Tự mình chụp hình cái bản mặt mình, chụp hình con người của mình bằng máy hình, bằng điện thoại cầm tay loại mới, rồi phổ biến trên mạng thông tin điện tử cho bạn bè coi, cho mọi người cùng coi cho biết, để khen ngợi, để hưởng ứng theo, ngày nay đã trở thành một thứ thời thượng. Không riêng gì chỉ trong giới trẻ, mà cả người lớn. Người già nữa.
Tự chụp hình như vậy, người ta gọi là “chụp hình tự sướng”. Nhưng, theo thói quen rút gọn cách nói hay viết, người ta chỉ nói “tự sướng” và ai cũng hiểu. Tiếng tự sướng có nguồn gốc từ tiếng anh “selfie” và cũng có lịch sử khá dài.
Có người đem so sánh cái “tự sướng” này với cái sướng của người ghiền rượu được uống một ly rượu, người ghiền café được uống một tách café, ghiền thuốc được phà một hơi thuốc,…thì không biết cái sướng nào hơn cái sướng nào! Vậy “tự sưởng” phải có nhiều cách khác nhau nhưng nội dung đều nhằm thỏa mản nhu cầu sinh lý hơn là tạm lý của con người. Nhận thấy hiện tượng tự sướng đang lan tràn, vượt biên giới, vượt thời gian nên nhiều nhà khoa học đã theo dõi, tìm hiểu và
đã lên tiếng cảnh báo rằng ghiền “tự sướng“, tức “ghiền selfie”- “Selfitisme” (một tiếng hoàn toàn mới do gốc selfie), là một tình trạng bệnh tâm thần thực sự và những người không thể cưỡng lại việc đăng những bức ảnh của mình lên mạng xã hội có thể cần được giúp đỡ (Tập sanInternational Journal of Mental Health and Addiction).
Tự sướng và từ bao giờ
Một hôm tín đồ trẻ vây quanh Giáo hoàng vui vẻ trước đền thánh, Ngài hào hứng đứng chụp ảnh cùng với nhóm tín đồ trẻ này theo kiểu “Selfie”. Từ đây, tiếng “selfie” đánh dấu một biến cố quan trọng cho năm 2013. Và còn gây ấn tượng hơn nữa, đó là“Selfie” trở thành từ ngữ của năm! Nhưng chưa phải là lịch sử thật sự của “selfie”.
Trào lưu “tự sướng-selfie” không chỉ thu hút lớp trẻ tuổi, mà còn mau chóng lan tới những thành phần khác trong xã hội ở khắp nơi. Điển hình như trong lễ truy điệu cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tháng 12/2013, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã vui vẻ “selfie” với Thủ tướng Anh, David Cameron và Tổng thống Barack Obama.
Dĩ nhiên bà Thorning-Schmidt giữ tấm ảnh này riêng cho bà nhưng “tự sướng” trong một buổi lễ trang nghiêm, với 70 Thủ tướng, Tổng thống và 5 người nhận Nobel Hòa bình tham dự, vẫn bị dư luận Đan Mạch phản ứng mạnh. Những tờ báo lớn của Đan Mạch như Berlingske, Politiken, đưa vào danh sách “Những tấm ảnh của năm”!
Hôm 26/4 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gặp Thủ tướng chánh phủ Hà Nội Nguyyễn Xuân Phúc ở Tàu nhơn dịp cùng tham dự “1 vành đai, 1 con đường” lần II, hai người cùng “tự sướng”. Ảnh liền được Thủ tướng Lý Hiển Long đưa lên Twitter của ông. Nhiều người khen ảnh selfie đẹp. Mà quả thật, ông Phúc trông đẹp hẳn hơn từ trước tới giờ, với vẻ mặt và cái cười rất ngây thơ.
Sau đó, tới phiên TT. Trump “tự sướng” với Thủ tướng Abe lúc nghỉ giải lao trong trận đấu golf với ông Abe bên lề Hội nghị G20 tại Osaka.
Theo các nhà biên soạn từ điển Oxford thì từ “selfie” xuất hiện lần đầu ngày 13-9-2002 trên diễn đàn của báo mạng Úc ABC. Nay “selfie” không chỉ được đưa vào từ điển Oxford vào tháng 8-2013 mà còn được chọn là “Từ của năm 2013” (do selfie với Giáo hoàng). Hiện tượng này còn phổ biến đến mức năm 2013, các tự điển của Oxford tiến hành thống kê cho thấy tỷ lệ xuất hiện từ “selfie” tăng đến 17,000%. Chính vì thế Oxford đã bầu chọn “Selfie” là từ khóa của năm. Còn tại Pháp, tự điển Petit Robert đã cập nhật thêm từ “Selfie” vào trong ấn bản năm 2015.
