Hoàn toàn trái ngược với những kỳ Hội nghị G20 trước đây, kỳ họp G20 vừa qua tại Osaka, Nhật Bản dường như đã biến thành sân khấu dành riêng thu hút sự chú ý của công luận vào cá nhân Tổng Thống Mỹ Donald Trump.
*
Tình thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong cuộc thương chiến đã liên tục leo thang suốt nhiều tháng và cao điểm là cuộc đàm phán sụp đổ vào tháng 5/2019. Trước ngày hội nghị khai diễn, thế giới lo ngại khi có tin đồn đại rằng cả Tập lẫn Trump chẳng bên nào muốn ngồi nói chuyện với nhau trong một cuộc họp song phương bên lề hội nghị nếu đối phương không chấp nhận đòi hỏi của mình. Trump thi đe dọa sẽ tăng hơn nữa biện pháp trừng phạt Huawei và tặng thêm 300 tỷ Mỹ kim thuế, áp dụng luôn đối với tất cả số hàng nhập cảng còn lại từ Trung Cộng (gồm những mặt hàng như điện thoại thông minh, sản phẩm dành cho trẻ em và giày dép); ngược lại Tập cũng dọa sẽ tăng mức thuế lên hàng hóa nhập cảng của Mỹ và tiếp tục không mua nông sản của Hoa Kỳ.
Thế nhưng tại Osaka, Trump và Tập đã gặp nhau hôm 29/6 và Tổng thống Trump đã xuống thang. Diễn tả thời gian đã ngồi với Tập là “vĩ đại” và “tuyệt vời”, Trump tuyên bố đình chỉ việc áp đặt mức thuế mới lên hàng hóa nhập cảng của Trung Cộng, giảm bớt một số biện pháp chế tài đối với đại công ty Huawei (cho phép Huawei được tiếp tục bán điện thoại, và hơn thế, được mua một số sản phẩm cần thiết từ các công ty công nghệ của Mỹ). Đổi lại, Trung Cộng đồng ý mua một số hàng nông sản của nông gia Hoa Kỳ. Hai bên cũng đồng ý tiếp tục nói chuyện, nối lại cuộc đàm phán bị bỏ dở làm sống lại hy vọng của dân Mỹ là một thỏa thuận thương mại sẽ sớm đạt được.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để biết liệu thỏa thuận mong manh mà Trump đưa ra như một thành tích của mình giữ được bao lâu, nhưng theo các nhà phân tích, rõ ràng Trung Cộng đã đạt được một số nhượng bộ từ Hoa Kỳ.
*
Nguyên nhân chính của cuộc thương chiến Mỹ – Hoa là Hoa Kỳ cáo buộc Trung Cộng đã nhiều năm theo đuổi chính sách ăn ắp tài sản trí tuệ của Mỹ và thế giới, và còn ép các công ty ngoại quốc – nhất là Hoa Kỳ- phải chia sẻ các bí mật kỹ thuật và kinh doanh để đổi lại giấy phép làm ăn tại Hoa lục.
Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng những đòi hỏi của Mỹ buộc Trung Cộng phải cải cách sâu rộng chính sách và hệ thống thương mại để lấp bớt khoảng cách chênh lệch là không hợp lý.
Hai bên khăng khăng giữ vững lập trường và lần lượt leo thang trong việc trả đũa bằng biện pháp áp thuế và hạn chế mua sản phẩm của nhau. Trong khi đại công ty Huawei của Trung Cộng xem ra có nguy cơ lâm vào tình cảnh u ám nếu không được tiếp tục làm ăn với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ điện tử của Mỹ và nền kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng của Hoa Lục lao đao vì mối đe dọa bị mất thị trường tiêu thụ hàng đầu là nước Mỹ, thì tại Hoa Kỳ, giới nông gia và giới buôn bán lẻ mọi hàng hóa gia dụng -vốn đã chịu nhiều thiệt hại vì cuộc thương chiến- càng lúc càng tỏ ra bớt kiên nhẫn.
