Một góc trung tâm thành phố Vancouver, Canada.
Tuần lễ cuối tháng Tám, rời thành phố Houston, Texas, trong tháng nóng nhất của năm với những cơn bão có thể đến trong vùng vịnh Mexico, tôi đến Vancouver, Canada, thành phố được xem là thành phố sinh động thứ sáu trên thế giới với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.
Đến Mỹ tháng Tư, 1978, ngay sau các kỳ thi để trở lại hành nghề, tôi xách chiếc xe Volkswagen con bọ cà tàng chạy lên Seattle, Washington, từ Portland, Oregon, chạy xuống San Jose, California, theo xa lộ 5 mãi đến Los Angeles và San Diego. Nhiều năm sau đã lái xe nhiều lần dọc bờ biển trên xa lộ 101, ngắm bờ Thái Bình Dương nhìn về Việt Nam bên kia, bên này là những cây thông và những cây Evergreen ở Seattle, nhưng 41 năm ở Mỹ tôi chưa có dịp qua bên kia biên giới để đến thành phố Vancouver.
Vancouver là một thành phố mới hơn 130 năm, trăm năm đời người là thời gian dài nhưng thành phố trăm năm trong lịch sử thế giới hàng ngàn năm là thành phố trẻ. Vancouver được đặt tên theo thuyền trưởng người Anh George Vancouver, một nhà thám hiểm trẻ vào cuối thế kỷ 18. Tinh thần thám hiểm của Vancouver tượng trưng cho tinh thần người Anh, phiêu lưu, sáng tạo, tìm kiếm cái mới, tinh thần được người Mỹ tiếp nối khi đến lập nghiệp ở tân thế giới.
Đến Vancouver không có dịp lái xe như những lần đến Oregon, Washington, và California nhưng chúng tôi được ông bạn học cùng lớp y khoa ngày còn trẻ Soma Ganesan làm tài xế hướng dẫn. Gốc Ấn, sanh ở Việt Nam, nói tiếng Việt, theo chương giáo dục Việt, sau 30 tháng Tư, 1975, bạn tôi về Ấn, qua Pháp, qua Anh rồi định cư ở Vancouver trên 30 năm. Phiêu lưu, lưu vong như nhiều bác sĩ đồng khóa, bạn tôi yêu nước Việt Nam như những người Việt đã xa xứ.
Cuối thế kỷ 18, tình hình chính trị, giao thương vùng Tây Bắc Thái Bình Dương giống như Nam Thái Bình Dương đầu thế kỷ thứ 21 hiện nay với các diễn viên chính trị khác. Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nga tranh giành Thái Bình Dương (tên Đại Dương do nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ferdinand Magellan đặt, ông bị giết ở Phi Luật Tân). Quyền lợi vùng Tây Bắc Thái Bình Dương thời ấy tùy thuộc buôn bán da rái cá (sea otter). Các nước Âu Châu buôn rái cá trao đổi sắt với dân bản xứ, đem qua Trung Quốc bán da rái cá rất đắt, cần để may áo da, trang phục cho các bà mệnh phụ trong triều, người Nga làm mũ, người Mỹ và Âu Châu cũng ham chuộng da và áo lông rái cá. Các thuyền buôn và chiến thuyền đụng độ nhau không vì dầu hỏa như tình hình Nam Thái Bình Dương hiện nay.
Anh là cường quốc sau Tây Ban Nha nhưng với tinh thần khai phá, thuyền trưởng James Cook đã khám phá Alaska và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương năm 1778. Người Âu Châu đầu tiên đến Hawaii, Oregon, và Bắc Thái Bình Dương nhưng bản đồ Thái Bình Dương của ông không hoàn toàn. Vancouver tiếp tục sự nghiệp của Cook giúp Anh vẽ bản đồ vùng Thái Bình Dương. Vẽ bản đồ thời ấy là một bí mật quân sự, nước nào vẽ bản đồ đầu tiên sẽ đổi lịch sử và chiếm đất, chiếm đảo (không khác gì Trung Cộng hiện nay dùng các bản đồ để chiếm các đảo vùng Thái Bình Dương của Việt Nam).