Theo kết quả thống kê của Tech Today (Mỹ) thì chỉ trong một tuần của tháng 10-2013, từ “selfie” được dùng 368,000 lần trên Facebook, 150,000 lần trên Twitter. Còn trên Instagram, có 150 triệu người kết nối thì tới 27-12- 2013, đã có 65.294.238 tấm ảnh “tự sướng”.
Khảo sát của YouGov tại Đan Mạch – quốc gia có tỉ lệ người kết nối mạng xã hội cao nhất trong khối Scandinavie, thì 28% người Đan Mạch trên 18 tuổi có ít nhất một lần “selfie” rồi đưa lên SMS, chat hay một mạng xã hội nào đó trong năm 2013.
Tuy nhiên “selfie” không hoàn toàn để chơi cho vui hay ghi lại một kỷ niệm, một sự kiện nào đó trong cuộc sống mà theo giới trẻ, thì đó là một cách để khẳng định cái “tôi” của mình hay thể hiện “cá tánh” của mình qua những tấm ảnh tự giàn dựng và tự chụp. Và đằng sau lại có những nguyên nhân xã hội sâu xa hơn.
Theo nhà tương lai học Anne Skare Nielsen của Công ty Future Navigator (Đan Mạch), đây là một cách để nhiều người tìm sự chia sẻ, hầu thoát khỏi cảm giác cô đơn trong một xã hội phát triển. Khảo sát của Ramboll thực hiện cho báo Jyllands-Posten năm 2012 cho thấy hơn 1/4 người Đan Mạch được hỏi, đều trả lời là họ cảm thấy cô đơn.
Theo bà Nielsen, hiện nay người ta không còn dễ dàng thỏa mãn với một bộ quần áo mới hay một cái xe hơi mới nữa. Thay vào đó, họ muốn được người khác nhìn nhận sự hiện hữu của mình và đây là một nhu cầu có thực (Tuổi Trẻ Online, 18/01/2014).
Chụp hình theo kiểu kiểu tự sướng, phải chăng nó có nguồn gốc từ xa xưa? Vào thời vua Edouard VIỊ ở Anh (1901-1918), một phụ nữ chụp hình mình bằng cách đứng trước gương và nhìn vào gương để ngắm mình. Năm 1914, Nữ Công tước nga Anastasia Nikolaievna, lúc vị thành niên, cũng “chụp hình” mình bằng một cái gương và cái hộp Brovnie (sau này, máy ảnh Brovnie) và gởi cho bạn!
Nhơn đây, tưởng cũng nên biết thêm một trường hợp “tự sướng” hi hữu, ngàn năm một thủơ. Năm 2014, một con khỉ “tự sướng” và tấm hình của khỉ được Wikipédia đăng lên. Nhiếp ảnh gia David Slater chuyên chụp thú vật kiện Wikipédia đòi bản quyền và yêu cầu Wikipédia lấy bức ảnh con khỉ xuống nhưng Wikipédia từ chối, phủ nhận tác quyền của ông Davis Slater vì cho rằng ảnh hoàn toàn do con khỉ ăn cấp máy ảnh của ông và selfie.
Ngày 19/08/2014, nội vụ đưa ra Văn phòng bản quyền Huê kỳ (Bureau américain de brevet) để nhờ can thiệp nhưng Văn phòng từ chối vì không có thẩm quyền về loại vật và cây cối.
Một chứng bịnh tâm thần
Bịnh “tự sướng” hay ghiền selfie có tên gọi riêng là “selfitisme” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2014 mô tả tình trạng “ám ảnh cưỡng bách” phải tự chụp ảnh mình mà Hội Tâm lý Mỹ đang xem xét phân loại nó như là một sự rối loạn tâm thần.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham Trent ở Anh và Trường Quản trị Thiagarajar ở Ấn Độ đã quyết định nghiên cứu xem liệu có sự thật nào trong hiện tượng này hay không.
