Cuộc tình vương giả, giả hay thực?

Cuộc sống trong thời đại chúng ta diễn ra hàng trăm hình thức chiến tranh. Lớn thì giữa các cường quốc giành đất, giành ảnh hưởng thương mại, chính trị và văn hóa… nhỏ thì từ cá nhân tranh đoạt quyền lợi, danh vọng với cá nhân. Chẳng riêng gì miếng mồi gây tranh chấp như miếng ăn, bổng lộc, tiền bạc…, nhìn chung là quyền lợi vật chất mà trong lãnh vực tinh thần: danh dự, thứ bậc, ân sủng, cuộc tranh giành cũng gây ra khốc liệt.

Nghĩ cho cùng, giằng co đoạn trường không kém là cuộc chiến nội tâm trong trường hợp con người phải chọn lựa, chỉ có trong tay một trong hai giá trị đối với mình vô cùng quý giá. Chọn một thì phải hy sinh giá trị kia. Có hy sinh mới có hạnh phúc. Hy sinh một cái lớn lao đối với mọi người để chọn một giá trị mà riêng mình tôn thờ dù bé nhỏ mới quý. Hành động đó thực là can đảm, thực đáng khen và được nhiều người kính phục. Nhất là trong lãnh vực tình yêu. Kẻ bỏ phú quý vinh hoa để trân trọng một cuộc tình, có hành vi được đánh giá là vô cùng cao đẹp. Chuyện tình của họ được xếp vào những trang tình sử đẹp nhất của nhân loại.

Tuy nhiên, sự chọn lựa trong tình yêu có thể bắt nguồn từ động cơ hoặc vật chất hoặc tinh thần. Vật chất dễ đổi, tinh thần khó lay. Nếu trong cơn đam mê, một người trở thành mù quáng đã hy sinh tất cả để đạt được một “thần tượng” trong lòng mình. Nhưng nếu thần tượng chỉ là đất sét, nếu gặp biến cố sẽ sụp đổ, cơn mê vụt tỉnh, kẻ đam mê khám phá ra cái mình cho là giá trị chẳng qua hoàn toàn vô giá thì sao? Chuyện cũ trở thành bi hài, bi tráng ở giai đoạn đầu và hài kịch ở phần kết thúc. Nhất là người trong cuộc lại là những nhân vật của công chúng và được dư luận theo dõi. Công chúng có dịp xem trên màn nhung một vở kịch thời đại có một không hai.

Tháng bảy, 2019, nhiều người theo dõi cuộc tình khởi đầu xem ra “vĩ đại” của cựu vương Malaysia với giai nhân nước Nga, đã vô cùng ngạc nhiên và bật cười khi nghe tin cuộc tình vương giả của họ đã kết thúc. Dấu hỏi trong đầu mọi người: một vị vua dám từ bỏ ngai vàng để bảo vệ cuộc hôn nhân với người mình yêu, sao lại vội vàng quyết định chia tay với giai nhân mình đã hy sinh trong việc chọn lựa trong khi lứa đôi đang xây dựng lâu đài tình ái, nhất là mỹ nhân lại mới sinh đứa con trai bụ bẫm? Thất vọng gì chăng trong cuộc tình vương giả? Thực hóa giả? no nên chán? Mục tiêu không thỏa nên dứt áo ra đi?
Kết thúc không có hậu lại khiến người ta nghĩ tới một mối tình được coi là tuyệt đẹp liên quan tới một đế vương nổi tiếng của vương quốc Anh trong thế kỷ trước.

Cuộc tình của cựu hoàng Edward VIII


Edward ra đời năm 1894, là con trưởng của hoàng đế George V, có đầy đủ điều kiện để trở thành một nhân vật lịch sử đại diện cho vương quốc Anh trước Đệ nhị thề chiến. Ông hoàng không những đẹp trai, khỏe mạnh lại năng nổ và khí phách hơn người, tư tưởng lại cấp tiến hơn các thành phần hoàng gia khác nên được dân Anh kỳ vọng. Mười sáu tuổi, hoàng tử trở thành hoàng thân xứ Wales (Prince of Wales) và tham gia Thế chiến thứ nhất, được nhiều huân chương nhờ sự can đảm và công trạng.

