Trần Sương Lam
Sức sống của ca dao có thể nói là bền bỉ, bất diệt. Ca dao đã đặt nền móng cho thể lục bát hiện đại thăng hoa. Nhiều nhà thơ đã tìm đến thể thơ truyền thống này để làm mới nó và họ đã thành công. Những bài thơ viết theo thể lục bát dễ đi vào lòng người bởi giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, dung dị của ca dao. Với lục bát, bao thi sĩ đã đưa độc giả về lại cội nguồn dân tộc để chúng ta – những người thưởng thức càng cảm nhận cái duyên thầm của ca dao đã ru bao thế hệ Việt Nam sống thật đẹp, thật lãng mạn nhưng cũng thật lạc quan trên cái nền xanh tươi của ruộng đồng, làng mạc Việt Nam.
Thi đàn của cộng đồng người Việt hải ngoại Úc Châu xuất hiện nhà thơ HƯ VÔ – NGƯỜI ĐÃ MỘT ĐỜI ÂM THẦM, LẶNG LẼ TẠO HÌNH, TẠO NHẠC CHO TIẾNG VIỆT và ông đã rất thành công ở thể loại thơ lục bát, thể thơ vốn là ca dao. Là những âm vang của câu hò, giọng hát đã đi vào lòng người trong cuộc hành trình chữ nghĩa…
Và xin mời người thưởng ngoạn hãy cùng tôi bước vào thế giới Hư Vô với một bài lục bát tiêu biểu, được trích dẫn từ thi tập Lưng Nguyệt của ông, do nhà xuất bản International Link United (ILU) tại Mỹ, đã in và phát hành.
Ca Dao Chiều
Chiều em phơi nắng trên ngàn
Tóc bay từ thuở dung nhan biết buồn
Tôi còn quấn quít mùi hương
Chưa trăm năm đã hoang đường từ khi.
Một lần em bỏ tôi đi
Đường xa đâu biết có gì cho nhau
Em hiền như điệu ca dao
Thả câu lục bát tan vào hư không.
Giấu
quanh chút nắng trong lòng
Em đi vấp sợi tơ hồng dưới chân
Nhìn nhau nửa mắt tình nhân
Mà nghe giọt lệ đã lăn vào đời.
Chiều
ru vọng khúc à ơi
Cho lời vàng đá trên môi còn nồng
Vậy mà em đã sang sông
Bài ca dao bỗng mênh mông, lạ lùng…
Hư Vô
Ca Dao Chiều của thi sĩ Hư Vô như một bài ca dao, một khúc ru tình lỡ mà khi đọc xong ta cứ mãi vấn vương với bao nhiêu câu hỏi:
Chiều em phơi nắng trên ngàn
Tóc bay từ thuở dung nhan biết buồn
Tôi còn quấn quít mùi hương
Chưa trăm năm đã hoang đường từ khi.
Buổi chiều trong thi ca đã khơi gợi bao điều. Theo Phạm Nguyên Thảo “… Hoàng hôn, cái rực rỡ của vẻ đẹp sắp tàn phai, của ngày sắp hết, cái vô thường của những áng phù vân lộng lẫy, cái vô nghĩa của cuộc đời, cái nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, nỗi cô đơn …bao phủ lấy ta.” Người thơ nhìn cảnh mênh mông bao la của buổi chiều hôm trong núi, tự nhiên thấy dâng lên trong lòng một cảm giác thê lương không duyên cớ, mênh mang thương xót, chứ không vì một nguyên nhân nào khác. Nỗi buồn thương ấy tạo ra từ tâm hồn thi sĩ trước cảnh chiều, nên nó rất thơ, và cũng rất dễ thấy trong văn chương cổ điển.
Thời gian trong ca dao mang tính tâm lý được biểu thị, cảm nhận theo đúng phong vị ca dao, dân ca. Và buổi chiều trong ca dao đã chất chứa nỗi sầu thiên cổ từ vạn kiếp người rồi. Hư Vô đã đưa chiều vào từ đầu tiên của bài thơ như lời đề báo hiệu một khúc nhạc lòng sẽ trỗi lên giai điệu buồn của vạn cổ, buồn của kiếp người đang thấm thía từ nỗi chia lìa.
Cách điệu của “Ca dao Chiều” chính là không gian nghệ thuật ở đây là “nắng phơi trên ngàn”. “Nắng” chiều tôi gọi là nắng hấp hối, “ngàn” cũng không phải là nơi để nắng vùng vẫy, tỏa sáng rực rỡ. Tôi cảm nhận nắng đuối dần, đang thoi thóp, lụi tàn, sự sống đang rời bỏ nơi đây và không gian, thời gian cũng đang hợp nhất tạo thành dấu khắc vô hình “trăm năm- hoang đường”. Trong không gian – thời gian hiu hắt ấy, đôi tình nhân xuất hiện dường như họ được đặt trong trạng thái tương thức: “em- tóc bay- dung nhan- mùi hương / anh- quấn quít- hoang đường”. Em rực rỡ thanh xuân, anh đắm mê, ngây dại. Mà đất trời thì như đang bày biện cuộc người, để cuốn anh và em vào cùng tận điệu ca dao oan nghiệt!
Con gái Sài gòn xưa thích để tóc dài cho xôn xao tà áo nữ sinh. Tóc dài, áo dài đã trở thành vẻ đẹp biểu tượng cho phái nữ. Bao nhà thơ, nhạc sĩ điên đảo vì mái tóc dài, vì tà áo dài mà có lần tôi đã viết “mái tóc dài như dòng nhạc chảy tràn trong thi ca” còn gì đẹp hơn buổi trưa, buổi chiều tan trường, em đi về gió chiều tung bay mái tóc, tung bay tà áo và tình yêu đến một cách diệu kỳ như thế. Người con gái ấy đang ở tuổi “biết buồn”, đang tuổi bâng khuâng, thả tóc dài thênh thang mùi hương con gái đã làm thổn thức trái tim của những chàng trai học sinh, sinh viên thời ấy. Là đề tài cho biết bao nhạc sĩ đã viết đến xanh những nốt nhạc diệu kỳ:
Buồn đã biết rồi từ thuở biết
thương yêu
Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều
Mang những vết thương đi trong cõi đời dài
Ôi tuổi buồn ơi! Tuổi còn mài theo ta hoài…
(Tuổi biết buồn – Phạm Duy- Ngọc Chánh)
Nét đẹp về em đã định hình theo một trật tự nhất định: tóc bay- nhan sắc- mùi hương. Sự hợp tấu, giao thoa kỳ bí giữa hình thể, mùi hương; như là một sự kết tụ giữa thân và thần giữa thuộc thể và thuộc linh, thực và ảo cứ vậy mà quấn quít đến ngạt ngào, để chân dung tình yêu trở nên óng ả, lung linh và cũng từ đó đã làm hồn thi nhân bối rối, vụng về bước vào thiên đường tình ái với những đắm say cuống quít không rời:
Tôi còn quấn quít mùi hương
Chưa trăm năm đã hoang đường từ khi.
Tình- khi yêu ai cũng mong êm ả, dài lâu mãi mãi nhưng đâu phải cứ muốn là được và dường như thi sĩ cũng đã cảm nhận những bất trắc, tai ương trên đường tình với một loạt ngôn từ chỉ thời gian đã pha lẫn giữa khẳng định và phủ định, quá khứ, thực tại “chưa, đã, từ khi”. Bước vào cõi tình dẫu đã biết chốn ấy, tình ấy chỉ là mộng tưởng “hoang đường”. Nhưng với thi sĩ đó là thiên đường diễm ảo, một ngày được yêu như thể cả trăm năm. Và ý niệm thời gian ở đây, theo tôi là cách thi sĩ thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ của mình: yêu và được yêu. Nhưng tình càng đẹp thường buồn bã và mong manh. Thi sĩ đã tận dụng ngôn ngữ thật chân tình để diễn tả sự mất mát đó:
Một lần em bỏ tôi đi
Đường xa đâu biết có gì cho nhau
Chỉ một lần thôi nhưng đủ kết thúc tất cả. Tôi thấy giọt lệ tình đang rơi, giọt lệ như hạt ngọc long lanh. Tình tan vỡ, thiên đường thành hư không. Trăm năm chỉ có một lần là tan nát. Những thanh bằng rất nhẹ nhưng cả không gian, thời gian sụp đổ, tan hoang.
“Em bỏ tôi đi” ngữ điệu câu thơ bật lên chút tê tái, xót xa. Đường xa ở đây có thể là không gian địa lý mà cũng có thể là không gian trong tâm trạng, cái khoảng cách tâm hồn mới là điều đáng nói khi tình đã hết, khi tình đã xa tất cả chỉ tồn tại một dấu chấm hết. Tôi nghe sự tuyệt vọng đang dâng lên, không gian dường như đã mơ hồ, đã nhòe trong nỗi đau vô hạn “đâu biết có gì cho nhau”, ngoài giọt nước mắt như là chút kỷ niệm để em mang đi như chứng tích của một cuộc tình tan. Mà muôn đời em vẫn là bài ca dao dạt dào trong tôi những lời tình sương khói phiêu linh:
Em hiền như điệu ca dao
Thả câu lục bát tan vào hư không.
Hai câu thơ nhẹ như một làn gió mơn man bởi một so sánh vừa khái quát, vừa tinh tế . Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã so sánh người tình hiền như ma soeur để làm nổi bật vẻ đẹp tinh khôi, thánh thiện, toàn bích của người một thời ông đã yêu; Hư Vô lại so sánh người tình hiền như điệu ca dao thì quả là dung dị, đơn sơ mà thật gợi cảm vì ca dao là tâm hồn dân tộc cho ta vị ngọt của tình yêu, cho ta vị êm đềm, phiêu diêu của những dòng lục bát. Ca dao từ khi xuất hiện cho đến bây giờ nó vẫn tồn tại cùng dân tộc. Sự tồn tại của ca dao là sự khẳng định sức sống kỳ diệu của ca dao. Valery đã có một nhận định qua câu nói “Le vrai poète est celui qui inspire.” Dòng thơ thực chỉ đến với những ai có tâm hồn. Phải chăng đây là tuyên ngôn tình yêu của thi sĩ với “em”, em không bao giờ mất mất, em tồn tại, em mãi mãi trong anh. Người thì mù khơi, bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm nhưng sự dịu dàng, mối tình ngây thơ của một thời áo trắng sẽ mãi cùng anh đi theo năm tháng.
Ca dao là thân xác, lục bát là vòng tay. Cứ thế lục bát ôm trọn ca dao vào lòng để ấp ủ cái hương thơ của hồn quê, của tình người. “Em bỏ tôi đi”, đã hết, điệu ru tình có còn cũng chỉ là tiếng thảng thốt vang vào hư không. Tôi cảm nhận nỗi đau được thi sĩ ngắt, rồi nhấn trong nhịp lục bát ca dao dù câu thơ có tới năm thanh bằng. Thơ Hư Vô buồn như ca dao, nhẹ mà thấm mà mênh mang vời vợi, dù thi nhấn đã có thả tan vào hư không nhưng câu thơ, nỗi buồn không như ông muốn, mà nó đã thành sợi tơ vướng víu, quấn quít trong trái tim đồng cảm của những người yêu thơ. Ý tưởng đó làm tôi nhớ đến câu lục bát của Truyện Kiều:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. (Nguyễn Du)
Đã là tình, nhất là tình lỡ khó mà nguôi ngoai.
Em đi. Tôi ở lại. Tôi cảm nhận, em vẫn còn chưa quên tình yêu của một thời áo trắng. Nó như giọt nắng lung linh le lói mãi thành một quầng sáng trong tim, quầng sáng dõi theo em suốt trên con đường em đi, cho em ấm áp, cho em niềm vui nếu cuộc đời em không mấy khi vui… Có lẽ là em hiểu tình tôi, giọt nắng cuối ngày làm em vướng vít bước chân, vướng vít con tim.. Dừng chân, ngoảnh lại quá khứ, len lén nhìn nhau nửa mắt như sợ “người ta” biết, như sợ tình nhân biết nỗi buồn của em. Cứ thế mà xa dần rồi mất hút- dáng em, bóng em và chỉ còn sót lại “giọt lệ rơi” thầm lặng của em thôi.
Giấu quanh chút nắng trong lòng
Em đi vấp sợi tơ hồng dưới chân
Nhìn nhau nửa mắt tình nhân
Mà nghe giọt lệ đã lăn vào đời.
Ca Dao Chiều cứ thế mà trỗi dậy khúc bi ca. Tôi như thấy giọt nước mắt mình đang rơi như Hư Vô “Mà nghe giọt lệ đã lăn vào đời”. Tôi thực sự cảm nhận câu thơ chính là dòng lệ tôi. Có lẽ, người ta thường gọi đây là sự đồng cảm mà cũng là sự tự thương của những người luôn gặp những bất trắc, tai ương trong tình yêu. Hư Vô không viết mà thấy, thi sĩ viết “Mà nghe”, nhà thơ không viết giọt lệ rơi mà viết giọt lệ lăn thì rõ là chất giọng của ca dao rồi, vì ca dao không làm dáng, khoác áo đơn sơ, mộc mạc nhưng chân thật. Lăn làm tôi liên tưởng đến “lăn lóc” một sự bỏ rơi, không đoái hoài, không quan tâm. Giọt lệ tình mà thi sĩ đã nhỏ xuống cho tình nhân dường như chỉ mình mình biết chỉ mình mình hay. Nỗi cô đơn cũng theo ông từ ngày ấy, đồng hành cùng thi nhân trên những chặng đường đời. Từng câu chữ như những viên sỏi đang bị những dấu chân người đi nghiến nát, sỏi có đau? Sỏi có buồn? Giọt lệ mong manh như những viên sỏi đang lăn trên đường để gió cát, bụi đường vùi lấp. Tình ấy, buồn ấy cũng chẳng tan bởi đã hòa trong trời đất dấy lên khúc bi ca để cứ mãi vang xa. “Mà nghe”. Tôi nghe giọt lệ đang hòa vào nỗi đau của khúc tình buồn để rồi chiều lại đến, lại về. Lời ru buồn của ca dao lại miên man trong hiu quạnh:
Chiều ru vọng khúc à ơi
À ơi… là điệp khúc lời ru trong ca dao. Hư Vô đang thả điệu lục bát để ru tình nhưng không phải là khúc hoan ca mà là khúc ngậm ngùi. Tiếng ru vang trong chiều vắng nghe đến đắng lòng, đến da diết, mênh mông. Hồn của ca dao lại về, không gian đầy ắp những âm thanh buồn bã đến ngậm ngùi:
Cho lời vàng đá trên môi còn nồng
Lời trách. Em quên rồi lời ước hẹn thủy chung, em quên rồi những lời vàng đá sẽ mãi mãi yêu tôi, em quên rồi những nụ hôn nồng nàn quá khứ. Quên. Lãng quên. Quên hết. Để tôi ở lại nơi này. Không em. Để tôi ở lại nơi này với lời vàng đá thuở xưa; để tôi ở lại nơi này môi nồng lời ước hẹn. Không gian nhờ lời ru mà thành bát ngát, nỗi đau thấm vào lời ru mà nồng nàn, điệu à ơi cho câu ru như kéo dài, kéo dài cả nỗi nhớ tiếc khôn nguôi, kéo nỗi buồn thành vô biên, vô lượng. Chiều mênh mang nỗi nhớ, chiều mênh mang nỗi buồn. Nỗi buồn vọng từ quá khứ đến hôm nay để rồi đọng lại thành khúc ru chiều – khúc ru của tình tan:
Vậy mà em đã sang sông
“Vậy mà” là một sự ngạc nhiên, là một sự thất vọng, một sự đau lòng… về người con gái mà nhân vật trữ tình, yêu và đặt hết niềm tin vào đó. Tôi cảm nhận giọt nước mắt đã khô rồi, bầu lệ nóng đã cạn dòng. Chấp nhận duyên phận ngắn ngủi “có ngần ấy thôi”, giọng thơ trĩu nặng nỗi buồn khi “em đã sang sông”. Ý thơ làm tôi liên tưởng đến bài dân ca Nam bộ Lý Con Sáo:
“Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng sang sông” (Dân ca)
Em như cánh chim bay không bao giờ trở lại nơi này. Tình xưa còn vọng để thành lời ru. Giọng à ơi… của khúc hát ru tình lỡ cứ xoáy vào tim ta những nỗi buồn không tên. Ca dao lại về trong câu hát ru chiều, trong câu ca lỡ làng của chuyến đò tình không bến đỗ:
Đó đây cách trở vì đâu
Trách thay con tạo cơ cầu đa đoan (Ca dao)
Em đã đi rồi.. Tôi nhớ đến Những giọt lệ của Hàn Mặc Tử:
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. (Hàn Mặc Tử)
Với Hư Vô người đi để lại cho chàng thi sĩ một nỗi đau mênh mông. Tôi nghe một tiếng thở dài thật nhẹ như lời ca dao tình lỡ:
Bài ca dao bỗng mênh mông, lạ lùng…
Câu chữ chuẩn xác đủ để diễn tả thần thái của ca dao. Ca dao vốn là cung đàn muôn điệu, mỗi người hiểu ca dao theo cách của riêng mình. Mỗi thời đại, ca dao lại có một cách thấu hiểu riêng, tôi gọi đó là sức sống bền bỉ của ca dao phải chăng vì thế làn điệu dân gian ấy vẫn cứ làm say lòng bao thế hệ người Việt Nam. Phạm Duy trong Tình Ca ông đã từng khẳng định:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi
mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời. (Phạm Duy)
Bài ca dao Chiều của Hư Vô vẫn là cái cảm xúc của người Việt về quê hương, đất nước với tự hào về kho tàng quý báu của văn học dân gian và cũng là cảm nhận mối tình đã qua của nhà thơ. Tình yêu đến rồi tình yêu đi, mang đến hoan lạc, hạnh phúc lẫn thương đau. Đó là sắc màu của tình yêu, của cuộc đời và cũng của ca dao. Thần thái của bài Ca Dao Chiều theo tôi nằm ở câu kết của bài: Đẹp, sâu ở từng câu chữ. Một phát hiện tự nhiên đầy bất ngờ “Bài ca dao bỗng mênh mông, lạ lùng” và tâm ý của bài thơ vì thế không kết ở dấu chấm hết mà tuôn chảy tự nhiên như dòng đời, dòng tâm cảm, dòng lệ thương cho những mối tình chóng vánh đã vội đi.
Ca dao đẹp ở những dòng lục bát ngọt ngào khi cất lên thành những điệu hò, những khúc hát ru vỗ về ta, nhắc nhở ta buồn có buồn thật đấy, có não nề, da diết thật đấy nhưng rồi sẽ nguôi ngoai vì nỗi niềm đã ngỏ, đã được sẻ chia, đã được thấu cảm. Tôi hiểu câu kết của bài đơn giản như vậy. Phải chăng vì thế khúc Ca Dao Chiểu của thi sĩ cứ mông lung, cứ lạ lùng khi ta tìm đến thi sĩ nghe ngâm vịnh khúc Ca Dao Chiều để rồi sau đó ta lặng đi trong một nỗi ngậm ngùi và cũng chợt nhận ra hình như đã ít nhất có trong đời mình một lần ta đã từng chênh vênh, mộng mị, đớn đau khi bước qua một mối tình không trọn vẹn.
Ca Dao Chiều khúc ru tình đẹp trong sự mất mát. Mất mát mà không tàn phai. Mất mát trong nỗi nhớ nhung khôn nguôi và nỗi nhớ ấy đã trở thành khúc ru tình góp vào thơ hiện đại Việt Nam một thi phẩm đẹp như ca dao, đẹp như điệu hồn dân tộc.
Trần Sương Lam