Nâng niu trái đất như em bé ôm bầu sữa mẹ

Từ thứ Sáu tuần qua, phần lớn người sống ở Úc thấm vào xương thịt thế nào khi hậu khắc nghiệt. Gió lạnh từ Nam cực thổi ngược lên Tasmania, băng qua biển Tasman tràn vào Nam Úc, Victoria, NSW và mấp mí ướp lạnh phía Nam Tiểu bang nắng ấm Queensland.

Dân Melbourne bị trời lạnh, mưa to, gió lớn chưa từng thấy. Trời lạnh mấp mí không độ ở nhiều ngoại ô. Gió mạnh đến giết người tại Melbourne. Một gia đình trẻ có hai con đang lái xe trên Maroondah Highway ở Fernshaw, phía Đông Nam thành phố Melbourne, bị cây ngã đè bẹp dí chiếc xe. Người vợ, 41 tuổi, chết tại chỗ. Ba cha con bị thương nặng. Sau đó vài ngày, một nữ giáo sư Đại học Melbourne, 36 tuổi, đi bộ dưới rặng cây du (Elm) tại Princes Park đã bị cây ngã đè chết. Gió lớn hơn trăm cây số thổi sập cả cầu tàu ở Frankston, phía Nam thành phố Melbourne. Cùng một lúc, dân sống tại Sydney sáng sớm thức dậy đã thấy lớp sương giá – nếu không phải là bụi tuyết – phủ trước sân. Ở Katoomba và Blue Mountains, nằm về phía Tây Sydney, tuyết rơi trắng xóa. Trong khi đó gió to đã thổi bay mái một viện dưỡng lão tại Newcastle khiến cho 30 cụ già kinh hồn bạt vía. Ngay đến những vùng được coi là ấm áp và là vựa trái cây cho nước Úc như Riverina, Cootamundra cũng bị tuyết phủ lên những mầm non cây ăn trái.
Mưa to, gió lớn và trời lạnh khủng khiếp khiến cho nhiều đường bị đóng, ngay cả phi trường Sydney cũng đóng một đường bay vì ‘extreme weather conditions, thời tiết khắc nghiệt’.

Bạn đọc có thể tin hay không tin tiếng hô hào ‘climate change, khí hậu thay đổi’ từng ồn ào trong chục năm nay. Nhưng có một điều bạn đọc thuộc về cả hai nhóm ‘tin’ hay ‘không tin’ đều thấm vào xương thịt là: thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Nóng thì nóng dữ dội như hè năm ngoái đã có người ở Úc đập trái trứng đổ lên nắp xe hơi. Trứng đã chín vì trời nóng. Lạnh thì lạnh teo… như nước Úc đã thấy trong những ngày qua.
Trong lúc chúng ta chịu đựng thời tiết khắc nghiệt thì Liên Hiệp Quốc công bố tường trình mang tên ‘Climate Change and Land, Đất đai và Khí hậu thay đổi’. Trước kia, khi nói đến khí hậu thay đổi người ta chỉa mũi dùi vào mấy cái ống khói ở trên nhà máy. Trăm tội đổ cho khói từ cơ xưởng. Quả đúng vậy. Nhưng cơ xưởng không hoàn toàn chịu trách nhiệm làm trái đất hư hoại. Còn nhiều yếu tố khác. Tường trình ‘Climate Change and Land, Đất đai và khí hậu thay đổi’ nêu thêm nguyên do làm cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Theo đó, loài người tàn phá đất đai nên có ngày trái đất xinh tươi này sẽ cằn cỗi. Cho đến nay loài người đã đốn cây, cày cấy hay đào xới 70% diện tích trái đất. Trước tiên, loài người phá rừng. Rừng là buồng phổi của trái đất. Khi phá rừng, trái đất không còn chỗ chuyển khí thải thành dưỡng khí nữa. Rừng là đập ngăn nước giúp đồng bằng tránh lụt lội. Rừng bị đốn sạch ở Bangladesh, Pakistan nên năm nào cũng nghe bão lụt ở bển. Cũng thế, rừng bị đốn ở Việt Nam, Lào và Cambodia nên có chút mưa gió thì người Việt trong nước đã phải… bì bõm rồi.
Trái đất ví như bầu sữa mẹ. Bầu sữa nuôi con nhỏ như thế nào thì loài người sống nhờ vào trái đất như thế. Loài người có đi xa đến mặt trăng hay sao hỏa thì chắc là chưa thể di cư lên đó mà sống ung dung như ở trái đất. Con nhỏ bú mớm bầu sữa mẹ. Em vân vê…dựa đầu vào bầu sữa vì đó là nguồn sống của em. Ngược lại, loài người sống nhờ màu mỡ của trái đất thì lại đập phá, đào xới, và đục khoét chính nguồn nuôi sống mình.

Khi loài người biết chăn nuôi và trồng trọt thì đất rừng ngày càng bị tàn phá. Tường trình trình ‘Climate Change and Land, Đất đai và khí hậu thay đổi’ cho biết thế giới đang có đàn bò đông đến 1 tỷ con. Tỷ con bò này thải ra 23% khí thải địa cầu đang lãnh đủ. Chắc chắn, loài người không thể sống nếu không có đàn bò tỷ con này. Tuy nhiên, nếu từng người nghĩ tới khí thải (và sức khỏe của mình) mà bớt ăn thịt đi thì bớt được khí thải đó. Ấy là một cách góp phần giữ cho thời tiết bớt khắc nghiệt. Bà Frances Seymour, một trong 107 nhà nghiên cứu đóng góp vào tường trình, nói rõ lời khuyên này ‘không có nghĩa đòi mọi người phải ăn chay cả đâu!’. Thật vậy, Liên Hiệp Quốc không can thiệp vào món ăn của từng người mà chỉ nêu ra có những cách ăn uống vừa khỏe cho thân thể vừa giúp cho trái đất giữ mãi nét xinh tươi.

Loài người phải phá rừng để canh nông. Công khó của nhà nông thật bất tận. Người Việt Nam quý từng hạt gạo vì biết nhà nông phải bỏ nhiều công sức mới thành. Tường trình ‘Climate Change and Land, Đất đai và Khí hậu thay đổi’ tiến xa một bước nữa khi cho rằng: không phí phạm thức ăn còn là một cách giữ cho trái đất mãi mãi xanh tươi. Hiện nay, 30 hay 40% thức ăn bị loài người bỏ phí.
Với hai kết luận thực hành kể trên, Liên Hiệp Quốc đã đưa giải pháp cho chuyện khí hậu thay đổi vào tầm tay của từng người. Mỗi người góp phần giải quyết đại nạn cho trái đất. Khi ngồi vào bàn ăn, từng người trên thế giới nếu bớt ăn thịt và bớt phí phạm thức ăn thì đã nâng niu trái đất như em bé nâng niu bầu sữa mẹ rồi đó.

Việt Luận

Related posts