Vào năm 1936 khi thân phụ qua đời Edward được đăng quang và trở thành Edward VIII. Nhưng ngai vàng và quyền thề không níu được chân lãng tử, thích rong chơi và dấn thân vào lãnh vực tình yêu với các giai nhân nhất là gốc Mỹ quốc như thiêu thân thấy lửa. Mấy tháng trên ngôi báu, Edward đã tỏ ra không muốn giam mình trong khuôn khổ hoàng gia. Ông vẫn ngao du và mở rộng vòng tay tình ái và cuối cùng bị tiếng sét ái tình với nàng Wallis Simpson.
Wallis Simpson có nguồn gốc bình thường, lại là một phụ nữ giao thiệp rộng và có cuộc sống hào hoa, thích giao du với giới thượng lưu trong xã hội Anh Mỹ. Người phụ nữ xinh đẹp này có “cao nguyên ngực, Thái bình dương mắt biếc,” nhất là đôi mắt đa tình, sinh năm 1896 nổi tiếng trong giới thượng lưu Mỹ trong những năm 1930. Giai nhân khá đào hoa, ở tuổi nửa chừng xuân khi ấy đã có một đời chồng đã ly dị và đang sống với người chồng thứ hai mới cưới.
Tình cờ trong một cuộc găp gỡ vào tháng 01, 1934, qua một người tình của hoàng tử Edward, Wallis bị vương gia lôi cuốn vào vòng tay tình ái. Vương gia Edward cũng là nòi đa tình nên hai kẻ tình chung gặp nhau đã tỏ ra quấn quýt tựa keo sơn. Nàng quyết định bỏ chồng theo chàng, chàng nhất định bỏ tình cũ và thề rằng nạp nàng làm hoàng hậu.
Nhưng có biết bao trở ngại giữa hai kẻ đam mê đang ở tuổi trung niên. Trở ngại của Wallis có thể cần thời gian gỡ bỏ vì sau thủ tục ly hôn với chồng là Ernest Simpson là có thể kết thúc cả duyên lẫn nợ cũ. Nhưng với ông hoàng xứ Wales như Edward thì thiên nan, vạn nan.

Không nên quên, Edward trở thành vua nước Anh khi thân phụ qua đời vào 1936. Là hoàng đế một cường quốc thời đó, có giang sơn và ảnh hương rộng lớn trong vương quốc từ Âu sang Á, Edward khó có thể công khai lấy một phụ nữ Mỹ có cuộc sống quá hào hoa và phóng túng về tình ái như Wallis Simpson. Đừng nên quên, Anh quốc là một quốc gia còn duy trì tập tục, lề lối cổ xưa so với các quốc gia khác ở Âu châu, nhất là thành kiến trong hoàng gia, chính giới và thần dân còn nặng. Hơn nữa, hoàng đế Anh cũng là người được coi như ở vị trí tôn quý, thiêng liêng liêng nhất trong giáo hội Anh (Church of England). Như thế kể cả về tín ngưỡng lẫn phong tục, lẫn chính trị, thì hoàng gia Anh và dân Anh không thể chấp nhận một phụ nữ hai đời chồng dù có ly dị nhưng chồng cũ vẫn sống sờ sờ như Wallis Simpson làm mẫu nghi thiên hạ.

Thủ tướng Anh ngày đó là Stanley Baldwin cũng dọa từ chức để phản đối quyết định hôn nhân của nhà vua. Trước áp lực bốn bề, chính trị cũng như tín ngưỡng, Edward cân nhắc giữa giang sơn và mỹ nhân, rồi quyết định chọn tình yêu, nhường ngôi cho em là George VI.

Thực là đáng phục. Edward chỉ ở ngôi cửu ngũ có 326 ngày, thời gian trị vì ngắn nhất trong lịch sử Anh.
Sau khi rời ngai vàng, Edward đã thực hiện ước nguyện với người tình. Nàng sau khi ly dị chồng, đã cùng chàng dắt tay nhau vào tổ ấm xây dựng ở Pháp vào năm 1937. Tử đó họ tung tăng nắm tay nhau du ngoạn thế giới và bỏ qua ràng buộc của danh lợi. Tuy nhiên cặp này có lẽ bất mãn, có mặc cảm vì bị dân Anh ruồng bò nên tỏ ra có cảm tình với Đức quốc xã của Hitler. Nhưng họ không màng tới hoạt động chính trị, kể cả dư luận khen chê, và sống mãn đời tới tuổi răng long đầu bạc.

