Có một câu ca dao mà hầu hết chúng ta ai cũng biết. Đó là:
Công cha
như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Có nghĩa là vì cha mẹ sinh thành, nuôi nấng, thương yêu con cái thì con cái phải đền đáp tình thương và công ơn đó.
Trong bài nầy tôi xin phân tích về tình thương và ơn nghĩa của cha mẹ đối với con cái.
Điều gì khiến cho cha mẹ sinh đẻ, nuôi nấng, thương yêu con cái? Tôi cho rằng do 3 yếu tố chính: yếu tố sinh lý, yếu tố tâm lý, và yếu tố nhân văn.
Yếu tố sinh lý, hay nói rõ hơn là DNA, là yếu tố tiên quyết nhất. DNA trong mỗi người chúng ta thúc giục cha mẹ sinh đẻ ra con cái rồi thương yêu, nuôi nấng, chăm sóc chúng hết sức hết lòng. Đó là vì loài người không khác gì mọi loài thú khác trong phương diện nầy. Đây là luật tiến hóa của chủng loại. Sự thúc giục nầy là nguyên nhân chính yếu đưa đến sự bảo tồn và phát triển giống nòi. Chủng loại nào không có DNA nầy sẽ không tồn tại.
Kế đó là yếu tố tâm lý. Phản ứng tâm lý và tình cảm của con người chúng ta là thương yêu gắn bó với những gì gần gũi và thuộc sở hữu của mình, nhất là khi những thứ đó đem đến những yếu tố vật chất hay tinh thần thuận lợi thoải mái cho mình. Thí dụ, những cử chỉ, hành động của một đứa trẻ, nhất là khi nó đáp ứng lại sự thương yêu trìu mến của cha mẹ nó, đem lại niềm sung sướng vô cùng cho họ. Thí dụ, khi thấy đứa con lớn khôn, học hành tấn tới hay làm ăn phát đạt, cha mẹ cảm thấy hãnh diện và vui mừng như chính họ thành công. Những thứ đó là phần thưởng tình cảm và tình thần to lớn tột cùng của cha mẹ. Sự sở hữu và những phần thưởng đó củng cố tình thương của cha mẹ đối với con cái.
Yếu tố nhân văn – đó là ảnh hưởng của văn hóa, xã hội và gia đình chung quanh mỗi người – giáo dục và khuyến khích chúng ta sinh con đẻ cái và thương yêu, nuôi nấng chúng. Có người cũng gọi đây là yếu tố đạo đức (vì xã hội và văn hóa tạo ra đạo đức). Thí dụ, khi mọi người chung quanh chúng ta đều có gia đình và con cái thì chúng ta cũng cảm thấy mình cần giống như vậy. Thí dụ, khi quan điểm của mọi người chung quanh chúng ta là làm cha mẹ phải nuôi nấng con cái đàng hoàng thì chúng ta cũng làm điều nầy vì muốn mình là người tử tế đạo đức. Nếu không làm điều nầy thì chúng ta cảm thấy mình “khác biệt”, “lẻ loi”, và ngay cả “thất bại”. Nếu thực hiện được điều nầy thì chúng ta cảm thấy hãnh diện, thoải mái và vui sướng.
Hai yếu tố tâm lý và nhân văn tuy thứ yếu nhưng cũng xuất nguồn từ yếu tố DNA đầu tiên, và cả 3 đều có tương quan chặt chẽ với nhau.
Như vậy có nghĩa là cha mẹ có ơn sâu nghĩa nặng trong việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái hay không? Câu trả lời của tôi là “Có”, và “Không”.
“Có” là vì nếu không có cha mẹ sinh ra thì con cái sẽ không hiện hữu, và nếu không có cha mẹ nuôi dưỡng thì con cái sẽ không sống còn và nếu sống còn đi nữa thì cuộc đời con cái cũng sẽ khó tốt đẹp thành công.
“Không” là vì khi người cha, hay người mẹ, quyết định sinh đứa con, họ không nghĩ rằng “tôi sẽ sinh đứa con nầy ra để cho nó hiện hữu” mà họ nghĩ rằng “tôi sẽ sinh đứa con nầy ra là vì tôi muốn có một đứa con”. Cha mẹ muốn có (tức là muốn sở hữu) một đứa con là để thỏa mãn những nhu cầu xuất phát từ các yếu tố sinh tâm lý và nhân văn kể trên của chính họ. Ngay cả khi một đứa con được sinh ra ngoài ý muốn cha mẹ thì việc nuôi dưỡng nó nên người cũng là vì cha mẹ cần thỏa mãn những nhu cầu đó cho chính họ.
Nói cách khác, lý do tiên quyết nhất đưa đến việc cha mẹ sinh và dưỡng con cái là vì họ bị lôi cuốn, thúc đẩy và ràng buộc bởi những yếu tố nói chung phát xuất từ tiềm thức của họ. Điều nầy dù gì cũng phải và sẽ xảy ra vì chính cha mẹ cần nó xảy ra cho chính bản thân họ, còn chuyện con cái được hưởng ích lợi chỉ là một sản phẩm phụ. Và nếu như vậy thì có thể nói là cha mẹ thuần túy ban sự sống và làm ơn cho con cái hay không?
