Bóng ma Trung Quốc trong đề nghị mua đảo của Trump

Cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận lời đồn đoán rằng ông ta muốn mua đảo quốc tự trị Greenland thuộc Vương quốc Đan Mạch, bất kể giới bình luận Mỹ cho đó là một “đề nghị thiếu nghiêm túc” trong khi người dân Greenland nói riêng và Đan Mạch nói chung lấy làm giận dữ,

Tuần qua cả thế giới bàn tán tham vọng của ông Trump khi muốn dùng tiền thâu tóm đảo quốc tự trị Greenland (hay Groenland), một hòn đảo rộng với 80% diện tích là băng, dân số chưa tới 60,000 người!

Đài CNN dẫn hai nguồn tin cho hay ông Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định mua đảo Greenland của Đan Mạch và đội ngũ luật sư của ông ta đang xem xét khả năng này. Trong khi đó tờ Wall Street Journal cho biết Trump đã nêu phương án mua đảo Greenland trong các cuộc họp và bữa tối, đặt câu hỏi với các phụ tá về vấn đề này,

Ngày 18.8.2019 trong chuyến thăm tới Greenland, nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói với báo Sermitsiaq: “Greenland không phải để bán. Greenland không phải là Đan Mạch. Greenland thuộc về chính Greenland. Đây là cuộc thảo luận buồn cười, và Kim Kielsen (Thủ hiến Greenland) đương nhiên đã làm rõ rằng Greenland không phải để bán. Câu chuyện nên chấm dứt ở đây.”

Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn của đài Fox News cùng ngày ông Trump xác nhận thông tin nói trên, cho biết sẽ đến thăm Đan Mạch vào tháng 9 và sẽ đặt vấn đề này, nhưng lại nhấn mạnh rằng việc mua Greensland không phải là ưu tiên.

Ông giải thích rằng “về căn bản, đó là một hợp đồng bất động sản rất lớn” và nói: “Rất nhiều điều có thể hoàn tất. Đan Mạch chịu thiệt hại nặng nề vì họ tốn phí gần 700 triệu USD mỗi năm để gánh vác cho hòn đảo. Như vậy họ đang chịu tổn thất rất lớn. Nhưng về mặt chiến lược thì đó sẽ là hợp đồng tốt cho Mỹ”.

Greenland

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích 2.1 triệu km2. Về địa lý và chủng tộc thì Greensland là một đảo quốc Bắc cực liên kết với lục địa Bắc Mỹ nhưng về lịch sử Greenland có quan hệ mật thiết với châu Âu. Do đó tuy gần Canada hơn, đảo này lại thuộc về Đan Mạch.

Phần lớn dân số Greenland là người Inuit, tức người Eskimo, sống nhiều tại Alaska và bắc Canada. Chủng tôc này có xuất xứ từ vùng Trung Á, từ nhiều năm trước đã di dân bằng đường bộ qua eo biển Bering lúc này đã bị đóng băng, qua Alaska rồi đi tiếp tới các đảo ở phía bắc Canada. Từ đó họ đã đi bộ qua eo biển hẹp tới vùng Thule của Greenland khoảng 2500 năm trước.

Greenland có một nhóm thiểu số là người châu Âu, khoảng 12%, phần lớn là người Đan Mạch, 90% các người này cư ngụ ở thủ phủ Nuuk và 10% ở các thành phố lớn phía tây khác.

Greenland trở thành thuộc địa của Na Uy từ năm 1261. Tuy nhiên về sau dần dần rơi vào tay Đan Mạch và tới năm 1814 khi thì hoàn toàn trở thành thuộc địa của Đan Mạch. Năm 1953 Greenland trở thành một tỉnh của Đan Mạch.

Sau cuộc trưng cầu ý dân năm 1978, Greenland được trao cho quyền tự trị. Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 1979, theo đó Nữ hoàng Đan Mạch, Margrethe II, vẫn là quốc trưởng của Greenland

Chính quyền địa phương quản lý hầu hết các vấn đề đối nội nhưng về ngoại giao và quốc phòng thì phụ thuộc vào Đan Mạch và mỗi năm được Đan Mạch tài trợ hàng trăm triệu Mỹ kim.

