Câu chuyện về ly nước và lối tư duy tích cực

Tác giả Paul Hellman từng kể về lời nói đùa thú vị nhất của tổng thống Hoa Kỳ thứ 40 của Hoa Kỳ – Ronald Reagan với người vợ: “Em yêu, anh quên né”. Câu nói đùa tuyệt vời không phải ở nội dung, mà là ở thời điểm sau khi viên đạn chỉ đi sượt tim ông một chút.

“Tôi hi vọng tất cả mọi người đều theo đảng Cộng Hòa”, tổng thống Ronald Reagan còn nói đùa với các bác sĩ phẫu thuật và toàn thể đất nước cũng thế. Kết quả tỷ lệ ủng hộ Reagan tăng vọt lên 73%.

Chúng ta thử tự đặt mình vào hoàn cảnh của Tổng thống Mỹ, có lẽ phản ứng sẽ là chấn động, hoảng sợ khi chỉ vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Câu chuyện của tổng thống Ronald Reagan là bài học lối tư duy tích cực trong tình huống khó khăn. Chúng ta có thể bị vây hãm trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng không bao giờ bị giới hạn về mặt tư duy.


Tổng thống Ronald Reagan

Cuộc sống trăm mối ngổn ngang khiến con người hiện đại dễ dàng rơi vào vòng xoáy lo âu, phiền muộn. Nghiên cứu gần đây của Korn Ferry phát hiện thấy stress do công việc đang trên đà gia tăng. Đây một phần cũng là hệ quả của việc hiểu chưa đúng đắn về stress cũng như cách phòng tránh.

Stress do công việc là một phản ứng từ cảm xúc chứ không đơn thuần bởi tình thế khó khăn. Stress về cơ bản là một phản ứng của tâm lý, nó bắt đầu từ một suy nghĩ sản sinh ra để diễn giải thực tại và cảm xúc nảy sinh sau đó. Thay vì để cho suy nghĩ tiêu cực gây nên căng thẳng, bạn có thể thay thế bằng lối tư duy tích cực.

Trên thực tế stress có thể phân thành hai loại: stress tốt và stress xấu. Stress tốt là khi bạn phải đương đầu với thử thách mà bản thân yêu thích. Trái ngược lại là stress xấu sản sinh khi bạn gặp phải tình huống không yêu thích. Stress xấu gây ảnh hưởng tiêu cực lên tinh thần lẫn sức khỏe.

Các nghiên cứu phát hiện thấy chi phí y tế tăng thêm 50% ở những nhân viên stress cao độ với hệ quả là rối loạn giấc ngủ, kém tập trung, vấn đề dạ dày, nóng giận, lãnh đạm, đau đầu, mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, bệnh mạn tính và bệnh tim.

Nghiên cứu từ trường Đại học Princeton cũng phát hiện qua quá trình stress kéo dài, các phần của não bộ teo nhỏ và khả năng tư duy chính xác có thể bị suy giảm. Trong khi stress con người dễ gặp tai nạn, lạm dụng chất, cô lập bản thân khỏi đồng nghiệp, gây bất hòa với mọi người và nghiêm trọng hơn là ý nghĩ tự tử.

Hiệp hội Stress Hoa Kỳ cho biết nguyên nhân hàng đầu gây stress là quá tải công việc (chiếm gần một nửa), đứng sau đó là vấn đề con người, cân bằng công việc cuộc sống, cuối cùng là công việc kém an toàn.

Dĩ nhiên, đa phần những điều trên không phải là nguyên nhân thực sự. Căn nguyên nằm ở cách suy nghĩ của mỗi chúng ta. Một số lời khuyên giúp giải quyết stress bao gồm các hoạt động thể chất như tập thể dục, hít thở sâu, nghỉ ngơi, ngủ thêm và thay đổi chế độ ăn, khi tất cả đều thất bại thì cần thay đổi công việc hoặc nhận sự tư vấn từ bác sĩ tâm lý.

Sự việc tốt hay xấu đều xuất phát từ suy nghĩ của chúng ta. 

Mặt khác các lời khuyên về mặt tinh thần cũng được đưa ra như thay đổi lối tư duy, hướng đến việc tự kiểm soát suy nghĩ bản thân. Ngăn những suy nghĩ tiêu cực khi xuất hiện tác nhân gây stress và gán cho tác nhân đó một ý nghĩa tích cực hơn bình thường. 

Lấy ví dụ, nếu một đồng nghiệp cần sự giúp đỡ ngay lập tức, phản xạ đầu tiên có thể là “tại sao anh ta không tự làm mà nhờ mình giúp, mình đã rất bận rồi”. Chúng ta nên suy nghĩ theo hướng tích cực hơn: “Anh ấy thấy rằng việc này không quá khó đối với mình, thật tuyệt khi mình có khả năng giúp đồng nghiệp mà vẫn hoàn thành chỉ tiêu”.

Những đức tính tích cực bao gồm thiện lương, chân thành, khoan dung, niềm vui, nhiệt tình, biết ơn, can đảm, niềm tin và sự bằng lòng v.v. Chúng đều là những tư duy tích cực và ít nhất sẽ giúp thay đổi cách nhìn bức tranh ảm đạm.

Khi đang lạc trong mê cung rối rắm, đừng tự giam mình trong những tiểu tiết. Hãy đưa tầm mắt lên cao, nhảy thoát khỏi mê cung cùng những suy nghĩ tiêu cực và bình tĩnh quan sát một cách toàn diện. Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ thấy cuộc sống thật yên bình bất kể bên ngoài bão tố.

Hoàn cảnh xung quanh đa phần là xuất phát từ lối suy nghĩ của chúng ta:

Cuộc sống giống như một ly nước đang uống.

Ly nước không bao giờ tràn đầy, cũng như đời ta không bao giờ hoàn hảo.

Vậy nên:

Nửa ly nước đầy hay vơi là do cách nhìn của mỗi người.

Nhìn ly nước nửa vơi, ta quan tâm những thứ mình không có và mãi mãi cảm thấy chơi vơi.

Nhìn ly nước nửa đầy, ta trân trọng những gì mình đang có và luôn thấy cuộc sống viên mãn.

Trước khi thay đổi thế giới, hãy học cách thay đổi chính mình. Suy nghĩ là của riêng mỗi người. Bằng việc nắm vững bản thân và những đạo lý phổ quát, chúng ta sẽ thực sự làm chủ được công việc của sức khỏe. 

Làm thế nào để làm chủ suy nghĩ bản thân, làm thế nào để biết được suy nghĩ tích cực, đúng đắn. Thiền định là một biện pháp tuyệt vời giúp chúng ta tăng cường định lực, làm chủ cảm xúc và suy nghĩ. Tinh hoa văn hóa truyền thống giúp nhân loại duy trì đạo đức hàng ngàn năm qua cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho lối tư duy của con người hiện đại.

Đại Hải

Related posts