Hai ông cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền Thông (TTTT) từng lên lớp dạy đời thiên hạ về đạo đức đã thành khẩn khai nhận tội ăn hối lộ, trong đó Nguyễn Bắc Son nhận “ăn” 3 triệu Mỹ kim, Trương Minh Tuấn thì ăn ít hơn, chỉ có 200,000 Mỹ kim thôi.
Không gì mỉa mai cho
việc hai ông quan này bị bắt. Son từng là phó chánh văn phòng “Bộ Tư lệnh bảo
vệ lăng”, có trách nhiệm trông chừng nhà mồ của Hồ Chí Minh, vậy mà Son bị bắt
giữa lúc CSVN rầm rộ tưởng niệm 50 năm “thực hiện di chúc” và
50 năm bảo quản thi hài người”. Còn Tuấn – kẻ bị mệnh danh là “bạo chúa truyền
thông” — bị truy tố giữa lúc tập tài liệu Phòng chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong tư tưởng cán bộ đảng viên vẫn còn là tài liệu học tập của cán
bộ đảng viên.
Nhân diễn biến này, chúng ta hãy nhìn lại “quá trình phấn đấu” của hai tên tham quan này để không chỉ thấy lại bản chất của những hai “đồng chì bị lộ mà qua đó thấy rõ chân tướng của bộ máy cầm quyền cộng sản.
Nguyễn Bắc Son
Bị bắt Son khai ra con gái và khi hai cha con bị đưa ra đối chất, Son còn bị con gái phản bội. Xem ra thì quá nhục nhã nhưng đây không phải là lần đầu tiên Son bị nhục. Trước đây Son từng nhiều lần nhịn nhục khi bị các tướng lãnh lão thành như Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Trần Văn Quang quát vào mặt, bảo phải cút khỏi nhà tao!
Như vậy thì Son là người thế nào, y đã tiến thân ra sao?
Trước hết là tiểu sử chính thống của Son, theo Cổng thông tin chính phủ lúc Son còn đương chức:
“Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son
Sinh ngày: 22/08/1953
Quê quán: Hà Nội
Học vị: Tiến sỹ
Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI
Đại biểu Quốc hội Khoá XIII
5/1971-9/1971: Chiến sỹ D36, D38, F304B.
10/1971-8/1972: Chiến sỹ trinh sát C20, E165, F312, chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào), sau đó đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.
9/1972-3/1973: Tham gia chiến dịch A2 tại Quảng Trị, C4, E165, F312.
4/1973-10/1978: Đào tạo sỹ quan trinh sát tại Trường Sỹ quan Lục quân 1 và đào tạo cán bộ chính trị tại Trường Sỹ quan chính trị.
11/1978-2/1979: Chính trị viên phó C1, D3 Trường Sỹ quan Lục quân 1.
2/1979-7/1979: Tham gia chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng, chính trị viên C4, D3, E183, Quân khu 1.
8/1979-2/1981: Trợ lý cán bộ, Phòng Cán bộ, Trường Sỹ quan Lục quân 1.
3/1981-4/1987: Đại úy, Trợ lý cán bộ – Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4/1987-5/1992: Thiếu tá, Trung tá, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban Cán bộ – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng.
6/1992-3/1994: Trung tá, Phó Chánh văn phòng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4/1994-3/1997: Thượng tá, Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị, Thư ký Chủ tịch nước Lê Đức Anh
4/1997-3/2003: Trợlý Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đại tá (9/1999).
3/2003-12/2005: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên.
1/2006-8/2007: Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 8/2007: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.”
Đây quả là tiểu sử khó tin, dù đăng trên trang web chính thức của Văn phòng chính phủ.
Thầy nào tớ đó. Nếu Anh có một lý lịch mập mờ thì Sơn cũng có một lý lịch tương tự.
Thứ nhất, Anh làm chủ tịch nước từ năm 1992, đến cuối năm năm 1997 thì về hưu giữa đường cùng Đỗ Mười. Từ 1997 Anh và Mười đảm nhiệm vai trò “Cố vấn Trung ương đảng” nhưng đến năm 2001 ban này bị nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu giải tán.
