Hai vị tổng thống Barack Obama và Donald Trump khác nhau như lửa với nước, ông này khinh ông kia, ông kia thù ghét ông này, chẳng khác gì mối tương quan giữa bần cố nông và địa chủ trong thời đấu tố. Tuy nhiên xét trên khía cạnh chinh phục không gian thì cả hai đều “cùng nhau nhìn một hướng”: bất chấp sự phản đối của các khoa học gia chủ chốt của NASA, cả hai đều cho là nên bỏ qua Mặt Trăng để tiến tới chinh phục Hỏa tinh.
Tuần trước, ngày 18.6.2019. ông Trump chính thức khai mạc chiến dịch tranh cử 2020 ở Orlando (Florida) với bài diễn văn dài 90 phút, trong đó cam kết là nếu ông ta “đậu” tổng thống thêm lần nữa, ông sẽ giúp nước Mỹ tìm ra phương thuốc trị dứt hai thứ bệnh bất trị là ung thư và bệnh AIDS rồi đưa người Mỹ đặt chân lên Hỏa tinh.
Trước đó, ngày 13.5.2019 ông Trump tuyên bố trên Twitter sự ủng hộ với kế hoạch lên Mặt trăng của NASA: “Trong nhiệm kỳ của tôi, chúng ta đang làm NASA vĩ đại trở lại và chúng ta sẽ quay lại Mặt trăng, rồi sau đó là Hỏa tinh”. Tuy nhiên chỉ ba tuần sau đó, ngày 8.6.2919, ông Trump lại… tweet khác: “NASA không nên lên Mặt trăng nữa, vì chúng ta đã làm được cách đây 50 năm rồi. Họ nên tập trung cho những nhiệm vụ lớn lao hơn, bao gồm Hỏa tinh, quốc phòng và khoa học”.
Tham vọng “Hỏa tinh” của ông Trump đang bị chỉ trích và chế giễu. Một ý kiến cho rằng, với những vấn nạn của hiện tại thì Mỹ khó mà đạt tham vọng không gian xa tít này. Một số thì cho rằng nên đưa ông Trump lên Hỏa tinh và định cư luôn tại đó để nước Mỹ thoát nợ.
Đó là ông Trump, còn ông Obama thì sao?
Tham vọng của Obama
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đầu tiên, nguyên Tổng thống Obama đã huỷ bỏ dự án Constellation của cựu Tổng thống George Bush với mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng.
Sự quay ngoắt này khiến ông Obama đã bị NASA chỉ trích dữ dội nên ngày 15.4.2010, phát biểu tại Trung tâm Không gian Kennedy (Kennedy Space Center) tại Florida, ông Obama đã cố dịu giọng. Tại đây ông Obama công bố ngân sách trị giá 6 tỷ Mỹ kim cho NASA trong vòng 5 năm, nhắm đến việc thám hiểm sâu hơn vào Thái Dương Hệ, khám phá khí quyển mặt trời, thám hiểm Hoả Tinh và lắp đặt một viễn vọng kính tối tân hơn cả Viễn vọng kính Hubble.
Phát biểu trước những chuyên viên và khoa học gia không gian, có mặt cựu phi hành gia Buzz Aldrin, người thứ hai đặt chân lên Mặt Trăng, ông Obama phát biểu: “Chúng ta nên quay trở lại Mặt Trăng trước nhưng tôi sẽ nói thẳng rằng chúng ta đã có mặt tại đó rồi. Buzz cũng đã có mặt tại đó. Có nhiều thứ khác để chúng ta thám hiểm và học hỏi hơn. Đến năm 2025 chúng ta hy vọng là sẽ có những kiểu phi thuyền mới đáp ứng những đòi hỏi của một chuyến phi hành lâu dài, cho phép chúng ta đưa phi hành đoàn đầu tiên đổ bộ lên Hoả Tinh vào gữa thập niên 2030.”
Trước đó cựu phi hành gia Buzz Aldrin cho rằng thời gian từ chiếc máy bay đầu tiên của hai anh Wright cho đến lúc con người đặt chân lên mặt trăng là dài 66 năm. Nếu tính thời gian từ khi chinh phục được mặt trăng cho đến ngày chinh phục Hỏa tinh thì chắc cũng sẽ mất từng đó thời gian, nghĩa là năm 2035.
Nhưng việc đổ bộ Hỏa tinh có đơn giản như việc suy luận một bài tóa sơ cấp hay không? Chúng ta cần điểm qua những việc mà NASA cần phải làm để đưa người đổ bộ Hoả Tinh nhưng trước hết là mục tiêu sẽ đến.
