Đèn nào
cao bằng đèn Châu Đốc,
Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang,
Đói no em chịu theo chàng,
Xuống sông ra biển lên ngàn cũng theo. (Ca dao)
Năm đó, mới chen được chân vào Đại học, thì bất ngờ Thư nhận được lệnh Động viên vào trường Sĩ quan Thủ Đức. Cánh cửa tương lai dường như khép lại. Nỗi buồn thấm thía đó có pha một chút mơ hồ của buông xuôi, nhưng lại khỏe khoắn vì từ nay khỏi phải lo lắng gì cho việc sách đèn nữa. Đời lính, sống nay chết mai, chưa biết lúc nào. Hơn nữa, bố mẹ cũng làm ăn vất vả, phải hy sinh nhiều, mới có thể hỗ trợ cho Thư theo đuổi chương trình đại học.
Tưởng hết học là khỏe ru, nhưng không phải thế. Khi đút đầu vào Quân trường mới hết hồn, tập luyện mệt nhọc đến phờ người. Nhưng rồi mấy tháng huấn luyện gian khổ nhọc nhằn cũng quen đi và qua mau.
Mãn khóa ra đơn vị, đóng quân ở tiền đồn xa xôi, chỉ mong cho tạm được bình yên, địch quân đừng quấy phá, tấn công, để khỏi phải giết nhau tranh sống. Thư nghĩ rằng, đa số người lính miền Bắc cũng mang cùng tâm trạng với Thư, không muốn bắn giết ai, nhưng bị lùa vào cuộc binh đao, thì phải chiến đấu để sống còn. Không giết đối phương, thì cũng bị địch sát hại. Chán ngán chiến tranh dài ngày. Buồn chán rồi cũng thành nhàm quen.
Một lần nằm võng trong hầm trú ẩn, một anh bạn cắc cớ hỏi Thư: “Sau này thanh bình, được trở về đời sống dân sự, thì anh định làm gì để sinh sống?”
Thư cười đáp: “Biết có còn sống đến ngày thấy đất nước thanh bình hay không? Nghĩ chi xa xôi cho mệt. Cuộc chiến này như không bao giờ chấm dứt được. Cứ chết hết đợt này, thì miền Bắc xua quân vào đợt khác để thí mạng. Cứ thế mà dằng dai mãi.”
Anh bạn thở dài: “Biết đâu có một ngày nào đó, chính quyền miền Bắc thấy chết chóc, phí phạm quá nhiều nhân mạng và tài lực, mà không đạt được mục tiêu, thôi gởi quân vào Nam, thì hết chiến tranh. Hoặc khối cộng sản thôi tiếp tế súng đạn, bom mìn, lương thực cho miền Bắc, hoặc Mỹ thôi yểm trợ cho miền Nam, thì thanh bình sẽ trở lại với chúng ta.”
Thư nghĩ lời của anh bạn cũng có lý phần nào. Chiến tranh mãi, rồi cũng sẽ có ngày chấm dứt. Thư hoang mang nghĩ đến tương lai mà hoảng sợ. Làm gì để sinh sống sau này nhỉ? Không một nghề chuyên môn, chẳng vốn liếng, mà học hành thì dang dở. Thì ra, chiến tranh đã là ngõ bí, mà hòa bình, thì cũng chẳng có lối thoát cho tương lai. Rồi nhân một lần về phép tại Sài Gòn, nghe các lứa đàn em xôn xao bàn tán, Thư nhờ họ ghi danh giúp, theo học đại học Văn Khoa. Nhờ chúng mua bài in, gởi ra nơi tiền đồn. Thư quăng bài vào hầm trú ẩn, khi nào buồn, không có việc làm thì đem ra đọc, như để giải trí. Học mà chơi, không cần thi đậu hay rớt. Bài học giáo khoa cũng gần gũi với những điều hiểu biết trong sách vở mà Thư đã đọc thường ngày. Đâu có gì khó khăn đến nỗi phải đến giảng đường nghe thầy giảng dạy.
Khi nhận được giấy báo danh dự thi, Thư nhờ đó mà xin được mấy ngày phép về Sài Gòn. Cõng theo một ba-lô đầy ắp bài vở, định về đến Sài Gòn thì đóng cửa nằm đọc lướt nhanh qua, được chừng nào hay chừng đó. Biết đâu sẽ “trúng tủ”. Nhưng mới về đến nhà, thì bạn bè ào đến đến rủ rê lên phố ngồi quán cà phê, nhởn nhơ nhìn những tà áo dài phất phơ bay. Những thứ này, thiếu vắng nơi tiền đồn heo hút giữa rừng rậm núi cao. Tội gì mà bỏ qua không tận dụng thời gian quý báu này. Ngồi mãi đến khi phố chiều đã thưa người. Trên đường về, thấy bảng quảng cáo có chiếu phim hay, Thư không cưỡng lại được lòng, cùng các bạn mua vé vào xem phim mãi đến gần khuya mới về đến nhà. Tắm rửa xong thì trời đã khuya, Thư đem bài ra đọc, chỉ mới được hai trang thì ông em bày bàn cờ tướng, hắn nói:
“Làm vài ván đi anh Thư. Học chi giờ này nữa!”
“Thôi, để kiếm vài ba chữ, lỡ mai vào thi trúng tủ, có chút gì mà viết”
“Chơi một ván thôi, xem dạo này trình độ cờ tướng của anh có khá hơn trước không! Ở nơi tiền đồn, chắc anh luyện cờ kỹ lắm.”
