Với Exodus…

Mưa giông từ nửa đêm qua đã dựng tôi dậy vì sấm sét om xòm trên mái nhà thì ngủ nghê gì được. Tôi ngồi đọc lại quyển “Về miền đất hứa – Exodus” của Leon Uris. Không biết sao tôi thích tác phẩm đó từ khi còn đi học. Lần đó tới chơi nhà người bạn học, thấy quyển sách của cha anh đang đọc nên tôi đọc ké vài trang, rồi thích quá! Hỏi mượn bác trai thì bác lưỡng lự vì sách cấm, mà sách cấm thì đồng nghĩa với sách quý thời tôi mới lớn. May sao bác gái từ tâm, “Ông cứ cho nó mượn đi. Chẳng lẽ bạn của con mình là người kém văn hoá?!”
Nhớ cái văn hoá thời tôi mới lớn là, “cho mượn sách đã là ngu. Mượn được sách rồi mà đem trả là càng ngu.” Có một thứ văn hoá như thế ở quê tôi sau hoà bình lập lại. Nhưng dù sao tôi cũng đem trả quyển sách lại cho bác trai sau khi đọc. Thực sự lúc ấy là tôi mưu cầu có thể mượn thêm những quyển khác khi đã ngầm biết bác trai – cha của bạn tôi còn cất giữ nhiều sách cấm.

Thời gian cho tôi gần gũi hơn với gia đình tên bạn mà cụ thể là hai bác. Cứ thấy mặt là bác gái hỏi ăn cơm chưa? Nếu thưa bác gái là chưa… thì nhà có khoai luộc! Bác trai thường cười nụ cười khó hiểu là cười khẩy, cười khinh bạc thì bác không khinh bác gái, vậy khinh bạc ai? Khinh bỉ một thời những người thích chữ nghĩa chỉ ăn khoai luộc, mời cơm là thói quen thôi hay sao?

Nhưng tôi thích bác trai bòn túi thủng cũng ra chút tiền lẻ, bác ngoắc tôi ra hiệu là hai bác cháu ra quán cà phê. Nói cho sang chứ quán xá gì, một túp lều mục nát của một gia đình người Tàu trong hẻm sâu bắt đầu từ cầu Phú Lâm, đi luồn lách mãi ra tới khu Tân Bình. Nơi đó hơi ồn vì những người Tàu bình dân – dân mua bán gánh ve chai, họ nói chuyện thường lớn tiếng nên rất ồn. Nhưng bù lại hai bác cháu tôi nói chuyện, bình phẩm về một tác phẩm văn học nước ngoài – thuộc loại sách cấm thì cũng cóc ai thèm để ý tới mình.

Ngộ nghĩnh nhất trong đời là ngày lễ cha, từ khi tôi sống một mình nơi hải ngoại. Cái ngày tưởng nhớ tới thân phụ thì cha đẻ ra tôi vẫn trong lòng này với hai câu bảy chữ mãi hoài không viết nổi thêm hai câu cho thành tứ tuyệt. “Tâm dụ phụ thân sinh bất lão/ bất ly phụ tử khả vô sầu”. Hôm nhà thư pháp Vũ Hối ghé tệ xá thăm tôi. Ngồi hàn huyên với ông khá khuya, ông bảo: “Đôi khi ráng sẽ mất hay. Cái cảm xúc lúc hạ huyệt cha anh là vậy, là hai câu từ tâm anh phát ra… thì tôi thư hoạ cho anh hai câu đó để làm linh vị cho ông cụ. Nếu ông cụ thực sự có việc sống khôn thác thiêng thì nhìn hai câu thơ của thằng con ngổ nghịch cũng đủ cho ông cụ vui nơi suốn vàng…”
Nhưng người cha thứ hai mà tôi thường nghĩ tới trong ngày lễ cha là cha của thằng bạn không đọc sách. Bác trai buồn lắm, nhưng tôi an ủi bác, “Nó không đốt sách đã là may. Cha làm thầy, con đốt sách mà… sư phụ.”
Ừ. Thì ra tôi coi ông là sư phụ trong lòng tự bao giờ. Đến giờ ngẫu hứng gọi bác trai là sư phụ. Bác không chê đệ tử ngu hèn nên sư phụ (cũng từ bao giờ không rõ) đã trở thành người tôi tưởng nhớ sau cha đẻ ra tôi từ khi tôi sống đơn thân một mình nơi hải ngoại.