Thế nhưng tiểu sử trên ghi nhận Anh là trợ lý chủ tịch nước cho đến tận năm 2003: Sơn là “thư ký chủ tịch nước Lê Đức Anh” từ 4/1994 đến 3/1997, sau đó là “trợ lý chủ tịch nước Lê Đức Anh” từ 4/1997 đến 3/2003!
Thứ hai, tiểu sử cho biết Sơn có bằng tiến sĩ nhưng không cho biết tiến sĩ gì, và học ở đâu. Từ trên xuống dưới chỉ thấy Sơn học tại Trường Sỹ quan Lục quân 1 và Trường Sỹ quan chính trị.
Sơn lấy bằng tiến sĩ ở đây ư?
Nhưng chắc chắn Sơn là một tay chân đắc lực của Anh. Cả việc khi về hưu Anh vẫn sử dụng Sơn làm trợ lý đã chứng tỏ việc này. Chính vì vậy nên sau đó đã sử dụng quyền lực của mình để dàn xếp cho Sơn chân tỉnh ủy Thái Nguyên. Từ bệ phóng này nên Sơn mới có cơ hội để vào TƯ Đảng để tiến về Hà Nội với cái ghế bộ trưởng.
“Bản báo cáo tối mật” do phó chủ nhiệm Ban kiểm tra TƯĐ Vũ Quốc Hùng ký ngày 14.9/2001 gởi Thường vụ Bộ chính trị đã dành nguyên một đọan nhắc đến quan hệ Sơn – Anh:
“Về việc sau Hội nghị Trung ương 11 đồng chí Lê Đức Anh cử trợ lý đi thông báo ý kiến riêng của đồng chí: Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11, đồng chí Lê Đức Anh đã cử đồng chí trợ lý Nguyễn Bắc Son đi gặp trực tiếp một số đồng chí lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương và tướng lĩnh quân đội. Đồng chí Nguyễn Bắc Son đã đến gặp 19 đồng chí: Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết, Tố Hữu, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Thanh Bình, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Trần Văn Quang, Đặng Quân Thụy, Hoàng Anh, Nguyễn Chơn, Trần Lê, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Trọng Xuyên, Lê Hai, Phạm Văn Long, Nguyễn Thị Bình. Nội dung cuộc gặp là truyền đạt ý kiến của Cố vấn Lê Đức Anh thông báo một số vấn đề có liên quan đến Bộ Chính trị bàn về nhân sự Đại hội IX; đọc nguyên văn quyết định số 234, Kế hoạch A10 và bài phát biểu của đồng chí Lê Đức Anh tại Hội nghị Trung ương 11. Việc làm trên là vi phạm nguyên tắc.”
Trong khi đó lá thư do Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài và Trung tướng Lê Tự Đồng ký ngày 2.4.2011 trình bày:
-“Lê Đức Anh đã cho tay chân đi gặp nhiều người đặt điều bêu xấu và vận động lật đổ đồng chí Lê Khả Phiêu như: Đưa thư cho đồng chí Nguyễn Quyết đã bị đồng chí Nguyễn Quyết phản đối và đã báo cáo với đồng chí Phạm Thế Duyệt trong một cuộc họp do đồng chí Phạm Thế Duyệt chủ trì; cho người cầm thư đến vận động đồng chí Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam đã bị đồng chí Trần Văn Quang từ chối; cho người đưa thư tới vận động đồng chí Hoàng Minh Thảo và cũng bị đồng chí Hoàng Minh Thảo khước từ…
Chúng tôi thiết nghĩ: Lê Đức Anh, Đỗ Mười, là những cán bộ cao cấp, là Cố vấn của Ban chấp hành Trung ương Đảng mà lại có những hành động như vậy thật là quá đáng, cần bị lên án và cần có kỷ luật nghiêm khắc; tội này còn nặng hơn tội của những người có sai phạm về quan điểm, tư tưởng. Sai phạm của các Cố vấn còn kéo theo một số người cơ hội “theo đóm ăn tàn” như Trưởng ban Văn hoá Tư tưởng đã lạm dụng cương vị của mình để tung dư luận, vận động công khai trong cuộc họp báo mà chúng tôi đã có dịp trình bày (xin gửi kèm theo bài của báo Thanh Niên số 15, thứ tư ngày 17/01/2001).”