Thư quăng tập bài xuống bàn nói: “Ừ, chơi thì chơi. Sợ chi. Mai vào thi đánh võ tự do. Đậu rớt đâu có quan trọng.”
Thư và chú em, khui hai chai bia, bày thêm một đĩa tôm khô củ kiệu, ngồi hai bên bàn cờ, chăm chú điều quân khiển tướng. Lên xe, qua pháo, nhảy mã, say sưa chơi ván này qua ván khác, mãi cho đến hơn ba giờ sáng, Thư giật mình gạt bàn cờ nói to:
“Bạy thật, đáng ra phải đi ngủ sớm để ngày mai có sức, tỉnh táo mà làm bài. Thôi đi ngủ.”
Vào giường, cái đầu Thư cứ nóng bừng bừng, hình ảnh mấy con cờ cứ hiện ra mãi, rồi trăn trở, không chợp được mắt. Cho đến khi gần sáng, thì chìm vào giấc ngủ vùi ngon lành, mê man không biết gì nữa, đến nỗi không nghe cả tiếng chuông đồng hồ báo thức. Khi tỉnh giấc, thì nắng đã lên cao. Thư giật mình, rửa mặt đánh răng qua loa, rồi xách xe chạy vù ra đường. Thấy đã trễ giờ, khó đến kịp phòng thi, đường lại kẹt xe. Thư định quay về, nhưng cứ tà tà lướt tới. Đi đâu bây giờ? Hay là vào quán kiếm gì ăn sáng cho đỡ đói bụng. Cứ suy nghĩ mông lung, cho đến khi đã dừng xe trước cổng trường Văn Khoa. Sân trường đầy cả xe mà vắng bóng người qua lại. Thư khóa xe, lững thững đi vào xem thử trường ốc ra sao, vì cũng chưa hề đến đây một lần. Khi vừa đặt chân lên hành lang, Thư thấy một thiếu nữ duyên dáng trong áo dài màu vàng nhạt, tóc xõa dài hai bên bờ vai, mắt nâu sáng long lanh, chiếc mũi thon, làn da trắng mịn màng. Ngẩn ngơ vì cái nhan sắc thanh thoát đó. Thư dừng lại, chìa tờ phiếu báo danh ra cho thiếu nữ để làm quen, và nói:
“Cô làm ơn chỉ giúp tôi phòng thi ở nơi nào. Tôi đến trễ, chắc giám thị không cho vào lớp.”
Cô gái giật lấy tấm giấy báo danh, nhìn thoáng qua, rồi nắm lấy tay Thư dắt chạy về hướng cầu thang, rồi kéo chạy thẳng lên lầu. Tiếng guốc gõ lóc cóc trên sàn xi-măng rộn rã. Thư mê mẩn người, tim đập dồn dập, bàn tay như lâng lâng trong lòng tay mềm mại, và ngoan ngoãn chạy theo cô gái, tóc cô bay dạt ra sau, thoang thoảng mùi hương. Khi đến đúng phòng thi, cô dúi lại tấm giấy báo danh vào tay Thư, và đẩy vai chàng vào lớp. Thư đứng lại nhìn cô và nói:
“Tôi không thể thi được nữa?”
“Sao thế?” Cô gái tròn mắt ngạc nhiên.
“Cô kéo tay tôi mạnh quá, sái tay rồi. Không viết được nữa!”
Cô gái vụt nâng tay Thư lên và nói: “Đâu, đưa xem, để tôi chữa cho” – Rồi chu miệng thổi phù một cái, nói tiếp: “Lành rồi đó nhé! Vào thi đi. Ráng làm bài cho khá, thi đậu về đòi mẹ thưởng quà!”
Không dám lần khần hơn, Thư ấp úng cám ơn. Thầm nghĩ giá như phòng thi còn xa hơn nữa, hoặc được bàn tay mềm mại đó, nắm chạy không bao giờ ngưng nghỉ, thì hạnh phúc biết bao. Thư chẳng tha thiết chuyện thi cử nữa, mà muốn quay ra, đi theo cô gái, hỏi tên xin làm quen, nhưng lại sợ cô hiểu lầm.
Giám thị phòng thi phát giấy và chỉ ghế ngồi cho Thư. Tất cả thí sinh trong phòng đang im lặng chăm chú làm bài. Thư như người mất hồn, ngẩn ngơ, ngồi nhìn lên trần, và tiếc đã không bỏ phòng thi để đi theo người thiếu nữ duyên dáng đó mà làm quen. Trễ mất rồi. Thư chép đề bài ghi bằng phấn trắng trên bảng màu xanh lục: “Văn học Việt Nam từ năm 1929 trở lại”. Thư thầm bảo, dễ ợt, chỉ là kiến thức phổ thông của người có đọc sách báo. Không biết bài học của giáo sư viết gì về vấn đề này, nhưng Thư chắc chắn làm bài được, có thể thiếu sót, nhưng không lạc đề. Tay thì viết lia lịa, mà đầu óc cứ vẩn vơ nghĩ về thiếu nữ, Thư ghi nhanh những ý tưởng thoáng qua đầu mà không viết nháp. Ráng viết cho đầy bốn trang giấy, làm xong kết luận, rồi đem nộp bài, để chạy vội ra, mong tìm được người đẹp đã nắm tay và làm Thư mê mẩn. Khi đưa bài làm cho giám thị phòng, Thư nhìn vào bài nộp của một thí sinh khác, và khám phá ra người này có đề thi không giống như đề ghi trên bảng. Thư hỏi nhanh:
“Thế thì có hai đề thi mà tôi không biết, tôi chỉ làm đề ghi trên bảng mà thôi”
Vị giám thị ngẩn ngơ và nói: “Ai bảo anh làm bài theo cái đề ghi trên bảng? Đó là đề của khóa thi ngày hôm qua mà!”
