nam lợi dụng cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Cộng để thúc đẩy xuất cảng sang Mỹ.

Hôm Thứ Tư, vài tiếng trước khi lên đường sang Nhật Tổng thống Trump nói , rất nhiều công ty Hoa Kỳ đang dời sang Việt Nam, nhưng thực tế VN lợi dụng cMỹ còn tệ hơn cả Trung Cộng. Trump gọi VN là tên lạm dụng tồi tệ nhất.

Đây là lời chỉ trích VN nặng nhất của Trump từ trước tới nay, dù trong chuyến công du Anh quốc mới đây, Trump khen VN là đối tác thương mại “thứ dữ” , đàm phán rất tốt, làm ăn kinh doanh rất giỏi!

Dữ kiện về ngoại thương do Hoa Kỳ công bố đầu tháng 6 cho thấy chính sách thuế quan với Trung Cộng khiến một số công xưởng sản xuất phải rời Trung Cộng và  VN là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại hiện nay.

Lượng hàng nhập cảng từ VN vào  Mỹ tăng 38% trong bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng thời kỳ năm trước cho thấy các nhà nhập cảng Hoa Kỳ đang tìm cách mua từ các nhà cung cấp VN.

Tình trạng thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng từ khi ông Trump lên cầm quyền lên tới mức 39 tỷ rưỡi Mỹ kim trong năm 2018. Chính quyền Mỹ đã tăng áp lực để Việt Nam phải điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách tăng thuế đánh trên một số mặt hàng xuất cảng của Việt Nam trong khi đang cân nhắc việc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Các chuyến thăm viếng VN của ông Trump trong năm 2017 và 2019 đã đưa lại cho các doanh nghiệp Mỹ những thỏa thuận  VN ký mua hàng hóa trị giá hàng chục tỷ Mỹ kim và ngược lại thì VN nói đang tiếp tục chủ trương cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ tại VN và đang “tạo điều kiện thúc đẩy giải quyết ” những vấn đề mà Mỹ quan tâm, gồm các mục nhập cảng xe hơi, an ninh mạng, thanh toán điện tử và tài chính-tiền tệ.

Thế nhưng cũủng có người cho rằng không nên ngạc nhiên, cũng chẳng nên vội mừng trước lời lẽ như vậy của Trump đối với chế độ CSVN hiện nay.

Một số chuyên viên phân tích cho rằng lời chỉ trích VN của Trump thật ra phần lớn chứa đựng thông điệp nhắc Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ không tối dạ đến mức không rõ thủ thuật  Trung Cộng đang dùng để né tránh cuộc bủa vây thuế quan trong cuộc thương chiến hiện nay.

Và đó cũng là lời gián tiếp nhắc nhở ban lãnh đạo CSVN về thái độ lấp lửng theo kiểu ‘đu dây’ của Hà Nội trong mối quan hệ với cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Bắc Kinh.

Mặt khác, lời tuyên bố này của Tổng Thống Mỹ cũng nhắc lại cho người Việt đừng quên, với người Mỹ, luôn luôn quyền lợi của Hoa Kỳ -đặc biệt về kinh tế- là điều tối quan trọng để họ phải tính toán, còn những chuyện khác đều chỉ là thứ yếu và chỉ có tính cách giai đoạn.

Trong tình cảnh cạnh tranh gay gắt –cả về thương mại lẫn ảnh hưởng ngoại giao, quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, đặc biệt trong khu vực Á châu Thái Bình Dương, và khu vực Biển Đông có liên quan sống còn tới vận mệnh đất nước, liệu ban lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN có sớm kịp thời tỉnh ngộ để chọn hướng đi có lợi nhất cho quốc gia hay vẫn u mê vì quyền lợi riêng mà nhắm mắt bịt tai; liệu người dân Việt có sáng suốt để can đảm tự mình giành lây tự do, dân chủ hay cứ tiếp tục nằm chờ sự cứu giúp của người ngoài?

Nếu không thức thời, không kíp hành động, hậu quả tất nhiên phải  đến là dân tộc này sẽ lại lần nữa gánh chịu thân phận kiến ruồi tả tơi vì trận húc nhau giữa trâu và bò.

Phạm Thạch Hồng

Related posts