Lê Đức Anh vi phạm nguyên tắc. Người thực hiện hành động vô nguyên tắc của Anh chính là Son, do đó đi đến đâu Son bị đuổi đến đó.
Số là cuối năm năm 1997 Anh và Đỗ Mười bị ép về hưu giữa đường để Trần Đức Lương và Lê Khả Phiêu lên thay (Lương Chủ Tịch, Phiêu Tổng Bí Thư). Lúc đó Anh và Mười được giải quyết “danh dự” bằng chức danh “Cố vấn Trung ương đảng”, thế nhưng cả hai đã xoay xở để biến cái chức “Danh dự” này trở thành một vị trí “hữu danh hữu thực”, chuyên nghề đâm bị thóc thọc bị gạo. Bị quấy rầy mãi, năm 2001 Phiêu đâm cáu, ra lệnh giải tán Ban cố vấn, cho Anh và Mười về vườn. Tức giận, Anh và Mười vận động lật đổ Phiêu, sai Nguyễn Bắc Son – chạy như con thoi đâm thọt thay mình, và đó là lý do khiến Sơn bị nhiều công thần của đảng quát vào mặt, bảo cút ra khỏi nhà!
Cần nhắc lại rằng Lê Đức Anh cũng là thầy đỡ đầu của Nguyễn Tấn Dũng. Son tiến thân trong thời của Dũng thì cũng chẳng có gì là lạ!
Trương Minh Tuấn
Trương Minh Tuấn đã thực sự bị đóng đinh vào tháng Bảy năm ngoái. Đầu tiên ngày 12.7.2018 Tuấn bị Ban bí thư tước bỏ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT). Rồi 11 ngày sau Tuấn bị nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký lệnh tước bỏ chức Bộ trưởng Bộ TTT vì chịu trách nhiệm chính trong là vụ MobiFone mua AVG khiến nhà nước thiệt hại 8,000 tỷ đồng (US$349 triệu).”
Đây là luật nhân quả, Tuấn gieo gió nên giờ gặt bão? Hay là do Tuấn không biết chọn chúa mà thờ?
Tin hay không tin vào luật trên, ít ra nhìn vào những gì Tuấn đã làm và đã ăn đòn, ít ra thấy yếu tố nào cũng có một phần chứng nghiệm.
Nhưng trước hết chúng ta có thể thấy rằng Tuấn đã đi theo vết xe của Đinh La Thăng, biết mình có “phốt” nên cố công chuộc tội bằng cách lên gân, và đạp lên đầu người khác. Tuy nhiên cả hai đã không thể đảo chiều gió!
Khi vào làm Bí thư thành ủy tại Sài Gòn, Thăng đã tạo một không khí mới theo tinh thần mỵ dân của Nguyễn Bá Thanh. Chỗ nào có ách tắc, Thăng đích thân đến giải quyết, Giám đốc Sở nào lề mề; Thăng hạ nhục ngay tại chỗ. Trong một cuộc họp, Thăng tuyên bố sẽ thẳng tay loại bỏ những cán bộ biến chất có thể gây ảnh hưởng đến cho sự tồn tại của chế độ chính trị.
Thăng “quậy tưng” đất Sài Gòn khiến đám dân ngu khu đen nức lòng, báo chí tung hô, họ vỗ tay rôm rốp: Bí thư Thăng “đã” quá, tương tự Nguyễn Bá Thanh lúc dùng vơ vét đất bán cho nước ngoài và nhóm lợi ích để son phấn hóa Đà Nẵng, biến thành phố này thành “thành phố đáng sống”.
Nhưng từ khi Thăng về thì Sài Gòn thành đất của Hồng vệ binh an ninh và văn hóa. Công an Sài Gòn càng nặng tay với giới trí thức và nghệ sĩ yêu nước hơn: từ ngày tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma đến chiến tranh Việt – Trung 1979 v.v.., họ đeầu bị đàn áp thẳng tay nếu dám biểu lộ hành động “nhớ” đến hai ngày này. Ca sĩ Lộc VÀng (Nguyễn Văn Lôc, ca sĩ từng bị 10 năm tù vì tội hát nhạc vàng tại Hà Nội thời chiến) đã phải hủy bỏ chương trinh vào phút thứ 89 vào tối 30.3.2017. Nhưng dù “phấn đấu” như vậy Thăng cũng không thoát, chỉ hai tháng sau mất chức bí thư.