Quyết định Tổng Thống Trump tuyên bố là không áp thuế lên 300 tỷ Mỹ kim số hàng nhập cảng còn lại từ Trung Cộng trong lúc hai bên tiếp tục đàm phán đã được các công ty bán lẻ hàng đầu của Hoa Kỳ như Walmart, Target, Amazone lên tiếng hoan nghênh. Lý do là họ đang lo sợ lời hăm dọa đánh thuế trên những mặt hàng thông dụng vốn đem lại lợi nhuận chính như điện thoại thông minh, sản phẩm dành cho trẻ em và giày dép (hầu như được nhập cảng toàn bộ từ Trung Cộng). Không đánh thuế lên những sản phẩm này bảo đảm thu nhập của họ cho giai đoạn mua sắm lớn của người tiêu thụ trong các tháng Bảy, Tám và Chín này. Theo thống kê, cuộc thương chiến hiện nay, với mức thuế đã áp dụng khiến một gia đình bốn người phải chi thêm khoảng 800 Mỹ kim một năm, và nếu áp dụng thêm với tất cả các mặt hàng còn lại của Trung Cộng thì chi tiêu của một gia đình như vậy sẽ tăng hơn gấp đôi tức là hơn 1800 mỹ kim một năm.
Đối với giới nông gia Hoa Kỳ, lời tuyên bố của Tập là Trung Cộng sẵn sàng tiếp tục mua đậu nành, thịt và các nông phẩm khác của Mỹ (dù chưa rõ có trở lại được mức nhập cảng như trước khi cuộc chiến mậu dịch xảy ra hay không – không nói đến mức cao hơn) đã được đón nhận với niềm vui dè dặt hơn. Tin này đã giúp giá cả nông sản xuất cảng tăng lên được chút đỉnh sau một năm thiệt hại nặng nề nhưng chưa có gì để cam đoan sẽ bền vững.
Như thế, việc Trump rút lại một số giới hạn đối với Huawei trong khi Tập chỉ đồng ý ngưng tẩy chay một số mặt hàng nông sản của Mỹ (mà không nói rõ sẽ mua bao nhiêu) theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế là một nhượng bộ rõ rệt! Điều đáng chú ý quyết định này của Tổng Thống Trump đã đi ngược hẳn với ý kiến của nhiều cố vấn cao cấp của ông ta (phải kể đến Peter Navarro, tác giả quyển “Chết dưới tay Trung Cộng”) và cả một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa lâu nay vẫn thuộc thành phần triệt để ủng hộ Trump.
Các giới chức chuyên môn về tình báo Hoa Kỳ lâu nay cáo buộc công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Cộng sử dụng điện thoại và các sản phẩm điện tử tiêu thụ tại Mỹ -vốn là thành phần chủ yếu cho hệ thống viễn thông 5G chính là trang bị do thám điện tử để xâm nhập, theo dõi và lũng đoạn nước Mỹ nên không muốn gộp Huawei vào các cuộc đàm phán thương mại vì cho rằng nhượng bộ và chấp nhận Huawei là có hại cho nền an ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, người nhiệt tình ủng hộ và bênh vực Trump – nhất là trong thời gian cuộc điều tra đặc biệt Muller đang diễn tiến- nay cũng phải phê bình rằng ông Trump đã qua mặt Quốc hội và đe dọa sẽ vận động phủ quyết chuyện cho phép Huawei tiếp tục làm ăn tại Mỹ! Đối với Trung Cộng, chuyện Huawei là mối quan tâm chính và ra vẻ Bắc Kinh đã đạt được điều mong muốn (mà không ai rõ Bắc Kinh đã trả bằng giá nào!).
Trước khi đi Nhật, Bắc Kinh nói Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình yêu cầu điều kiện tiên quyết là Tổng Thống Trump phải hủy lệnh cấm với Huawei rồi mới tính chuyện trở lại bàn đàm phán.