Cả phòng thi cười ầm lên khi nghe lời thầy giám thị. Thư thất vọng và giận, nói gằn giọng:
“Không ai cho tôi biết đề thi, thì tôi làm theo đề ghi trên bảng. Tại sao không xóa đề cũ đi, để cho người khác hiểu lầm? Tôi xin hỏi thầy, tại sao không cho tôi biết đề thi?”
Vị giám thị điềm đạm trả lời: “Đề thi tôi đã kèm trong tờ giấy nháp phát cho anh đó”.
“Ôi trời! Có bao giờ tôi viết nháp đâu! Luận văn mà viết nháp thì lấy thì giờ đâu để làm bài? Thầy hại tôi rồi!”
Vị giám thị phòng nhìn đồng hồ, rồi đưa cho Thư một tờ giấy thi mới, nói:
“Thời gian còn gần một giờ rưỡi nữa. Thôi anh ráng viết một bài ngắn, gọn, súc tích, chắc cũng kịp.”
Thư chán nản trở về ghế ngồi, và mở tờ giấy nháp ra, đọc đề thi: “Lĩnh Nam Chích Quái là một tác phẩm nhân dân và của nhân dân.” Đề thi này do giáo sư linh mục Thanh Lãng soạn. Thư mơ hồ như đã đọc tác phẩm này từ thời còn học tiểu học. Ngồi yên lặng, và ráng nhớ lại xem, đây là cuốn sách gì, viết chuyện gì. Nghĩ mãi không ra, mà thời gian thì cấp bách. Thư quay qua cô thí sinh ngồi bàn bên cạnh, lên tiếng xịt xịt làm dấu rồi hỏi nho nhỏ:
“Này cô, Lĩnh Nam Chích Quái là cái mốc khô gì hở cô?”
Nghe hỏi, cô gái không nhịn được cười, hai vai rung rinh bần bật, và cười thành tiếng khúc khích nho nhỏ. Cô đáp:
“Đừng làm tôi tức cười, viết bài không được. Gần hết giờ rồi mà hỏi ngớ ngẩn.”
Thư thì thầm: “Có phải là tập chuyện cổ tích không?” Cô gật đầu. Thư hỏi nhỏ tiếp: “Có chuyện Tấm Cám không?” Cô lắc đầu. “Có chuyện Hồng Bàng không?” Cô gật đầu. “Có chuyện Phù Đổng không?” Cô gật đầu. “Có chuyện Bánh Chưng, Dưa hấu, Rùa vàng không?” Cô gật đầu ba lần. Thư cám ơn, rồi cắm cúi viết bài. Tưởng gì, chứ Lĩnh Nam Chích Quái gồm 24 truyện truyền kỳ của dân gian, không chắc ai là tác giả. Thư cứ viết thao thao bất tuyệt. Khi hết giờ, cả lớp đã ra khỏi phòng thi, chỉ còn mình Thư, ráng viết cho xong đoạn kết luận, thầy giám thị phòng kiên nhẫn đứng chờ.
Trên sân trường, xe đã thưa thớt, Thư chưa về vội, nhẩn nha đi loanh quanh qua các hành lang, với hy vọng mong manh sẽ gặp được nàng, người con gái tử tế yêu kiều đó. Tại sao không lạc quan tin tưởng. Cứ tin tưởng, rồi sẽ thành, biết đâu. Đi quanh vài ba vòng, khi trường ốc đã vắng người, Thư chán nản uể oải ra về.
Hôm sau, Thư đến phòng thi thật sớm, đi quanh sân trường, hành lang, mắt láo liên tìm kiếm, bây giờ mục đích chính không còn là tiếp tục kỳ thi, mà đi săn tình cảm. Không tìm ra tung tích người, Thư dò hỏi bạn bè, mô tả người con gái áo lụa vàng, mảnh khảnh, da trắng, tóc thề dài. Trong cái trường Văn Khoa này, có cả mấy trăm cô cùng nhân dạng đó. Mấy ngày phép còn lại, sáng chiều nào Thư cũng đến khuôn viên đại học Văn Khoa kiếm tìm. Sân trường mùa hè vắng vẻ làm Thư thêm buồn nhớ.
Về lại đơn vị, Thư lấy giấy phác họa dung nhan người thiếu nữ đó, treo trong hầm trú ẩn. Mỗi lần vào ra, nhìn cho đỡ nhớ nhung. Bạn bè cười đùa chế nhạo, Thư nói đùa: “Biết đâu người đẹp trong tranh, sẽ rời tường và xuống nói chuyện tâm tình đêm đêm.”
