Ảnh hưởng của âm nhạc và não bộ

Tại sao âm nhạc có thể làm cho người nghe có lúc trầm lắng, lúc khác lại phấn chấn, và nhiều khi tạo những nhịp cầu kết nối giữa những tâm hồn, những nhịp đập của con tim với nhau?

Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao khi nghe một giai điệu, một ca khúc nào đó chợt thấy lòng mình xốn xang khó hiểu? Hầu như mọi người chúng ta đều trải nghiệm qua một vài lần như thế, cho dù, tự phân loại mình, vào diện không biết gì về âm nhạc cả.

Âm nhạc có thể giúp ta hồi phục những tổn thương về tâm hồn lẫn thể xác, giúp ta vận động thể dục thể thao, hay làm việc với năng suất cao hơn. Và có khi, có khả năng làm cho hệ thống thần kinh hồi phục sau khi bị chấn thương.

Là một bác sĩ y khoa, lại yêu âm nhạc, tôi xin đơn cử một số ý tưởng về hiệu ứng của âm nhạc và não bộ con người.

Âm nhạc là phương cách truyền đạt tư tưởng với nhau, đi trước cả sự phát triển của ngôn ngữ loài người. Hãy tưởng tượng, những nhóm người tiền sử xa xưa, cho dù chưa biết nói, nhưng có thể sáng chế ra những dụng cụ tạo ra âm thanh rất thô sơ để liên lạc với nhau. Từ âm nhạc, ngôn ngữ dần dần hình thành với những phát âm u ơ, trọ trẹ. Ví dụ, ta có thể nhìn thấy quá trình phát triển của âm nhạc và ngôn ngữ của nhân loại được thu ngắn lại với tiến trình phát triển ngôn ngữ của một em bé. Nghiên cứu cho thấy, trước khi chào đời, em bé đã biết nghe và phản ứng với âm nhạc. Nếu được nghe nhạc, sự phát triển về ngôn ngữ của em bé ấy sẽ dễ dàng hơn sau nầy.

Âm nhạc bao gồm nhịp, điệu và giai điệu. Có thể nói nhịp là cơ bản, có khi còn quan trọng hơn cả điệu và giai điệu. Chỉ cần một chuỗi tiếng trống, tiếng chiêng, hay tiếng muỗng nĩa gõ lên nhau, tạo nên một khuôn mẫu lập đi lập lại cũng đủ gọi là âm nhạc. Không tin, bạn thử lên YouTube tìm nghe những “nghệ sĩ đường phố,” ngồi gõ thùng rất ư là tuyệt vời. Dựa trên nhịp, những điệu như fox, valse, rock, slow rock… được xây dựng. Cuối cùng nhịp và điệu chuyên chở giai điệu (melody) đến người nghe. Cũng có khi giai điệu được phát sinh trước, nhưng giai điệu sẽ không có hồn nếu không có nhịp và điệu đi kèm, và còn phải “đúng điệu” nữa.

Não bộ con người thường có thói quen nhận diện những khuôn mẫu lập đi lập lại, và lâu lâu, lại thích những đột biến, để tạo ra những cảm xúc đột ngột. Cũng vì vậy, người nhạc sĩ, để thoả mãn hiếu kỳ của người nghe, có khi phá lệ, đi ngoài những quy luật của âm nhạc, như dùng “nhịp chỏi,” dùng hợp âm lạ, hay tạo những “cao trào bất ngờ.”

Về “nhịp chỏi,” nhạc sĩ có thể đảo phách, thay vì thường là phách mạnh đi trước, nhưng một số nhịp lại đi ngược phách.

Về cao trào, thay vì để “cao trào” vào đoạn giữa bài, bài nhạc lại chấm dứt ngay ở cao trào. Ví dụ, thay vì viết một bài nhạc theo kiểu A1, A2, B, A3, ở đây A là phiên khúc, B là điệp khúc, một số bài nhạc được viết theo kiểu A1, A2, B1, B2 hay A, B, C hoặc A, B, C, D. Một số bài nhạc khác, ví dụ như các bài Barber’s Adagio for Strings, Tiësto’s Adagio for Strings, một cổ điện, một hiện đại, có thể nghe trên YouTube, lại cứ xoay tròn, lập đi lập lại ở đoạn cao trào, dường như không chấm dứt.

alt

Một điểm khác nữa, là về hợp âm, dùng để hỗ trợ cho giai điệu, nhưng có khi lại giúp để tạo ra giai điệu. Chúng ta thường nghe nói hợp âm vòng, trong đó “hệ thống hợp âm” được đi theo một tứ tự “tuần hoàn,” một số bài nhạc lại được viết với những biến chuyển hợp âm rất bất ngờ, phá lệ.