Hoả Tinh
hoảHoả
Thời cổ đại con người đã phát hiện Hoả tinh và màu đỏ cam như lửa hay máu của nó đã khiến người La Mã gọi đó là Mars, tên của thần chiến tranh. Chính vì thế nên hành tinh là một đề tài vô cùng hấp dẫn và trở thành đề tài cho các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Hành tinh này có đường kính chỉ bằng một nửa và có khối lượng bằng 38% khối lượng trái đất, Hoả tinh và Trái đất cùng di chuyển quanh mặt trời, trên hai quỹ đạo khác nhau, do đó khoảng cách giữa trái đất và hoả tinh luôn thay đổi. Ở vị trí xa nhất, Trái đất cách Hoả tinh 400 triệu km, còn khi gần nhất cách nhau khoảng 55,760,000 km hay 0.372 AU, trong đó AU đơn vì tình bằng khoảng cách giũa trái đất đến mặt trời.
Nhưng chu kỳ gần nhất này kéo dài đến 60,000 năm. Gần đây nhất, ngày 27.8.2003, Hoả tinh đã quay trở về vị trí đó, ở vào vị trí gần như trên cùng một đường thẳng nối mặt trời và trái đất, có màu đỏ cam, sáng nhất trên bầu trời đêm. Thời gian “gần gũi” này chỉ kéo dài khoảng ba ngày. Trước đó Trái đất và Hỏa tinh đã trùng phùng như vậy vào ngày 12.9 năm 57,617 trước Thiên Chua Giáng sinh. Sắp tới là năm 62203!
Tuy nhiên vẫn có những khoảng thời gian hai hành tinh gần nhau và không xa hơn khoảng cách cực tiểu nói trên quá nhiếu. Thí dụ năm 1924 (ngày 28.4) trái đất cách Hỏa tinh khoảng 0.37285 AU và đến sẽ là ngày 24.8.2208 với khoảng cách 0.37279 AU.
Hoả tinh quá lạnh để duy trì sự sống tuy nhiên giới khoa học tin rằng rất có thể đã có những hình thức sự sống nguyên thuỷ quanh các luồng khí nóng trên bề mặt của nó trong quá khứ, hiện vẫn lưu lại dấu vết. Một số khám phá gần cho thấy có thể có nước ở dưới bề mặt Hỏa tinh, mà nước lại đồng nghĩa với sự tồn tại của sự sống hay chí ít cũng là những dấu vết của sự sống trong quá khứ. Khoa học gia của NASA là David McKay đã nhấn mạnh về sự sống ở Hoả tinh qua dấu vết của những “vi khuẩn hoá thạch”.
Mới nhất, tuần qua NSA phát hiện dấu vết của khí Metan (CH4) là dấu hiệu về sự tồn tại của các vi khuẩn.
Hiện tại giới khoa học muốn tìm hiểu làm thế nào mà Hỏa tinh lại trở nên khô cạn như hiện nay, điều đó sẽ hé mở một tia sáng nào đó về tương lai của trái đất, chính vì vậy mà giới khoa học khắp nơi đều nhắm đến hành tinh này, thể hiện qua nỗ lực của hai cơ quan khoa học: (NASA) và Cơ quan Khoa học Không gian châu Âu (ESA).
Năm 1976, NASA cho phóng hai phi thuyền thăm dò mang tên Viking đổ bộ xuống Hoả tinh; tuy nhiên dữ kiện thu thập từ chuyến đi này chẳng đem lại một kết luận nào cụ thể nào. Lúc này, người Nga đưa ra hai giả thuyết “phản tuyên truyền”:
– NASA đã ngụy tạo việc đổ bộ của Viking lên hoả tinh để tuyên truyền về ưu thế của kỹ nghệ không gian Mỹ.
– NASA đã nắm được thông tin qúy giá về Hoả tinh và không muốn tiết lộ, trừ mấy thông tin vô thưởng vô phạt.
Sau đó hai nước Nga và Mỹ đã đổ hàng tỷ đô la với mục đích chinh phục Hoả tinh, thế nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, người Nga đã bỏ cuộc.
Năm 1997, một lần nữa NASA lại thông báo với thế giới về việc đã đưa được robot tự hành Mars-Pathfinder xuống bề mặt hoả tinh, điều mà đối thủ Nga dè bĩu là “một trò chơi tốn tiền”. Thế nhưng, chính Mars-Pathfinder đã lần đầu tiên chuyển về trái đất hình dạng cụ thể của Hỏa tinh cùng với một số mẫu vật rất đáng chú ý khác.