Có những lý do để ông Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung chú ý đến vấn đề này

Thứ nhất là dấu ấn hay di sản cá nhân. Trump là một người rất quan tâm tới thành tích cá nhân của mình, nếu mua được Greenland thì ông ta sẽ đi vào lịch sử như là vị tổng thống đã góp phần mở rộng lãnh thổ.

Trên thực tế Mỹ từng muốn mua Greenland. Năm 1946, ngoại trưởng Mỹ James Byrnes dưới thời Tổng thống Harry Truman đã đưa ra ý tưởng trên với ngoại trưởng Đan Mạch tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York với giá 100 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên đề nghị này bị làm lơ và sau đó hai bên không hề tiến xa hơn.

Hơn một thể kỷ trước đó nữa Mỹ cũng nhắm tới việc mua Greenland từ người Đan Mạch, sau thương vụ mua lại Alaska từ người Nga với giá 7.2 triệu USD vào năm 1867

Hai năm sau vụ mua lại Alaska, Mỹ cũng từng mua quần đảo Philippines từ Tây Ban Nha vào năm 1898 với giá 20 triệu USD và mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch năm 1917 với giá 25 triệu USD.

Thương vụ mua lại đất nổi tiếng nhất của Mỹ diễn ra vào năm 1803 khi chính quyền mua Louisiana từ tay người Pháp. Mỹ đã chi 15 triệu USD vào thời điểm đó cho vùng đất trải rộng gần 25% lãnh thổ nước Mỹ hiện tại.

Thứ hai, người ta tin là Greenland rất giàu tài nguyên, có một trữ lượng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium và dầu dồi dào. Hầu hết nguồn tài nguyên kể trên đều chưa được khai thác bởi phần lớn diện tích hòn đảo bị băng bao phủ. Tuy nhiên, với tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên, các lớp băng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng, việc khai thác các nguồn tài nguyên này dễ dàng hơn,

Thứ ba là khía cạnh địa lý chính trị. Trong Đệ nhị thế chiến Greenland là một trạm trung chuyển hàng không quan trọng của phe Đồng Minh, để chở hàng tiếp liệu từ Mỹ sang Anh. Còn là căn cứ để theo dõi tàu chiến và tàu ngầm của Đức Quốc Xã di chuyển qua “Đại lộ Bắc Cực”, cửa ngõ đường thủy vào phía Bắc Đại Tây Dương.

Greenland từng đóng bai trò rất trọng yếu trong chiến lược phòng thủ của Mỹ trong Chiến Tranh Lạnh. Năm 1953 Mỹ xây dựng căn cứ ở Thule, Greenland để đảm nhiệm vai trò kiểm soát nhằm đối phó trong trường hợp Nga tấn công. Căn cứ ở Thule là một phần trong sứ mệnh của NATO, có nhiệm vụ vận hành các hệ thống theo dõi vệ tinh và phát hiện hỏa tiển chiến lược, có thể phát hiện hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa bay về phía Mỹ.

Thứ tư là tương lai Bắc cực tan băng.

Ngoài nguồn tài nguyên cực kỳ dồi dào, việc băng tan sẽ hình thành nên những hải trình Á – Âu – Mỹ hoàn toàn mới. Theo dự báo thì chỉ trong ngót nửa thế kỷ nữa, vào mùa hè, 80 % diện tích Bắc Băng Dương không còn phủ băng và sẽ mở ra tuyến đường hàng hải cho phép tàu bè Trung Quốc nối liền Thượng Hải với Hambourg, cảng lớn của Đức.

Để đi từ London sang Tokyo theo đường tây bắc, xuyên qua đỉnh Bắc Mỹ chiều dài sẽ là 13,680km. Trái lại đi theo tuyến hiện nay phải vòng qua kênh đào Panama, chiều dài 24,140km.

Nếu đi theo tuyến biển Bắc, xuyên qua đỉnh Bắc Âu và Nga chiều dài chỉ là 12,800km. Trái lại đi theo con đường cổ điển, qua kênh đào Suez, bọc vòng xuống Ấn Độ Dương, qua eo biển Malacca, phải vượt chiều dài 21,000km.

