Trên bình diện thế giới, vấn đề kinh tế có thể sử dụng như phương tiện để mặc cả nhằm mang lại lợi nhuận chính trị hay tiền bạc, có thể sử dụng như vũ khí để tấn công triệt hạ hay cô lập đối phương. Rất thường khi người ta thấy Hoa Kỳ hay các quốc gia phương Tây dùng biện pháp cấm vận hay trừng phạt kinh tế đối với các nước khác như các quốc gia độc tài, thậm chí trừng phạt cả Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn.
Như vậy rõ ràng kinh tế đối với các quốc gia phương Tây và những quốc gia khác có thể được coi như là một ân huệ, giúp các nước này phát triển, thoát đói nghèo. Vì thế nếu họ không hành xử đàng hoàng theo tiêu chuẩn do các nước phương Tây đặt ra, thì những quyền lợi kinh tế của họ do phương Tây mang lại sẽ bị ảnh hưởng.
Thông thường khi ban phát ân huệ như thế, có thể hiểu rằng các quốc gia phương Tây giàu có và khi giàu có như thế, họ chia xẽ ban phát những ân huệ kinh tế cho các nước khác. Và dĩ nhiên các nước phương Tây cũng dùng kinh tế như những biện pháp để can thiệp nội bộ của các quốc gia khác. Việc này có thể thấy cụ thể ở miền Nam Việt Nam khi Hoa Kỳ dùng viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự để buộc chính phủ VNCH phải làm theo những gì họ muốn.
Nhưng hiện nay biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc đã trở nên có vẻ như không còn có hiệu lực. Vì sao? Vì rõ ràng Trung Quốc đã trở nên một nền kinh tế mạnh thứ hai toàn cầu, dự trữ ngoại tệ rất lớn và là chủ nợ chính của Hoa Kỳ. Việc trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc thực tế có thể gây hại nhiều hơn cho nền kinh tế của Hoa Kỳ và phương Tây hơn là có hại cho Trung Quốc.
Trung Quốc thực sự đã lớn mạnh về kinh tế và sự lớn mạnh về kinh tế tạo ra sức mạnh đáng nể về quân sự. Từ đâu Trung Quốc đã có sự phát triển kinh tế như vũ bão và từ đó tạo dựng được một sức mạnh quân sự như hiện nay? Câu trả lời là: Do Hoa Kỳ và các nước phương Tây hay nói đúng hơn là do lòng tham của giới tư bản Hoa Kỳ và phương Tây.
Khi nói chuyện với bạn bè, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi tôi nói rằng tự do mậu dịch quốc tế do Hoa Kỳ và các nước phương Tây chủ trương đã tạo cơ hội cho Trung Quốc trở nên giàu có. Không những giàu có hơn mà chính Hoa Kỳ và phương Tây đã chuyển giao cho Trung Quốc rất nhiều kỹ thuật mà tự họ không thể phát triển với tốc độ nhanh như thế.
Rõ ràng là nếu không có Trung Quốc thì cuộc sống của người dân, của mọi người dân, Hoa Kỳ và Phương Tây không sung sướng như ngày hôm nay. Bởi vì hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc quá rẽ đến nỗi mức sống của người dân phương Tây được nâng lên đáng kể. Chỉ cần lấy một ví dụ để thấy rõ: Trước đây khi Hoa Kỳ vẫn còn theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch thì việc người Mỹ hay người Úc trong nhà có một cái tivi đã được coi là thuộc loại khá giả. Giờ đây có thể nói trong nhà của người Mỹ hay người Úc mỗi phòng có một cái tivi! Nếu không có Trung Quốc sản xuất hàng giá rẻ thì làm sao người phương Tây có cuộc sống như thế?
Tôi còn nhớ hồi nhỏ trước năm 1975, những hàng hóa sản xuất từ Hoa Kỳ mang qua Việt Nam từ áo quần, đến thức ăn, kẹo bánh, máy móc đều được mọi người đón nhận với một sự thán phục và trân trọng.
Hàng hóa sản xuất tại Hoa Kỳ thật là chất lượng, thể hiện trình độ công nghệ và mỹ thuật cao, đẹp, bền. Người Mỹ rõ ràng tự hào về công nghệ, về nền sản xuất của họ.
Nhưng trên tất cả, việc mọi hàng hóa tiêu dùng trong nước Mỹ đều được sản xuất tại Hoa Kỳ đã tạo ra công ăn việc làm cho đại đa số người Mỹ và giữ được công nghệ của họ ở trong nước.
Trái lại với quan điểm của Cộng Sản Trung Quốc, Việt Nam, ngay từ ngày lập quốc Hoa Kỳ đã theo đuổi chính sách “cô lập” với thế giới. Thậm chí Hoa Kỳ bất đắc dĩ mới tham gia thế chiến 1, thế chiến 2.
Người ta nói nếu Nhật Bản không điên khùng tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Habour) thì có lẽ Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tham chiến. Họ cứ đứng ngoài bán vũ khí cho bất cứ quốc gia nào muốn mua, bán hàng hóa và làm giàu, không để một viên đạn nào rơi trên đất Mỹ.
Đại đa số người dân Hoa Kỳ ủng hộ chính sách “cô lập” này. Bản thân Tổng thống Donald Trump là người ngay hồi còn trẻ cho đến nay bao giờ cũng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ công nghệ Mỹ, bảo vệ công việc làm cho người Mỹ. Chính vì thế không ngạc nhiên gì đại đa số người Mỹ đã cuồng nhiệt ủng hộ ông Trump, cho dù ông là một người chẳng làm chính trị bao giờ, có nhiều scandal tình ái, tình dục và có những phát ngôn vớ vẫn.