Phần Tuấn thì từ ngày lên nắm Bộ TTT kiêm Phó Ban tuyên giáo trung ương (BTGTƯ) cũng cố “phấn đấu” tương tự và trở thành tên đao phủ với hàng loạt vụ xử trảm báo chí và nhà báo. Tháng 10 năm 2016 là đỉnh cao tội ác của Tuấn với hàng loạt vụ xử trảm và “tuyên giáo hóa” báo chí, nói cách khác là “triệt để tăng cường sự lãnh đạo của đảng” trong bộ máy truyền thông.
Ngày 3.10.2016 Bộ TTT ra công văn cách chức Tổng biên tập của Nguyễn Như Phong (Phong vốn là đại tá an ninh ) và tạm đình bản tờ PetroTimes (Năng Lượng Mới). Lý do là Petro Times đăng lại bài phỏng vấn Blogger Người Buôn Gió của Bùi Thanh Hiếu đang sống tại Đức về tình trạng của Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng trong cuộc họp báo ngày 4.10.2016 Tuấn còn cho biết sai phạm của PetroTimes là “có tính hệ thống”. Hơn hai tuần sau, ngày 19.10.2016 Bộ TTTT công bố quyết định đình chỉ chức vụ của Võ Đăng Thiên (Tổng biên tập) và Phạm Thanh (Phó tổng biên tập) báo điện tử Infonet để “làm rõ trách nhiệm cá nhân về những sai phạm của báo trong thời gian gần đây.
Báo này hoạt động từ 1/1/2011, dưới sự quản lý và xuất bản của báo in Bưu điện Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của Bộ TTTT.
Lý do? Chuyện chỉ là do Võ Đăng Thiên than thở: “Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo… là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo,… lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc.”
Theo ý kiến này thì sự chỉ đạo của ban tuyên giáo đã khiến cho báo thiếu hấp dẫn. Tuấn lập tức phê phán, cho đó là sự ngụy biện. Tuấn khẳng định: “Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật…. đổ lỗi cho pháp luật quả là chuyện nực cười. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo”. (Bây giờ vào tù đọc lại những lời lên lớp này, Tuấn có cảm thấy ngượng với chính mình?)
Sau đó là hàng loạt cái tên quen thuộc: Lê Bình (VTV24), Võ Khối (báo Thanh Niên), Nguyễn Thanh Phong (Lao Động và Xã hội). Dư luận trong báo giới nhà nước thực sự rúng động trước chiến dịch thanh trừng của Tuấn.
Trước đó biện pháp kỷ luật báo chí chủ yếu là việc của BTGTƯ chứ không phải Bộ TTTT. Luôn luôn có một khoảng trống do sự phân công thiếu rành mạch về quyền lực giữa Đảng (BTGTƯ) và chính phủ (Bộ TTTT) do đó cả hai đều dè chừng nhìn mặt nhau, hệ quả là các biện pháp trừng phạt khá nhẹ nhàng.
Ngoài ra phải nói thêm là cả hai bên đều ngần ngại vì tính nhạy cảm của vấn đề và sợ phản ứng của báo giới trong thời đại internet, do đó thường xử kín theo lối “đóng cửa dạy nhau”.
Nhưng Tuấn không theo truyền thống này mà luôn phô trương chuyện xử phạt của mình.
Thứ nhất là để phục vụ cho tham vọng chính trị của Tuấn: càng ngày phải càng tiến xa hơn trong hệ thống chính trị.
Sau Hội nghị trung ương đảng với khẩu hiệu giương cao là “chống tự chuyển hóa, tự diễn biến”, Tuấn đã mau mắn chứng tỏ tay nghề với loạt hai bài viết trên báo Nhân Dân về đề tài này, tuyên bố sẽ loại thải những thành phần tự “tự chuyển hóa, tự diễn biến”. Sau đó tập hợp nhiều bài của nhiều tác giả khác để ra sách về đề tài này không quên xưng là “tiến sĩ”. Dư luận lúc đó cho hay Tuấn đang cố sức “phấn đấu” để kiếm một chân trong bộ chính trị.
