Vào ngày 16/6 vừa qua có khoảng 2 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ mà nếu thông qua sẽ dẫn đến hậu quả là nghi phạm dù là người Hồng Kông hoặc ngoại quốc sinh sống, làm việc hoăc quá cảnh đều có thể bị dẫn độ về Trung Quốc. Đây không phải là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử. Kỷ lục này thuộc về người Ý được ghi vào Guinness World Records khi có khoảng 3 triệu người xuống đường ở Rome vào ngày 15/2/2003 phản đối cuộc chiến Iraq của Mỹ. Dân số Ý lúc đó có khoảng 57 triêu. 3/57 chiếm khoảng 5% dân số. Ước lượng hiện nay có khoảng 7 triệu người Hồng Kông. 2/7 triệu chiếm 28%. Tức là tính theo tỷ lệ dân số thì đây là cuộc biểu tình quy mô nhất trong lịch sử nhân loại.
Đây không phải là lần đầu tiên người Hồng Kông lên tiếng mạnh mẽ như vậy. Vào năm 2014, nhiều người trẻ Hồng Kông đã dẫn đầu phong trào Dù Vàng đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền của người dân Hồng Kông qua thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ”. Nhưng lần này, người dân Hồng Kông nhận thức được tầm mức sống còn của vấn đề. Nếu dự luật dẫn độ được thông qua thì Hồng Kông sẽ không còn là Hồng Kông nữa. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hăm là sẽ xét lại diện đặc biệt của Hồng Kông. Ngày sau ngày 12/6, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (khắc tinh của Bắc Kinh) dẫn đầu nhóm 10 Thượng Nghị Sĩ ban hành dự luật duyệt xét lại Đạo Luật Chính sách Hồng Kông 1992 (US Hongkong Policy Act) mà nếu ban hành sẽ hủy tư cách đặc biệt của Hồng Kông. Có nghĩa là hàng hóa nhập vào Mỹ từ Hồng Kông cũng bị đánh thuế quan tối đa trong bối cảnh cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Trái với thông tin phổ biến trên mạng và facebook là các cuộc biểu tình tại Hồng Kông mang tính tự phát, ban tổ chức là Mặt Trận Dân Quyền và Nhân Quyền Hồng Kông (Civil Human Rights Front). Họ đã tổ chức rất chu đáo để bảo đảm rằng hàng triệu ngưòi xuống đường mà không có đổ máu. Và họ tổ chức hàng loạt các đợt biểu tình như Trường Giang sóng sau đè sóng trước. Cuộc biểu tình đầu tiên được tổ chức vào ngày 31/3 với khoảng 12,000 người tham dự. Biểu tình thứ hai diễn ra vào ngày 28/4 có 130,000 người. Vào ngày 6/6, hơn 3,000 luật sư trong y phục màu đen đại diện cho 1/4 giới luật gia xuống đường diễu hành cảnh báo cái chết của công lý kết thúc bằng 3 phút mặc niệm trước trụ sở chính quyền. Cuộc biểu tình thứ ba diễn ra vào ngày 9/6 thu hút khoảng 1 triệu người.
Biểu tình lần thứ tư diễn ra vào ngày 12/6 với hàng chục ngàn người ngồi trước trụ sở chính quyền tương tự như cuộc biểu tình của phong trào Dù vàng năm 2014. Đoàn người biểu tình đã bị cảnh sát trấn áp dữ dội bằng lựu đạn cay và đạn cao su làm khoảng 60 người bị thương. Trả lời phỏng vấn đài TVB, bà Carrie Lam nói rằng các bà mẹ không nên cho con tham gia các cuộc biểu tình. Thế là tới ngày 14/6, 6,000 bà mẹ Hồng Kông tọa kháng trong vườn hoa Chater Garden giơ cao biểu ngữ yêu cầu bà Carrie Lam từ chức và rút lại dự luật dẫn độ.
Vào ngày 15/6, một người đàn ông họ Lương trèo lên nóc nhà trung tâm thương mại Pacific Palace để treo biểu ngữ phản đối Carrie Lam và dự luật dẫn độ. Nhân viên cấp cứu cố gắng thuyết phục ông trèo xuống và bơm sẵn một tấm phao để đỡ nhưng ông vẫn leo với biểu ngữ trong tay khi té xuống đất. Cái chết của ông được xếp vào trường hợp tự tử.
Cuộc biểu tình thứ năm được tổ chức vào ngày 16/6. Mặc dù Carrie Lam đã tuyên bố rút dự luật trước đó, có khoảng 2 triệu người xuống đường gồm mọi thế hệ già trẻ bé lớn. Hai triệu con tim cùng chung nhịp đập qua các con phố chật hẹp, bé nhỏ không để rớt một giọt máu gióng lên một tiếng sấm vang dội tới Trung Nam Hải là người dân Hồng Kông không khuất phục trước cường quyền. Hiện diện trong hàng triệu người đó là tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, trí thức và người lao động tay chân, học sinh và bô lão, và đặc biệt là giới văn nghệ sĩ và tài tử phim ảnh chẳng hạn như Châu Nhuận Phát, ca sĩ Huỳnh Diệu Minh (Anthony Wong) và Hà Vận Thi (Denise Ho) dù họ biết là sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt cấm cửa.