Nhiều người -nhất là những người chống Trung Cộng- trước đó đã tin tưởng và mong đợi nơi ông Trump người họ ca tụng là “mạnh mẽ, kiên quyết, độc đáo, nói là làm” sẽ ra đòn quyết liệt hơn – sau khi cuộc đàm phán bị đột ngột sụp đổ từ hơn 2 tháng qua – sẽ tăng mức thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Cộng, sẽ tiếp tục trừng phạt tập đoàn công nghệ Huawei, đang lúng túng khi thấy Bắc Kinh đã được gần như tất cả những gì họ muốn trong cuộc họp giữa Trump và Tập.
Trong khi những người lo ngại ảnh hưởng quốc tế đang gia tăng của Trung Cộng và những thách thức về an ninh và kinh tế đối với Hoa Kỳ dường như không hài lòng, nhiều nhà phê bình chỉ trích nặng nề các bước đi của Tổng Thống Trump trong ván cờ đàm phán thương mại với Trung Cộng thì có tin đồn đại về hai bên đang bàn cãi trước khi đi đến thỏa thuận là Trung Cộng sẽ chấp nhận có một số cải cách quan trọng trong hệ thống kinh tế để mở cửa thị trường Hoa Lục thành một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp ngoại quốc.
Nhiều chuyên viên nghiên cứu và phê bình độc lập tại Mỹ nhận định rằng còn nhiều điều Hoa Kỳ cần phải nắm chắc trước khi đạt được một thỏa thuận cuối cùng với Trung Cộng, đặc biệt là làm sao buộc được Bắc Kinh thực sự thay đổi chính sách cạnh tranh và tôn trọng tài sản trí tuệ!
Vì thế không một ai rõ quyết định xuống thang của Trump có tạo được áp lực (hay kích thích) được Trung Cộng chịu hòa hoãn hơn trong cuộc đàm phán để cuối cùng chấp nhận thay đổi hay không!
Thế nhưng trong chuyến thăm Nam Hàn, sau hội nghị G20, Trump phát biểu trong cuộc họp báo rằng “đang thắng lớn trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Cộng” vì nền kinh tế Hoa Kỳ tới nay vẫn đứng ở vị thế hàng đầu “không đứng sau bất cứ ai”!
Với cung cách “ăn to nói lớn” không kiêng dè quen thuộc, Trump còn phê bình ngay chính Ngân hàng Dự Trữ Liên bang Mỹ (FED) là chẳng hỗ trợ gì cho mình (ám chỉ quyết định của FED không tăng lãi suất chính thức đề phòng biến cố hai bên không nối lại đàm phán sẽ gây khủng hoảng).
Lời tuyên bố này của Tổng Thống Mỹ khiến nhiều nhà quan sát phải thắc mắc!
Họ băn khoăn rằng khi làm đúng như yêu sách của Tập, đồng thời ngưng đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập cảng của Trung Cộng thì “chiến thắng thương mại” mà Trump hãnh diện phải hiểu như thế nào?
Chưa hết, vẫn trên mặt trận thương mại, ngay khi Trump vừa có quyết định ‘hòa hoãn, dịu dàng” với Trung Cộng thì nay Hoa Kỳ lại quay sang phía Âu Châu. Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ vừa công bố danh sách một số sản phẩm nhập cảng từ Liên Hiệp Âu châu (EU) “có khả năng bị tăng thuế để trả đũa việc EU tài trợ cho kỹ nghệ sản xuất phi cơ. Danh mục các sản phẩm của EU gồm 89 mặt hàng như olive, phô mai (cheese), rượu mạnh với tổng giá trị thương mại khoảng 4 tỷ Mỹ kim”.