Thuyền trưởng Vancouver theo chân James Cook thám hiểm trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và Alaska. Ba lần nghiên cứu địa hình từ 1791 đến 1795, thuyền trưởng trẻ tuổi bắt đầu thám hiểm năm 18 tuổi trong đoàn thuyền của James Cook. Trong bốn năm rưỡi các cuộc hải hành của Vancouver dài 65,000 dặm so với 55,000 dặm của Cook, vượt hẳn người đi trước ông nhưng cũng như Michael Collins bị mờ mịt trong chuyến phi thuyền Apollo 11 (người ta chỉ nhớ Amstrong và Buz Aldrin), Vancouver – người đã thăm dò bờ biển San Diego, Puget Sound, bờ biển Canadavà Đông Nam Alaska – không được chính quyền Anh vinh danh công trạng cho đến nhiều năm sau khi ông mất.
Khác với các nhà thám hiểm Âu Châu, Vancouver là một người nhân đạo, lãnh đạo thủy thủ trên hai chiếc Discover và Chatam ông tránh những lỗi lầm của Cook và những người da trắng, tránh những tiếp xúc với thổ dân có thể gây ra hiểu lầm, kính trọng văn hóa tập tục của thổ dân không xem họ là “mọi.” Thổ dân cũng luôn luôn đón chào ông và mong hòa bình thân thiện với những người da trắng. Thổ dân buôn bán, trao đổi da rái cá và đem thực phẩm đến cho thủy thủ đoàn.
Trong ba năm thám hiểm vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, đoàn Vancouver chỉ một lần xung đột vì hiểu lầm so với Hernando Cortes đến Mexico, xâm lăng, truyền giáo, phá hoại ngôi đền Montezuma, bắt dân Aztec làm nô lệ. Người da đỏ ở Canada được đối xử thân thiện và được bồi thường xứng đáng không bị đối xử phân biệt như ở Mỹ nhờ tinh thần của Vancouver như những lời thơ của Bliss Carman, “Lời cầu nguyện của dân da đỏ:” “Tại sao họ phá hủy những chòi trong rừng rậm? Không một cái nhìn thương hại cho những giọt lệ người da đỏ? Trái tim tôi để lại đây, trong căn nhà trong rừng!” Lời thơ đáng được những nhà lãnh đạo còn đầu óc kỳ thị chủng tộc trong thế kỷ 21 đọc, nếu họ còn trái tim.
Khám phá lớn nhất của George Vancouver là vùng Puget Sound (vùng này kể cả Seattle bây giờ). Tất cả những địa danh quen thuộc nổi tiếng hiện nay đều do Vancouver đặt. Mt Rainier, Port Towsend, Hood Canal, Mt Baker, Port Discovery, Orchard… tất cả 400 tên từ núi đồi, sông rạch, đảo… Địa danh đặt theo phong tục Anh: Hoàng gia, lịch sử, ngày tháng, bão tố, thổ dân… Các tên do thổ dân đặt hầu hết được Vancouver giữ lại như Nootka, Coquitlam…
Công lớn của Vancouver là giành lãnh thổ cho Anh từ tay Tây Ban Nha từ vùng Oregen đến Nam Canada. Vancouver tìm ra con đường biển đến Alaska, ngày nay du thuyền từ đảo Vancouver qua Alaska đi qua eo Johnson do Vancouver khai phá. Ông vừa là nhà thám hiểm, chỉ huy hải quân vừa là nhà ngoại giao, hòa bình với Tây Ban Nha mặc dù đụng độ thường trực vì quyền lợi thương mại, một bài học cho Hoa Kỳ và Trung Quốc trên vùng Ấn-Thái Bình Dương.
