Một thời gian rất dài, xe ôm là cách di chuyển của dân thành phố hữu hiệu hơn taxi quá mắc tiền, xe buýt rẻ nhưng nhiều khi phải đi bộ cả quãng mới tới trạm, chuyển xe và chờ đợi… mất công và tốn khá nhiều thời gian. Vì thế ngay cả về miền quê vào tận thôn ấp cũng có mặt loại xe này. Nếu ông tài trong khi chờ khách không muốn nằm trên yên xe ngủ hay đọc báo suốt ngày thì rút vào nhà nhưng người ta vẫn thấy hiện diện của xe ôm qua tấm giấy “xe ôm” treo bên bờ tường quán cà phê hay tiệm tạp hóa. Hoặc là thợ sửa xe kiêm luôn xe ôm.
Xe ôm từ trước tới giờ mà nay gọi là xe ôm truyền thống, ít nhất khách cũng phải cuốc bộ ra đầu đường, đầu hẻm mới gặp.
Còn xe ôm công nghệ tức là đặt qua điện thoại tới tổng đài của một công ty chuyên về dịch vụ xe ôm. Tổng đài này sẽ điều xe đến đón. Khách đứng ở bất cứ địa điểm nào, xa hay gần, chỗ đông đúc hay vắng vẻ đều có thể bắt loại xe này và tài có thể vào hẻm đến tận trước cửa nhà.
Ngoài sự linh động, thêm thu hút chính là giá cước thấp và được thông báo trước để khách dễ quyết định. Điều này dập chết xe ôm truyền thống. Hầu như bây giờ rất hiếm thấy cảnh cánh xe ôm đậu xe ngồi ngáp ruồi ngoài đầu hẻm, ngã tư, đầu chợ…
Loại xe công nghệ này khi mới xuất hiện rất bắt mắt vì đều là xe mới, đẹp, tài xế ăn mặc gọn gàng, vẻ ngoài sáng sủa, hầu hết là sinh viên hay nhân viên đi làm ngoài giờ kiếm thêm. Khách quen thường là dân văn phòng vì cô thư ký xinh đẹp bước ra ngồi trên chiếc xe mà cả xe và tài đều bóng lộn, thậm chí người ta nhìn vào còn tưởng là một couple đẹp đôi, sẽ thích hơn chiếc xe ôm truyền thống mà cả xe lẫn tài đều cà tàng. Xe công nghệ chào sân với vẻ ngoài hấp dẫn như vậy.
Xe ôm công nghệ ngày càng phát triển vì quá sức tiện lợi. Một bà già dùng điện thoại “cùi bắp” gọi cho con trai nhờ kêu Gap dùm. Mẹ đang đứng ở cổng sau bệnh viện, số… , đường…, quận…. Chừng ba phút sau đã có chiếc xe xịch trước mặt hỏi: “Phải bà kêu xe không?”. Nghĩa là không cần có điện thoại thông minh vẫn có thể kêu xe ôm công nghệ. Dù sao bây giờ khách hàng ngày càng mở rộng vì không cần tới smart phone nữa mà ngay cả máy cùi bắp cũng kêu được xe ôm công nghệ.
Có vài hãng khai thác dịch vụ chuyên chở nhưng Grab là một trong hai công ty xuất hiện ở VN đầu tiên với hoạt động rầm rộ mới lạ nên người ta gọi chung xe ôm công nghệ là xe Grab. “Chạy Grab kiếm thêm học phí”, “Kêu Grab cho rẻ”… mặc dù tràn lan nhiều hãng xe công nghệ: Go Viet, Be, Fast Go…
Giống như thời xe gắn máy Nhật mới nhập cảng vào VN thì nhãn Honda vào nhiều nhất nên thiên hạ gọi chung mọi xe gắn máy Nhật đếu là xe Honda dù mang nhãn Suzuki, Yamaha, Brisgestone… “Đi về quê bằng Honda”, “Mới có xíu tuổi mà đã lấy Honda đi học”… Một thời chiếc “giấc mơ” Dream mới trình làng với giá vài cây vàng khiến nhiều người mơ ước tới nỗi cô gái sinh con đầu lòng đặt tên là thằng cu Rim.
Cách kêu xe ôm công nghệ như sau: Mở điện thoại điền nơi đi và đến. Tổng đài sẽ báo giá tiền. Nếu khách đồng ý mới gọi xe. Cước khá rẻ, có khi chỉ mười tám ngàn đồng cho 5km trong khi xe ôm truyền thống đắt hơn, giá có thể là 50 ngàn. Do biết trước giá nên khách hàng có thể chủ động không dùng loại di chuyển này nếu nhằm thời điểm đắt. Giờ cao điểm tan sở kẹt xe, vào lúc trời mưa khu ngập nước giá cước đều cao hơn để bù cho lúc giá thấp.
