Ngày 17/3/2006 tại K3 -Xuân Lộc, chúng tôi cùng đứng lên đấu tranh nhằm phản đối chính sách hà khắc đối với tù nhân. Đồng thời yêu cầu BGT trại giam phải trả lời và chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng của người tù. Đa số chết vì bệnh tật không có thuốc men điều trị, vì nhiễm HIV trong tù. Chúng tôi đồng lòng lên án và cho đây là hành vi giết người có chủ đích. Trong những cuộc chiến như thế, Cây Đàn Tù lại trở thành vật trao đổi giữa cai ngục và tù nhân. Khi thế bất lợi nghiêng về nhà tù, cán bộ trại giam thường có những giải pháp nhằm xoa dịu tình hình. Họ chấp nhận đáp ứng một vài trong số các yêu sách mà tù nhân đưa ra. Cây Đàn Tù sẽ được “phóng thích”, về với tù nhân nếu nó đang bị “kỷ luật”. Tức là tù chính trị sẽ được chơi đàn, được ca hát nếu ngừng tuyệt thực, nếu thế này, thế kia. Tức là hai bên đều có phần nhượng bộ lẫn nhau.
Về sau “ông” này thay “ông” nọ lên làm Giám Thị, lại tiếp tục chơi trò bẩn, tìm đủ mọi lý do nhằm thu giữ cây đàn, để trừng trị người tù. Và cái chính, để có vốn liếng mặc cả trước mỗi cuộc đấu tranh của tù nhân. Trong suốt cuộc đời gần 40 năm, cây đàn ấy không biết bao nhiêu lần bị treo, bị “kỷ luật”.
Ngày 24/3/2006, một lần nữa cây
đàn được xả kỷ luật. Anh Dũng xúc động, tay nâng niu cây đàn như là một báu vật
đã tìm lại được. Tôi cũng rất vui vì lần đầu tiên được tận mắt thấy và tay sờ
vào cây guitar huyền thoại này.
Năm 2008 anh Trần Quốc Dũng mãn án sau 18 năm. Anh giao cây đàn cho tôi “thừa kế” và căn dặn: “chừng nào em mãn án, hãy mang cây guitar này về luôn nhé, vì nó đã ở tù lâu quá rồi”.
Ngày 29/12/2013 tôi mãn án sau 14 năm bị giam cầm, cũng là ngày Cây Đàn Tù chính thức được tự do.
Ra tù, vai vác cây đàn, tay xách một giỏ đồ, tôi chuẩn bị cho hành trình mới, một hành trình của một kẻ sống vô gia cư với cái mác “thằng tù”, “tên phản động”.
Chưa biết về đâu mà gót chân của tôi đã mỏi. Tôi ghé một quán nước bên vệ đường nghỉ ngơi cùng Cây Đàn Tù cất lên khúc hát “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa…” và “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”.
Nhưng không, ta cần phải đi tiếp đàn ơi, vì đất nước Việt Nam vẫn còn đắm chìm trong tăm tối, nạn mất nước đã cận kể rồi. Ta tiếp tục đi cho hết đoạn đường đời, cho thấy được Tự do.
Ra tù, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của vợ chồng anh Trương Minh Đức, chị Bùi Thị Minh Hằng và nhiều anh chị em khác. Đặc biệt là sự cưu mang của các vị Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và vợ chồng anh chị Thịnh Phượng. Tôi có chỗ nương thân và tiếp tục theo đuổi lý tưởng tự do của mình. Cuộc sống, công việc cuốn tôi đi nên tôi cũng ít khi “đụng chạm” đến Cây Đàn Tù. Nó cũ quá rồi. Tôi nhận ra rằng, từ ngày được tự do, Cây Đàn Tù không còn thích hợp với những bản nhạc vui nhộn, tươi trẻ nữa. Nó hợp với những bản nhạc buồn, sâu lắng hơn. Cất lên những bản nhạc, bài hát mang tâm trạng, nó có hồn và truyền cảm hơn rất nhiều.