Người ta chưa quên một loạt các “cuộc chiến mậu dịch” mà Tổng thống Trump đã mở ra ồ ạt ngay sau khi lên nhậm chức năm 2017 đến nay (với Liên Hiệp Âu Châu, đòi mặc cả lại điều kiện của Hiệp ước Mậu dịch Tữ Do Bắc Mỹ -NAFTA- với Canada và Mexico, rút khỏi Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP -một cơ chế được xem là liên minh có khả năng ngăn chặn đà bành trướng của Trung Cộng- và hàng loạt các quốc gia khác) đã tạo ra một cơn sốt đối với nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc thương chiến lớn nhất, chính yếu của Hoa Kỳ hiện nay với Trung Cộng và tất cả những cuộc chiến mậu dịch lớn nhỏ ấy, với ngôn ngữ mạnh bạo của Trump đả kích cả thế giới là “lợi dụng nước Mỹ” nhưng đồng thời để phê bình, bài bác, đả kích thậm tệ nhằm triệt hạ uy tín của đảng Dân Chủ – nhất là Tổng thống tiền nhiệm Barak Obama – đã dấy động một làn sóng ‘bảo thủ có khuynh hướng cực đoan’ trong nội bộ nước Mỹ, bị phê bình là không ngoài mục đích chính trị và quyền lợi riêng của đảng Cộng Hòa, của giới đại tư bản, của những người thân cận, của gia đình và của chính cá nhân ông ta mà thôi.
Bên cạnh đó, cung cách giao thiệp “phi ngoại giao’ với hầu như tất cả mọi chính phủ, nguyên thủ quốc tế – đặc biệt những đồng minh truyền thống và chiến lược cả về chính trị lẫn quân sự của Hoa Kỳ suốt hơn 70 năm qua như các nước lớn ở Tây Âu (Anh Pháp Đức), khối NATO, Nhật Bản, Nam Hàn… (bất chấp đó là nền tảng ngoại giao, quốc phòng và kinh tế mà tất cả các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm từ sau Thế chiến thứ hai đã nỗ lực vun đắp) cũng như sự thù ghét công khai không giấu diếm của Tổng thống Trump với giới truyền thông Mỹ -nói chung- không thuộc phe ủng hộ mình – cho thấy tất cả đều không vì lợi ích của nước Mỹ (như khẩu hiệu Make America Great Again của ông) mà chỉ vì cái tôi của mình mà thôi.
*
Nhiều người đã nhận xét cung cách hành xử của Trump trong cương vị Tổng Thống thứ 45 của Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ hoàn toàn không khác những gì công luận đã biết về tỷ phú Donald Trump, nhà tài phiệt địa ốc nổi tiếng -cả về viễn kiến kinh doanh lẫn thủ thuật mặc cả – qua tác phẩm “Art of the Deal” (Nghệ thuật mặc cả) cũng như vai chính đã từng giũa trong loạt phim truyền hình nhiều tập kiểu ‘Reality show’ The Apprentice, qua câu nói trở thành nhãn hiệu của ông ta “You are fired”.
Đặc biệt những gì Donald Trump đã sắp đặt để thu hút sự chú ý của công luận tới cao diểm hồi hộp chờ đợi một biến cố có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, rồi làm xẹp ngay mối âu lo với kết quả… mặt trận vẫn yên tĩnh rõ ràng là thủ thuật dàn dựng của một đạo diễn cho cuộn phim mà chính ông ta là diễn viên chính.
Hội nghị G20 và cuộc họp tay đôi của Trump với Tập Cận Bình, với kết quả mà Trump hớn hở tuyên bố “chiến thắng” đã làm lu mờ cuộc tranh luận vòng đầu của nội bộ các chính khách lăm le dự tranh vai trò “ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống vào năm tới 2020. Hơn thế, những bất đồng giữa các chính khách Dân Chủ về chủ trương về kinh tế, y tế, nhất là về vấn đề di dân nhập cư, trong bối cảnh đó đã khiến nhiều nhà phân tích chính trị Hoa Kỳ đi đến nhận định” triển vọng tái đăc cử thêm nhiệm kỳ thứ nhì của Donald Trump càng lúc càng trở nên chắc chắn hơn”.
Phạm Thạch Hồng