Dù sao để kiếm khách và cạnh tranh, các hãng xe thường đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi hấp dẫn như tặng tiền, bớt nửa giá cước… Vì thế không lạ khi hiện nay, thậm chí một số người đã chọn đi làm bằng xe ôm thay vì tự chạy xe của mình.
Cô Hoa cho biết:
-Trước kia tôi vẫn chạy xe gắn máy đi làm nhưng hiện giờ toàn đi xe ôm công nghệ. Mỗi ngày đi xe giá khứ hồi khoảng bốn mươi ngàn đồng. Mỗi tháng tốn khoảng một triệu, cũng tạm được so với tiền lương. Quan trọng là tránh được mệt nhọc khi phải cầm lái dưới mưa gió, ngập nước, nắng nóng, khói bụi, kẹt xe… Tới công ty người như nùi giẻ. Không kể là khách hàng thân thiết đi thường xuyên nên được xếp qua các bậc “thành viên bạc”, “thành viên vàng” đến “thành viên kim cương” được hưởng nhiều ưu đãi. Thỉnh thoảng có đợt khuyến mãi, tôi chỉ phải trả một nửa hay phần ba giá cước.
Đúng là cước xe ôm công nghệ khá thấp. Thế nhưng trong số tiền khách trả, phải trừ phần trăm cho công ty thì tài không còn nhận bao nhiêu. Để đủ sống, họ buộc phải cày miệt mài.
Anh Công chuyển từ xe ôm truyền thống sang công nghiệp nói:
-Mỗi ngày tôi bắt đầu chạy từ 6 giờ sáng, trưa tắt app một lúc chỉ để ăn trưa chứ không có thời giờ nghỉ trưa rồi chạy liên tục, thường vào khoảng 7 giờ tối hay hơn, đủ sở hụi mới ngừng.
Tuy phải chạy xe liên tục nhưng anh có khách thường xuyên gọi thay vì xe ôm truyền thống ngồi hoài một chỗ đợi khách meo cả người.
Các công ty thường treo điểm thưởng cho tài xế tính theo số cuốc chạy trong ngày. Để đạt được số điểm thưởng đó, tài xế chạy không ngơi nghỉ. Họ kiếm được một số tiền kha khá nhưng thực tế với cường độ làm việc đó, chiếc xe rất mau hỏng mà không được khấu hao. Tài biết vậy nhưng đành chịu vì lo kiếm cơm trước mắt.
Hiện nay các công ty xe ôm đang giảm giá, khuyến mãi nhiều để lôi kéo khách nhưng lại siết điểm thưởng và tăng chiết khấu. Mới đây mới có cuộc đình công của tài xế nhằm đối phó với việc tăng chiết khấu. Tức là mỗi cuốc xe, công ty sẽ khấu 20% thay vì 10 đến 15% như trước. Tài xế sẽ phải chạy nhiều cuốc hơn mà thu nhập vẫn giảm sút rất nhiều do các điều kiện công ty đưa ra ngày càng ngặt nghèo..
Mới đầu, tài xế truyền thống gây lộn, ẩu đả với bên công nghệ để dành khách trước bệnh viện, trường học… ngay cả mạo khách kêu đặt xe để phá. Vài người khác mặc đồng phục giả làm tài xế công nghệ trực ở nhà ga, bến bãi… nhào ra hớt khách. Với bộ đồng phục trên người, xem chừng hành khách yên tâm hơn, leo lên xe để rồi đi với giá “cắt cổ” đầy ấm ức.
Cũng giống như xe ba gác, xe xích lô khi mới bị cấm còn bám vào việc chuyên chở hàng cho các chủ sạp nhưng nay hầu như cũng không còn. Cuối ngày, người ta gói hàng ế vào các bọc nylon to ràng vào xe máy chở về chứ không cần đến xích lô, ba gác nữa. Có vẻ bên truyền thống cuối cùng đành lùi bước. Xe ôm truyền thống nhanh chóng thu hẹp, chuyển sang công nghệ hoặc đào thải từ từ. Nhất là mấy ông già không rành dùng điện thoại đời mới hay chiếc “cần câu” quá cũ mèm, đành lui về nấu cơm, quét nhà cho con cháu.
Xe ôm công nghệ được đà bành trướng vũ bão.
Tài xế công nghệ đủ mọi thành phần. Từ người có công ăn việc làm ổn định đến người thất nghiệp, từ sinh viên đến anh công chức, từ người trẻ đến người già, từ bình dân đến cử nhân, kỹ sư … Dĩ nhiên trong đó xe ôm chuyên nghiệp thu hút đông đảo lao động vì là một nghề không cần tới chuyên môn. Chỉ cần đáp ứng điều kiện của công ty: có xe gắn máy từ đời 2011, có smart phone và có sức khỏe để suốt ngày rong ruổi ngoài đường. Trước kia nghề kiếm thêm của sinh viên hoặc sinh viên đã ra trường nhưng thất nghiệp là dạy thêm, thì nay chuyển sang chạy xe ôm. Ngay cả thạc sĩ thất nghiệp cũng tìm đến xe ôm để mưu sinh.