Nhiều bài nhạc, tuy không phải là nhạc sĩ, nhưng khi nghe, cho dù là lần đầu, ta vẫn có thể đoán được câu kế tiếp sẽ ra sao. Tiêu biểu là loại nhạc Bolero của Việt Nam. Loại nhạc nầy dễ đi vào lòng người cũng vì tính chất bất biến, dễ nhớ, dễ cảm nhận, và dễ… thương.  Những bài nhạc thuộc loại êm đềm, theo đúng quy luật của âm nhạc như thể loại nhạc tiền chiến của Việt Nam, dễ cho ta những lắng dịu về tâm hồn, an bình vì không tạo ra những xáo trộn. Những khi khác, ta lại thích những đột phá bất ngờ như loại nhạc trẻ. Ví dụ khi nghe nhạc của Freddie Mercury, thể hiện trong phim Bohemian Rhapsody, người nghe sẽ thấy kích thích vì những đột biến về cả giai điệu và nhịp điệu. Những đột biến bất ngờ ở cao trào ấy, khiến não bộ tiết ra các chất tín hiệu thần kinh kích thích sự sung sướng như dopamin, còn gọi là “phê.”

Nhạc sĩ và những người nghiên cứu về nhạc đều đồng ý rằng, não bộ con người không thể nhận ra hay phân biệt được điệu nhạc, ví dụ như valse hay “xì-lô,” nhưng lại bị tác động và cảm ứng bởi nhịp, như 2/4, 3/4 hay 4/4 chẳng hạn. Trung tâm não bộ chuyên kiểm soát về sự vận động, co thắt của bắp thịt, cũng chính là trung tâm cảm nhận và phân tách được nhịp. Đó là lại sao những điệu vũ được xây dựng trên nhịp là chính. Học khiêu vũ, ta phải học bước theo nhịp, trước khi học về điệu.

Suy luận cho kỹ, cơ thể con người được xây dựng trên nền tảng của những nhịp và điệu, biểu hiện qua những vòng tuần hoàn của sự sống. Và đó cũng là lý do tại sao, con người thường không thể lý giải được “nhịp đập con tim,” nhịp co thắt của mạch máu, nhịp thở, và những cơn sóng của tâm hồn. Vì thế, tất cả những nhịp, và điệu của nội tâm có thể cộng hưởng với nhịp và điệu của âm nhạc một cách dễ dàng, tự nhiên.

Thí dụ, nghe nhạc êm dịu khi tâm hồn bị xáo động làm cho tâm tư trầm lắng, nhịp tim chậm lại, và nhịp thở sâu hơn, chỉ vì não bộ con người có khuynh hướng hòa đồng với nhịp và điệu của âm nhạc với nhịp và điệu của nội tâm, làm cho toàn bộ hệ thống đi chậm lại. Nghiên cứu cho thấy những hormone về stress như cortisol sẽ giảm đi khi nghe nhạc êm dịu, và đầu óc dễ tập trung, năng suất làm việc cao hơn.

Tuy không may mắn được huấn luyện âm nhạc một cách “chính quy,” tôi cũng tập tành sáng tác nhạc. Nhiều nhạc sĩ đàn anh thường phê bình, lối viết nhạc của tôi rất “phóng túng.” Thật ra, những đột biến về hợp âm, những cao trào phá lệ, hay những nhịp chỏi mà tôi sử dụng chỉ vì tình cờ, lười biếng, và nhiều khi chỉ vì dốt nhạc mà thôi.

Ngoài ra, tôi vẫn thích nghe nhạc trong phòng mổ. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân thường có cảm giác an bình hơn, cần ít thuốc mê hơn, và ngược lại bác sĩ cũng dễ tập trung tư tưởng, ít bị sai sót trong khi giải phẫu.

Một người bệnh nhân của tôi, gốc người Ý, sau 18 năm, cho tôi biết cậu con trai mà tôi giúp chào đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo, bây giờ là một nhạc sĩ, cho dù trong gia đình không có ai có năng khiếu âm nhạc cả. Tôi trả lời, có thể, vì tổ phụ của cậu ấy là một nhạc sĩ bên Ý, mà cũng có thể, vì khi cấy phôi, cậu ấy được cùng tôi nghe nhạc cổ điển!

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Related posts