Cũng thời gian này, sau thời gian im lặng nhìn cuộc chạy đua không gian giữa Nga và Mỹ trong thập niên 60 và 70, châu Âu bắt đầu nhập cuộc và cái đích duy nhất của họ lại là Hỏa tinh qua những dự án của ESA.
Ngày 3.6.2003, ESA đã bước qua một chương mới: tại phi trường không gian Baikonur ở cựu Cộng Hoà Xô Viết Kazakhstan, cơ quan vũ trụ Âu châu đã cho phóng Phi thuyền Mars Express (MA) bằng hoả tiễn Soyuz-Fregat của Nga. ME sẽ phải trải qua một chặng đường khá dài và phải bay trong vòng 6 tháng mới tới được Hoả tinh, vào đầu năm 2004.
Đây là một phi tuyền thuần túy châu Âu bao gồm máy quay phim do Đức chế tạo, hệ thống radar do Ý chế tạo để thăm dò lòng đất, một ăng-ten parabol của Tây Ban Nha, và nhiều thiết bị khác của Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Pháp. ESA sử dụng hệ thống này để dò tìm các hồ nước khổng lồ tin là đang nằm ở dưới bề mặt Hoả tinh, chụp một số hình ảnh về bề mặt và tiến hành khảo sát địa chất. Đặc biệt là Beagle2, một bộ phận thăm dò to bằng chiếc xe đạp, của Anh, sẽ được hạ xuống mặt đất để đào bới đất đá nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.
Nghiên cứu nhiều như vậy thế nhưng đến nay vẫn chưa có ai dám chắc vì Hoả tinh không phải là một mục tiêu dễ chinh phục, dễ đặt chân đến.
Chinh phục Hoả tinh
Thành công trong chuyến đổ bộ Mặt Trăng năm 1969 đã khiến giới khoa học tin chắc vào việc chinh phục các hành tinh thuộc Thái dương hệ khác, trong đó con người sẽ đặt chân lên Hỏa tinh vào năm 1981.
Tuy nhiên đến đầu thập niên 80 NASA rút ra kết luận rằng bất cứ sự vội vàng nào cũng chỉ mang lại thất bại. Lấy thí dụ, trong những năm 1970, các kỹ sư không gian chọn nhôm làm vật liệu chính để chế tạo hợp kim làm vỏ phi thuyền, tuy nhiên những nghiên cứu sau dó lại cho thấy, các nguyên tử nhôm có thể bị tia vũ trụ mạnh phá hủy và như vậy có thể gây nguy hiểm cho phi hành đoàn.
Có thể xét những qua những trở ngại sau:
1. Thời gian
Năm 1969 tàu Apollo phải bay mất 3 ngày mới vượt qua khoảng cách 400,000km giữa trái đất với Mặt trăng. Để đến Hoả tinh thì phải vượt qua một khoảng cách dài hơn rất nhiều (và ở vị trí xa nhất có thể gấp 1,000 lần). Kể luôn thời gian ở lại để nghiên cứu cho “xứng” với công đi-về, một chuyến du hành lên sao Hoả có thể lên tới 3 năm! Khoảng thời gian dài như vậy sẽ làm nảy sinh ra nhiều vấn đề liên quan đến phi hành đoàn và phi thuyền như sức khỏe, thực phẩm, nước uống cho đến các máy móc, vật liệu, nhiên liệu cũng như các thiết bị nghiên cứu và phụ tùng thay thế.
Trước hết, chặng đường dài này đòi hỏi phải có một phi thuyền mạnh và một thứ nhiên liệu mới ít hao hơn và nhẹ, ít kềnh càng hơn.
2. Phi thuyền
Năm 1969 phi thuyền Apollo 11 được phóng lên mặt trăng bằng hoả tiễn Saturn V cực lớn, tuy nhiên hoả tiễn này không thể phóng nổi phi thuyền lên Hoả tinh. Để vượt qua quãng đường dài hơn thì khoang nhiên liệu của phi thuyền sẽ lớn đến mức không có một động cơ hỏa tiễn nào đủ mạnh để “bứt” nó ra khỏi quỹ đạo của trái đất.
Ba tháng sau vụ tàu con thoi Columbia nổ tung (2.2003), NASA đề ra dự án Prometheus nhằm giải quyết các nhược điểm của tàu con thoi và nghiên cứu các khoang dự trữ nhẹ hơn cũng như chế tạo các động cơ hoả tiễn mạnh hơn. Theo đó, NASA sẽ phát triển các nguồn năng lượng mới và chế tạo những hệ thống phản lực đáp ứng được nhu cầu thám hiểm Hỏa tinh. Tuy nhiên đến bây giờ NASA vẫn chưa giải được bài toán này, do đó phải hướng đến giải pháp “bệ phóng không gian”: chuyển từng bộ phận của phi thuyền lên trạm không gian trên quỹ đạo rồi ráp lại thành phi thuyền rồi khởi hành từ đây.