Thuyền trưởng Vancouver chấm dứt cuộc hải hành với hầu hết thủy thủ đoàn trở về an toàn ở Friendly Cove. Thân thiện là tinh thần của Vancouver với chủ trương của người Anh: Biển phải mở cho tất cả các nước, không ai có quyền chiếm hữu và cấm hải hành thương mại giao thương nhất là cuối thế kỷ 18 cũng giống như thế kỷ 21: Thế giới đang bước vào thời kỳ văn minh tiến bộ từ y khoa, khoa học đến kỹ thuật. Thái độ của Trung Quốc hiện giờ là thái độ không chấp nhận được của Tây Ban Nha cuối thế kỷ 18.
Năm 1890, thi hào Rudyard Kipling đến thăm thành phố trẻ Vancouver mới lên 4 tuổi, đã cảm thấy “Thành phố với cảnh, vườn tược cây cối, nhà cửa, một thành phố lớn như một giấc mơ, một thành phố êm đềm bên bờ biển.” Thành phố so với những thành phố Mỹ qua những lời thơ có nhiều đoạn bỗng thấy hợp với thời đại mới:
“Vancouver
như một thành phố êm đềm ngủ,
So với một thành phố Mỹ,
Không thấy người chạy lên chạy xuống kể chuyện láo không đúng sự thật.
Nhà cửa không khóa, nhà tắm miễn phí, xây bằng đá, thanh bình”
Vancouver ngày tôi đến cũng không lo trộm cướp, giết người bạo động bằng súng. Những lời thơ của Kipling cũng giống như lời ông bạn Soma nói “nhà không cần khóa cửa khi đi vắng, không sợ trộm cướp, hàng xóm xem chừng cho nhau.”
Vancouver với dân số nhiều màu da, nhiều giai cấp, không mang tiếng kỳ thị chủng tộc như một tiểu bang ở Mỹ dù trong quá khứ qua nghề nghiệp mỗi sắc dân làm mỗi nghề: “Người Nhật đem đến cho bạn ly nước nóng, người Hoa nấu ăn sáng, người Hy Lạp hầu bàn, người Ý đánh bóng giày cho bạn, người Ái Nhĩ Lan bán xì gà, người Nga bán báo, người Đan Mạch lau nhà cho bạn, dân Syria đứng bán chuối, người Thụy Điển làm nghề tắm hơi phục vụ cho bạn, người Do Thái bán quần áo và khăn quàng cổ, người Mỹ mời bạn vào tiệm bán rượu, người Anh giúp vui bằng ca nhạc kịch.”
Vancouver qua hơn một thế kỷ cũng giống như các thành phố Mỹ với các sắc dân thiểu số sống bằng những nghề đặc thù, đi qua các đường như Main tưởng như con đường Bellaire ở Houston hay Bolsa ở Orange County với các tiệm tạp hóa Á Đông, các tiệm làm nails của người Việt Nam và nhà hàng Tàu.
Qua những vùng Richmond, Burnaby, Coquitlam quả thật thấy mùa Hè thái bình, qua bên kia đảo Sunshine Coast, đứng trên phà nhìn dòng nước trong xanh thấy ngay môi sinh khác với nước Mỹ xinh đẹp, nhớ những câu thơ đọc được của Dorothy Livesay năm 1937, nhà thơ người Vancouver: “Mọi sự yên tĩnh dưới ánh mặt trời, ngoại trừ biển động dưới chân tôi, nước rửa sạch bờ biển Trung Hoa thành phố Thượng Hải, nước bờ sông Dương Tử, rửa sạch bàn tay máu, làm lành vết thương.”
Máu trên Thái Bình Dương từ người dân Trung Hoa các triều đại độc tài máu từ tội nhân tội đồ của chế độ Cộng Sản. Gần đây máu từ Thiên An Môn năm 1989 đẩy làn sống di dân đến Vancouver. Một Vancouver giống Hồng Kông bên kia bờ Thái Bình Dương.
Hồng Kông với những tòa cao ốc, với ngọn núi đằng sau và hải cảng phía trước. Một Hồng Kông trong ký ức tôi năm 1978 khi ghé qua đêm trước khi định cư tại Mỹ.