Nhưng chán nhất là Thành Long. Khi hàng triệu người Hồng Kông xuống đường thì Thành Long đang ở Đài Loan quảng cáo cho đĩa nhạc của mình. Khi được hỏi cho biết cảm nghĩ thì Thành Long trả lời là không biết chuyện gì đang xảy ra. Dù sinh ra ở Hồng Kông và nhờ vào thể chế tự do, pháp trị nên mới có cơ hội thành công tột bực nhưng anh lại luôn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh cho rằng người Trung Quốc cần phải được “cai trị” (controlled) và môi trường dân chủ ở Hồng Kông và Đài Loan là “nguy hiểm”. Vào năm 2013, Thành Long được chọn làm thành viên của Hội Nghị Hiệp Thương Nhân Dân trong chiến dịch khai thác quyền lực mềm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không có gì phải ngạc nhiên khi Thành Long kiếm rất nhiều tiền từ thị trường phim ảnh ở Trung Quốc.
Không ai phủ nhận Thành Long là một ngôi sao võ thuật và hài hước tài năng xuất chúng. Nhưng vấn đề tư cách thì phải xét lại. Thành Long lấy vợ là Lâm Phụng Kiều và có đứa con trai tên Phùng Tổ Danh nhưng dấu kín vì sợ giới hâm mộ nữ “thất vọng”. Suốt mười mấy năm trong tuổi hồn nhiên của trẻ thơ, Tổ Danh không thể tiết lộ danh tính của cha và trong 6 năm chỉ gặp cha được 6 lần và mỗi lần như vậy là gặp sau hai giờ khuya. Ngoài ra, Thành Long cũng có nhiều cuộc tình vụng trộm gồm có quan hệ với Hoa hậu Ngô Ỷ Lợi sinh ra đứa con gái Ngô Trác Lâm mà ông không nhìn nhận. Ngay cả khi ra mắt hồi ký lần đầu bằng Hoa ngữ vào năm 2015, Thành Long hoàn toàn không đề cập gì tới con gái Ngô Trác Lâm lớn lên trong tủi hận với đủ chứng bệnh tâm lý vì bị cha ruồng bỏ đên nỗi cô cắt cổ tay tính tự tử. Thường thì không nên đề cập tới đời sống riêng tư nhưng Thành Long là một người của công chúng và là thần tượng của rất nhiều người nhất là giới trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước. Do đó mọi người đặc biệt là các bậc phụ huynh cần nắm vững vấn đề hầu giúp con em của mình có những nhận định trung thực và sáng suốt không chỉ đánh giá một ngôi sao thần tượng qua hình ảnh hào nhoáng bên ngoài mà phải xem bản chất của người đó có đáng được sùng bái hay không?
Trong khi đó, Hoàng Chi Phong thư sinh 22 tuổi lãnh đạo phong trào dân chủ Dù vàng bước chân ra khỏi nhà tù trên tay cầm một đống sách vào sáng ngày 17/6. Chính quyền Hồng Kông muốn làm anh nhục chí nhưng khung cảnh tĩnh lặng của nhà giam có lẽ đã giúp anh luyện thêm nhiều tầng công lực về kiến thức và khả năng lãnh đạo. Các cuộc biểu tình vừa qua diễn ra đúng một năm từ ngày 10/6/2018 khi hàng chục ngàn người Việt tự phát xuống đường chống lại dự luật Đặc khu. Chi Phong cho biết là anh muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ Việt Nam. Nói tới những người trẻ Việt Nam thì vào ngày 9/6 vừa qua, VOICE tổ chức chương trình văn nghệ tại Crystal palace gây quỹ yểm trợ người tỵ nạn và đào tạo các nhà hoạt động XHDS trong nước. Ls Trịnh Hội là người có công lớn nhất trong việc giúp định cư hàng ngàn người Việt tỵ nạn ở Phi và Thái Lan tới Úc, Mỹ và Canada. Mười mấy năm trước, anh Hội có quan điểm xung đột với Cộng Đồng liên quan tới một chương trình văn nghệ có ca sĩ từ Việt nam sang trình diễn. Sau đó anh về Việt Nam và có tham gia đóng một cuốn phim làm mất thêm thiện cảm của một số người Việt hải ngoại. Nhưng rồi anh bị an ninh bắt vì họ nghi anh là thành viên của Đảng Việt Tân. Rốt cuộc không có bằng chứng nên anh bị trục xuất và không được trở về Việt Nam nữa. Kể từ đó, anh sáng lập tổ chức VOICE và theo đuổi con đường xây dựng Xã Hội Dân Sự (XHDS) tại Việt Nam. Trong một thập niên qua, VOICE đã đào tạo hơn 140 thành viên trong đó có những nhà hoạt động nổi bật trong nước như Phạm Đoan Trang và Nguyễn Anh Tuấn. Hàng năm có tới hàng trăm thí sinh muốn sang Phi học tập với VOICE nhưng VOICE chỉ nhận được 12 em vì ngân sách hạn hẹp. Những thách thức của Việt Nam to lớn như vậy mà mỗi năm chỉ đào tạo được chừng ấy các nhà hoạt động thì quá ít ỏi. Chúng ta không thể đặt quá nhiều kỳ vọng vào giới trẻ mà không bỏ công và bỏ của ủng hộ họ đúng mức. Câu chuyện giữa anh Hội và Cộng đồng xảy ra cũng lâu rồi. Hơn nữa, anh đã tiến bước trên con đường đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. It’s time to move on. Chúng ta có trách nhiệm yểm trợ cho những người dấn thân.