Edward tạ thế vào năm 1972, còn Wallis qua đời ở tuổi 89 vào năm 1986.

Chuyện xưa thì vậy, giai thoại đế vương ngày nay ra sao?

Quốc vương Malaysia vì tình nên thoái vị?

Muhammad V và người mẫu Oksana


Trong lúc các tin đồn xung quanh Quốc vương Muhammad V ngày càng mạnh mẽ, chưa ai nghĩ tới khả năng vị sultan (vương gia) của bang Kelantan sẽ từ bỏ vương vị. Nhưng ngày 6-1-2019, điều không ai nghĩ đến đã trở thành sự thật.
Vua Muhammad V, 49 tuổi, được bầu trở thành Agong thứ 15 của Malaysia vào tháng 12-2016. Theo quy định, ông sẽ giữ vương vị trong vòng 5 năm trước khi chuyển cho sultan khác.
Tuy nhiên việc ông “từ chức” Agong ngày 6-1 đã đưa ông trở thành sultan đầu tiên thoái vị khi chưa hoàn thành “nhiệm kỳ”.

Có phải do nguyên nhân chính trị hay không?

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, những tranh cãi về cách hành xử của sultan Muhammad V trên cương vị nguyên thủ quốc gia bắt đầu rộ lên ở Malaysia sau chiến thắng của liên minh Pakatan Harapan do ông Mahathir Mohamad dẫn dắt hồi tháng 5-2018,

Tháng 6-2018, tức khoảng một tháng sau khi hạ bệ thủ tướng Nazib Razak – người đang đối mặt với tội danh tham nhũng, ông Mahathir đã trách Quốc vương Muhammad V, cho rằng nhà vua không tuân thủ luật pháp khi chậm trễ phê chuẩn ông trở thành thủ tướng và bổ nhiệm tổng chưởng lý mới.
Các nguồn tin từ Hoàng gia Malaysia tiết lộ rằng quốc vương không muốn ông Mahathir, người từng làm thủ tướng từ năm 1981 đến 2003, tiếp tục nắm ghế này. Ông muốn bà Wan Azizah Wan Ismail, chủ tịch của Đảng Công lý nhân dân nòng cốt trong liên minh Pakatan Harapan, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Malaysia.
Tuy nhiên, liên minh Pakatan Harapan đã thể hiện lập trường thống nhất, đề cử ông Mahathir làm thủ tướng, buộc quốc vương phải miễn cưỡng chấp thuận.

Trong cùng thời gian đó, Kadir Jasin – một cố vấn về truyền thông của ông Mahathir – lên tiếng, rằng trong vòng 16 tháng tại vị, quốc vương đã xài hết của đất nước 257 triệu ringgit (khoảng 62,8 triệu USD).
Nhiều tháng sau đó, những xung đột giữa hoàng gia và Hội đồng Bộ trưởng liên bang, đứng đầu là thủ tướng, ngày càng hiện rõ.

Báo Straits Times của Singapore nhận xét các tranh cãi giữa Hoàng gia Malaysia và chính phủ không phải hiếm, nhưng nó xảy ra với tần suất đáng báo động dưới thời ông Mahathir.

Nguyên nhân chính phải chăng do xung đột trong sự chọn lựa giữa “Giang sơn và Mỹ nhân” nên nhà vua thoái vị?
Nguồn tin tháng 11-2018, tin đồn ông rời Malaysia với lý do chữa bệnh, rồi lén kết hôn với một cựu hoa khôi 25 tuổi người Nga cùng hình ảnh đám cưới của hai người tràn ngập mạng xã hội.
Chính phủ và cung điện Hoàng gia Malaysia không xác nhận hay phủ nhận các tin đồn. Đến ngày 1-1-2019, thời hạn ông Muhammad V phải trở về đã điểm nhưng nhà vua đang ở đâu, đã về nước chưa cũng không một ai biết.
Theo một nguồn tin, Vua Sultan Muhammad V hồi cuối tháng 11 tổ chức đám cưới với cựu hoa khôi Moskva Oksana Voyevodina ở Nga, song Văn phòng Hoàng gia Malaysia không thông báo về thông tin trên. Cô dâu được cho là đã cải đạo sang Hồi giáo và đổi tên thành Rihana Oxana Gorbatenko từ đầu năm.