Như đã nói, phóng ở trái đất phi thuyền này phải cần một hỏa tiễn cực mạnh để thắng được sứt hút của trái đất. Phóng ở ngoài khoảng thì không cần phải có hõa tiễn mạnh chưa từng có này.
Việc xây dựng trạm không gian quốc tế ISS cho thấy việc ráp và phóng phi thuyền ở ngoài không gian là điều khả thi, tuy nhiên để tiến hành việc này thì NASA sẽ cần một tàu con thoi để vận chuyển các bộ phận lên trạm này một cách hiệu quả, an toàn và ít tốn kém.
Nhưng đầu tiên là “tiền đâu”, hỏa tiễn cực kỳ mạnh chưa chế tạo được. Phải chăm chỉ chuyên chở từng cơ phận của phi thuyền lên trạm không gian như con kiến tha từng hạt gạo là việc làm lâu dài, tốn kém. Đó là chưa kể việc nâng cấp và mở rộng trạm không gian, cũng là việc làm cực kỳ tốn kém.
3. Bức xạ
Theo những số liệu mà tàu thăm dò Mars Odyssey ghi nhận khi bay trong quỹ đạo của Hỏa tinh từ 1999 đến 2001 thì mức độ phóng xạ ở Hoả tinh lên tới khoảng 20-25 millirad/ngày, cao gấp 2 lần cường độ cho phép đối với công nhân làm việc trong các nhà máy điện nguyên tử ở Mỹ. Hơn nữa, mức độ phóng xạ sẽ còn lớn hơn nhiều trong thời gian bay từ trái đất đến Hỏa tinh hay chuyến bay khứ hồi.
Phóng xạ vũ trụ có thể phá vỡ chuỗi DNA trong tế bào, kích thích những biến đổi tế bào mà về lâu dài sẽ gây nên bệnh bạch cầu và nhiều bệnh ung thư khác. Tuy cơ thể con người có thể điều chỉnh những thay đổi bất thường của DNA nhưng với lượng phóng xạ lớn như môi trường trên Hỏa tinh thì tốc độ biến dị sẽ vượt quá tốc độ khả năng điều chỉnh tự nhiên này.
Các khoa học gia cũng quan tâm đến sự có mặt những tia vũ trụ năng lượng cao ngoài không gian, vốn đủ mạnh để gây thương tổn đối với hệ thần kinh trung ương, do đó sẽ làm suy yếu khả năng thị lực, khả năng vận động và nhận thức của phi hành gia. Chính vì những nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của các nhà du hành vũ trụ mà NASA đã ấn định thời gian hoạt động tối đa ở ngoài không gian là 250 ngày, vừa bằng khoảng thời gian tối thiểu để bay từ trái đất đến Hỏa tinh hay trở về trái đất.
4. Sức khỏe
Trong những chuyến bay dài ngày trong không gian, xương của các phi hành gia bị loãng với tốc độ 1-2% mỗi tháng. Hiện người ta chưa biết đích xác liệu môi trường không trọng lượng có làm chậm lại quá trình này hay không, nhưng trong trường hợp xấu nhất, các phi hành gia tham gia thám hiểm Hỏa tinh trong vòng 3 năm sẽ mất đi một nửa khối lượng xương, do đó xương sẽ trở nên giòn, dễ gãy và chậm hồi phục khi bị chấn thương.
Những thí nghiệm trên trái đất cho thấy hoạt động miễn dịch của tế bào giảm gần 50% sau mỗi chuyến bay vào không gian ngắn ngày, tuy nhiên các nhà khoa học chưa thể biết chính xác hệ miễn dịch sẽ phản ứng như thế nào khi cơ thể hoạt động dài ngày bên ngoài không gian.
Khi hệ miễn dịch suy yếu thì một chứng bệnh bình thường cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng và những căn bệnh tiềm tàng trong cơ thể như thủy đậu sẽ tái phát. Để sớm phát hiện và ngăn chặn nguồn bệnh, các nhà khoa học nghiên cứu việc chế tạo những thiết bị cực nhỏ để theo dõi tế bào: khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, chúng sẽ phát ra các tín hiệu cảnh cáo để các phi hành gia kịp thời uống thuốc.
5- Tâm lý
Bị giam hãm trong một không gian chật hẹp suốt hàng năm trời ở một nơi xa trái đất, xa đến độ nói vào điện thoại vô tuyến thì phải đợi ít nhất 20 phút mới nghe được câu trả lời, các phi hành gia đối diện với cảm giác cô đơn khủng khiếp và do đó rất dễ rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần.