Thứ hai là Tuấn biết mình cũng như Thăng, là “quân” của Nguyễn Tấn Dũng, do đó phải lập công gấp hai, gấp ba lần “quân” của Trọng.
Muốn hiểu tham vọng của Tuấn thì phải nhìn lại đường đi của y, cái bộ y đang quản lý và thế đứng của y.
Năm 2007 chính quyền hợp nhất bộ Bộ Bưu chính – Viễn thông và Bộ Văn hóa – Thông tin thành Bộ TTT. Bộ trưởng đầu tiên là Lê Doãn Hợp, xuất thân là Bộ trưởng VH – TT nhưng đến năm 2011, Hợp đau đớn xuống làm thứ trưởng để Nguyễn Bắc Son chôm mất cái ghế của mình. Son là lính của Lê Đức Anh, mà Anh là thầy của Nguyễn Tấn Dũng.
Lên voi Bộ trưởng
Tuấn sinh năm 1960 tại Đồng Hới, Quảng Bình, trẻ từng đi bộ đội, được cho học Trường Sĩ quan Chính trị để làm Chính trị viên đại đội, từ đây lập thân trong ngành tuyên giáo và đi lên trong vụ so găng giữa Dũng và Trương Tấn Sang.
Thấy Sang sử dụng báo chí để đánh mình tới tấp trong vụ Vinashin, Dũng bèn ra sức chiêu mộ tay chân thạo nghề tuyên giáo, trong đó có Tuấn.
Tháng 10 năm 2013 Lê Doãn Hợp nghỉ hưu và Dũng tiến hành tuần tự hai nước cờ để đưa Tuấn vào.
Tháng 11 năm 2013 Dũng rút Phó ban BTGTƯ Nguyễn Văn Nên về làm Chủ nhiệm văn phòng chính phủ và sau đó đưa Tuấn vào đây làm bệ phóng.
Đến tháng Hai năm 2014 Dũng thăng Phó ban BTGTƯ Tuấn lên làm thứ tưởng Bộ TTT: có Tuấn, Dũng sẽ nắm chắc ngành truyền thông mà dọn đường tiến lên ghế tổng bí thư.
Quả nhiên không phụ lòng mong đợi của Dũng, chỉ lên làm thứ trưởng một thời gian, Tuấn đã “danh nổi như cồn”.
Trong số các thứ trưởng lúc này có Lê Nam Thắng (con trai Lê Đức Thọ – nghỉ hưu đầu tháng 9.2015). Thắng học ở Liên Xô về, làm thứ trưởng bao nhiêu năm rồi về hưu mà chẳng mấy người biết tên còn Tuấn khác hẳn, biết cách tự đánh bóng.
Năm 2015 qua giữa lúc truyền thông VN nhộn lên với các thông tin bạo lực như vụ giết cả nhà ở Bình Phước, Tuấn vọt lên, nổi bật hơn cả bộ trưởng khi lên tiếng đòi “xử lý” các tổng biên tập nếu lợi dụng thông tin tội ác để câu khách.
Nếu những nạn nhân trong án mạng trên bị báo chí khai thác với màu sắc giật gân để câu khách thì Tuấn bám vào họ để… câu điểm chính trị.
Nhưng Tuấn không chỉ nói suông mà còn kỷ luật và phạt tiền vô tội vạ… Trong khi đó số liệu bộ 4 T cho hay trong năm 2014 Tuấn đã xử phạt vi phạm hành chính một số cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin điện tử với tổng số tiền 2,522 tỷ đồng.
Mục tiêu của Tuấn lúc đó là ghế Bộ truởng và anh ta đã thành khi chọn đúng thầy Dũng!
Lúc đó. khi đang chuẩn bị Đại hội đảng thứ 12 thì đối thủ lớn nhất của Tuấn là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Trần Bình Minh.
Lúc đó Minh hoàn toàn trên cơ vì đang là Uỷ viên Trung ương đảng, từng là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, vây cánh nhiều hơn, uy tín lãnh đạo cũng cao hơn.
