Người Úc đặc biệt thích ngựa. Phải nói là yêu ngựa nếu người ấy có gốc Ái Nhĩ Lan. Yêu nhất là những con ngựa nòi chạy trong trường đua. Sau mỗi trận đua, ngựa về nhất không những nhận cúp, giải thưởng mà còn được người ta nâng niu, vuốt ve hay có khi còn hôn lên ngựa nữa.
Ở Úc, gần hết thị trấn có trường đua ngựa. Mỗi năm, Úc treo lên đến $651 triệu Đô La cho ngựa đua. Ngoài giải thưởng ấy, người Úc còn chi ra bạc tỷ để đánh cá. Người ta nói ngành đua ngựa ở Úc hiện nay trị giá không dưới $19 tỷ.
Vinh quang biết bao cho chú thím ngựa được chọn vào trường đua. Nhưng vinh quang này thật phù du sau khi người Úc được biết rất nhiều chú thím ngựa đua khi bị mất hao quang đã bị xử tệ. Chúng bị hành hạ và dẫn vào lò sát sinh để hoá kiếp thành những miếng thịt cho người và súc vật khác ăn.
Khổ như ngựa nòi
Trước khi nói đến ‘vòng đua cuối cùng, final race’ – như tên của chương trình 7.30 — mà mức đến là lò sát sinh, đời của ngựa đua đã là một chuỗi dài triền miên nước mắt, máu và thuốc kích thích.
Ngựa nòi sinh ra từ những hạt giống cấy trong trang trại lấy giống (thoroughbred farm). Mỗi năm có chừng 13 cho đến 17 ngàn chú ngựa nòi thuần chủng cất tiếng ‘hí’ chào đời. Khi chợt lớn lên, ngựa nòi liền bị tách khỏi bốn bàn chân của mẹ dịu hiền. Chú ngựa non phải vào các trường huấn luyện. Trường này dùng kỷ luật sắt biến bốn vó chân yếu ớt thành những Phar Lap, Makybe Diva, Black Caviar, hay Winx. Trong thời gian huấn luyện rủi chú ngựa non lọt vào mắt xanh của nhà huấn luyện chuyên môn như Darren Weir thì coi như… bỏ mẹ. Nhớ lại nhà huấn luyện lừng danh Darren Weir bị cấm hành nghề vì dùng ‘súng điện tử, jigger’ để dí cho ngựa phải chạy như điên. Ngoài những buổi luyện tập kinh hoàng, các chú ngựa chuẩn bị vào trường đua còn bị chích hay cho uống thuốc kích thích. Đã có những chú ngựa té xỉu trên trường đua.
Khi vào trường đua, cả ngàn con ngựa thì chỉ có một hai được biết tiếng đến. Đó là những Pharlap, Makybe Diva, Black Caviar, hay Winx. Dư lại, các chú không về nhất thì coi như tàn đời. Đoạn kết của ngựa đua tại Úc đã bị chương trình 7.30 chiếu trên đài truyền hình ABC khui ra.
Kỹ nghệ đua ngựa ở Úc
Tuổi đời bình thường của một con ngựa ở mức 25 cho đến 30 năm. Đã là ngựa thì sinh ngày nào bất kể, cứ đến 1 tháng Tám ở Nam bán cầu tổ chức sinh nhật. Còn Bắc bán cầu thì ngày khác, à nghe. Ngoài ra, số phận còn định rằng: đã là ngựa đua thì chỉ được chạy khá lắm trong vòng hai hay ba mùa là biến mất khỏi cõi đời ô trọc. Ngựa ở Úc về nhất trong cuộc đua phần lớn chỉ lên hai hay lên ba. Đó là những Golden Slipper, the Gold Coast Magic Millions, hay The Oaks. Hiếm hoi mới có chú thím lên tám hay lên chín tuổi mà vẫn còn gân. Đó là những Winx, Takeover Target, hay Fields of Omagh.
