Vào buổi sáng thứ 4 ngày 21tháng 08 năm 2019, tôi xem truyền hình trực tiếp tường thuật kết quả việc kháng cáo lên Tòa Thượng Thẩm của cụ Hồng Y George Pell.
Trước khi Tòa tuyên bố kết quả, phóng viên phỏng vấn một luật sư thâm niên (Q.C – Quens Counsel). Luật sư này cho biết theo sự phỏng đoán của ông, Tòa Thượng Thẩm sẽ chấp nhận sự kháng cáo của cụ Pell và cho xử lại.
Nhưng trái với dự đoán của nhiều luật gia như ông, Tòa Thượng Thẩm với đa số 2 – 1, đã bác sự kháng án của Hồng Y Pell.
Ông lão 78 tuổi đời sẽ tiếp tục nằm tù.
Chánh thẩm Anne Ferguson đọc bản tóm lược bản án. Bà và ông phụ thẩm Chris Maxwell cho rằng lời khai của nguyên cáo là đáng tin cậy. Vì thế bồi thẩm đoàn đã đưa ra một kết luận hợp lý là bị cáo có tội.
Vị chánh án thứ ba bất đồng ý kiến. Vị này cho rằng Hồng Y Pell có thể được tha bổng.
Kết quả bản án đã gây ra một phản ứng rất trái ngược. Phe tả và các nạn nhân của nạn tấn công tình dục trong hàng giáo phẩm Công giáo vui mừng. Họ cho rằng công lý đã thắng. Ngược lại, phe hữu như các cây bút Miranda Divine, Andrew Bolt cho rằng phe đa số của Tòa Thượng Thẩm đã sai lầm.
Một phe trung dung gồm các luật gia tên tuổi ủng hộ lập trường, lý luận của chánh án ngồi ghế phụ thẩm Mark Weinberg. Trên truyền hình tôi thấy chánh án Weinberg nói vắn tắt trước khi bà chánh thẩm đọc bản án:
“Với tất cả lòng kính trọng đối với hai vị đồng nghiệp, tôi tuyên bố không đồng ý với hai vị”.
Sau đó bản án nguyên văn được công bố, dài 325 trang. Trong 325 trang giấy, chánh án Weinberg đã đưa ra những lý luận của mình chiếm tới 204 trang, tức 2/3 bản án. Ông phát biểu:
“Rất có thể (a significant possibility) vị Hồng Y đã không phạm pháp về tấn công tình dục trẻ em mà ông đang bị giam và ông có thể được tha bổng”
Ông viết tiếp:
“Từ bằng chứng của nguyên cáo, người ta có thể thấy rằng có rất nhiều điều có thể bị chỉ trích một cách chính đáng. Có những bằng cớ không ăn khớp, có những điều khác biệt nhau, và một số câu trả lời của nguyên cáo chẳng có nghĩa gì cả (and a number of his answers simply made no sense)
Theo chánh án Weinberg:
“Điều bất thường trong vụ án này là nó tùy thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của nguyên cáo là hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa. Ấy thế mà bồi thẩm đoàn lại được yêu cầu để chấp nhận lời khai của nguyên cáo mà không có một bằng cớ độc lập nào khác hỗ trợ”
Theo giáo sư luật Jeremy Gans, thuộc trường Đại Học Melbourne, thi chánh án Weinberg được liệt vào hàng ngũ những chánh án được nể trọng bậc nhất tại Úc. Vì thế Hồng Y Pell có thêm cơ hội để thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện. Giáo sư Gans cho rằng vụ án này làm chia rẽ nước Úc. Rõ ràng là vụ án cũng làm Tòa án chia cách. Ông cho biết Tối Cao Pháp Viện có thể xét tới hai điểm. Một là có vấn đề thuần túy về luật. Hai là có thể có điều gì bất công trong vụ án (SMH 22/08/2019, trang 8).
Một giáo sư luật khác, Mirko Bagaric thuộc trường Đại Học Swinburn hết lời ca tụng chánh án bất đồng ý kiến Weinberg.
Ông phát biểu rằng ông hết sức ngạc nhiên tại sao hai vị chánh án kia không theo ý kiến của ông Weinberg bởi vì chánh án bất đồng ý kiến rõ ràng là một người thông thái nhất tại Tòa Thượng Thẩm Victoria (clearly the brightest bloke on the Victoria Court of Appeal). Theo giáo sư Bagaric, chánh án Weinberg là cây đại thụ về luật hình. Ông có nhiều kinh nghiệm về luật hình sự hơn hai vị kia. Chánh án Weinberg có thể đã tha bổng Hồng Y Pell vì việc kết tội của bồi thẩm đoàn không hợp lý, và không thể đứng vững với bằng cớ từ phía nguyên cáo (The Australian 22/08/2019, trang 6).
Chánh án Weinberg trước đây giữ chức Giám đốc Công tố Viện liên bang vì thế ông có nhiều kinh nghiệm về hình luật.
Luật sư của cụ Pell tuyên bố đang nghiên cứu các lý do để thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện.
Tối Cao Pháp Viện thường xử 50 vụ một năm. Trong năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ ít nhất bốn vụ án do Tòa Thượng Thẩm Victoria xử.
Khi đi học luật trở lại tại Úc, tôi thường thích thú theo dõi quan điểm bất đồng của ông chánh án Micheal Kirby trong các bản án khi ông còn ngồi ghế chánh án tại Tòa Thượng Thẩm New South Wales.
Những lý luận của ông rất sắc bén, trái ngược với hai vị đồng nghiệp. Khi lên đến Tối Cao Pháp Viện, quan điểm của chánh án Kirby lại được Tòa Tối Cao cho là hợp lý hơn phe đa số.
Vì luật của Úc bắt nguồn từ luật Anh nên sinh viên phải đọc khá nhiều án lệ của Anh. Một chánh án thời danh của Anh là Lord Denning – ông cũng thường có quan điểm bất đồng với đa số.
Sinh viên luật nào cũng ngưỡng mộ lối lý luận mạch lạc, dễ hiểu của Lord Denning. Ông lại có lối văn ngắn gọn, không dài lê thê khó nắm bắt của nhiều vị chánh án khác.
Hiện các luật sư của Hồng Y Pell có 21 ngày kể từ ngày 21/08/2019 để nạp đơn thượng tố.
Khi nhìn bức ảnh trên báo Hồng Y Pell rời phiên tòa thua cuộc trở lại nhà giam hai tay bị còng, các ngón tay phủ một làn da nhăn nheo của một lão ông tuổi đời đã 78, tôi bỗng nhớ lại hai câu thơ thời trung học tại Sài Gòn:
“Bức tranh Vân Cẩu vẽ người tang thương”
Nhưng trong đôi mắt của con người tang thương ấy đang lóe lên một tia sáng hy vọng trong con đường hầm tăm tối tù đày của ông.
Tia sáng đó là việc ông thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện.
LS Trần Hữu Trung
Sydney 25/08/2019