QUẢ VẢI CUỐI MÙA

Sáng và chiều, các thứ hàng rong đi nườm nượp như đèn kéo quân nhưng tới giấc trưa thì vắng hẳn. Thời tiết nóng nực khiến người dân có thói quen nghỉ trưa lâu hơn các nước ôn đới mát mẻ. Tới giấc xế xế chiều, hàng rong mới lại tấp nập lần nữa kéo dài đến tối.

Người phụ nữ trưa nào khoảng lúc một giờ, đẩy xe đạp đi qua. Mùa nào thức nấy, cứ nghe tiếng rao, người ta biết ngay đang mùa trái cây nào. Hôm nay không có chiếc sọt lớn như mọi ngày mà chị ta chỉ chở chiếc rổ lớn đựng khoảng hai, ba chục ký vải, đi ngang qua khu phố yên tĩnh này với một giọng rao lanh lảnh nghe rõ mồn một giữa buổi trưa thanh vắng. Ai mua vải thiều cuối mùa không! Có vẻ nhắc chừng mọi người nên mua gấp trước khi phải đợi tới sang năm mới nếm được mùi vị loại trái cây này. Tại miền Nam, nhiều loại trái cây: xoài, dưa hấu, sầu riêng… có thể cho ra trái quanh năm nhưng miền Bắc nóng, lạnh phân biệt rõ rệt hơn nên vải, phật thủ… đều đơm hoa kết quả đúng mùa.

Vải được trồng rất nhiều nơi, bên cạnh tươi còn sấy khô, làm mứt… Trong đó nổi tiếng nhất ở Thanh Hà (Hải Dương) là nơi trồng cây vải đầu tiên ở Việt Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang) vốn được coi là thủ phủ của vải. Qua một mùa vải, người dân sống được cả năm. Những nơi khác cũng có các loại cây thoạt tiên chỉ là chống đói sau thành đặc sản của địa phương như mận Mộc Châu, mía Phú Yên, bồn bồn Cà Mau…

Hưng Yên trồng vải lai và bây giờ ngay cả tại Dak Lak, khi thấy giá cà phê trồi sụt, thời tiết năm mưa năm hạn thất thường, một số người vốn từ Bắc vào Nam sinh sống sau 75, đã phá cà phê, quay về quê cũ mang hạt giống vài vào trồng trên vùng đất Tây nguyên của miền Nam này. Mỗi loại cây trồng vài năm mới thu hoạch được nhưng cứ thấy mất mùa hoặc không tiêu thụ được, nông dân lại phá đi trồng cây khác. Đồng Tháp phá sen quay lại trồng lúa. Tây nguyên chẳng hạn, phá cà phê trồng tiêu và mắc ca, phá tiêu trồng ca cao, rồi lại phá ca cao quay lại cao su… Cứ thế mà lẩn quẩn.

Vải Hưng Yên và Daklak chín sớm bán từ đầu hè hột to và hơi chua, sau đó mới tới vải thiều chính vụ hột nhỏ và có ngọt lừ. Hết mùa vải này tới các đặc sản của miền Nam: nhãn, bơ, chôm chôm, măng cụt…

Người phụ nữ dừng xe. Mọi năm vải bán bạt ngàn trong những sọt lớn, bày dưới đất trong chợ và đồ đống trên vỉa hè nhưng năm nay không nhiều, đằng sau chiếc xe đạp này, vải chỉ đựng gọn trong chiếc rổ lớn thôi.

Vải được mùa, bán nhiều còn trông khô ráo chứ loe hoe thế này thì như mọi thứ trái cây khác: nhãn, bòn bon, mận, nho…, những loại có vỏ dễ ngấm nước, đều được tưới đẫm để nặng thêm chút nào hay chút nấy. Khi hỏi tới bao giờ người bán cũng trời SG nóng quá, nếu không tưới nước, trái cây mau héo.

Nhưng ngay cả trời không nắng, vào mùa mưa hoặc cuối năm thời tiết rất mát mẻ thì người bán hàng rong vẫn tưới nước đẫm vào trái cây của mình. Đa số các xe ngoài đường chỉ bán cho khách vãng lai, người ta đi ngang qua mua một lần, biết có quay lại lần thứ hai không, xe đẩy đi dạo suốt ngày không ngại mất khách quen nên tha hồ cân ăn gian, mua một ký có khi hụt đến gần ba trăm gram.