Sau một lần đụng trận nặng, Thư bị thương, về nằm bệnh viện Cộng Hòa gần hai tháng, rồi được bổ sung về một đơn vị Địa phương quân tại Biên Hòa. Hàng tuần, Thư chạy đi chạy về con đường Biên Hòa-Sài Gòn, khi nào cũng hớn hở ghé ngang qua trường Văn Khoa. Thỉnh thoảng ngồi uống nước, nhìn đám sinh viên trẻ cười đùa hạnh phúc, và vui lây với cái sung sướng của họ. Có khi Thư vào các lớp đang học, đứng cửa sau nhìn lên, tìm hình dáng nàng, nhưng rồi buồn bã ra về. Vài người bạn biết chuyện, khuyên Thư đừng đi mò kim đáy biển, nên tìm một bạn gái khác. Đời này thiếu chi người dễ thương, tốt lành, mà chắc chi cô gái trong mộng của Thư đã không neo thuyền bến khác rồi.
Rồi một hôm, Huy là bạn thân, chèo kéo, muốn dẫn Thư đến giới thiệu cho một người bà con. Huy nói: “Có năm chị em, tuổi tác sàn sàn nhau, con nhà đàng hoàng gia giáo, khá đẹp, tính tình ôn nhu hòa nhã, tha hồ mà lựa chọn. Vấn đề là tùy theo tài ăn nói của cậu mà thôi.”
Thư lắc đầu, vì nhất quyết tin rằng, sẽ gặp lại được người con gái hôm cũ, không muốn dây dưa tình cảm lang bang, chẳng muốn quen biết với ai nữa cả. Sau một lần đi uống cà phê, trên đường về nhà, Huy bảo Thư:
“Tôi có việc vào nhà quen một chốc, cậu ráng chờ chừng hai mươi phút. Hay là đi theo tôi cho tiện, khỏi đứng phất phơ bên đường.”
Thư lặng lẽ đi theo Huy. Vào trong, thấy cả nhà ngồi quanh bàn, đang ăn cơm chiều, Thư giật thót mình, suýt la lên một tiếng ngạc nhiên. Vì thấy cô gái mà mấy lâu nay Thư tuyệt vọng kiếm tìm ngồi đó, mặt hướng ra phía cửa. Tim Thư đập mạnh, hơi thở dồn dập. Bà mẹ trong gia đình nói:
“Tiếc quá, bữa cơm đã gần xong, nên không dám mời hai anh cùng ăn cho vui. Mời hai anh ngồi” – Rồi quay qua nói với cô con gái – “Con pha trà mời khách giúp mẹ.”
Huy nói lớn: “Thôi, nước nôi làm chi, chúng tôi mới đi uống cà phê về. Đây là anh Thư, bạn học cũ, mà cũng có thời cùng đơn vị. Chúng tôi đi qua đây, tiện đường ghé thăm, và cũng định nhờ anh Năm một việc nhỏ.”
Hình như cô gái chưa nhận ra Thư, hoặc hôm trước, vì gấp gáp bận chỉ đường, mà không nhìn kỹ người cô giúp đỡ. Một thoáng buồn gợn qua trong Thư vì cái vô tình của cô. Quanh bàn ăn, có bố mẹ và năm chị em suýt soát nhau, khó biết cô nào chị, cô nào em. Các cô đều duyên dáng, mặn mà, mỗi người mỗi vẻ. Huy giới thiệu năm cô theo thứ tự: “Hai Huệ, Ba Trúc, Tư Cúc, Năm Hường, và Sáu Lài”. Thư nhìn cô Ba Trúc thật lâu, như nhắn hỏi có còn nhớ gì không? Sợ các cô rút lui vào phòng sau, Thư nhìn thẳng vào cô Ba Trúc, và nói:
“Nhân dịp gặp nhau lại nơi đây, tôi xin cám ơn cô Ba Trúc một lần nữa, ngày đó đã sốt sắng chỉ cho tôi phòng thi khi tôi đến trễ. Không có cô, chắc tôi đã bỏ kỳ thi mà ra về rồi. Tôi cứ nhớ đến cô mãi, mong tìm gặp được thêm một lần, để nói lời tạ ơn.”
Cô Trúc tròn mắt ra nhìn thẳng vào Thư, cười rất tươi và nói:
“Ủa, thì ra người đó là anh?” Mặt cô ửng hồng.
“Vâng, chính tôi. Cô sốt sắng làm tôi cảm động, cứ nhớ mãi. Sau này trở lại trường Văn Khoa nhiều lần, mong tìm gặp mà không thấy.”
Thư kể tiếp cho cả nhà nghe, hôm đó làm lộn đề thi ngày trước. Mọi người cười vui.
Từ đó, thỉnh thoảng về phép, Thư ghé thăm Trúc, ban đầu ngồi nói chuyện văn chương trong phòng khách, rồi hẹn hò đi xem chiếu bóng, đi ăn tiệm, ghé quán ven đường chung uống trái dừa tươi, cùng ra phố mua sách, ngồi quán cà phê nghe nhạc… Nhiều hôm Thư đến giảng đường ngồi bên nhau trong giờ học, mà bút đàm liên miên, mặc cho Giáo sư khan cổ giảng bài. Tình yêu đâm chồi nảy lộc xanh tươi.
Tình yêu càng sâu đậm, thì Thư càng thấy buồn, trong lòng xót xa khi nghĩ đến mạng sống bấp bênh của đời lính chiến, mà bom đạn thì càng ngày càng khốc liệt. Lẽ nào để cho người yêu thành góa phụ bơ vơ. Thư đem ý nghĩ này nói với Trúc, nàng khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má làm xót xa lòng người chiến binh. Một lần Trúc nói:
“Nếu ai cũng nghĩ như anh, thì bọn con gái chúng em đều không thể có chồng cả hay sao? Chiến tranh thì cứ chiến tranh, chết chóc thì cứ chết chóc, con trai vẫn cưới vợ, con gái vẫn lấy chồng. Không may thành góa phụ, cũng phải cam chịu mà thôi. Thanh niên thời này, ít ai thoát được cái áo lính.”