Họ đã xác nhận “selfitisme” thực sự có tồn tại và thậm chí đã phát triển, có thể xếp thành một “Thang điểm Hành vi ghiền chụp ảnh tự sướng” để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó.
Thang điểm từ 1 đến 100 dựa trên một nhóm khoảng 200 đối tượng xác định những yếu tố chi phối “ghiền selfie”. Nó được thực hiện trên 400 người. Những người tham gia sống tại Ấn Độ. Chọn nước này vì có nhiều người sử dụng Facebook nhứt, cũng như có tử vong cao nhất do cố gắng selfie tại những nơi nguy hiểm.
Kết quả nghiên cứu, đăng trên International Journal of Mental Health and Addiction, xác nhận có ba mức độ ghiền selfie:
“Chừng mực” là những người selfie ít nhất 3 lần một ngày, không đăng lên mạng xã hội,
“Cấp tính” là các ảnh chụp thường được đăng lên,
“Mãn tính” là người bệnh cảm thấy sự thôi thúc không thể cưỡng lại phải chụp ảnh mình suốt ngày và phảiđăng ảnh lên mạng hơn 6 lần mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người “ghiền selfie” hay bị “selfitisme” là những người luôn tìm kiếm sự chú ý, vì thường thiếu tự tin, hy vọng được tăng địa vị xã hội và cảm thấy mình là một phần của nhóm bằng cách liên tục đăng những hình ảnh của chính mình.
Ts Janarthanan Balakrishnan, nghiên cứu Khoa Tâm lý Đại học Nottingham Trent ở Anh giải thích: “Thông thường, những người bị tình trạng thiếu tự tin và đang tìm cách để “phù hợp” với những người xung quanh họ, và có thể biểu hiện những triệu chứng tương tự như các hành vi nghiện ngập khác”.
Còn Giáo sư Simon Wessely về Tâm lý Y học tại King’s College London gợi ý rằng người ta selfie là để nâng cao tâm trạng, thu hút sự chú ý, tăng sự tự tin và kết nối với môi trường (Cẩm Tú, theo Telegraph, internet).
Tự sướng không “selfie”
Theo như trên đây thì “tự sướng” phải có selfie. Vì ghiền selfie nên khi selfie là lúc người ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng cũng có cách “tự sướng” mà không phải tự mình chụp hình chính mình, mà bằng lời nói, bằng tư tưởng.
Ở Việt nam, từ sau 2/9/1945, bổng xuất hiện một người 55 tuổi, tên Hồ Chí Minh, tự xưng “bác” với mọi người, với mọi lứa tuổi. Một thời gian sau, lại được gọi là “cha già dân tộc” mà đương sự không từ chối. Xin nói ngay đây đúng là trường hợp bịnh “tự sướng”. Một triệu chứng bịnh tâm thần như selfitisme. Cả hai trường hợp đều nhằm thỏa mản đòi hỏi về sinh lý: “nâng cao địa vị, thu hút sự chú ý, tăng cường sự tự tin, kết nối với môi trường”.
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn viết sách ký tên Trần Dân Tiên để tự đề cao mình, tự mơn trớn chính mình, để cho người khác khác theo đó mà tung hô mình. Để “tự sướng”!
Ở hải ngoại không thiếu những trường hợp “tự sướng”. Đầu thập niên 80, ở Paris, trong những tổ chức chống cộng, có một vị quân nhơn thiệt, công khai lấy danh hiệu “Tướng tự phong”. Một cách nghiêm chỉnh. Ở California, có chánh phủ Quốc Gia Lâm Thời. Ít lâu sau, cũng ở Huê kỳ, xuất hiện thêm vài chánh phủ nữa, Chánh phủ Nguyễn Hữu Chánh rậm đám hơn hết, giải tán. Nay còn chánh phủ Đào Minh Quân là thọ hơn hết, tính ra có tới hơn 40 năm. Tự sướng vì có người biết mình trong tư cách chánh phủ, thứ mà suốt đời mơ ước cũng không thật sự có được.
Gần đây, nghe nói ở Paris cũng có một chánh phủ lâm để đòi thi hành Hiệp định Paris. Mà thiệt Hiệp định Paris, giấy trắng mực đen hãy còn nguyên đó.
Cứ ra sức đòi thi hành. Nếu đòi mà không được thì ít ra cũng có đòi. Một cách “tự sướng” có chánh nghĩa!
Nguyễn thị Cỏ May