Anh Bùi là nhân viên hành chánh – văn thư của một Sở. Lương công chức vốn thấp, vợ mới sinh, anh chạy Grab kiếm thêm tiền sữa cho con. Giờ làm việc hành chánh sáng từ 7g30, chiều tan lúc 5g. Anh đặt ra lịch làm việc riêng. Sáng chạy Grab từ 6g đến 9g. Vào làm việc từ 9g đến 6g chiều. Xong chạy xe từ 6g đến 9g tối. Trung bình anh kiếm được từ 350 đến 500 ngàn/ ngày. Được ông sếp thương tình nhân nhượng co dãn thời gian cho anh đến sở trễ và về muộn hơn đồng nghiệp một tiếng đồng hồ, miễn sao hồ sơ sổ sách chu toàn là ổn. Nếu việc nhiều thì mang về nhà làm đến khuya..
Anh Quân đứng bằng hai “chân”. Anh chạy Grab nhưng gần nhà có mấy mối chở học sinh đi học. Đầu giờ sáng, anh tắt app để chạy mối, xong mới đợi khách ngoài kêu qua công ty. Do người quen từ trước có cảm tình chứ nhận khách quen không qua tổng đài thì không được đếm cuốc để cộng điểm thưởng. Một tài khác ma lanh bằng cách thay vì mỗi ngày phải đưa con đi học thì anh cho con trai gọi điện thoại bắt xe để được tính điểm. Tuy nhiên mánh này đã bị phát giác không khó và tài bị khóa tài khoản ngay. Tổng đài kiểm soát chặt chẽ nên tài khó mà qua mặt.
Vài trăm ngàn mỗi ngày là một con số đáng mơ ước. Người khôn của khó. Càng ngày càng nhiều người nhảy vào làm tài xế xe ôm. Tài gặp nhau than thở trước kia điện thoại réo liên tục chạy bạc mặt không có thời giờ ăn cơm nhưng nay cả buổi, có khi chỉ vài ba chuyến rời rạc.
Chắc chắn trên những con đường ken chặt xe cộ, rất dễ dàng kẹt xe ở nhiều nơi, có sự góp mặt của lượng xe máy trên đường phố. Khi người dân không đi xe buýt, xe điện ngầm mãi chưa xong và cũng chỉ ở một số đường, thì người dân tỏ ra trung thành, hào hứng với xe ôm và không có ý định từ bỏ di chuyển loại xe này.
Dù sao chạy xe ôm cũng gặp nhiều bất trắc. Tài buộc phải đi tới mọi chốn dù xa xôi, ngóc ngách theo yêu cầu của khách. Đã có những trường hợp tài xế xe ôm chạy đường xa vào đêm khuya bị cướp xe, giết người. Cậu thanh niên miền Trung vào Saigon làm công nhân, chạy thêm Grab bị khách đâm chết, cướp đi chiếc xe và điện thoại. Một tài khác bị khách kề dao cắt cổ cướp xe khi đi ngang bãi đất trống…
Ngoài ra chưa tới mức bị cướp nhưng xe ôm lại phải đối mặt với những tai họa trên đường phố, mà do giao thông hỗn loạn, nên rình rập xảy ra lúc nào không biết, trả giá bằng tính mạng như chơi.
Một bác tài đúc kết:
-Tôi ráng chờ con xong đại học, ra trường rồi chỉ chạy tà tà một buổi thôi. Mỗi ngày thu 800.000, chi mất xăng dầu hơn 100 ngàn, cơm nước 100, chiết khấu cho công ty, còn chừng một nửa mang về nuôi gia đình chứ nhiều nhặn gì đâu. Đêm khuya không dám chạy cố vì sợ cướp. Giấc đó để dành cho mấy cậu thanh niên bạo gan.
Nghề kiếm ra tiền nhưng nhiều người vẫn coi chỉ coi như cách kiếm tiền cho qua cơn bĩ cực. Cả xe và người mải mốt kiếm sống. Chiếc xe bắt đầu thấy cũ mèm, hư hỏng. Người phơi mình dưới mưa nắng đen đúa, nhọc nhằn. Bởi vậy vừa rồi, anh xe ôm chuyên giao hàng đã tủi thân khi một cửa hàng cà phê đã than phiền trong lúc ghé ngồi ghế đợi nhà hàng pha ly nước để mang đi giao, hình ảnh anh xe ôm lam lũ mặc chiếc áo đồng phục bạc phếch, đã làm giảm vẻ sang trọng của cửa hàng.
Dù sao trước mắt xe ôm vẫn còn sống dài dài khi các loại xe công cộng không đáp ứng kịp nhu cầu đi lại của dân chúng.
Hàm Anh