Sinh, bệnh,… tử

Ở đời có bốn cái không tránh được. Úi! Ba cái thôi. Còn cái kia thì người ta tránh hoài. Tránh nhăn nheo ư? Thoa son trát phấn lên đôi môi gò má. Tránh tóc tuyết trắng ư? Đổ thuốc nhuộm lên đỉnh đầu. Tránh cái già nó xồng xộc tới ư?… Thì ta chối bỏ năm tháng mà quay ngược kim đồng hồ;… thì ta than thân trách phận hay tìm quên…
Chúng ta tránh già. Đúng hơn, chúng ta chận không cho tuổi già tới vì tưởng già không phải là một giá trị mà toàn là mất mát. Già thì mất đẹp. Già thì mất sức khỏe. Già thì hết duyên. Già thì không còn… gân. Toàn là mất mát. Thật ra, già còn là thâu thái thêm chứ không chỉ mất mát hay lụn bại.

Bên Mỹ có bà tiến sỹ Mary Pipher, năm nay 71 xuân xanh, vừa in cuốn sách tên là ‘Women Rowing North: Navigating Life’s Currents and Flourishing As We Age’, Cụ bà chèo thuyền lên hướng Bắc: Lèo lái qua giòng đời và càng già càng khoe sắc’ do Bloomsbury Publishing; 1 edition (January 15, 2019). Sách được ba tờ báo lớn là The New York Times, USA Today và Publishers Weekly chọn làm ‘sách bán chạy, Bestseller’.
Bà tiến sỹ tâm lý này cho rằng các cụ ông càng già thì càng thấy vui sống. Còn cụ bà thì sao? Đây là đề tài của cuốn sách và cũng là ngành chuyên môn của cụ bà tiến sỹ.
Cụ bà — dù luống tuổi tới đâu — vẫn là bóng hồng. Cả đời nâng niu những ánh nhìn ngưỡng mộ của thiên hạ vì mình đẹp. Chừng nào không còn thấy người ta khen đẹp nữa thì hết vui. Đó là lúc cái già xồng xộc nó tới rồi đó. Với phái đẹp, già không vì tuổi tác mà vì tàn phai nhan sắc. Chừng nào cụ bà chấp nhận chính mình thì chừng đó cụ mới thấy vui. Đây là chuyện thiệt khó.
Dừng tưởng người già đã khổ. Bà tiến sỹ già Pipher cho biết trường đại học California ở San Diego đã mở ra một nghiên cứu mà kết quả là: ở Hoa Kỳ và Anh Quốc không có lớp người nào vui sống hơn người già. Riêng ở Hoa Kỳ, người già vui sống cho đến gần ‘mút chỉ’ cuộc đời. Chỉ vài ba tháng trước khi quy tiên, các cụ mới sa sút tinh thần.

Nhờ từng trải, người già biết chính mình – chứ không ai khác — làm cho mình vui sống. Sống vui không bởi tiền tài, danh tiếng hay chức phận mà ở thái độ của mình trước chuyện xảy ra. Ý tưởng này làm ta nhớ tới một câu Nho nhe của Nguyễn Công Trứ:
Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc,
Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn.
Biết đủ là đủ, mong đủ bao giờ mới đủ.
Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn.

Muốn như thế, chúng ta cần học thêm một số ‘kỹ năng’. Thật vậy, một người làm thợ hồ phải học trộn xi-măng, sắp gạch, đặt vữa mà xây thành bức tường. Làm bác sỹ, kỹ sư phải học hết 13 năm trung học và thêm nhiều năm ở đại học. Nhiều cô cậu yêu nhau và tính thề non hẹn biển sống bên nhau suốt đời cũng dẫn nhau dự các khóa học ‘tiền hôn nhân’. Khi sắp sinh con, cô cậu lại học cách dưỡng thai, bồng ẳm con, tắm cho con…. Nhất nhất ở Úc đều có khóa học giúp người ta đạt ‘kỹ năng’ để sống.
Tiếc thay, chưa phổ biến những khóa học giúp chúng ta sống vui tuổi già. Đúng ra, chúng ta phải bỏ ra sáu mươi hay bảy mươi năm lăn lóc giữa đời mới biết làm… người già.
Ai đã từng đẹp đều biết không phải nhiều người đẹp như mình. Vậy thì ai đang hưởng tuổi già thì phải biết không phải ai cũng được… già. Ai hỏi ‘Thưa cụ, năm nay cụ được nhiêu?’, người mình thường trả lời ‘Cám Trời ban cho…’. Tuổi tác là quà quí không phải ai cũng được hưởng. Biết mình được phước là bước đầu tiên để hưởng phước.
Phước thường do chính mình chọn. Bác sỹ Nguyễn Hồng Ngọc mà nhiều bạn đọc đã biết tới; ông viết nhiều bài rất dí dỏm về cách sống, sức khỏe, và tuổi già. Có lần bác sỹ này viết ‘…Vấn đề là ở chỗ chọn lựa. Thiên đàng Địa ngục hai bên… Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, ông nói có gì đâu, mỗi sáng, thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình nên ở thiên đàng hay địa ngục đây… rồi tôi chọn thiên đàng’. Ông đó chọn thiên đàng. Còn bạn đọc…. cũng được quyền chọn. Bạn chọn hôm nay sống ở đâu?
Khi chọn lựa, có thể chúng ta chọn lộn. Những lúc đó, có lẽ thêm tí chút khôi hài như thể tiêu, muối, đường, và nước mắm điểm cho đời ý vị. Trong cõi ta bà Facebook chuyền tay nhau nhiều câu thơ thiệt vui:
60 đang tuổi ăn chơi,
Sáng, trưa, chiều, tối; hết ngồi lại đi.
60 là tuổi dậy thì,
Rất mê bác sĩ, thuốc gì cũng nghe.

70 sang tuổi si tình,
Mắt nhìn đắm đuối một hình hóa hai.
70 như giọt sương mai,
Chăm chỉ luyện tập kéo dài tuổi xuân.

Có khôi hài mà thêm tí ‘bất cần đời’ thì tuổi già hóa thành ‘an nhiên tự tại’, nhìn đời ‘…như nước chảy qua cầu’. Có thế, chắc là bạn già chúng ta dám (xin vô phép) ‘Cãi Phật’ như tên bài thơ của nhà thơ đã sống qua hai chế độ Cộng Hòa và Cộng Sản Nguyễn Bắc Sơn:
Phật bảo đời người như biển khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu.

Việt Luận

Related posts