Thấm thoát mà chàng thanh niên hào hoa phong nhã ngày nào đã bước sang ngũ tuần vẫn theo đuổi cuộc sống giang hồ của một lãng tử trên răng dưới dế. Trịnh Hội giới thiệu lên sân khấu 3 người là Đinh Thảo, Vi Yên và Will Nguyễn đại diện cho thế hệ tương lai của Việt Nam. Will sinh ra tại Mỹ và đã lấy bằng thạc sĩ Chính sách công tại Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore. Hiện nay Will đang làm nghiên cứu sinh cho một viện nghiên cứu tại đây. Will có mặt tại Sài Gòn và dẫn đầu đoàn người biểu tình chống dự luật đặc khu hồi năm ngoái. Khi được hỏi tại sao làm vậy thì Will trả lời rằng là vì công dân Mỹ nên công an sẽ đánh nhẹ hơn. Will bị nhốt trong khám Chí Hòa 37 ngày rồi trục xuất về Mỹ.
Người thứ hai là cô Đinh Thảo khoảng 30 tuổi. Đinh Thảo nói tiếng Bắc rặc. Mới nghe cứ tưởng như có nữ đồng chí cán bộ nào đang giảng huấn thao thao bất tuyệt. Cô đã tốt nghiệp y khoa và hành nghề bác sĩ ở Hà nội. Hiện nay cô là giám đốc điều hành các khóa huấn luyện XHDS của Voice tại Phi Luật tân. Thảo tâm tình rằng cô muốn đóng góp cho xã hội nhưng ở Việt nam không có trường lớp nào nên phải sang Phi học với VOICE rồi ở lại đào tạo người khác. Câu chuyện của cô nghe tương tự như Lỗ Tấn. Bỏ nghề y và ống nghe để dùng ngòi bút chữa bệnh cho cả một thế hệ.
Người thứ ba là Vi Yên năm nay 23 tuổi. Khi mới 18 tuổi Vi Yên đã cùng với một vài bạn trẻ khác sáng lập phong trào Tinh Thần Khai Minh biên dịch các quyển sách kinh điển về triết lý dân chủ và pháp quyền. Cô cũng từng làm chủ biên của Luật khoa Tạp chí và hiện đang thực tập tại văn phòng dân biểu Chris Hayes. Vi Yên cũng có vài buổi nói chuyện ở Sydney và Melbourne nhưng số người tham dự không nhiều lắm. Hình như người Việt hải ngoại chúng ta là vậy đó. Cứ trách giới trẻ trong nước không quan tâm nhưng chính mình thì chẳng quan tâm gì cả. Thỉnh thoảng có người nghi ngờ rằng liệu có phải các nhà hoạt động XSDS trong nước ra ngoài có liên quan tới Nghị quyết 36 hòng muốn nhuốm đỏ cộng đồng người Việt hải ngoại chăng? Cũng có người đặt câu hỏi là tại sao hoạt động như vậy mà không bị bắt? Có nghĩa là nếu không sinh hoạt thì bảo rằng không quan tâm. Còn quan tâm sinh hoạt thì hỏi tại sao không bị bắt. Khi bị bắt thì nghi ngờ là khổ nhục kế. Có lẽ là nếu có chết trong tù thì lại bị cho là muốn chơi nổi để lấy tiếng chăng?
Tại sao người dân Hồng Kông có thể làm nên một kỳ tích ngoạn mục là có hàng triệu người xuống đường mà không đổ máu ngoại trừ một trường hợp tự sát duy nhất? Đơn giản là vì họ có ý thức đoàn kết và văn hóa dân chủ cao. Đây cũng là điều người Việt ở trong và ngoài nước cần học từ người Hồng Kông. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và hy vọng tiến lên khi nào thần tượng của giới trẻ không phải là Thành Long mà là Hoàng Chi Phong. .
Ls Nguyễn Văn Thân
Sydney 27/6/2019