Theo Moscow Times Vua Muhammad V tổ chức đám cưới với Oksana Voyevodina tại nhà hát Barvikha ở một trong những vùng ngoại ô đẹp nhất Moskva hôm 22/11,

Quốc vương Malaysia mặc đồ truyền thống, còn cô dâu mặc váy cưới trắng đính đá lấp lánh, vây quanh là các cô phù dâu trong bộ váy xanh nhạt, tay cầm hoa trắng.
Theo một trang báo mạng của Nga, đám cưới kết hợp các yếu tố của hai nền văn hóa Nga và Malaysia.
“Tiệc cưới không phục vụ đồ uống có cồn, thức ăn theo tiêu chuẩn đạo Hồi”, trích bài viết trên trang Islamnews.ru.

Các trang tin của Malaysia cho hay cô dâu đã cải đạo sang Hồi giáo và đổi tên thành Rihana Oxana Gorbatenko hồi đầu năm. Được biết, Voyevodina đăng quang Hoa khôi Moskva năm 2015, từng làm người mẫu chuyên nghiệp tại Trung Quốc và Thái Lan.

Muhammad V thoái vị sau hai tháng kết hôn với người đẹp Nga, nêu một phần lý do vì sức khỏe nhưng người ta tin rằng bê bối của vợ, có lần chụp hình mẫu cho những tờ báo kiểu Playboy có thể là nguyên nhân chính vì dư luận Malaysia phản đối. Tuy nhiên, hai tháng sau khi Oksana hạ sinh, cựu vương Malaysia bất ngờ ly dị đơn phương bằng cách nói ba lần từ “talak” – hình thức ly dị không thể đảo ngược, nghiêm trọng nhất trong đạo Hồi.
Gây sửng sốt hơn cả là việc một vị vua vì lấy vợ mà chọn hành vi hy sinh từ bỏ ngai vàng, bỗng nhiên quay mặt với hôn nhân kể cả không thừa nhận đứa trẻ do vợ mình mới sinh ra không phải là con của mình?
Được biết, luật sư của gia đình cựu Quốc vương Malaysia vừa thông cáo tin tức khẳng định rằng thân chủ của ông – Muhammad V, tiểu vương của bang Kelantan, đã chính thức ly dị với Oksana vào ngày 22/6. Tin tức này được South China Morning Post cập nhật và trở thành chủ đề nóng trên mặt báo.

Theo đó, luật sư cho biết cựu vương không rõ liệu mình có phải cha đẻ của Ismail Leon – con trai mà Hoa hậu Oksana mới sinh 2 tháng trước hay không. Nhiều người bất ngờ trước thông tin này bởi trước đó, vợ chồng cựu quốc vương được cho là rất ngọt ngào và mặn nồng.

Cũng theo luật sư cho hay, chuyện ly hôn của đôi vợ chồng này đã được tiến hành theo nghi lễ Hồi giáo có tên “triple talaq”, nghĩa là tuyên thệ ly hôn 3 lần. Như vậy, cả hai sẽ không thể tái hợp trừ khi người phụ nữ cưới một người đàn ông khác, kết hôn và sau đó ly hôn người này. Luật sư cũng cho biết cựu quốc vương mong mọi người không bàn tán vì đây là chuyện riêng tư cá nhân.
Về phía Hoa hậu Oksana, cô lại có động thái trái ngược với người chồng lớn tuổi. Oksana cho biết cô đang ở Nga với con trai và không tin vào chuyện tuyên bố ly hôn trên mạng. Oksana khẳng định chồng mình vẫn rất yêu vợ và con trai.

Phải chăng thần tượng đã sụp đổ, cô người mẫu hiện nguyên hình là một thần tượng sex trong khi nhà vua đã bước sang tuổi trung niên nên thất vọng, sực tỉnh sau cơn đam mê và vội vàng giũ bỏ quá khứ?
Một nguồn tin mới đây cho biết sau khi giấc mộng hoàng hậu không thành và đứa con mới sinh không thể trở thành thái tử nối nghiệp vương gia Mã lai, nàng Oksana voevodina cũng có kế hoạch chia tay với vị vương gia cao tuổi Muhammad V. Thế là Tình “vương gia” đã cay đắng vì hoàn toàn biến thành “vương giả”!

Chu Nguyễn

Related posts