Như đã nói ở đầu bài: ở Úc gần như thị trấn và thành phố nào cũng có trường đua ngựa. Trong 10 năm cho đến 2012, đã có 2,782,774 cuộc đua ngựa được tổ chức tại Úc. Trong 10 năm này, 164,046 con ngựa đã phải gân guốc trườn mình lên hàng đầu trong cuộc đua. Mỗi cuộc đua đều có ngựa thắng ngựa thua. Ngựa thắng thì được xướng danh và khán giả vỗ tay và có thể còn được vuốt ve như người ta vẫn làm thế với người yêu. Khán giả vỗ tay reo mừng vì con ngựa thắng đã đáp lại lòng mong đợi và thoả máu me cờ bạc cho họ. Bởi lẽ coi đua ngựa chỉ thú vị khi bỏ tiền ra đánh cá. Và đánh cá chỉ mê hoặc lòng người khi trúng giải thiệt bộn.
Hàng năm, các cuộc đua ngựa lớn nhỏ ở Úc đã treo giải thưởng lên đến $651 triệu Đô La. Năm nay Melbourne Cup treo giải tổng cộng $8 triệu Đô La cho 12 con ngựa hàng đầu. Riêng ngựa về nhất được lãnh $4.4 triệu cộng với chiếc cúp trị giá $250,000. Ở Melbourne Cup, ngựa về hạng 12 cũng được thưởng lên đến $160 ngàn Úc Kim. Mới đây, Sydney đã cạnh tranh với Melbourne Cup bằng giải thưởng lên đến $13 triệu Đô La cho cuộc đua mang tên Everest.
Melbourne Cup
Được nói nhiều nhất về đua ngựa ở Úc là Melbourne Cup. Năm nay Melbourne Cup diễn ra vào thứ Ba ngày 5 tháng 11. Trong ngày này ở trường đua Flemington — gần khu vực có đông người Việt Nam định cư — có nhiều vòng đua. Từ 8 giờ rưỡi sáng, cổng trường đua Flemington mở cửa. Vòng đua đầu tiên bắt đầu từ 11 giờ và vòng cuối cùng hồi 5 giờ 15 phút. Trong số này, vòng đua dài 3,200 mét có tên là Lexus Melbourne Cup diễn ra vào lúc 3 giờ chiều. Xưa này, vòng đua này được mệnh danh ‘cả nước phải dừng lại theo dõi – the race that stops the nation’.
Đặt chân vào trường đua Flemington trong ngày Melbourne Cup quả là một kinh nghiệm để đời. Người Úc già đầu và sành điệu thường mở miệng giáo đầu chuyện đời như sau: ‘I was at the Melbourne Cup when.., Tui đã có mặt ở Melbourne Cup khi….’ (con này con kia thắng!). Ở Melbourne Cup, đàn ông được dịp trỗ tài hào hoa. Đàn bà vớ ngay cơ hội hiếm có để ăn diện. Mà đến đó không phải ăn diện thế nào tuỳ ý. Tổ chức Racing Australia ghi xuống hơn 100 thứ quần áo, giày dép chí đến lông lá gắn trên đầu bắt buộc khán giả và chú thím ngựa phải theo.
‘Đĩ ngựa’: hai chữ lạ kỳ
Khi bộ vó không còn gân cốt để chạy trong trường đua nữa lẽ ra các chú thím thuần chủng này phải được an dưỡng tuổi già trong viện dưỡng lão, sân chơi hay được chọn làm… đĩ ngựa.
Cổ Nhuế đang học tiếng Việt nên xin méo mó mở cái ngoặc tổ bố để ghi chú về hai chữ ‘đĩ ngựa’ lạ kỳ này.