Trầm ngâm, Thư nói trong đau xót: “Anh không muốn là kẻ vô trách nhiệm, làm dang dở đời em, vì anh yêu em, tình yêu dâng hiến không vị kỷ. Anh muốn em có được đời sống vẹn toàn.”
Trúc cười buồn: “Nếu phải lập gia đình, thì em kiếm đâu ra một người không là lính? Rồi nếu chẳng may, thì cũng thành góa phụ. Tại sao chúng ta không kết hợp, và cứ chấp nhận cái may rủi của tương lai. Em sẽ chấp nhận gánh chịu rủi ro.”
Thư thở dài: “Chiến tranh ác độc thật. Làm tắt ngúm bao nhiêu mộng ước đơn sơ hiền hòa. Con mất cha, vợ mất chồng, bao nhiêu là tan tác, khổ đau.”
Năm 1973 hiệp định Paris được ký kết, thiên hạ vui mừng vì tưởng chiến tranh đã chấm dứt. Nhưng không, miền Bắc vẫn chuyển quân ồ ạt vào Nam. Tiếng súng vẫn nổ đều đều khắp nơi như khi chưa ký kết hòa ước. Miền Bắc kiên trì, và quyết tâm thôn tính cho được miền Nam. Thư bị thương tích một lần nữa trong lần Bắc quân tấn công định phá cây cầu do đại đội Địa phương quân canh phòng. Pháo địch như mưa lên hầm trú ẩn. Thư chỉ huy Đại đội, đẩy lui nhiều đợt tấn công ào ạt. Nhờ trọng pháo yểm trợ, địch cay đắng rút lui khi trời gần sáng. Buổi sáng, xác địch ngổn ngang bên ngoài, toàn là trẻ con mang áo quần bộ đội, nhiều thân thể trần truồng, mà háng còn chưa mọc lông măng. Nhìn xác địch mà lòng Thư tan nát, nước mắt chảy dài thương cảm đám trẻ em vô tội, bị xua vào chiến trường thí mạng, cho cuồng vọng u mê.
Khi Thư và Trúc tính đến chuyện cưới hỏi, thì miền Nam mất. Thư đi tù cải tạo. Tưởng đi “học tập” hai tuần rồi về như thông cáo. Trúc hy vọng, từ nay hai người sẽ mãi mãi bên nhau, xây đắp tương lai trong một đất nước thanh bình sáng ánh tương lai. Nhưng rồi dân miền Nam biết bị đánh lừa, tù tội khổ sai được mang mỹ từ là Học tập cải tạo. Trong tù đói khát, thất vọng, không biết ngày về, Thư mừng vì còn độc thân, chưa có vợ con, chưa trách nhiệm. Những tù nhân khác, ngoài nỗi cực nhọc, lo âu cho bản thân, còn có mối lo lớn khác gởi ra ngoài trại tù, thành những tiếng thở dài đêm đêm, là vợ con làm sao mà sinh sống, ai chăm sóc nuôi nấng trong xã hội mới đầy khó khăn này? Thỉnh thoảng, Thư cũng nghĩ đến Trúc, đến những kỷ niệm đẹp đẽ êm đềm của thời tuổi trẻ, tình yêu tô thắm ý nghĩa cho tháng ngày dễ thương đó. Thư thấy quyết định đã giữ thế độc thân trong thời chiến là sáng suốt, dù bây giờ, không ai thăm nuôi, tiếp tế thực phẩm, thuốc men. Nhưng Thư lại thấy tinh thần khỏe và nhẹ nhàng hơn bạn bè khác, họ biết vợ con trăm ngàn khổ cực, đói khát, thiếu thốn bên ngoài, mà còn phải chia cơm xẻ áo cho kẻ nằm trong tù. Bây giờ, có chết đi cũng thôi, khỏe, khỏi phải chịu đựng đọa đày dài ngày. Không vợ, không con, không trách nhiệm, chỉ tội cho người yêu ôm mộng tình dang dở.
Năm năm tù trôi qua nặng nề, thân tàn ma dại, Thư được tha về. Tưởng như đã chết rồi lại được hồi sinh. Chưa kịp mừng vì thân xác thôi bị quản thúc, thì công an khu vực đến nhà, đuổi đi kinh tế mới theo chính sách của nhà nước.