Hậu quả từ sự hình thành của tuyến đường hàng hải mới này sẽ là những tranh chấp lãnh thổ, khi các quốc gia sở hữu tuyến dường tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Tranh chấp tại Bắc Cực: Trung Quốc nhảy vào

Hiện tại Nga và Canada đã xem tuyến đường rút ngắn này là tài sản quốc gia của mình trong khi các nước khác thì muốn quốc tế hải trình này, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc.

Cả trong trường hợp Canada có được công nhận chủ quyền tại Bắc cực thì vùng biển giữa Bắc cực và Canada vẫn còn nguy cơ gây tranh cãi hay xung đột.

Lấy thí dụ vùng biển Northwest Passage nằm giữa hai đảo Somerset Island – Devon Island, và Melville Island – đảo Banks Island. Canada khẳng định đây là hải phận của mình nhưng Mỹ và các nước khác, đặc biệt là Nga kịch liệt phản đối. Không đồng ý như thế, nhấn mạnh rằng Northwest Passage là một eo biển quốc tế và do đó tàu bè có quyền tự do lưu thông.

Và thứ năm là tham vọng của Trung Quốc

Từ năm 2004 Trung Quốc đã chạy đua về Bắc cực với đủ thủ đoạn chính trị. Năm 2018, một tổ chức thân chính của Trung Quốc Năm 2018, một tổ chức được chính phủ Trung Quốc ủng hộ đã đề nghị xây dựng 3 phi trường quốc tế mới ở Greenland và điều này đã khiến Đan Mạch lẫn Mỹ phải giật mình theo dõi và sau đó đề nghị này bị Greenland bác bỏ,

Mỹ phải kềm chân đối thủ mới nổi này, không chỉ tại Greenland mà trong cuộc tranh giành Bắc Cực.

Ngày 8.8.2013, tàu thương mại Vĩnh Thành của Trung Quốc trở thành tàu hàng đầu tiên đi sang châu Âu bằng đường tắt qua ngả Bắc Cực thay cho tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez.

Chuyến đi của tàu buôn Trung Quốc này chính thức mở ra thời kỳ khai thác thương mại tuyến đường hàng hải đi xuyên qua Bắc Cực nối liền 2 châu lục Á và Âu. Đây được cho là một đột phá cực lớn khi vào năm 2012 chỉ có 40 tàu qua được cung đường này và tất cả đều là tàu thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học.

Tháng Tư năm 2013 Trung Quốc thông báo hợp đồng đóng một tàu phá băng lớn và hiện đại, có trọng tải 8,000 tấn, được trang bị bãi đáp trực thăng và có thể phá những lớp băng dày 1.5 mét, hạ thủy vào năm 2014. Đây là chiếc thứ hai sau chiếc Tuyết Long mà Bắc Kinh đã mua của Ukraine vào năm 1993 và từng bị kẹt tại Nam Cực vào cuối năm 2013, phải nhờ Úc giải cứu.

Cuộc chạy đua về Bắc cực đã thực sự “nóng” lên với tay chơi mới này, dù nó “cách xa vạn dặm” so với Bắc Cực.

Dĩ nhiên Trung Quốc không dại dột đến mức đòi hỏi chủ quyền tại đây nhưng nước này đã không ngần ngại biểu lộ tham vọng của mình với tài nguyên Bắc Cực và luôn vận động để có chân đứng và tiếng nói trong các vấn đề Bắc Cực.

Ngoài ra Trung Quốc còn ráo riết hành động và chuẩn bị để một khi lớp băng che phủ bề mặt đại dương tan ra là có thể sẵn sàng hành động.

Biết mình không có địa thế thuận lợi trực tiếp đối với Bắc Cực nên Trung Quốc đã tìm cách đi đường vòng để tham gia vào cuộc chạy đua.

Tạm thời Bắc Cực được phân chia theo nguyên trạng, ai đang giữ phần nào thì cứ tạm ở đó, việc khác để “Hội đồng Bắc Cực” phân giải. Hội đồng này ra đời vào năm 1996 gồm 8 nước Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thuỵ Điển và Nga nhằm đạt tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở và khai thác tài nguyên.

Trong cái cảnh tạm hoãn này, Trung Quốc đã đòi hỏi mình phải có tiếng nói trong tổ chức này.