Hình như ngày nay người Việt mình dùng chữ ‘đĩ ngựa’ để chửi đàn bà con gái. Còn nói tới mấy chàng làm nghề thoả mãn tình dục cho người khác thì xài chữ ‘phi công’ hay ‘lái máy bay bà già’. Lối dùng chữ này thiệt bất công cho người lương thiện lấy chuyện ‘buồn vui phi trường’ làm lẽ sống mà cũng ngượng nghịu cho những con ‘đĩ ngựa’ thứ thiệt.
Thật vậy, có những chàng ngựa thuần chủng khi bỏ cuộc vui ở trường đua thì lui về trang trại gây giống để làm chuyện truyền tử lưu tôn. Ngày xưa khi kỹ thuật cấy tinh trùng chưa phổ biến thì ngay bên cạnh trường đua Phú Thọ ở Sài gòn có chỗ cho các chàng ‘đĩ ngựa’ hành nghề. Từ đó có chữ ‘đĩ ngựa’. Ở Úc, mấy chàng ‘đĩ ngựa’ mỗi ngày có sức phủ đến ba ngựa cái và chàng làm việc hết bảy ngày mỗi tuần. Geezz! Tuy nhiên, để dưỡng sức chủ trại thường chỉ nhận cho phủ từ này 1.9 cho tới 31 tháng 12 mà thôi.
‘Đĩ ngựa’ (thứ thiệt) là đực rựa. Chả hiểu vì sao người ta lại gán cái chữ ‘đĩ ngựa’ của giống (ngựa) đực này lên đầu lên cổ các cô nường? Cổ Nhuế cũng không biết nữa.
Hoá thân thành những hộp thịt
Trở lại chuyện đua ngựa ở Úc. Thay vì được hưởng sung sướng sau khi rời trường đua, khá đông chú thím ngựa ở Úc bị đưa và lò sát sinh rồi xương thịt đã có một thời gân guốc ấy sẽ kết thúc trong những hộp thịt cho chó mèo xực, hay được đông lạnh và xuất cảng cho thế giới loài người thưởng thức. Nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản và Nga đang mua thịt ngựa Úc để xào nấu. à nghe.
Nghe tin này, nhiều người nhỏ nước mắt. Có người bực tức vì từ năm 2014 Úc đã có luật bắt buộc chủ các con ngựa thuần chủng phải khai báo khi con vật này không còn được dùng trong các cuộc đua nữa. Nơi nhận tờ khai báo là Racing Information Services Australia. Đáng tiếc, luật chỉ định tới đó. Rồi thôi. Sau khi khai báo ngựa hết đua, chả ai biết xương thịt của các chú thím này đi về đâu.
Vào năm 2004, đại học Sydney được tổ chức RSPCA tài trợ để mở cuộc điều tra về số phận của chú thím ngựa đua khi bộ vó không còn gân guốc nữa. Kết quả: 6% xương thịt của chú thím ngựa đua kết thúc ở bên trong những hộp thịt dành cho chó mèo. Mười năm sau, tổ chức Racing Victoria cũng mở cuộc điều tra tương tự. Kết quả cho thấy các chú ngựa thuần chủng chào đời vào năm 2005 khi bị loại khỏi trường đua thì 40% được sang tay cho chủ mới; 20% được chọn làm… ‘đĩ ngựa’; 19% chết bất đắc kỳ tử; 5% vẫn còn chạy đua và 5% được bán ra ngoại quốc. Cộng lại thì thiếu mất 11%. Cuộc điều tra này không biết số phận của chú thím ngựa cuối cùng này đi về đâu.
Theo tổ chức RSPCA, mỗi năm có chừng 8,500 chú thím ngựa đua về vườn. Chả biết bao nhiêu ngàn chú thím kết thúc cuộc đời trong lò sát sinh? Để trả lời, tổ chức Racing Australia cho biết mỗi năm chỉ có chừng 34 con ngựa rời trường đua phải vào lò sát sinh mà thôi. Nhưng giáo sư Paul McGreevy, thuộc đại học Sydney, nói trong chương trình 7.30 rằng: Con số này phải lên tới 4,000.