Dân Trung Quốc đã biến đổi Vancouver của người Anh ngược với lịch sử đầu thế kỷ 20, Anh đã biến Hồng Kông thành thành phố Âu Châu. Tiền từ Trung Quốc đổ qua bờ Thái Bình Dương. Các nhà địa lý Trung Quốc xem địa thế Vancouver đã phán là địa thế Hồng Kông bên kia bờ Thái Bình Dương, sông núi, đất đai và biển, một địa thế thuận lợi đầu tư. Di dân Trung Quốc tràn qua Vancouver, 43% dân Vancouver hiện nay là Á Châu, đa số là dân Trung Quốc. Tiền đổ về gây cơn địa chấn địa ốc. Hàng tỷ đô la phá vỡ những ngôi nhà cũ kỹ, các condo được mua đi bán lại trước khi xây xong.
Nhà cửa Vancouver trở nên đắt đỏ. Muốn mua căn nhà bên kia đảo êm đềm ngồi ngắm cảnh chờ con chim Hummingbird bay đến đằng sau vườn nhà cũng phải trả giá bạc triệu. Nhà cửa quá đắt ngay đến người Vancouver làm chủ các căn nhà đắt giá cũng muốn ngừng tăng giá. Giới trẻ không thuê nhà nổi. Thành phố trở nên nơi rửa tiền hay đầu tư từ Trung Quốc hay từ miền Bắc Việt Nam. Giải pháp tăng thuế nhà trên những căn nhà bỏ trống từ 15% đến 20% chưa giải quyết được cơn khủng hoảng. 1/3 chủ nhân nhà ở Vancouver đang ước giá nhà Vancouver xuống ít nhất 30%.
Giống như các thành phố San Francisco, San Jose, Los Angles, New York hay London, bên cạnh những con phố dưới núi cạnh bờ biển là những “thành phố lều.” Thiên đàng nào cũng có chỗ rạn nứt. So với Silicon Valley, lợi tức dân Vancouver ít hơn, trung bình $70,000 mỗi năm, giá nhà trung bình $1.5 triệu. Dân Trung Quốc dư tiền mua nhà nhưng không ở vì với những rối loạn có thể xảy ra đến bất cứ lúc nào, đầu tư nhà ở Vancouver có thể mất 40% nhưng tiền để ở Trung Quốc có thể mất 100%.
Giống như truyện và phim “Crazy Rich Asian” cộng đồng tỷ phú Trung Quốc và Hồng Kông đến Vancouver đổ tiền xây nhà, xây condo những nơi như làng Olympic Vancouver trước đây bỏ trống, sòng bài mọc lên. Chung cư, cao ốc mọc lên chỉ để đậu xe hơi đắt tiền Rolls-Royce, BMW, Lamborghini chứ không để ở. Ba trăm ngàn dân Hồng Kông có passport Canada đa số đến Vancouver. 1/2 dân số Richmond cạnh Vancouver là người Trung Quốc. Dân Hà Nội, Hải Phòng cũng đổ về đây. Sinh viên du học làm chủ nhiều nhà hàng triệu đô la, trong danh sách có cả con chủ hãng Huawei.
Năm 1997, Hồng Kông trả về cho Trung Quốc đã tạo làn sóng di dân triệu phú qua Vancouver cũng như năm 1989 sau Thiên An Môn dân Hồng Kông đã đua nhau qua Hồng Kông bên kia bờ Thái Bình Dương. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm giàu thêm cho dân Hồng Kông và triệu phú đỏ Cộng Sản Việt Nam khi các công ty kỹ thuật truyền thông dời ra khỏi Trung Quốc kết quả là số dân Á Châu ở Vancouver tăng.