Thư đến thăm gia đình Trúc. Hai người ôm nhau cùng khóc trong nỗi niềm vui mừng gặp gỡ. Bố mẹ và năm chị em Trúc xanh xao, mặt dài ra, trong ánh mắt không còn niềm vui, tinh anh hạnh phúc như thuở nào. Cả năm chị em vẫn phòng không chiếc bóng. Thư hỏi lý do, chị Hai Huệ thở dài chua chát:
“Thời buổi này, chẳng còn thanh niên ngu dại nào dám xâm mình cưới vợ. Tương lai đen kịt trước mắt. Khó khăn, đói khổ hành hạ, kiếm cho ra miếng bỏ vô dạ từng ngày chưa xong. Đời sống lại bất an. Bị đe dọa thường trực. Lấy nhau để đem nhau vào ngõ cụt sao! Quan trọng hơn hết là đàn ông cùng trang lứa, đã chết nhiều trong cuộc chiến tranh dài, lớp còn lại thì rủ nhau đi tù, chạy dạt ra ngoại quốc lánh nạn. Thanh niên trong tuổi lập gia đình trở thành hiếm hoi, khó tìm. Bọn con gái tụi này, không còn đàn ông để nghĩ đến, mà có nghĩ đến, cũng sợ hãi tương lai. Lấy nhau để đem lại khổ đau cho nhau, và sinh con ra, cho chúng đói rách lầm than, cũng là một cái tội lớn. Chắc rồi bọn con gái tụi em sẽ chết già không chồng cả thôi anh ạ.”
Thư đùa: “Thế thì, còn mấy anh Cán bộ miền Bắc đó.”
Cô Hai
Huệ cười lớn: “Cán bộ miền Bắc, cán bộ miền Nam, ô hô, bọn họ cũng đã chết như
rạ trên rừng Trường Sơn, chết gần mười lần hơn Quân đội miền Nam mình. Vả lại,
anh nào may mắn còn sống sót, thì cũng mặt bủng da chì vêu vao, và đã có vợ có
con ở đâu đó rồi. Ăn nói dóc láo hơn Cuội. Nói láo không biết ngượng miệng. Lại
xoi mói ti tiện nhỏ nhen. Bọn con gái tụi em, chỉ có đứa nào mặt mày chai đá
lắm, mới dám muối mặt giao du thân mật với bọn họ. Anh có nghe câu ca dao thời
đại:”
“Trai miền Nam như chim oanh vũ.
Trai miền Bắc như lũ khỉ rừng xanh.
Gái miền Nam như cành liễu rũ,
Gái miền Bắc như củ khoai sùng.
Chim oanh vũ đậu cành liễu rũ.
Lũ khỉ rừng xanh ngậm củ khoai sùng.”
Thà chết già không chồng, còn hơn là…
Thư cười cắt ngang: “Chim oanh vũ đã bị vặt lông, bẻ cánh đem ướp muối nướng hết cả rồi cô Huệ ơi. Buồn thay cho những cành liễu rũ. Thời đại bao tử trống rỗng này, củ khoai sùng cũng còn có chút ích lợi.”
Trúc và mấy cô em đồng hỏi: “Thế thì anh có dám ngậm củ khoai sùng không?”
Thư lắc đầu: “Thà chết còn hơn.”
Thư không có hộ khẩu Thành phố, sống bất hợp pháp bằng giấy tờ giả do công an bán ra. Lang thang tạm trú nay đây mai đó. Đạp xe thồ, ngày có khách ngày không, cũng đói rách đắp đổi qua thời gian. Những khi có dư chút tiền, đến chở Trúc đi chơi, ngồi bên bờ sông chuyện trò, uống chung ly nước ngọt, chia nhau miếng bánh, củ khoai. Tình yêu như sương như khói. Cả hai, đều không dám nghĩ đến tương lai xa hơn ngày mai.
Trúc nói: “Tương lai của đất nước này đã đen như mõm chó, nhưng sẽ còn đen tối hơn, còn gian khổ hơn nữa. Đây chưa phải là tận đáy của địa ngục như người ta tưởng. Phải đi ra miền Bắc một lần, thấy tận mắt, nghe tận tai, tâm sự của những người thân ngoài đó, mới nhận thức đứng đắn hoàn cảnh đất nước hơn. Họ cho rằng, chúng ta đã sung sướng thế này, mà còn kêu ca, họ không hiểu nổi.”
Trúc nắm chặt tay Thư nói: “Giá như chúng ta đi vượt biên được, thì mọi sự đều giải quyết dễ dàng. Chúng ta sẽ xây dựng lại tương lai hạnh phúc, và nuôi nấng con cái cho thành người hữu dụng.”
Thư thở dài thành tiếng lớn. Bữa đói, bữa no, lo cho cái dạ mỗi ngày chưa xong, lấy đâu ra vàng để đi vượt biên.
Một lần Thư và Trúc ôm nhau trong căn phòng vắng. Hạnh phúc chan hòa. Quên hết cả trời đất. Trúc thúc dục:
“Thương em đi anh! Giữ gìn để làm chi nữa! Cả đất nước, cuộc sống, tương lai, đều mất sạch rồi. Còn gì để tiếc?”
Siết chặt Trúc trong vòng tay, Thư thì thầm: “Anh có bổn phận giữ gìn cho em. Anh không thể làm tổn thương em được.”
Trúc gục mặt vào ngực Thư và khóc rấm rứt.
Hai hôm sau, Trúc đến tìm Thư và hớn hở báo tin mừng: Gia đình Trúc được nước Pháp chấp nhận cho đi tỵ nạn, vì trước đây, có thời gian bố Trúc đã làm việc cho một công ty người Pháp. Thư mừng, ôm Trúc và hôn tới tấp. Thư thì thầm:
“Mừng em thoát khỏi địa ngục trần gian. Trên đất nước này, con người còn thua con vật. Sống còn tệ hơn chết. Mừng em sẽ được tái sinh, làm lại kiếp con người có nhân cách xứng đáng.”