Cái kẹt là lúc đó cả Tuấn lẫn Minh cùng phò tá Nguyễn Tấn Dũng để đánh Phạm Quang Nghị, Bí thư Hà Nội.
Nghị lúc đó cũng đang ngấp nghé ghế Tổng Bí thư mà Dũng rất thèm. Để lập công dâng Dũng, Minh đã tới tấp đánh Nghị thông qua con rể Nghị là Bạch Ngọc Chiến.
Chiến nguyên là Trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại của VTV, cấp dưới của Minh nhưng được Nghị vận động để “cơ cấu” làm Phó Chủ tịch Nam Định vào tháng Sáu năm 2014. Đây chỉ là trò lấy đà nhảy lên cao hơn nên khiến Minh phát hoảng: Nghị mà thành Tổng Bí Thư thì Chiến sẽ bay ngay lên cái ghế của mình.
Nhân vụ án lừa đảo của Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga vào đầu năm 2015, Minh ra lệnh thuộc cấp của mình xoáy sâu vào chuyện này, nhai đi nhai lai: đánh Nga là đánh Nghị, dọn đường chiến thắng cho Dũng!
Trong lúc Minh lập công dâng Dũng thì Tuấn chăm chăm nghĩ cách hại Minh, bám sát chương trình VTV vạch lá tìm sâu.
Hệ quả là năm 2014 VTV đã bị xử phạt 5 lần: 1 lần bị cảnh cáo, 4 lần bị phạt là 155 triệu đồng.
Tháng Ba năm 2015 Tuấn ra lệnh VTV dừng một loạt các show truyền hình liên kết sản xuất với các công ty tư nhân, trong đó có Idol – Thần tượng Việt Nam. Nhưng đây là túi tiền của VTV. Đây là những chương trình ăn khách, thu hút nhiều quảng cáo, nếu ngưng lại là thiệt hại hàng trăm tỷ đồng chưa kể còn bị kiện cáo lung tung.
Minh không dễ đầu hàng và nhờ thế của Dũng nên VTV vẫn phát sóng tập đầu tiên chương trình Vietnam Idol – Thần tượng Việt Nam cho dù bị Tuấn cúp giấy phép.
Thua keo này ta bày keo khác, để hạ Minh, Tuấn dùng báo chí bôi nhọ Minh.
Ngày 25.3.2015 Tuấn ký công văn số 811 báo lên Dũng, cho rằng chính phủ cần “nghiêm khắc với sai phạm của VTV để làm gương”. Việc này khiến Dũng lâm cảnh khó xử vì đang “nuôi” cả Minh lẫn Tuấn. Cách duy nhất là Dũng chọn giải pháp trung dung: “Hai thằng mày phải đóng cửa dạy nhau”.
Để được như vậy thì Minh phải xuống nước “nghiêm túc kiểm điểm” trước bộ, đổi lại thì bộ cho VTV tiếp tục làm ăn. Điều kiện là “đóng cửa dạy nhau” nhưng Tuấn đã chơi gác, sử dụng báo điện Infonet của Bộ-4-T tung hê mọi chuyện cho thiên hạ biết: hàng loạt sai phạm của VTV, VTV không có khả năng kiểm soát các chương trình liên kết, VTV để xảy ra quá nhiều sai phạm trong nội dung thông tin, nay VTV đã nhận lỗi, tiếp thu ý kiến, chỉ đạo và “cam kết sẽ chấn chỉnh, chính vì thế Bộ mới chấp thuận cho VTV phát sóng Vietnam Idol.
Sau đó Tuấn còn làm lớn chuyện qua chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” liên kết với Công ty Cát Tiên Sa (Công ty Cát Tiên Sa). Vừa lên sóng tập 1 trong tổng số 14 tập, vào tối 2.5.2015, đài này đã bị chỉ trích dữ dội khi đoạn giới thiệu đầu chương trình đã “tươm” hình bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí đặt nhầm địa điểm Hà Nội nằm trên địa phận Trung Quốc. Ngay sau đó VTV phải ngưng phát sóng chương trình này và bị Bộ-4-T bắt phải giải trình.
Minh mât hy vọng ngồi ghế Bộ trưởng và Tuần chỉ chờ ngày đăng quang!