Rổ vải ướt sũng nhưng khách quen mắt rồi, vẫn có mấy người ghé vào nhìn. Hàng rong không chịu thuế má như ngồi cố định ngoài chợ, hoặc ế sau buổi chợ chịu khó đi dạo cho hết hàng. Vì thế có thể rẻ hơn hàng mới buổi sáng một chút.

Chị bán hàng khi thấy khách nhìn lưỡng lự, hiểu ngay nên phân bua:

-Trái cây đi đường xa nên phải ướp đá, để thùng lạnh giữ tươi. Nước đá khiến vỏ ẩm chứ không phải tưới nước.

Người bán hàng nói sao cũng được, khách hàng cũng chẳng ai mất công bắt bẻ chứ tôi thấy các xe trái cây đậu ngoài đường vẫn dùng bình xịt nhỏ phun nước thường xuyên lên trái cây. Trời SG ngay cả đang mùa mưa vẫn khá nóng nực. Nhất là từ khoảng chín, mười giờ trở đi nắng gay gắt cháy da, tới người cũng còn héo rũ nữa là trái cây phơi mình dang nắng gió ngoài đường suốt ngày.

Chị bán hàng nhấc chùm vải lên quảng cáo:

-Vải này đi bằng máy bay nên còn tươi nguyên, không hư hao trái nào cả. Đây, nhìn xem cuống vẫn tươi nguyên, chưa thâm chút nào.

Chị ta quảng cáo lố. Ai chẳng biết vải cũng như mọi thứ trái cây khác xuôi ngược Bắc Nam đều được chở bằng xe vận tải mỗi chiếc vài chục tấn, chạy suốt ngày đêm không nghỉ chỉ hai ngày tới tận vựa miền Nam, thuận lợi hơn tàu hỏa, chứ đâu phải lệ chi ngày xưa hiếm hoi mà đáp máy bay. Xưa nữa An Lộc phi ngựa ngày đêm tới tay Dương Quý Phi vẫn còn tươi…

Với lại bên cạnh xe lạnh chạy đường xa, muốn hàng hóa tươi tốt như mới chỉ cần xịt hóa chất vào là xong. Mít non, sầu riêng xanh… ngày xưa giấm bằng khí đá, nhưng nay, vì sợ trái chín khó vận chuyển nên nhiều trái cây được hái từ lúc còn xanh rồi khi mai ra chợ mới nhúng hóa chất, chỉ một ngày sau trái nào cũng vàng ươm ăn được ngay. Những thứ này chỉ người bán mới biết chứ khách thì chịu thua vì nhìn hình thức, trái nào cũng như trái nấy đều tươi đẹp mơn mởn như nhau.

Thật ra trái cây đi xa, tất cả đều phải ướp hóa chất mới giữ lâu được. Nhiều người chuộng ăn trái cây ngoại quốc hơn trái cây tươi đúng mùa trong nước nên phải vào mua trong siêu thị. Trái nho vượt đường xa ngàn dặm đi máy bay tới nằm ủ ê trên kệ, cuống đã thâm màu vàng nâu mà vẫn nhất định không rụng trái.

Chị bán hàng nhấc chùm vải lên cân, nói gọn:

-Sáu chục ngàn một ký.

Mọi năm vải rộ từ đầu hè và giá chỉ khoảng ba chục ngàn, vải rụng rẻ hơn độ hai mươi lăm. Khoảng một tháng sau còn mười ngàn thậm chí tám ngàn bán đầy đường không ai nhìn. Năm nay vải ít nên suốt từ lúc xuất hiện ngoài chợ giá đã lên sáu, bảy chục ngàn rồi hạ xuống, bốn lăm, năm chục. Bây giờ đã cuối vụ, vải không còn ngon như chính vụ mà vẫn cao. Vì thế năm nay loại trái cây này trở thành đắt giá được mang tặng hay cúng bái hơn ăn thường.

Đó là vì một phần năm nay mất mùa. Trời nóng và ít mưa hơn mọi năm. Rau quả, kể cả lúa má khoai bắp… đều phụ thuộc vào thời tiết. Năm nóng, năm lạnh, năm mưa lũ, năm hạn… thất thường. Cứ năm nào được mùa, hàng hóa trù phú thì rớt giá, Năm nào được giá lại bởi vì mất mùa. Bởi vậy tuy là khu vực chuyên trồng vải nhưng cũng có gia đình phá vải trồng cam, bưởi chứ không dám dốc hết công sức vào chuyên canh vải.

Tôi cầm trên tay chùm vải, thấy cuống và lá quá nhiều nên cười bảo chị ta:

-Không đổ nước cho nặng thì lại bị cuống và lá quá nhiều hơn phân nửa rồi.

Chị ta chống chế:

-Vải buộc thành chùm thì để lên bàn thờ hoặc mang tặng trông mới đẹp chứ có ai để một đống lôi thôi trong túi.

Đặc biệt những chùm vải được buộc làm màu, trông trái xum xuê đẹp đẽ nhưng mua về tháo ra mới thấy bên trong toàn độn cành khô bời rời và lá. Đó gọi là làm hàng. Một hàng vải bao giờ cũng bán chùm, cành rời và quả rụng. Ai thích mua thế nào tùy ý.

Với lại một phần cũng do tâm lý khách hàng ham mua rẻ. Cứ thấy giá hời là mua mà không cần quan tâm đến những chuyện khác. Giống như con cua biển nói giá cao quá không ai dám hỏi chứ đừng nói đến mua nên thường người chủ buộc chặt bằng một đống dây vải nhúng sũng nước. Cứ mười ký cua mất sáu ký dây. Đến khi tháo hết dây chỉ còn trơ lại con cua nhỏ xíu. Ở các chợ đầu mối, trái cây xấu hay dập ít đều bị thải ra. Nhiều người nhặt hoặc mua rẻ mang về gọt, vạt, rừa ráy sạch sẽ bán lại cho người nghèo hoặc các cửa hàng bán sinh tố, nước trái cây, trái cây dĩa… chế biến bán lại. Trái cây được xay nhuyễn, cắt miếng trộn với sữa, đường, đá… thơm ngon. Đâu ai biết nguồn gốc đó là các trái cây thải loại.

Vải một phần xuất cảng đi một số nước Nhật, Hàn Mã lai… nhưng chính vẫn là thị trường TQ. Còn lại một nửa bán trong nước. Đây là thứ trái cây được ưa chuộng trên thế giới nhưng muốn xuất cảng phải qua khâu sản xuất, đóng gói… với nhiều tiêu chuẩn khe khắt nên tốt hơn hết chỉ bán qua đường tiểu ngạch mới tiêu thụ được phần lớn. Mà qua đường tiểu ngạch thì giá cả thất thường.

Tôi nói:

-Vậy cho tôi ba chục ngàn đồng nửa ký thôi. Lựa giùm quả tốt.

Cô ta cười, lật đật tháo nửa xâu trái vải mà tôi vừa cầm trên tay giao cho. Trong khi chị đang cắm cúi lo cân vải cho tôi thì có tiếng rao lớn của chị bán hàng trái cây khá đặc biệt: bí đỏ đây, chuối chà bột và mít Thái…

Thế là cả buổi trưa, con xóm nhỏ như bừng thức dậy áp nhau lại mua vải, mít Thái… tức là mít lấy giống từ Thái lan chứ không phải Thái chở qua. Mà thật ra sầu riêng Thái, xoài Kampuchia, lựu và lê… TQ tràn ngập thị trường. Bán ngoài đường thì ai nấy cứ mua về ăn đại chứ mấy ai biết được xuất xứ.

Hễ có kẻ bán được một hai người gọi lại mua thì các thứ hàng khác như cua biển ba con một trăm ngàn rao lên inh ỏi, người đẩy xe bán xôi từ xa cũng lăn tới. Cả anh bán bánh mì bơ sữa và cà rem cây cũng có mặt như bỗng dưng nhóm khu chợ nhỏ ở đây vậy. Đó là thói quen mua bán theo đám đông của người mình vậy.

Ngô Đồng

Related posts