Trúc và Thư gặp nhau đều đặn hơn trong thời gian chờ đợi đi Pháp. Trong lòng Thư vui sướng hân hoan, vì Trúc sẽ thoát, nhưng đôi khi cũng buồn thấm thía vì sắp đến ngày chia cách đôi đường.
Trúc hớn hở theo gia đình đi Pháp tỵ nạn. Tự do quan trọng hơn tình yêu, hơn cả mạng sống. Thư ở lại quê nhà, cũng quay quắt tìm đường vượt thoát, nhưng chẳng thành công. Nguyên nhân chính là yếu kém tài chánh và thiếu may mắn.
Rồi chương trình nhân đạo H.O của Mỹ cũng đem Thư ra khỏi thiên đường xã hội chủ nghĩa. Ra đi bằng đường hàng không, yên lành, an toàn, không bị truy lùng bắt bớ, chẳng lo bão tố hoặc hải tặc Thái Lan. Xem như trời đãi, được đền bù những khổ nạn đã trải qua trong bao năm dài.
Hai năm sau ngày đến Mỹ, Thư đã tạm ổn định cuộc sống nơi miền đất mới, vô tình biết được tin tức của Trúc. Nàng vẫn phòng không chiếc bóng. Trước đây, Trúc tưởng phụ nữ cứ ra khỏi Việt Nam, muốn lập gia đình, là chọn được ngay những ông chồng đàng hoàng, giàu có, tử tế. Nên Thư không dám liên lạc, sợ khuấy động cuộc sống yên lành của gia đình Trúc.
Thư quyết định đi thăm Trúc. Xin phép nghỉ hai tuần. Thuê khách sạn tại Quận 13 Paris. Nghỉ ngơi một hôm cho lại sức, rồi thăm thành phố Paris mà lòng cứ nôn nao nghĩ đến Trúc. Không biết sau bao nhiêu năm, Trúc bây giờ ra sao. Không biết gặp lại nhau, có ngỡ ngàng thất vọng, hay tình cảm ngày xưa đã phai nhạt theo thời gian cách xa. Trong trái tim Thư, tình cảm dành riêng cho Trúc vẫn đầy ắp.
Một ngày trời âm u gió lộng, Thư đi bộ đến tận ga Universitaire, bắt chuyến tàu đi về hướng nam thành phố. Mua vé xuống ga Massy Palaiseau. Con tàu vừa khởi hành thì mưa như xối nước quật xuống ào ào. Thư nhìn ra cửa kính, thấy cây cối vật vã, mưa xóa mờ cảnh vật. Con tàu lầm lũi chạy trong mưa xối xả và gió thốc từng hồi. Trời đất đẹp và buồn, nhưng lòng Thư thì hân hoan rộn rã.
Ra khỏi ga Massy Valeseau, mưa đã nhẹ hạt, Thư che dù đi bộ thêm chừng mười lăm phút đến đường Gustave Flaubert, có khu chung cư mà gia đình Trúc cư ngụ. Hồi hộp bấm chuông. Cửa mở ra, Trúc đón Thư với nụ cười rạng rỡ, hai vòng tay ôm choàng lấy nhau, nước mắt vui mừng rưng rưng. Tưởng như nằm mộng, họ ôm nhau không rời.
Một hồi lâu, tiếng Hai Huệ nhắc nhở: “Thôi, vào ăn đã chứ, thức ăn nguội rồi đó.”
Thư bắt chước Tây, ôm từng cô một, cọ má, rồi chúm môi hôn gió, phát ra một tiếng “chụt”. Định hỏi thăm sức khỏe bố mẹ các cô, nhưng Thư thoáng thấy hình ông bà trên bàn thờ.
Trên bàn đã bày đầy các món ăn. Trúc kéo ghế cho Thư và ngồi bên cạnh ríu rít chuyện trò. Năm chị em gái, tóc đều muối tiêu, chưa ai lập gia đình. Họ ở với nhau hòa thuận, an vui với cuộc sống đơn giản.
Trong bữa ăn, năm chị em tranh nhau nói cười vui nhộn, trêu chọc nhau không ngớt. Bữa ăn kéo dài gần hai giờ. Sau khi ăn xong, dọn bàn, mỗi người một việc. Thư thấy năm chị em đứng sắp một hàng dài cùng rửa bát đĩa. Người đầu gạt bỏ thức ăn thừa, chuyền qua cho ngưòi thứ hai sát xà-phòng, rồi giao cho người thứ ba xối nước, người thứ tư tráng nước sạch, người thứ năm lau khô và xếp vào tủ. Họ vừa làm việc, vừa kể chuyện ríu rít. Thấy Thư nhìn với đôi mắt ngạc nhiên, một cô giải thích:
“Ban đầu tụi em chia nhau rửa bát, mỗi người trách nhiệm một ngày. Nhưng rồi cũng thấy không công bằng, vì có ngày nhiều, có ngày ít. Vả lại, làm một mình không vui bằng rửa tập thể. Luân phiên đứng trong hàng, không ai phàn nàn ai được cả.”
Thư nói: “Thấy mấy chị em vui vẻ hạnh phúc quá. Chắc các cô không bao giờ biết buồn. Sống chung với nhau, vui thế này, nên không ai muốn lập gia đình cũng phải.”
Cô Lài cười: “Không phải chẳng muốn lập gia đình đâu anh ạ. Ai cũng muốn có chồng, nhưng tìm không ra người xứng đôi vừa lứa. Vả lại, chúng em cũng đã quá tuổi xuân thì, mà lại làm cao, không chịu lấy những người thấp kém. Chỉ có chị Trúc khóa cửa buồng tim chờ đợi người tình lý tưởng.”
