Mùa đông năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa, sự kiện này tạo tiền đề cho công cuộc mở đất phương nam thời chúa Nguyễn, từ thế kỷ XVI đến năm 1757 thì hoàn thành, và qua đó đặt nền tảng cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Vấn đề Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã được đề cập trong nhiều hội thảo khoa học. [1] Trong đó một số nội dung được quan tâm nhiều: nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào nam; về mâu thuẫn với Trịnh Kiểm; tầm nhìn của ông đối với vùng đất mới.
1. Nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa
Toàn thư chép nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa như sau: “Mậu Ngọ[Chính Trị] năm thứ 1 [1558], … Tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu tâu xin sai con thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận hóa để phòng giặc phía đông cùng với Trấn quận công (không rõ tên) ở Quảng Nam cứu viện cho nhau. Mọi việc của xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp.” [2]
Một số vấn đề cần làm sáng tỏ: Tại sao nơi trấn nhậm là xứ Thuận Hóa? Giặc phía đông là giặc nào? Ở thế kỷ XVI-XVII, nước ta bắc giáp Minh; tây giáp Lan Xang; đông giáp Biển Đông; nam giáp Champa. Lúc bấy giờ vùng đất phía nam tiếp giáp Champa là Thuận Quảng, nơi đây “cho đến thế kỉ XVI, trình độ kinh tế vùng Thuận Quảng còn thấp kém, lạc hậu, đương thời coi là vùng “Ô châu ác địa”, là đất “biên viễn xa xôi”, là nơi đày ải tội nhân và chiến tù. Phú thuế nhà Lê, nhà Mạc thu được ở vùng này chỉ là các loại lâm thổ sản như ngà voi, sừng tê, hương liệu, … Kinh tế Thuận Quảng thấp kém, nhưng đất đai rộng, khả năng khai thác còn nhiều.” [3]
Việc tổ chức chính quyền của Champa trên vùng đất tiếp giáp Đại Việt còn rất lỏng lẻo, quá trình xác lập chủ quyền lại không liên tục, phải thường xuyên thay đổi đường biên mà nguyên nhân do cuộc hôn nhân với nhà Trần trước đó [4] và các cuộc chiến tranh xâm lấn Đại Việt của một số vua Champa [5]. Những nguyên nhân kể trên khiến cho việc quản trị vùng đất này của Champa hầu như không chặt chẽ và không thường xuyên. Mặt khác, tuy vua Lê “đã lấy được đất Thuận Hóa, nhưng nhiều người ở đó vẫn theo họ Mạc, hoặc vượt biển đi theo họ Mạc, hoặc đưa quân Mạc đến phá phía sau của quân Lê-Trịnh” [6], đó chính là “giặc phía đông” như sử liệu đã chép.
Tuy Thuận Hóa khi ấy là “ô châu ác địa” nhưng đất đai rộng, khả năng khai thác còn nhiều. Các hướng bắc, tây và đông không khả thi cho việc di dân khai mở đất đai. Lại nữa về mặt pháp lý, chủ quyền của Champa không được khẳng định thường xuyên nên quân Mạc và dân theo họ Mạc chiếm đóng, rồi mở các cuộc tấn công từ sau lưng quân Lê-Trịnh. Nơi đây cần có người trấn giữ vừa đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng vừa công tác an dân. Qua biểu tấu của Trịnh Kiểm và yêu cầu thực tế lịch sử lúc bấy giờ đã đưa đến việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa.
2. Về mâu thuẫn với Trịnh Kiểm
Mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn mà đại diện trước tiên là Trịnh Kiểm – Nguyễn Hoàng. Mâu thuẫn này bắt đầu xuất hiện từ sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc và quá trình này (tức mâu thuẫn Trịnh – Nguyễn) có phát sinh và chuyển biến theo từng giai đoạn [7]. Khảo sát các thư tịch và nghiên cứu gần đây để xác tín vấn đề. Thực lục cho biết năm 1545, sau khi Nguyễn Kim mất, binh quyền trong triều đình nhà Lê đều do một tay Trịnh Kiểm nắm giữ. Vua Lê Trang Tông chỉ là hư vị: “Đến khoảng năm Thuận Bình đời Lê Trung Tông, do quân công được tiến phong Đoan quận công. Bấy giờ Hữu tướng triều Lê là Trịnh Kiểm (bấy giờ xưng là Lượng quốc công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng quận công Uông (con trưởng Triệu Tổ) bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chúa công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ.” [8]Để thoát khỏi âm mưu của anh rể (Trịnh Kiểm), Nguyễn Hoàng đã nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho vào trấn thủ Thuận Hoá.
