Pura Tirta Empul – vẻ đẹp của đức tin

Là ngôi đền quan trọng trong rất nhiều đền đài trên đảo Bali, Pura Tirta Empul (Đền Nước Thiêng) nằm trong huyện Tampaksiring, trên độ cao 650 mét, giữa một vùng núi xanh tươi. Bali là một đảo nhỏ của Indonesia, một nước Hồi giáo chiếm đa số. Nhưng phần lớn dân Bali theo Ấn giáo, thoảng chút nét Phật giáo, cộng thêm thuyết vật linh và một số tư tưởng siêu nhiên khác của bản địa. Bali nằm dọc theo vĩ tuyến thứ 8 phía nam xích đạo, nhiệt độ trung bình quanh năm là 30°C và ẩm độ khoảng 85%.

Indonesia: diện tích 1.9 triệu km2, 261 triệu dân, 87% theo Hồi giáo.

Bali: diện tích 5780 km2, 4,2 triệu người, 83% theo Ấn giáo.

Huyền thoại về Pura Tirta Empul có nhiều dị bản, nhưng phần lớn có liên hệ tới thần Indra. Một truyền thuyết kể rằng con quỷ Vritra một hôm chặn hết các nguồn nước và gây nên hạn hán khiến cho loài người khổ sở. Thần Indra biết tin bèn đánh cho Vritra một trận, rồi phóng tia sét xuống chỗ bây giờ là Tirta Empul làm cho nước chảy trở lại, vì thế Indra được dân coi là thần nước. Nhưng thần thoại thay đổi theo thời gian, Indra là chúa tể các thần trong thời Rig Veda, dần dần trở thành một vị thần nhỏ so với bộ ba: thần sáng thế Brahma, thần bảo vệ Vishnu, và thần hủy diệt Shiva. Ngày nay, Pura Tirta Empul thờ thần Vishnu, cũng là thần nước. Các sử gia cho rằng đền xây khoảng năm 960 sau Công nguyên, dưới triều đại Warmadewa (đầu thế kỷ thứ 10 đến giữa thế kỷ 11) với nhiều thành tựu sáng lạn về văn hoá và có một nhánh bành trướng qua đảo Java tồn tại tới cuối thế kỷ 12.

Tượng thần trên lối vào Pura Tirta Empul

Pura Tirta Empul sắp xếp theo sơ đồ quen thuộc của nhiều đền đài lớn ở Bali, chia làm ba khu vực bao bọc nhau: sân trước đền (jaba pura), sân giữa (jaba tengah) và sân trong (jeroan). Sân trước và sân giữa có tường vây quanh, và nhiều cổng vào (candi bentar, cổng đền) làm bằng gạch hay đá, chạm trổ tinh xảo. Candi bentar thường không có cánh cửa, và tượng trưng cho ngọn núi bị tách đôi thành hai lực âm dương của vũ trụ. Sân trước và sân giữa chia làm nhiều khu, với nhiều miếu thờ thần và tượng các con thú trong huyền thoại, đôi khi chỉ nép sơ sài một góc hay bên cạnh lối đi, đôi khi trang trọng vây quanh một cây cổ thụ. Sân giữa còn có các gian nhà không vách, là nơi để cất đồ đạc, hay để diễn nhạc kịch hoặc dùng cho nhiều mục đích khác, người tới đền có thể vào nằm hay ngồi nghỉ trong nhà hay dưới mái hiên rộng. Các gian nhà trong đền lợp ngói hay mái lá rất dày được cắt xén gọn gàng, cột và rui mè chạm trổ công phu, sơn ba màu chính: đỏ, vàng và đen, có nhiều tượng và phù điêu bằng gỗ hay đá, kể lại sự tích trong sử thi Mahabharata hay Ramayana hay mô tả sinh hoạt hàng ngày, như cảnh chợ búa, nấu ăn, làm ruộng…

Để vào sân trong của đền, khách phải đi qua một cổng khác (kori agung, cổng lớn), trang trí tỉ mỉ hơn candi bentar, và có cánh cửa khép kín, chỉ mở ra khi tu sĩ hay vua chúa làm lễ rước thần. Sân trong là nơi đặt miếu thờ vị thần chính của đền, và có thể đang là nơi cư ngụ của dòng dõi nhà vua hay gia đình đã xây lên ngôi đền. Nhiều ngôi đền quy định sân trong là nơi thờ phượng thiêng liêng, tín đồ vào sân trong bằng cánh cửa nhỏ bên cạnh, khách ngoại đạo đến viếng đền chỉ được vào đến sân giữa.

Candi bentar không có cánh cửa, và kori agung có hai cửa nhỏ hai bên.