Trong thiên nhiên có nhiều giống cây sinh ra trái ngọt chim chóc thích ăn. Những trái nầy có hột cứng không tiêu hóa được. Có những loài chim chuyên môn ăn trái của một số giống cây nào đó mà thôi để sống. Chim ăn trái lẫn hột, bay đến những nơi chốn khác, đại tiện xuống đất. Những hột nằm lẫn phân chim mọc mầm, trở thành cây con. Cây con lớn lên, sinh trái, và quá trình trên tiếp diễn trở lại. Nhờ vậy, các giống cây nầy có thể sinh sôi lan tràn từ nơi nầy đến nơi khác. Đúng là các giống cây trên nhờ có chim ăn trái của chúng nên chủng loại chúng mới có thể sống còn và phát triển được. Nhưng nếu vậy, chúng ta có thể nói là các loài chim ăn những trái trên để sống đã “làm ơn” cho các giống cây đó không? Và các giống cây nầy cần phải “biết ơn” các loài chim đó hay không? Hay đây chỉ là một mối tương quan qua lại nương tựa nhau để sống giống như bao nhiêu mối tương quan qua lại khác trong thiên nhiên?
Nói thêm về phương diện trách nhiệm và bổn phận, một đứa bé sơ sinh hoàn toàn không có sự lựa chọn trong việc nó được sinh ra. Nó không dự phần gì cả về quyết định đem nó vào đời. Do đó nó không có trách nhiệm hay bổn phận gì trong việc nó trở thành hiện hữu. Vì vậy, mặc dù là sau khi đã khôn lớn đủ thì đứa bé phải có những trách nhiệm và bổn phận của nó với mọi người chung quanh để có thể tiếp tục hiện hữu thành công trong đời sống của nó, tôi không thấy gì quá đáng khi cho rằng việc đứa bé sống còn và được dạy dỗ thành người vẫn là trách nhiệm của cha mẹ nó.
Điều nầy không có nghĩa là con cái không cần nhìn thấy công lao sinh dưỡng của cha mẹ hay không cần phải đền trả. Đó là vì như đã nói ở trên, bất cứ vì lý do gì, nếu không có cha mẹ sinh dưỡng thì con cái sẽ không hiện hữu và không sống còn. Và vì đây cũng là một trong những trách nhiệm và bổn phận của một đứa trẻ, như một cá nhân, khi nó sống trong những tổ chức gọi là “gia đình” và “xã hội”. Hơn nữa, việc một đứa con “đền trả công ơn” của cha mẹ nó cũng thường xảy ra một cách “tự nhiên” vì chính nó cũng bị lôi cuốn và ràng buột, tương tự như cha mẹ nó, bởi các yếu tố sinh, tâm lý và nhân văn, như kể trên, của nó.
Tóm lại, nếu phân tích rạch ròi thì cha mẹ sinh đẻ, thương yêu và nuôi dưỡng con cái chỉ là vì những đòi hỏi cơ bản sâu kín cho chính mình. Đó là vì cấu trúc DNA của chúng ta thúc đẩy chúng ta từ những vùng tiềm thức sâu thẳm nhất để làm những chuyện nầy. Vì vậy chúng ta thường không biết, không hiểu, và không nghĩ đến tại sao nó xảy ra. Dù gì đi nữa thì đây là một điều tốt. Tốt cho cá nhân, gia đình và xã hội. Nếu những điều nầy không xảy ra thì quan niệm và cấu trúc “gia đình” không hiện hữu và tồn tại. Từ đó, quan niệm và cấu trúc “xã hội” cũng không hiện hữu và tồn tại. Chủng loại con người nếu có hiện hữu và tồn tại đi nữa thì mỗi cá nhân sẽ sinh ra, sau một thời gian ngắn gắn bó với mẹ để phát triển đến giai đoạn tự lập sẽ sống một cuộc đời đơn độc, và sẽ chết một cái chết đơn độc cũng không khác gì bao nhiêu loài thú khác trên trái đất.
Điều mà các bậc cha mẹ cần nhìn thấy, và nhớ, rằng ngay từ đầu họ đã nhận hưởng những phần “lợi nhuận” có giá trị tâm sinh lý và nhân văn vô cùng quý báu cho tất cả mọi thứ họ làm cho con cái họ rồi. Vì thế họ không nên cần, hay mong chờ, con cái trả ơn hay báo hiếu cho họ nữa. Nếu con cái họ làm điều đó thì họ nên cho rằng đó là phần lợi nhuận phụ trội mà họ may mắn có được thêm. Nếu không thì đó cũng chẳng nên là một việc cần phải đặc biệt phiền toái hay than vãn.
Tôi biết đây là một quan điểm khác biệt với các luồng tư tưởng cổ truyền, với sách giáo khoa và với tư duy của nhiều người. Tuy nhiên nếu đem câu nói “Tình yêu thật sự là cho mà không cần nhận trả” ra áp dụng ở đây thì quan điểm trên có lẽ sẽ trở thành dễ nhận hiểu (mặc dù có đồng ý hay không) hơn chăng?
Nguyễn Nhân Trí