Liệt truyện chép về Hoàng tử trưởng Nguyễn Uông: “Năm Ất Tỵ 1545, Lê Nguyên Hòa năm 13 tập ấm, phong làm: Lãng Xuyên Hầu, sau tiến phong Tả tướng quân, rồi bị Trịnh Kiểm làm hại, chết (không nhớ năm).” [9] Có thật Trịnh Kiểm làm hại Nguyễn Uông không? Thực lục chép: “Năm Nhâm Tý (1672), … Trịnh sai người đến ngoài lũy Trấn Ninh mời tướng ta ra ngoài lũy nói chuyện. Nguyên soái Hiệp sai Cai hợp Tú Minh ra gặp. Sứ Trịnh hỏi rằng năm trước vua Lê có sắc mà cự tuyệt không nhận nên nay đến về việc ấy. Tú Minh trả lời: “Ông nói nhầm rồi! Trước tiên vương ta giúp nhà vua, thiên hạ ai cũng biết. Nay họ Trịnh chuyên quyền, hiệu lệnh tự mình đặt ra, những việc xảy ra từ đời Chính Trị và đời Hoằng Định đã không nỡ nói đến. Năm trước cự sứ giả là cự họ Trịnh chứ không phải cự nhà Lê. Nay đã đề binh đến đây, muốn đánh thì đánh, còn kéo dài ngày tháng làm chi cho khổ?”. Sứ Trịnh không biện bạch được, từ biệt mà đi.” [10] Đoạn dẫn trên có mấy điểm cần làm rõ: Một là, “năm trước vua Lê có sắc mà cự tuyệt không nhận nên nay đến về việc ấy”. Việc này chỉ mùa đông tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1629), chúa Trịnh Tráng theo lời bàn của bề tôi là Nguyễn Danh Thế mượn cớ sai sứ vào tiến phong cho Nguyễn Phúc Nguyên tước quốc công đồng thời khiến đem quân ra đánh họ Mạc ở Cao Bằng, qua đó có cớ đánh Thuận Hóa[11]. Mưu này của họ Trịnh đã bị Đào Duy Từ nhận biết và bày kế cho chúa Sãi đúc mâm vàng hai đáy, dưới để đạo sắc và tờ thiếp viết “Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường, lực lai tương địch” ẩn ngữ [dư bất thụ sắc] ta chẳng nhận sắc [12]. Hai là, “những việc xảy ra từ đời Chính Trị và đời Hoằng Định đã không nỡ nói đến”. Chú thích cho biết “việc xảy ra từ đời Chính Trị (Lê Anh Tông), Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng phải xin vào trấn Thuận Hóa” và “đời Hoằng Định”, năm thứ 20, Trịnh Tùng giết vua Kính Tông ở nội điện.” [13] Vì vậy, khi Cai hợp Tú dẫn những chuyện cũ đối đáp với sứ Trịnh, do không biện bạch được, đuối lý nên sứ Trịnh đành “từ biệt mà đi”. Qua đó chứng tỏ Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết là sự thật. Tạp chí Xưa & Nay số 503 tháng 01-2019, trong bài viết của mình, tác giả Võ Vinh Quang cho biết: Ngày Đinh Tỵ (ngày 27) tháng Tân Mão (tháng 7) năm Quý Mùi (1943), vua Bảo Đại đã ban cấp đạo sách phong trên lụa truy phong cho Nguyễn Uông (anh chúa Tiên Nguyễn Hoàng) tước vị Lãng Xuyên quận vương, trong đó có đoạn: “Vô đoan Trịnh thị kiến sai tảo tuế ngẫu tao uổng khuất”, dịch nghĩa “Họ Trịnh vô cớ nghi ngờ, tuổi trẻ bổng lâm oan uổng.” Đáng chú ý từ “Vô đoan” nghĩa là không có nguyên nhân gì, không có manh mối, không duyên cớ[14]. Câu “bổng lâm oan uổng” chỉ việc Nguyễn Uông bị họ Trịnh giết và chủ mưu không ai khác chính là Trịnh Kiểm. Gần đây, George Dutton trong nghiên cứu Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, khi phân tích tình hình Đại Việt ở thế kỉ XVIII, tác giả đề cập ngoài cuộc chiến giằng co và dai dẳng với nhà Mạc, trong nội bộ chính quyền Nam triều còn có tranh đua giữa hai dòng họ Nguyễn – Trịnh. Sau khi Nguyễn Kim bị mưu sát, họ Trịnh dần thắng thế, địa vị được củng cố và mâu thuẫn nổ ra: “Mặc dù lúc đầu hai người con trai của Nguyễn Kim cũng theo cha đi đánh trận để phò giúp nhà Lê, song địa vị của họ so với họ Trịnh đã suy yếu. Nôn nóng tiêu diệt đối thủ của mình, Trịnh Kiểm đã bố trí giết chết người con trai lớn của Nguyễn Kim. Qua hành vi này của người anh rể, người con trai nhỏ hơn là Nguyễn Hoàng thấy trước số phận của mình nếu không tìm mưu chước tự bảo vệ. Thông qua người chị ruột là vợ Trịnh Kiểm, ông xin được cử làm Trấn thủ ở các lãnh thổ xa về phía nam là Thuận Hóa và Quảng Nam. Sự lưu đày phương xa của đối thủ chính trị làm vừa lòng Trịnh Kiểm, ông ta chấp thuận lời đề nghị của Nguyễn Hoàng.”[15] Đoạn dẫn trên thể hiện quan điểm của G. Dutton khi gọi Nguyễn Hoàng là “đối thủ chính trị” của Trịnh Kiểm, mà đã là đối thủ (nhất là đối thủ chính trị) thì không thể cùng tồn tại. Từ tất cả các cứ liệu trên chứng tỏ mâu thuẫn Trịnh Kiểm với Nguyễn Hoàng là sự thật.