Đầu tháng 12 dương lịch, mùa hè ở Bali, nhằm vào dịp lễ nên Pura Tirta Empul rất đông người tới. Trong sân giữa có hai hồ nước hình chữ nhật sát cạnh nhau, mỗi hồ có hàng chục vòi nước chạm trổ khá tỉ mỉ, xếp thành một hàng theo chiều dài hồ. Nước từ trên núi chảy qua vòi vào hồ suốt năm trước khi tháo ra dòng sông gần đó. Hồ thứ nhất bên trái rất đông người, trong khi hồ thứ hai rất vắng. Hướng dẫn viên du lịch nói mỗi vòi ở hồ thứ nhất sẽ rửa một thứ tội khác nhau, và ông khuyến cáo là để bảo đảm thì nên đi qua tất cả vòi ở hồ này, vì hình như ai cũng phạm không thiếu một thứ tội nào trên cõi đời! Hồ thứ hai để cầu xin điều lành cho tương lai, thí dụ xin có con hoặc sức khoẻ hoặc đời sống êm ấm, và có một hay hai vòi chỉ dùng khi gia đình có tang, nhưng ông không nhớ là vòi nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là không có một lời giải thích chính thức hay chặt chẽ nào về mục đích của từng vòi nước, không tu sĩ hay tổ chức tôn giáo nào áp đặt định nghĩa của đức tin, nghĩa là gần như tất cả tùy thuộc vào sự hiểu biết và niềm tin của từng cá nhân, một đặc điểm chung của mọi nhánh Ấn giáo. Và nếu ý nghĩa của hai hồ nước như thế thì rất ít người đến Pura Tirta Empul để xin điều gì cho tương lai, vì trong hồ thứ hai chỉ có chừng hai mươi người. Một cô gái Bắc Âu sau khi nghe chuyện cũng hăng hái xuống hồ rửa tội, và trong hồ đã có khá đông người không phải là dân địa phương. Nước thiêng bao dung mọi người, không kỳ thị sắc tộc hay tôn giáo.

Xếp hàng rồng rắn ở hồ nước thứ nhất

họ nghiêm chỉnh và vui tươi sắp hàng xuống hồ, chờ lượt tới vòi nước, tôi chợt nhớ đến chuyện mỗi năm người Việt lại đạp lên nhau, xô đẩy nhau ở đền Trần, tỉnh Nam Định, để giành giật và cướp một vật thiêng dấm dớ nào đó mới được bịa ra! Ở Pura Tirta Empul chẳng ai dìm nhau ngộp nước. Vẫn biết so sánh là chật chưỡng, nhưng các ý nghĩ vớ vẩn như thế thỉnh thoảng đâm ngang mà chẳng làm sao tránh được.

Người đến Tirta Empul xếp hàng trên bờ, rón rén xuống nước từ góc bên phải dài tới vách bên trái, rồi rồng rắn trở đi trở lại thành nhiều dãy. Nam, phụ, lão, ấu. Gầy, béo, đen, trắng. Cha mẹ bồng bế con nhỏ, vợ chồng già chậm rãi dìu nhau, vợ chồng trẻ gọi nhau í ới, thanh niên thiếu nữ rủ nhau ríu rít. Cởi trần, sơ mi, áo thun, áo tắm, sà rông, quần ngắn, quần dài. Ngày hội vui, trò chuyện huyên náo, chen chúc, mà sùng kính và nghiêm trang. Niềm vui của họ lan ra tới vạn vật, phép mầu của nước nhập vào cây cổ thụ ven hồ, lên chim chóc líu lo và cả con quạ kêu oang oác, lên con cắc kè len lỏi bên chỗ ngồi, lên con bướm bay chập chờn trước mặt, và thấm vào kẻ bàng quan. Khi đến từng vòi nước, mỗi người sẽ để nước chảy lên đầu, hay dùng tay hứng nước để uống, xoa mặt hay dội lên tóc, rồi chắp tay khấn, trước khi bước qua vòi nước kế bên. Trong khi đó, người bên cạnh im lặng đứng chờ, trầm ngâm và thành kính, không ai tỏ vẻ sốt ruột hay thúc giục. Nước chảy làm nguôi sự vội vàng, xoa dịu cái nóng nảy, trôi đi mọi nỗi lo âu. Sau khi đi qua hết các vòi nước ở hồ thứ nhất, phần lớn sẽ leo lên và lặng lẽ bước ra xa, lau khô người và tiếp tục tới thăm các nơi khác trong đền, hoặc ngồi xuống mời nhau cái bánh cái kẹo, vui vẻ tán chuyện và giải thích cho kẻ ngoại đạo bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng ánh mắt, bằng nụ cười.

Hồ thứ hai chỉ có vài mươi người, và phần lớn họ chỉ ghé đến ba hoặc bốn vòi nước bên trái rồi đi lên. Tuy nhiên, có một cô gái đứng rất lâu ở vòi nước tận cùng bên phải của hồ thứ hai, nơi không ai đến. Cô đứng cầu nguyện một mình, dùng tay hứng nước chảy ra từ vòi để uống, rồi lại cầu nguyện. Sau đó cô đi ngược chiều với mọi người, tiếp tục cầu nguyện ở hai vòi nước kế bên trái, rồi từ tốn chắp tay ra khỏi hồ mà không qua hết các vòi nước còn lại, như thể cô đã đến với một mục đích rất rõ ràng và không… nhân tiện xin thêm các điều khác cho mình. Nước lạnh nên cô run lẩy bẩy, nhưng cử chỉ thành khẩn, chậm rãi của cô rất đẹp, vẻ đẹp của đức tin, một vẻ đẹp đã ngấm vào hay toát ra từ mọi người trong hai hồ nước. Tín đồ đến Tirta Empul mang theo niềm tin thanh khiết, và mọi người từ Tirta Empul có thể ra về, ướt sũng hay khô ráo, với niềm hạnh phúc đã được cùng nhau chia sẻ chan hoà.

Vẻ đẹp của đức tin

Nước chảy, nước mát, nước sạch, nước thiêng. Tirta Empul, thần Indra mở nguồn nước, và biết bao thế hệ từ ngàn năm cũ cho đến hôm nay đã cùng nhau giữ gìn và đem sinh khí đến cho nước, cho cuộc sống, cho cảnh quan, và cho muôn loài. Với một niềm tin ngổn ngang thần thánh, bên một hồ nước chen chúc người, điều gì đã giúp họ làm được như thế?

Phạm Văn

Related posts