Nếu nhìn bằng mắt, nó là cây đàn không có giá trị gì nữa vì đã quá cũ kỹ. Nhưng với tôi, nó là kỷ vật vô giá. Có một vài người bạn ở Mỹ đã “gạ” tôi bán cây đàn này, cũng có người gợi ý nên bán đấu giá để có chút kinh phí trang trải cho cuộc sống quá khó khăn của tôi. Nhưng tôi từ chối. Tôi không thế bán một vật có giá trị về tinh thần đối với mình. Nhưng nếu để ở nhà tôi cũng lo. Nếu một ngày nào đó vợ chồng tôi bị sách nhiễu, hay bị bắt, người ta sẽ khám nhà, sẽ “tịch thu” Cây Đàn Tù thì uổng lắm. Người bạn tri kỷ ấy đã chia sẻ bao buồn vui và cả những đau thương không chỉ với tôi, mà với bao nhiêu đời tù khác nữa. Vì thế, tôi có ý định tặng lại nó cho một người bạn, người có thể cho nó tự do thực sự và nâng niu Cây Đàn Tù như một người bạn quý.
Cuối cùng tôi đã tìm được người xứng đáng. Đó là vợ chồng anh chị Bình, Hoà. Hiện tại hai người đang định cư tại nước Úc.
Hồi còn ở Việt Nam, anh Bình là
nhạc công trong ban nhạc Yellow Bongo, một ban nhạc chuyên chơi nhạc quốc tế
cùng với các ca sĩ Philippines, tại Seventeen Saloon, đường Tôn Đức Thắng –
Saigon. Anh chính là người đã thành lập ra nhóm bè Cadillac (*) và kiêm phối bè
cho nhóm này hát show hoặc thu CD cho ca sĩ cả Việt Nam lẫn hải ngoại.
Khi định cư ổn định bên nước Úc, anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và sự nghiệp âm nhạc của mình.
Chị Dương Hòa là ca trưởng trong Ca đoàn nhà thờ và cũng là ca sĩ thính phòng ca đoàn Hoan Ca Melbourne đến nay được 27 năm.
Chị Dương Hoà đã khởi xướng chương trình “Xin đừng quên” nhằm khơi lại tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc Việt Nam đối với cộng đồng người Việt tại hải ngoại. “Xin đừng quên” cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người hãy quan tâm và chia sẻ đến những TNLT gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ.
Vợ chồng anh chị luôn hỗ trợ cho các chương trình Thương Phế Binh của TTF (Tình Thương Foundation).
Đồng thời anh chị còn tham gia các buổi show diễn quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Úc, nhân ngày kỷ niệm mất nước 30 năm, 35 năm, 40 năm. Một vài năm gần đây, anh chị thường tổ chức các buổi diễn yểm trợ cho cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ trong quốc nội.
Tôi biết anh chị qua vợ tôi là
Phạm Thanh Nghiên. Khi chúng tôi có bé Tôm, tình cảm giữa vợ chồng tôi và anh
chị càng thêm khăng khít. Tuy chưa
một lần gặp mặt, chỉ qua những dòng tin nhắn thăm hỏi động viên nhau qua đường
truyền Internet, nhưng chúng tôi thấy hiểu và gần gũi nhau như người nhà. Chính vì thế, tôi và Nghiên
quyết định sẽ trao Gây Đàn Tù cho anh chị và tin chắc, cặp nghệ sĩ này sẽ nâng
niu kỷ vật ấy như chính chúng tôi đã nâng niu nó. Trước khi chuyển cây đàn sang Úc, vợ chồng tôi có mời một vài
người tranh đấu ký tên lên Cây Đàn Tù. Duy nhất Phạm Đoan Trang là …chưa tù.
Còn lại Thượng Tọa Thích Thiện Minh, ông Nguyễn Hữu Cầu, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và vợ chồng tôi, cả thày
5 người cộng lại là vừa tròn 87 năm tù.
Qua bao giờ phút hồi hộp, lo lắng, cuối cùng Cây Đàn Tù đã đến nước Úc, nơi nó sẽ được tự do thực sự. Cầm đàn trên tay, anh Bình, chị Hòa rất cảm động. Chị Hòa nói với vợ chồng tôi: “Tay mình run lẩy bẩy, không thể tưởng tượng nổi mình lại được chạm vào nó”. Bạn thân của chị Hòa là ca sĩ Phương Thảo nói với Nghiên “Cây đàn này lạ lắm, nó có linh hồn. Mình ôm đàn, cảm nhận rõ hơi ấm của nó,”.
Không còn nỗi lo mất đàn, mất kỷ vật quý giá của một thời tù đày đau thương. Chúng tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng, tự trong đáy lòng, tôi vẫn muốn được thêm 1 lần ôm nó trong lòng và cùng nhau nghêu ngao. Hẹn một ngày không xa chúng ta sẽ đoàn viên, cùng nhau cất lên tiếng hát tự do và thanh bình.
Chú thích: (*) Nhóm Cadillac: Nhóm hát bè chuyên nghiệp đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.