NASA muốn giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa các thành viên phi hành đoàn bằng cách lựa chọn những người có cá tính phù hợp với nhau. NASA cũng hy vọng sẽ thiết kế được một computer để giám sát mức độ căng thẳng và suy sụp tinh thần cũng như những dấu hiệu tâm thần bất thường thông qua sự thay đổi nét mặt, giọng nói của từng cá nhân để có biện pháp xoa dịu thích hợp.
6- Môi trường
Từ cuối thập niên 90, nhà địa chất vũ trụ John Marshall đã nghiên cứu vật liệu chế tạo trang phục cho các nhà du hành vũ trụ mặc trong những cuộc thám hiểm Hỏa tinh. Ông đặt những vật liệu này vào một đường hầm gió và phun vào một hỗn hợp đất sét đỏ có cấu tạo tương tự như bụi trên hoả tinh, kết quả là lớp bụi này dính chặt vào bề mặt y phục và không thể nào chùi sạch. Do đó, nếu các phi hành gia mặc loại y phục này sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi bụi này bám chặt vào quần áo để đi vào bên trong phi thuyền, tại đây chúng có khả năng ăn mòn các đai điều chỉnh áp suất, làm hư hại nhu liệu điện toán, làm chập các mạch điện tử và thậm chí có thể khiến các thành viên của phi hành đoàn đau ốm.
Khác hẳn với cái tên “hoả”, nhiệt độ trên hoả tinh rất thấp. Trong chuyến thám hiểm 1997, NASA ghi nhận nhiệt độ ở khu vực “hoả xa” Pathfinder hạ cánh xê dịch từ âm 13 độ C đến âm 93 độ C trong vòng 24 giờ. Hỏa tinh còn đe doạ với những cơn bão bụi có khả năng sinh ra dòng tĩnh điện có điện áp lên tới 8 kV, đủ mạnh để phá hỏng các máy computer và làm nổ tung các cầu chì.
Khí quyển của Hoả tinh đậm đặc carbon dioxit trong khi bề mặt hoàn toàn không có nước, biến hành tinh này thành nơi không thể nào sống. Việc đưa nước và không khí đến đây khó thực hiện, do đó NASA dự định sẽ đưa những thiết bị chứa hydro để biến carbon dioxit trong khí quyển thành khí methane và nước. Tiếp đó, nước sẽ được điện phân để tách thành Oxygen và Hydrogen. Oxygen dùng để thở còn Hydrogen lại tiếp tục được quay vòng cho chu trình chế biến này.
Thay lời kết
Hỏa tinh thì quá xa và Mặt Trăng thì khá gần. Trung Quốc đang lăm le chinh phục Mặt Trăng và Nhật cũng không kém cạnh. Chinh phụ Mặt Trăng và đặt “căn cứ” tại đó chắc chắn sẽ mang lại một lợi ích thiết thực để Mỹ duy trì vị trí siêu cường khi mà chuyện “viễn tưởng” của thế kỷ 20 đang trở thành hiện thực với cuộc chiến không gian, với hệ thống phòng thủ hỏa tiển, chiến tranh mạng.
Trong khi đó thì đường lên Hỏa tinh cực kỳ gian nan, trắc trở và cực kỳ tốn kém nhưng lại chưa hẳn mang lại một lợi ích chiến lược thiết thực. Tại sao cả ông Obama và Trump đều khao khát?
Có vẽ như cả hai đều muốn lưu tên vao lịch sử Mỹ như là vị tổng thống đã chinh phục Hỏa tinh. Nếu để NASA bay lên Mặt Trăng dăm ba lần nữa, họ vẫn lạch bạch đi sau cái bóng của cố Tổng thống John Kennedy, vị tổng thống đã đưa nước Mỹ chinh phục Mặt Trăng.
Dẫu sao cũng có đôi chút khác nhau. Có cùng tham vọng nhưng ít ra ông Obama cũng làm việc có chương trình, có lộ trình cụ thể để bấy lâu nay NASA tiến hành những chương trình thám hiểm Hỏa tinh, thu thập khá nhiều kiến thức bổ ích. Trong khi đó thì ông Trump chỉ nói cho sướng miệng, thích thì nói, hôm nay nói thế này, mai nói thế kia, thay đổi xoành xoạch, cũng giống như việc đánh Iran, hôm nay đánh, ngày mai hòa, và ngày mốt thì chẳng biết ông ta “tweet” cái gì nữa trên mạng xã hội!
Phạm Đức Đồng Hùng