Khác với Hồng Kông, Vancouver vẫn giữ bộ mặt thanh bình trong một mùa Hè mát mẻ yên tĩnh. Bên này Vancouver nhìn qua cuộc cách mạng của giới trẻ Hồng Kông, cuộc cách mạng chống áp bức bất công đã học được nhiều bài học chính trị. Cách mạng là phải do giới trẻ, giới chưa bị quyền lực địa vị tiền bạc chi phối, cách mạng thành công thuần túy chính trị không mang màu sắc tôn giáo, cách mạng phải do người trẻ trong nước chịu tù đày bắt bớ nhưng không cúi đầu trước bạo lực, chịu tù đày chứ không chấp nhận lưu vong lưu đày.
Một tuần đến Vancouver vì tình bạn xưa với một người đàn anh trong y khoa hơn 40 năm trước bất ngờ đã trở thành một tuần nghỉ Hè đẹp và đáng nhớ. Một tuần với bạn tôi, Bác Sĩ Soma chuyên, về bệnh tâm thần nhưng “nghề nghiệp không ảnh hưởng đến con người” như nhân gian thường nói! Bạn tôi đã cống hiến nhiều nghiên cứu về bệnh tâm thần cho bệnh viện Vancouver và thành phố, tên tuổi và hình ảnh Bác Sĩ Soma Ganesan đã để lại trong ngành y khoa Canada. Tôi cũng cảm thấy vui khi bạn tôi xem những đóng góp ấy như một sự trả ơn của một người tị nạn cho xã hội đã giúp người tị nạn làm lại cuộc đời trên đất mới.
Một tuần đi trên những con đường dốc, bước xuống những bậc đá dọc bờ biển, ngắm nhìn đồi núi sông biển xanh biếc, bầu trời trong, không khí mát mẻ, về nhà tôi lại được ngắm những bức tranh vẽ họa cảnh Vancouver, những bức tranh nghệ thuật như tranh Monet của họa sĩ Anh Thúy vợ bạn tôi. Chồng quê Cần Thơ vợ quê Long Xuyên hai bạn tôi quả thật đã tìm thấy “Thiên thời thủy lợi” ở vùng đất Vancouver.
Tình bạn ở Vancouver như câu thơ của Bliss Carman “Danh vọng tiền tài rồi cũng bay đi, tình bạn và tình yêu còn vĩnh viễn.” Tình bạn của đàn anh Bác Sĩ Nguyễn Gia Khánh đàn anh ở bệnh viện Bình Dân chuyên ngành Bệnh Lý Học và chị Dược Sĩ Nga cách đây 11 năm đã lái xe từ Vancouver xuống Seattle dự đêm ra mắt sách Việt Nguyên. Tuổi cách xa nhưng tình anh em trong trường y khoa vẫn là tình bạn.
Tình bạn ở Vancouver ngày trước khi về lại Houston trọn vẹn với anh chị bác sĩ đàn anh đàn chị Nguyễn Hữu Tế và Dương Mỹ Linh, cặp vợ chồng già 85 và 81 tuổi ở trong căn nhà trên ngọn đồi cao “tít” trên trời với con đường dốc gần 45 độ, con đường đi lên trời Skyline Dr thành phố Gibsons, mỗi ngày đi lên đi xuống trong 20 năm ở căn nhà “nhìn phải thán phục” cặp vợ chồng sống trên tiên cảnh! Mới gặp chúng tôi anh chị đã hẹn ngày tái ngộ và lưu luyến chia tay ở bến phà!
Chia tay với các bạn ở Vancouver trở về Houston thành phố quen thuộc trên 36 năm, khí hậu nóng nhắc tôi về với thực tại. Súng nổ giết người hàng loạt ở Odessa và Midland, chính trị Cộng Hòa và Dân Chủ, đảng Cộng Hòa chống phá thai, Dân Chủ chống bán súng, một đảng không trọng đời sống từ trong bào thai một đảng nuôi trẻ lớn lên rồi cho mua bán súng tự giết nhau. Một chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục qua thương chiến Mỹ-Trung với hai gương mặt, một bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Chủ Tịch Tập Cận Bình, một bộ mặt biến dạng từng giây từng phút của Tổng Thống Donald Trump!
Việt Nguyên