Quả nhiên, sau đó thì Tuấn trở thành Bộ trường TTTT nhưng lúc này gió đã xoay chiếu: thầy của Tuấn là Dũng đã phải đầu hàng, rút lui.
Trái với dự đoán trước đó là Dũng sẽ nắm ghế tổng bí thư và có thể kiêm luôn chủ tịch nước, ông thủ tướng khét tiếng phá hoại này đã thất bại hoàn toàn trong đại hội 12. Thay vào đó Nguyễn Phú Trong vẫn ở lại thế là Tuấn phải lật đật chuyển thế từ chỗ quỳ lạy Dũng sang thế quỳ lạy Trọng. Mà để gieo cấy lòng tin thì Tuấn phải làm viêc bằng hai, bằng ba: nếu lập được công to thì chắc chắn sẽ còn lên cao nữa!
Khi quyết định cách chức Nguyễn Như Phong và đình bản tờ PetroTimes, Tuấn đã chứng tỏ sự trung thành với chủ mới là Trọng. Vì Phong là tay chân của Dũng, còn tờ PetroTimes là báo của Tổng công y dầu khí Việt Nam, xưa nằm dưới quyền Đinh La Thăng, cũng là tay chân của Dũng.
Nhưng đó là đòn để chứng tỏ sự quay đầu. Để đi lên, Tuấn phải lấy điểm, chứng tỏ sự đắc lực của mình.
Trong vụ cá chết miền Trung, Tuấn đã tả đột hữu xung, vừa vào miền Trung biểu diễn màn kịch “ăn cá” vụng về, vừa ráo riết răn đe báo chí.
Để dọa dẫm báo chí, Tuấn luôn giăng chiêu bài “các thế lực thù địch lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân…”
Tuấn khẳng định năng lực điều tra của phóng viên không đáng tin, không bằng được với sự điều tra của chính phủ. Mà quên rằng chính các nhà báo lề trái lẫn lề phải mới khám phá ra vụ Cá Chết và ngay từ đầu đã đã khẳng định thủ phạm là Formosa.
Không rõ có phải vì quá lao tâm lao lực trong vụ này mà có lúc Tuấn ăn nói như bị tẩu hỏa nhập ma.
Ngày 2.6.2016, trong cuộc báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, trả lời câu hỏi liên quan đến vụ cá chết ở miền Trung, Tuấn tuyên bố: “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”.
Một phát biểu không thể nào hiểu nổi mặt ngữ pháp, ý nghĩa và chẳng có thông tin nào!
Nó cũng giống như cái chế độ mà Tuấn đang phụng sự: một chế độ chẳng có ý nghĩa nào về mặt chính trị và đạo đức.
Tuy nhiên Trọng không dại gì sử dụng một kẻ có máu phản bội như Tuấn mà chỉ khai thác Tuấn làm điểm tựa để đánh Dũng. Thế là từ tháng Ba năm ngoáibáo chí trong tay Tuấn đột nhiên đâm hỗn, thi nhau phanh phui vụ “Mobifone mua AVG”.
Thương vụ trên tiến hành khi Son là Bộ trưởng TTTT và Trương Minh Tuấn là Thứ trưởng Thường trực, xem như hai thủ phạm chính. Lập tức Tuấn phản đòn, đăng bài phản biện Thanh Tra Chính Phủ nhưng bị Ban Bí thư ra lệnh phải rút lại.
Trong khi Tuấn bị bịt miệng thì chính những tờ báo do Tuấn quản lý – với sự chống lưng của phe Nguyễn Phú Trọng – rầm rộ đăng tải những bằng chứng rõ rệt để quy Tuấn và Son tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”, là tội danh khiến Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù giam.
Tuấn với Son bị lộ chẳng qua là do cả hai từng phục vụ đắc lực cho Nguyễn Tấn Dũng, tiến thân nhờ Dũng và cũng “ăn” dưới cái bóng của Dũng.
Nói theo binh pháp Tôn Tử thì đánh Tuần và Son cũng là trò “đả thảo kinh xà”, đánh vào đám cỏ để khủng bố tinh thần của con rắn chúa Nguyễn Tấn Dũng, khiến y mất hết sự tỉnh táo và lộ dần yếu điểm!
Lê Trọng Hiệp