Trúc mắng em; “Con khỉ! Mầy biết gì mà nói?”
Cô Hai Huệ đùa: “Năm chị em tôi lập thành một nội các thu hẹp. Tôi là bộ trưởng Nội Vụ, lo tổng quát việc gia đình, giữ an ninh trật tự, phân xử các bất đồng. Trúc là bộ trưởng Kinh Tế Tài Chánh, lo giữ tiền bạc, ăn tiêu trong gia đình, làm sao cho tiền đừng thiếu, và khi có thừa thì đầu tư. Cúc là bộ trưởng Giao Thông, lo việc chuyên chở, lái xe cho cả nhà, trách nhiệm nặng nề và vất vả nhất. Hường là bộ trưởng Kiến thiết, khi nhà có gì hư hỏng, cần sửa chữa tu bổ, thì tìm người lo giúp, tưởng là nhẹ, nhưng công việc cũng lu bu lắm. Còn Lài là bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa, lo mua các máy móc như truyền hình, máy vi tính, điện thoại cầm tay, băng nhạc, đĩa, kinh, sách, truyện. Làm sao cho các sinh hoạt giải trí được vui nhộn quanh năm, không nhàm chán.”
Trúc nhìn qua Thư và hỏi: “Nếu có anh Thư gia nhập nội các này, thì nên bổ nhiệm cho anh bộ nào đây?”
Cô Huệ đáp liền: “Bộ trưởng không bộ nào. Anh chấp nhận việc bổ nhiệm nhé!”
Đêm đó, cả sáu người ngồi bên bàn dài, hàn huyên tậm sự. Uống hết hai chai rượu vang ngọt, mấy đĩa bánh khô lạt cùng hộp phó-mát mặn mùi nồng nặc. Mấy bình trà thơm và cà-phê cứ châm thêm mãi. Các cô thay phiên nhau kể chuyện về những ngày vui xưa, thời tóc còn xanh màu, những gian khổ khó khăn đói khát trong giai đoạn miền Bắc cai trị, và những vui buồn thời mới đến quê hương mới tỵ nạn. Rồi thay phiên nhau ca hát. Thư cũng tham gia, hát mấy bài tình ca. Khi Trúc yêu cầu đọc thơ, Thư hứng khởi, ngâm nga:
“Một lần
anh chợt nhớ
Tiếng thì thầm của sông,
Nước từ nguồn bỡ ngỡ,
Xô nhau về biển đông.
Dòng sông từ muôn thuở
Gọi mời người ruổi giong.
Một lần trời bão tố,
Máu đổ quê hương hồng.
Tưởng không ngày hội ngộ.
Năm châu bước phiêu bồng.
Gặp nhau như phần số!
Trời dành nỗi chờ mong.
Không gian nào đau khổ?
Thời gian nào viễn vông?
Xót xa hồn cổ mộ
Tay ôm kín hai vòng.
Nước mắt chưa lần đổ,
Đã tràn đầy mênh mông
A ha! Đời bể khổ.
Mê mải vòng sắc không.”
Cuộc vui hàn huyên kéo dài cho đến gần sáng. Trúc và Cúc nhường phòng cho Thư ngủ. Nằm thao thức chưa chợp mắt được, Thư nghe tiếng cửa phòng mở nhẹ, Trúc dè dặt bước, luồn tay vào tóc Thư, rồi nằm xuống bên cạnh. Hai vòng tay ôm nhau khắng khít. Những nụ hôn êm ái, nhẹ nhàng. Trúc thì thầm bên tai Thư: “Từ nay, chúng ta mãi mãi có nhau. Không còn gì ngăn trở được nữa. Cám ơn Trời đất cho đem anh đến cùng em.”
Im lặng một lúc, Thư nói khẽ vào tai Trúc: “Chậm rồi Trúc ạ, Anh bị ung thư đến thời kỳ cuối. Bác sĩ bảo anh không còn sống hơn được sáu tháng nữa.”
Trúc bật khóc nức nở: “Trời ơi, sao duyên phận em hẩm hiu đến thế này?” – Bỗng Trúc vùng dậy, nắm hai vai Thư mà lắc và nói với giọng quả quyết – “Không, Còn nước thì còn tát. Anh phải sống, để sống với em. Em không thể mất anh được. Cứ tin tưởng rồi phép lạ sẽ đến. Không có quyền tuyệt vọng.”
Trúc theo Thư về Mỹ.
Trước đây, Thư không muốn chịu xạ trị cũng như hóa trị để kéo dài đau đớn trước khi lìa đời. Bởi rồi thế nào cũng phải chết. Được chết yên lành thì sung sướng hạnh phúc hơn. Nhưng bây giờ, Thư thấy cần sống. Sống cho Trúc. Sống cho tình yêu từ lâu dang dở.
Thư và Trúc đã đem lại cho nhau những ngày tháng tuyệt vời, chan hòa thương yêu. Thư chuyên tâm chữa trị. Cả thuốc Tây cùng lúc với thuốc lá cổ truyền. Bác sĩ ngạc nhiên với những kết quả càng ngày càng khả quan. Những u bướu nhỏ lại và tan dần.
Mọi người đều nghĩ rằng mầu nhiệm của tình yêu quả có thật.
Tràm Cà Mau