3. Tầm nhìn của Nguyễn Hoàng đối với vùng đất mới
Sau khi vào Thuận Hóa, công việc đầu tiên của Nguyễn Hoàng là tìm đất dựng trụ sở trấn đóng. Từ năm đầu vào nam (1558) đến khi qua đời (1613), chúa Tiên ba lần lập dinh trấn. Cụ thể năm 1558 lập dinh Ái Tử, năm 1570 lập dinh Trà Bát và năm 1600 lập dinh Cát. Tại sao trong 55 năm dựng nghiệp Nguyễn Hoàng lại thay đổi dinh trấn đến ba lần? Đất Thuận Hóa lúc đó có ba trọng điểm là thành Hóa Châu, thành Thuận Châu và chợ Thuận. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng không chọn những trung tâm chính trị – kinh tế của các triều trước để đặt trị sở, ông quyết định chọn Ái Tử. Vì sao? Đây là “vùng đất nằm bên bờ sông Thạch Hãn, nối liền với Cửa Việt, có những bãi cát trống trải, thuận lợi cho việc phòng thủ theo quan điểm quân sự cổ điển thời bấy giờ có lẽ chỉ là một phần lý do. Phần quan trọng hơn, có thể Nguyễn Hoàng muốn chọn một vùng đất mới, vùng đất chưa chịu ảnh hưởng sâu đậm của triều đại trước để dễ thực hiện sách lược thu phục nhân tâm của riêng mình.” [16] Sau 12 năm ở Ái Tử, năm 1570, chúa Tiên dời trị sở đến Trà Bát. Quyết định này do sau lần ra bắc năm 1599, nội bộ họ Trịnh xảy ra tranh chấp khi Trịnh Kiểm mất, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền lực, đánh nhau. Quân Mạc nhân cơ hội ấy vào đánh Thanh Hóa. Vua Lê phong Trịnh Tùng làm Tả tướng khiến Trịnh Cối bất mãn (trước đó Cối được vua Lê giao đốc lĩnh các dinh thủy bộ thay cha-Trịnh Kiểm) nên về hàng nhà Mạc. Còn Nguyễn Hoàng lại được giao thêm trấn thủ Quảng Nam. Ông liền dời trị sở từ Ái Tử sang Trà Bát. “Đặt dinh trấn mới ở Trà Bát thực chất là mở rộng quy mô của vùng đất khởi nghiệp ban đầu ở Ái Tử, tạo thế liên hoàn Ái Tử – Trà Bát để có điều kiện phát triển quy mô của dinh trấn.” [17]Sau 30 năm tạo lập ở dinh Trà Bát, đến năm 1600 chúa Tiên lại dời sang dinh Cát. Trị sở mới (tức dinh Cát) ở về phía đông của dinh Ái Tử. Đây là lần lập cơ sở trị nhậm thứ ba kể từ khi vào nam, và “dù ba lần lập dinh trấn, nhưng Nguyễn Hoàng vẫn bám giữ trục Ái Tử làm căn cứ địa, giữ vững vùng đất dựng nghiệp mà mình đã chọn từ buổi đầu tiên, song với một tâm thế khác hơn trước, tâm thế muốn chuyển từ một vị Tổng trấn tướng quân trở thành một “chân chúa”, độc lập với uy quyền của Trịnh Tùng vừa mới trở thành chúa Trịnh ở phương Bắc.” [18]Như vậy, ở lần thứ nhất lập dinh Ái Tử chúa Tiên muốn thu phục nhân tâm và loại ảnh hưởng của các triều đại trước; lần thứ hai khi dời sang Trà Bát để được thế liên hoàn Ái Tử – Trà Bát và thêm đất Quảng Nam nhằm chuẩn bị cho lần thứ ba định dinh Cát với tâm thế của một vị “chân chúa”, qua đó tạo sự đối lập với trung tâm quyền lực Đàng Ngoài của chúa Trịnh đồng thời đặt cơ sở cho công cuộc mở đất phương nam sau này.