Nhớ linh xưa khi duyên nợ tới. Những giờ nghỉ trưa trong trường Sư phạm, tôi hay được bạn bè nói kể chuyện cho họ nghe… Và tôi kể có lẽ say sưa nhất là truyện “Về miền đất hứa”. Vì tôi yêu thích tác phẩm đó nên nhớ từng nhân vật. Rồi một trong những cô bạn hay nghe tôi kể chuyện, có cô kia tiếc hùi hụi khi kể tôi nghe là cô gặp được quyển Về miền đất hứa ngoài chợ trời bán sách… nhưng túi tiền cô có hôm đó không cho phép cô mua để tặng tôi.
Ngần ấy cảm tình đã trốc gốc cây cổ thụ, huống chi tôi mới là thằng nhóc tập đọc trong làng đọc sách. Từ đó, tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e. Tới hôm chó ngáp phải ruồi. Theo em xuống phố trưa nay, đưa nhau đi trốn bạn bè để thổ lộ tâm tư chứ dạo phố kiểu cỡi ngựa xem hoa thì chán chết vì có tiền đâu mà mua quà lưu niệm cho chuyến đi vào đời, tiền ăn quà vặt cũng chỉ biết lắc đầu nguây nguẩy vì đâu đủ tiền mua… Nhưng tiền định có thật là sao lại đủ tiền mua quyển sách “Về miền đất hứa” từ một gánh ve chai… không bìa trước, mất hai mươi trang cuối.
Phải mấy năm sau, khi Sài gòn mở cửa. Em đã có thể mua tặng tôi nhiều quyển Về miền đất hứa, nhưng em chỉ mua một quyển… để chép hai mươi trang cuối, tặng tôi. Ân tình đâu trả lễ bằng gì khác được, nên sẵn cái quần jeans vừa rách gối do tranh banh với mấy thằng bạn học. Tôi xé luôn cái ống quần trong tiếc rẻ của bạn bè, vì tụi nó hết cơ hội mượn tôi cái quần jeans, mặc lấy le một hôm ra phố…

Tôi khâu vá hai mươi trang cuối của quyển Về miền đất hứa mà em đã chép tay tặng tôi vào đại tác phẩm Exodus của Leon Uris. Khi ngồi xỏ từng mũi kim, gút từng nút chỉ cắt ra từ bao xi măng, mượn con dao ăn trầu của mẹ để xén sách… rồi làm bìa cho quyển sách yêu thích càng trân trọng hơn là sự có được; làm bìa bằng vải từ cái ống quần jeans Levis là xa xỉ quá trong thời đại tôi. Cuốn sách thành vô giá nên ưu tiên một trong vali xuất ngoại phải cân đo đong đếm nhiều thứ theo nhiều nghĩa đem đi hay bỏ lại.

Sáng nay mưa như nơi tôi ở chưa từng biết mưa. Mưa giông từ nửa đêm qua, tới sáng mưa dầm, tới trưa mưa thưa, tới chiều mưa buồn như mưa tháng sáu. Giờ đêm về mưa vẫn còn mưa. Mưa như cố nhà báo Giang Hữu Tuyên đã tả mưa hải ngoại trên phận người làm báo,“mười mấy năm làm tên phát báo/ lòng buồn theo thành quách xa xưa/ đường ngã năm rồi năm bảy ngã/ ngã nào cũng mưa và mưa thôi…” Anh viết ra chữ “thôi” cuối câu quá trọn vẹn cho ngành báo chí Việt ngữ ở hải ngoại nên bạn hữu vẫn nhớ tới anh và một tấm lòng, dù anh đã quá vãng.

Lời thơ buồn như mưa tháng sáu khi nhớ tới tác giả là một nhà báo tận tâm giữ gìn tiếng Việt ở hải ngoại, tận lòng hết sức với báo chí, tận tình với anh chị em văn thơ hữu… Và nhìn lại quyển Exodus được bọc vải ống quần jeans làm bìa… đọc những trang chép tay đã phai màu mực viết big – mực bơm thời tôi, nhưng nét chữ thân quen cứ như ngàn vạn mũi kim châm vào ký ức, như những hạt mưa vỡ oà trên khung kỷ niệm. Bầu trời hình vuông hay hình tròn, hình chữ nhật, là tùy cái khung cửa; đời người tùy duyên nên không trách khởi đầu, cũngkhông buồn kết cuộc. Chỉ tiếc giống nòi không được cái kết cuộc như những dòng cuối cùng trong quyển Exodus, những dòng chữ chép tay đầy kỷ niệm,
“Bằng một giọng run run, Dov đọc:

Tại sao đêm nay lại khác với tất cả các đêm trong năm?
Đêm nay khác với mọi đêm trong năm bởi vì đêm nay chúng ta ca tụng giây phút quan trọng nhất trong lịch sử của dân tộc chúng ta. Đêm nay chúng ta mừng cho cuộc khởi hành chiến thắng từ nô lệ tới tự do của đất nước chúng ta.”

dịch xong tháng 05/ 1960
Thế Uyên

Đêm nay tôi đọc lại sách cũ, đêm nay tôi đọc lại chuyện lòng từ khi còn trẻ. Tôi thấy hoang tàn trên tóc xanh đã bạc màu, quê hương vẫn tối đen dưới vòm trời bá đạo… hạt mưa nào vừa vỡ oà trên khung cửa như tôi.

Phan

Related posts