Năm 2009 Trung Quốc đệ đơn xin làm quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc cực với giọng điệu rất hào hiệp là “góp phần hành động để bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ băng tan ở Bắc Cực làm ngập các khu vực ven biển của Trung Quốc” nhưng bị từ chối. Rút kinh nghiệm, Trung Quốc lại dùng chiêu mua chuộc và kết quả là năm 2013 được tham gia như một quan sát viên.

Để đạt mục đích này Trung Quốc đã vung tiền tăng cường quan hệ kinh tế với các nước cận cực tại Bắc Âu như Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển nhằm biến họ thành tay trong của mình.

Ngư nghiệp là thành phần chính của kinh tế Iceland và đảo quốc gần Bắc cực này phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất cảng hàng hải sản sang Trung Quốc. Chưa hết, năm 2010, Trung Quốc đã hào sảng với hợp đồng hoán đổi tiền tệ bổ sung trị giá 500 triệu Mỹ kim để giúp hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn của Iceland sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cũng trong năm 2010, Trung Quốc đã ký kết với Đan Mạch thỏa thuận trị giá 740 triệu Mỹ kim trong các lĩnh vực như năng lượng, nền kinh tế xanh, nông nghiệp và an ninh lương thực. Trong chuyến thăm các nước Bắc Âu vào tháng 4 nẳm 2013, nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ký hiệp ước 6 điểm với đảo quốc này, bao gồm hợp tác nghiên cứu về Bắc cực. Đến tháng 6.2013, nguyện Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Đan Mạch.

Trong nướcTrung Quốc đã đầu tư cho ít nhất 10 trường đại học chuyên nghiên cứu về hải dương học, về luật biển, về môi trường, nghĩa là tất cả những gì có thể giúp họ đòi chia chác và gây ảnh hưởng tại Bắc Băng Dương.

Tại Biển Đông, Trung Quốc luôn bác bỏ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và trưng dẫn những về “bằng chứng lịch sử” mơ hồ để đòi hỏi “chủ quyền lưỡi bò” thì tại Bắc Cực, Trung Quốc làm điều ngược lại. Tại đây Trung Quốc luôn viện dẫn UNCLOS và không ngó ngàng gì đến những “bằng chứng lịch sử” của các nước cận cực.

Hiện tại, giới học giả Trung Quốc đã gân cổ lên cãi rằng theo UNCLOS thì Bắc Băng Dương là tài sản chung của nhân loại, mà Trung Quốc cũng là… một phần của nhân loại, do đó hoàn toàn có quyền hưởng lợi.

Cũng giống như giọng điệu khi tranh giành chủ quyền tại Nam cực với Úc, Trung Quốc cho rằng nếu mình đã bị thiệt thòi do những tác động của biến đổi khí hậu mang lại, Trung Quốc cũng phải được chia phần từ mối lợi trên quả đất do biến đổi khí hậu mang lại!

Theo lập luận này thì mối lợi nhất mà biến đổi khí hậu mang lại chính là nguồn tài nguyên nằm sâu dưới các khối băng ở Bắc cực.

Trung Quốc theo đuổi chiến thuật này không ngoài ba lợi điểm mà Bắc Cực có thể mang lại cho họ để tiến lên vai trò cường quốc: tài nguyên, vị thế chiến lược và giao thông hàng hải!

Ai cũng biết Trung Quốc rất đói tài nguyên và đặc biệt là nhu cầu năng lượng cực kỳ lớn. Để thành một cường quốc thì Trung Quốc cần có một nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu ổn định, bền vững và an toàn.

Ngoài ra kinh tế Trung Quốc phụ thuộc và hàng xuất cảng và có đến 50% sản lượng quốc gia tùy thuộc vào giao thông hàng hải. Nếu Greenland sẽ tan băng trong một tương lai không xa thì bắc Băng Dương sẽ là đường hàng hải quan trọng, cửa cho phép tàu bè của Trung Quốc đi thẳng từ Thượng Hải tới Hambourg, rút ngắn hành trình đến 6 000 km so với các đường hàng hải hiện tại, hiện đang ngày càng bất an với nạn cướp biển tại Somalia và eo biển Mallaca của các nước Đông Nam Á đang tranh chấp biển với mình.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts