Cựu Tổng Thống Pháp Jacques Chirac đã qua đời ngày 26 tháng 9 năm 2019. Mười bảy năm trước, tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg, Nam Phi, ông đã có bài phát biểu báo động về khí hậu mà cho đến nay, 2019, vẫn còn gây tiếng vang!
Đó là một câu liên tục được lặp đi lặp lại trong các cuộc biểu tình và bài phát biểu của những nhà môi trường, bảo vệ thiên nhiên: “Ngôi nhà của chúng ta đang cháy và chúng ta ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác…” (Notre maison brule et nous regardons ailleurs). Cánh đây 17 năm, môi trường sinh thái chưa phải là một nguyên nhân qui tụ đám đông quần chúng, chứ đừng nói đến các nguyên thủ quốc gia. Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của Tổng Thống Jacques Chirac vào tháng 9 năm 2002 tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững ở Johannesburg đã tạo ra tiếng vang đáng chú ý. Nếu tất cả chúng ta đều biết câu mở đầu giới thiệu bài phát biểu của cựu nguyên thủ quốc gia Pháp nêu trên, chúng ta biết ít về phần còn lại của toàn bộ nội dung.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu ấn tượng đó của ông.
“Ngôi nhà của chúng ta đang cháy và chúng ta ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác. Thiên nhiên bị đốn chặt, khai thác quá mức đến độ không còn khả năng phục hồi, nhưng chúng ta không thừa nhận điều đó. Nhân loại đang phải gánh chịu sự phát triển yếu kém từ Nam chí Bắc, và chúng ta thì đang thờ ơ. Trái đất và nhân loại đang gặp nguy hiểm và tất cả chúng ta là những người phải chịu trách nhiệm.
Tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta phải mở mắt ra. Ở tất cả các châu lục, những dấu hiệu cảnh báo đã bật lên. Châu Âu bị thiên tai hoành hành và khủng hoảng về y tế, sức khỏe. Nền kinh tế Mỹ ngấu nghiến nuốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, dường như đang chịu một cuộc khủng hoảng niềm tin vào các phương thức điều tiết của nó. Các nước Mỹ Latinh một lần nữa bị chấn động bởi một cuộc khủng hoảng tài chính và xã hôi. Ở châu Á, nạn ô nhiễm tăng theo cấp số nhân mà bằng chứng là những đám mây màu nâu lan rộng ra và đe doạ đầu độc cả châu lục này. Châu Phi tràn ngập các cuộc xung đột, bệnh Sida hoành hành, nạn sa mạc hóa, nạn đói. Một số quốc đảo đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự nóng lên toàn cầu.
Không thể nói rằng chúng ta không hay biết! Xin hãy nhớ thế kỷ thứ 21 không thể trở thành, đối với những thế hệ trẻ tương lai, thế kỷ tội ác chống lại sự sống của nhân loại. Chúng ta phải thể hiện trách nhiệm dứt khoát và rõ rệt trong vấn đề này. Trách nhiệm hàng đầu thuộc về các nước phát triển. Hàng đầu là bởi lịch sử, bởi sức mạnh, bởi sức tiêu dùng. Nếu cả nhân loại cư xử như các quốc gia phương Bắc, phải cần thêm đến 2 trái đất nữa đễ thỏa mãn nhu cầu của chúng ta. Trách nhiệm của các quốc gia đang phát triển cũng vậy. Từ chối các ràng buộc trong dài hạn với lý do cấp bách là không thể chấp nhận. Các quốc gia này phải thừa nhận rằng không có cách nào khác ngoài việc họ phải sáng tạo ra phương thức phát triển ít gây ô nhiễm hơn.
Mười năm sau Hội nghị thượng đỉnh ở Rio de Janeiro, chúng ta không có gì để tự hào. Việc vận dụng chương trình nghị sự cho thế kỷ 21 (Agenda 21) là rất tốn công sức. Nhận thức về sự yếu kém của chúng ta đã dẫn đường cho tất cả chúng ta đến đây, tại Johannesburg, để cam kết sự liên minh, hợp tác thế giới vì sự phát triển bền vững.
Một liên minh mà qua đó các nước phát triển cam kết tham gia vào cuộc cách mạng sinh thái, cuộc cách mạng về phương thức sản xuất và tiêu dùng của họ. Một liên mà theo đó họ sẽ thực hiện nỗ lực đoàn kết cần thiết đối với các nước nghèo. Một liên minh mà Pháp và Liên minh châu Âu đã sẵn sàng. Một liên minh mà qua đó thế giới đang phát triển sẽ dấn thân vào con đường quản trị tốt và phát triển trong sạch.
Tôi tin rằng chúng ta có 5 dự án ưu tiên trước mắt:
- Trước hết là biến đổi khí hậu. Yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu là hoạt động của con người. Biến đổi khí hậu đe dọa sẽ gây ra thảm kịch toàn cầu. Chúng ta không còn thời gian để mỗi nước tự ý muốn làm gì thì làm. Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg phải cất tiếng long trọng kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, và trước hết là các nước công nghiệp lớn, phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Tokyo. Hiện nay, sự nóng lên toàn cầu vẫn còn có thể đảo ngược. Những nước từ chối hành động, chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề.
- Dự án thứ 2: Xóa đói giảm nghèo. Vào thời điểm toàn cầu hóa, sự tồn tại của nghèo đói hàng loạt là một bê bối cần khắc phục triệt để. Hãy áp dụng các quyết định Doha và Monterry. Chúng ta phải tăng viện trợ phát triển để đạt mức tăng trưởng GDP tối đa lên 0,7% trong vòng 10 năm tới. Hãy tìm các nguồn tài trợ mới. Ví dụ, bằng một mức thuế đoàn kết cần thiết trên các tài sản lớn sinh ra từ sự toàn cầu hóa.
- Dự án thứ 3: Sự đa dạng. Đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa, tất cả 2 yếu tố này đều là di sản chung của nhân loại và đều đang bị đe dọa. Câu trả lời là sự khẳng định về quyền đa dạng và thông qua các cam kết pháp lý về đạo đức.
- Dự án thứ 4: phương thức sản xuất và tiêu dùng. Với các doanh nghiệp, cần phải phát triển các hệ thống tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải, hạn chế ô nhiễm. Tạo ra phát triển bề vững là một bước tiến bộ căn bản của khoa học và công nghệ trong sự tôn trọng nguyên tắc phòng ngừa. Pháp sẽ đề xuất với các đối tác trong nhóm G8, trong Hội nghị thượng đỉnh Evian vào tháng 6 sắp tới, thông qua một sáng kiến nhằm kích thích nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển bền vững.
- Dự án thứ 5: quản trị toàn cầu để nhân tính hóa và kiểm soát toàn cầu hóa. Đã đến lúc nhận ra rằng tài sản công trên toàn cầu cần được chúng ta cùng chung tay quản lý. Đã đến lúc phải khẳng định giá trị lợi ích vượt trội hiển nhiên của nhân loại, trên cả lợi ích của từng quốc gia sở hữu tài sản.
Để đảm bảo các hoạt động quốc tế phối hợp chặt chẽ, chúng ta cần, như tôi đã nói ở Monterry, một Hội đồng An ninh Kinh tế và Xã hội.
Để quản lý môi trường tốt hơn, để duy trì các nguyên tắc đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Rio, chúng ta cần một Tổ chức Môi trường Thế giới.
Để thẩm định việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 và Kế hoạch hành động Johannesburg, nước Pháp đề nghị trao cho Ủy ban phát triển bền vững chức năng đánh giá ngang bằng với chức năng hiện nay của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD: Organisation for Economic Co-operation and Development). Và nước Pháp sẵn sàng là nước đầu tiên đệ trình bản đánh giá này.
Thưa ngài Chủ tịch,
Liên quan đến Lịch sử sự Sống trên Trái đất, Lịch sử Nhân loại chỉ mới bắt đầu. Thế mà, do lỗi của con người, nó đã đe dọa thiên nhiên và vì vậy đe dọa luôn chính nó. Con người, đỉnh phát triển của tiến hóa, có thể trở thành kẻ thù của sự Sống chăng? Và đây chính là rũi ro mà ngày nay chúng ta phải đối mặt vì tính ích kỷ hay mù quáng của mình.
Con người đã xuất hiện ở Phi châu vài triệu năm trước. Mong manh với hai bàn tay không vũ khí, con người, bằng trí thông minh và khả năng của mình, đã biết di cư phân bố ra rộng khắp quả địa cầu và ban hành luật lệ để mọi người tuân theo. Đã đến lúc Nhân loại, trong sự đa dạng của các nền văn hóa và các nền văn minh của mình, mà mỗi quốc gia đều có quyền được tôn trọng, đã đến lúc gắn liền thiên nhiên bằng một liên kết mới, một sự ràng buộc của sự tôn trọng và hòa hợp, và do đó cần học cách làm chủ sức mạnh và kiềm chế sự ham muốn của con người.
Và hôm nay, tại Johannesburg, Nhân loại có cuộc hẹn với định mệnh của chính mình. Và còn nơi nào có thể tốt hơn Nam Phi, quê hương của Thabo Mbeki, của Nelson Mandela, đất nước biểu tượng cho sự chiến thắng chống lại phân biệt chủng tộc, để vượt qua giai đoạn mới của cuộc phiêu lưu của con người!”
JACQUES CHIRAC.
Trong 1 vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm rồi và đầu năm đến nay, nguy cơ từ biến đổi khí hậu ngày càng lộ rõ chân tướng. Các cơn siêu bão với tốc độ gió vượt mức kỷ lục ngày càng nhiều như bão Dorian mà sức gió có lúc đạt mức 354km/h tàn phá quốc đão Bahmas vào đầu tháng 9 năm nay.
Nhiệt độ ở nhiều quốc gia năm sau tăng cao hơn năm trước. Sông ngòi gần gũi với các thành phố bị ô nhiễm đã đành, nhưng ngay cả đại dương rộng lớn mênh mông cũng bị tràn ngập bọc nylon, chai nhựa. Bằng chứng là loài cá voi khổng lồ chết trôi dạt vào bờ trong bụng chứa mấy chục ký chất nhựa!
Rừng Amazon đang cháy ở mức độ rất nghiêm trọng mà nguyên nhân một phần là do yếu tố con người. Ước tính tỷ lệ cây xanh bị mất đi tương đương với diện tích 5 sân bóng đá sau mỗi phút!
Mới đây, một tảng băng khổng lồ 1000 tỷ tấn tách khỏi Nam cực. Hai tỷ tấn băng ở đảo Greenland tan chảy trong ngày 13 tháng 6 năm nay…
Tất cả những sự kiện trên cho thấy lời tiên tri cảnh báo về nguy cơ thảm họa từ biến đổi khí hậu của cựu Tổng Thống Jacques Chirac cách nay 17 năm vẫn còn đậm nét thời sự.
Đào Duy Hòa – Sydney
(Theo Sciences et Avenir)