Cùng ba lần lập dinh, tầm nhìn của Nguyễn Hoàng đối với vùng đất mới còn được thể hiện ở việc cử con trai Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ Quảng Nam (năm 1602); năm 1604, lập phủ Điện Bàn, đổi Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, đổi phủ Tư Ngãi thành Quảng Ngãi; năm 1611, lập phủ Phú Yên. Và đặc biệt là di ngôn chính trị của chúa Tiên trước khi mất cho con thứ 6 (tức Nguyễn Phúc Nguyên): “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta.” [19]
Hơn 460 năm trước chúa Tiên với cuộc “Nam tiến” đã dựng nghiệp, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế cho đất nước, tạo nên sự phong phú và đa dạng về văn hoá cho dân tộc. Nguyễn Hoàng là người có tầm nhìn sắc sảo, tư duy chiến lược đối với vùng đất mới, qua đó đặt cơ sở cho công cuộc mở đất phương nam. Ông là người đầu tiên của công cuộc và Gia Long là người hoàn thành quá trình thống nhất đất nước năm 1802. Các giá trị vật chất và tinh thần mà chúa Tiên đã mang lại cho dân tộc là những công lao to lớn của tiền nhân, vì thế ông xứng đáng là “Anh hùng mở cõi vĩ đại” [20].
Đỗ Kim Trường
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Bản dịch Hà Văn Lâu – Ngô Thế Long, Hiệu đính Giáo sư Hà Văn Tấn, Nxb Khoa học xã hội.
2. Nguyễn Phan Quang – Trương Hữu Quýnh – Nguyễn Cảnh Minh (1977), Lịch sử Việt Nam (1427 – 1858). Quyển 2 tập 1. Nxb Giáo dục.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Tập 1 – 2, Nxb Thuận Hóa.
4. George Dutton (2019), Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, Nxb Tổng hợp TP.HCM và DT book.
5. Nguyễn Duy Hinh (2013), Người Chăm xưa và nay, Nxb Văn hóa thông tin.
6. GS. Phan Huy Lê – PGS.TS Đỗ Bang (Đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, Nxb Chính trị quốc gia.
7. Tạp
chí Xưa & Nay số 503 tháng 01-2019.
___________________
[1] – Các Hội thảo khoa học: Nam Bộ và Nam Trung Bộ những vấn đề lịch sử thế kỷ XVII – XVIII.do Trường Ðại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2002; Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức năm 2008; Quảng Trị – Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức năm 1013; Trung Bộ và Nam Bộ thời chúa Nguyễn do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức năm 2017
[2] – Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Bản dịch Hà Văn Lâu-Ngô Thế Long, Hiệu đính Giáo sư Hà Văn Tấn, Nxb Khoa học xã hội, tr 137.
[3] – Nguyễn Phan Quang-Trương Hữu Quýnh-Nguyễn Cảnh Minh (1977), Lịch sử Việt Nam (1427-1858). Quyển 2 tập 1. Nxb Giáo dục, tr. 70.
[4] – Tức cuộc hôn nhân của Chế Mân với Công chúa Huyền Trân năm 1306.
[5] – Xin xem thêm PGS. Nguyễn Duy Hinh (2013), Người Chăm xưa và nay, Nxb Văn hóa thông tin, tr 166 – 168.
[6] – Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Sđd, tr 137.
[7] – Xin xem Phan Huy Lê (2014) Quảng Trị – Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng, trong GS. Phan Huy Lê – PGS.TS Đỗ Bang (Đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, Nxb Chính trị quốc gia, tr 255 – 259.
[8] – Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Nxb. Giáo dục, tr. 27.
[9] – Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr 31.
[10] – Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Sđd, tr. 27.
[11] – Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Sđd, tr 44.
[12] – Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Sđd, tr 46.
[13] – Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Sđd, tr 86.
[14] – Võ Vinh Quang (2019), “Bản sách phong quý của vua Bảo Đại ban tặng cho Lãng Xuyên Quận vương Nguyễn Uông”, trong Tạp chí Xưa & Nay, số 503, tháng 01 năm 2019, từ trang 50, 51 và 87.
[15] – George Dutton (2019), Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, Nxb Tổng hợp TP.HCM và DT book, tr 60 – 61.
[16] – Nguyễn Xuân Hoa (2014), “Ba lần lập dinh trấn ở Quảng Trị – Ba sách lược của Nguyễn Hoàng” trong: GS. Phan Huy Lê – PGS.TS Đỗ Bang (Đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, Sđd, tr 122.
[17] – Nguyễn Xuân Hoa (2014), tlđd, tr 125 – 126.
[18] – Nguyễn Xuân Hoa (2014), tlđd, tr 130.
[19] – Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Sđd, tr 37.
[20] – Xin xem Phan Huy Lê (2014), tlđd, tr 538.