Trung Cộng tiếp tục leo thang các hoạt động gây hấn khi vừa điều động thêm 35 tàu chiến đến Bãi Tư Chính nhằm uy hiếp Việt Nam.
Hôm 4/8/2019 vừa qua giáo sư Carlyle A.Thayer – một nhà quan sát và nghiên cứu có uy tín thuộc Học viện Quốc phòng Úc- qua mang tweeter cho biết tổng số các tàu chiến Trung Cộng đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế VN nay đã lên đến 80 chiếc.
Đó là số lượng tàu hùng hậu nhất mà Trung Cộng từng huy động vào lãnh hải Việt Nam từ khi khởi động kế hoạch xâm lấn bắt đầu từ tháng 05/2019 đến nay.
Hiện không rõ đã có bao nhiêu tàu chiến VN được cử ra để đương đầu với Trung Cộng và cả hệ thống báo chí, truyền thông thuộc quản lý của nhà nước CSVN đã không nói gì về tin Trung Cộng có 80 tàu bao vây Bãi Tư Chính.
Nhiều người Việt -trong và ngoài nước- lâu nay vẫn tin rằng khi tình thế biến động Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi Việt Nam.
Ngày 20/7/2019 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ (Morgan Ortagus) đã đưa ra lời tuyên bố lên án hành động của Trung Cộng trong vụ Tư Chính, có lợi cho lập trường ở Biển Đông của Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, từng giảng dạy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, cũng là Học giả cao cấp không thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế ở Washington, D.C. (Center for Strategic and International Studies, CSIS) cũng như là Học giả vãng lai tại viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute, Tân Gia Ba nhận định rằng:
“Với tuyên bố ấy, Hoa Kỳ vừa chỉ trích và răn đe Trung Cộng vừa hỗ trợ lập trường của Việt Nam, đồng thời khuyến khích Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á mạnh dạn chống sự bắt nạt và cưỡng chế của Trung Cộng. Trước đó, tháng 10 năm ngoái, Cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ John Bolton coi việc Trung Cộng quấy nhiễu tàu tuần tra của Mỹ ở Biển Đông là hành động “nguy hiểm” và khẳng định Hoa Kỳ không chấp nhận để Bắc Kinh biến vùng này thành “một tỉnh của Trung Cộng.” Ông còn tuyên bố “chúng tôi sẽ tìm cách khai thác thêm các tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông đủ có hay không có sự hợp tác của Trung Cộng.”
Đối với Việt Nam, dự án khai thác dầu khí Cá Voi Xanh ở lô 118, cách Việt Nam 88 cây số và nằm ngoài đường lưỡi bò, sẽ là thử nghiệm xem lời nói của Hoa Kỳ có đi đôi với việc làm hay không. Từ tháng 3 năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong dự án mỏ khí Cá Voi Xanh. Năm tháng sau, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thúc dục ExxonMobil “chính thức khởi động” dự án này để đánh dấu thời điểm lịch sử khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thượng Đỉnh Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 năm 2017 (tại Đà Nẵng). Lúc ấy cựu Chủ Tịch ExxonMobil (Rex W. Tillerson) đang là Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng tập đoàn này không nhúc nhích. Phải đợi một ngày sau khi hội nghị bắt đầu, đương kim chủ tịch của tập đoàn Exxon Mobil mới thông báo dự án sẽ hoàn thành “thủ tục ban đầu vào cuối năm nay (2017), và năm 2018 sẽ chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết. Đến 2019, dự án sẽ đưa vào khai thác mỏ này.” Chỉ còn 4 tháng là hết năm 2019. Thử xem Hoa Kỳ sẽ làm gì để hỗ trợ cam kết của ExxonMobil.
Nói như vậy nhưng chính sách ở Biển Đông của chính quyền Trump trước sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Cộng ở Á Châu-Thái Bình Dương dưới quyền Tập Cận Bình khiến người ta không khỏi lo lắng.
Lý do, vẫn theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thì đúng là Hoa Kỳ muốn đóng vai trò quan trọng và không muốn Trung Cộng độc chiếm Biển Đông. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Obama năm 2008 đưa ra chính sách “xoay trục” về Á châu Thái Bình Dương được hỗ trợ bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership), tái phối trí lực lượng quân sự từ Trung Đông sang Á châu, tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác Á châu, và các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải. Tiếp đến, nay chính quyền của Tổng thống Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm lôi kéo Ấn Độ vào chính sách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng và muốn có cái tên khác với tên do chính quyền Obama đặt ra. Thế nhưng dưới quyền Tổng Thống Trump, xem ra thì lời nói và hành động của Mỹ cần phải xem xét kỹ. Lý do:
-vì kinh nghiệm và khả năng cá nhân, Tổng Thống Trump quan tâm đến quyền lợi kinh tế, đến việc buôn bán và đổi chác (making deals) hơn là quan tâm chiến lược.
-là người chuyên hành động đơn phương, và đôi khi bất nhất, Tổng Thống Mỹ đã làm xói mòn lòng tin và, sự hợp tác chân thành của các đồng minh và đối tác của Mỹ trong việc đối phó với Trung Cộng.
-mối quan hệ đặc biệt của Tổng thống Trump với các lãnh tụ Do Thái và Á Rập cuốn Mỹ vào tranh chấp với Iran. Nếu Mỹ bị sa lầy ở Trung Đông thì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khó có thể thực hiện đến nơi đến chốn.
-trước áp lực của giới tư bản và nông dân Mỹ bị thiệt hại vì cuộc “chiến tranh thương mại” Mỹ-Trung Cộng và vì nhu cầu tranh cử năm 2020, chính quyền của ông Trump cần một nhân nhượng của Trung Cộng để có môt cái gọi là thắng lợi ngoại giao. Lúc đó, Tổng thống Trump có thể đổi chác để bám lấy thị trường Trung Cộng.
Đổi chác ấy, nếu có, sẽ thiệt hại cho ai?
Việt Luận