Điều đó chứng tỏ rằng bên cạnh sự lớn mạnh của Trung Quốc, và phải dùng hàng hóa của Trung Quốc hàng ngày với chất lượng kém, người Mỹ cảm thấy rằng danh dự của họ, của nước Mỹ bị xúc phạm nghiêm trọng.
Đại đa số người Mỹ cho rằng nước Mỹ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc giàu có và nay họ phải dùng những hàng hóa kém phẩm chất của Trung Quốc. Hơn thế Trung Quốc càng ngày càng coi thường Hoa Kỳ và không hề tỏ lòng biết ơn người đã làm cho Trung Quốc từ thằng khố rách áo ôm trở thành trọc phú và chủ nợ.
Ông Trump đã có lý khi nói rằng: “Chúng ta như là một cái nhà băng bị cướp. Chúng ta không thể để cho Trung Quốc tiếp tục hiếp dâm chúng ta”. Câu phát biểu của ông Trump cho thấy nước đã tràn ly và nước Mỹ không thể nào tiếp tục cho phép chính sách mậu dịch tự do cướp đoạt đi niềm tự hào Mỹ, công nghiệp Mỹ, sự giàu có Mỹ và quyền lực tối cao của người Mỹ.
Từ năm 2001 nước Mỹ mất đi 60 ngàn nhà máy. Đại đa số đều là kết quả của các hiệp định mậu dịch tự do.
Trong năm 1952 công ty thép Steelton có 6000 công nhân, làm việc ba ca mỗi ngày, bảy ngày một tuần. Ngày nay khu vực Steelton chỉ còn những nhà máy hoen rĩ, những đường phố trống trơn và những cửa tiệm đóng cửa.
Những người Mỹ ở Steelton khẳng định rằng các hiệp định mậu dịch tự do mở đường cho thép Trung Quốc nhập vào Mỹ với giá rẽ đã giết chết nền công nghiệp thép ở Steelton. Trong năm 2001 là năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế và cũng là thời điểm khai tử nền công nghiệp thép của Hoa Kỳ ở Steelton.
Theo lý thuyết mậu dịch tự do sẽ dẫn đến việc mất công ăn việc làm trong một số ngành nghề như thép ở Steelton. Nhưng bù lại việc Trung Quốc nhập nhiều hàng hóa của Hoa Kỳ sẽ tạo ra lại công ăn việc làm. Rồi mọi thứ hàng hóa giá sẽ hạ và tất cả mọi người đều có lợi. Đó là lý thuyết. Trên thực tế số công ăn việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu thêm hàng hóa không bù đắp lại được việc mất những công ăn việc làm trong một số ngành sản xuất.
Thực tế Hoa Kỳ mất vĩnh viễn một số ngành sản xuất đặc biệt là công nghiệp nặng, một số vùng sản xuất, thị trấn, thành phố bị xóa tên trên bản đồ. Những người công nhân mất vĩnh viễn những công việc của họ.
Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc, Hoa Kỳ càng cảm thấy rõ ràng rằng họ đã mất đi vị trí của một siêu cường vô địch. Người dân Hoa Kỳ và những chính trị gia như tổng thống Donald Trump tin rằng chủ nghĩa bảo hộ đã từng tạo ra sức mạnh vô địch của Hoa Kỳ. Cho nên nếu muốn khôi phục lại sức mạnh của Hoa Kỳ chỉ có cách là thực hiện lại chính sách bảo hộ. Đánh thuế thật cao hàng hóa nước ngoài, không mang nhà máy của Hoa Kỳ ra nước ngoài, không chuyển giao công nghệ sản xuất cho nước ngoài, và người Mỹ sẽ có thêm công ăn việc làm, tự người Mỹ sản xuất ra những hàng hóa chất lượng cao để dùng và để bán ra nước ngoài.
Nước Anh cũng là một quốc gia chủ trương bảo hộ mậu dịch. Việc nước Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu cho thấy người Anh cảm thấy rằng tự do mậu dịch làm vị trí nước Anh giảm sút, quyền lực nước Anh giảm sút và có những quốc gia lợi dụng được Anh để phát triển trong lúc người Anh không có những lợi nhuận tương xứng.
Từ nước Anh, từ Hoa Kỳ của Donald Trump, dần dần cả thế giới sẽ quay trở lại với chính sách kinh tế bảo hộ mậu dịch. Trung Quốc sẽ thôi không còn làm giàu nhanh và dễ như trước đây, vì rằng người Trung Quốc cần nhiều hàng từ Mỹ trong khi ít người Mỹ cần nhiều hàng hóa từ Trung Quốc.
Tôi nhớ có lần tôi nói với vợ tôi rằng sẽ có một lúc người Mỹ và phương Tây cảm thấy rằng mang nhà máy sang Trung Quốc, Việt Nam sản xuất có cái lợi trước mắt và cái hại sau lưng. Cái lợi có khi nhiều hơn cái hại vì làm cho những quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam giàu lên trong khi người Mỹ và phương Tây phải dùng hàng hoa kém chất lượng của các quốc gia này (dù giá rẻ). Tôi khẳng định rằng có một lúc Mỹ và phương Tây sẽ mang toàn bộ các nhà máy từ Trung Quốc và Việt Nam về lại Hoa Kỳ.
Và quả thực việc này đang xảy ra.
.
Ls Lê Đức Minh