Riêng chương trình 7.30 trình chiếu vào tối thứ Năm tuần qua cho biết chỉ trong 22 ngày và chỉ ở một lò sát sinh ở Caboolture, Qld. đã có khoảng 300 con ngựa đua bị làm thịt. Có những ngày, ở lò sát sinh này lên đến 40 chú thím ngựa nòi bị hành hình. Con số này thật kinh hoàng nếu đem nhân cho 365 ngày! Hơn nữa, chú thím còn bị người ta trói gô, đánh đập, chửi mắng và chịu nhiều cực hình khác trước khi bị chích điện đến chết.
Coi chương trình 7.30 xong, ai là người yêu súc vật đều rợn tóc gáy. Giáo sư Phil McManus cũng là tác giả cuốn sách ‘The Global Horseracing Industry’ bùi ngùi: một chú ngựa đua có thể đang gặm cỏ ở Cranbourne hay Pakenham (phía Đông Nam thành phố Melbourne) thì lù lù chiếc xe vận tải xuất hiện giữa đêm khuy khoắt. Xe chở chú vào lò sát sinh!
Mà không phải chú thím ngựa vô danh, ngay đến những chiến mã tên tuổi như Courtney’s Luv, Unbuckled, Startreusse, Rebel Prince, Perfectly Spun (đã mang về cho chủ hơn $5 triệu Đô La tiền thưởng) đều bị thịt. Rủi chú thím ngựa nào bị dẫn vào hãng đóng thịt hộp Luddenham Pet Meat, NSW hay Burns Pet Food ở Riverstone, phía Tây Sydney, thì xương thịt của chúng sẽ thành thức ăn thơm lừng cho các chú chó đua xực. Rồi tới phiên chó đua khi về vườn cũng hoá thân thành…. thịt hộp.
Bị ‘đánh’ suốt đời
Sau khi chương trình 7.30 khui ra con người đã tàn ác với ngựa khi chúng về vườn, tổ chức Racing Victoria đính chính: không phải phần lớn ngựa đua bị làm thịt ngay sau khi rời trường đua. Theo đó, trăm con chỉ có một kết thúc cuộc đời trong lò sát sinh mà thôi. Phần lớn (90%) được bán cho chủ mới. Chủ mới có thể cho chúng trở lại trường đua, hay đưa vào các trò mua vui và làm bổn phận truyền tử lưu tôn. Số 9% còn lại đã có 6% được chủ cho kết thúc cuộc đời trong êm ái và 3% lìa đời vì những lý do tự nhiên.
Chưa nói đến đoạn kết bi thảm của chú thím ngựa đua trong lò sát sinh hay hãng đóng thịt hộp, ngay cả khi còn sống ngựa đua đã phải nhỏ biết bao dòng lệ, suối mồi hôi và vũng máu. Theo dõi cuộc đua, khán giả hò hét và nhảy cỡn lên theo nhịp những cú roi do nài giáng lên lưng ngựa. Thật là hứng thú! Nhưng nghĩ lại quả là tàn ác. Ai lại đánh đập con vật. Mà lại đánh đập nó trong tiếng reo hò của ngàn ngàn con người! Vì thế từ năm 2009, Úc ra luật phải dùng thứ roi ‘đánh không đau’ khi thúc ngựa chạy nhanh trong trường đua. Có đánh roi vào ngựa thì không được đánh vào đầu và khi ngựa đã về tới đích. Năm 2005, Úc lại ra luật không cho nài đánh roi vào ngựa hơn 5 cú trong mỗi 100 mét đường đua. Vào ngày Melbourne Cup năm ngoái, đã có sáu nài bị phạt vì phạm luật đánh ngựa. Trong sáu con ngựa bị đánh ‘sái phép’ có ba con về nhất, nhì, ba. Tuy nhiên, nài cứ phạm luật vì tiền phạt chi ở mức $3,000. $3,000 có thấm vào đâu so với $4,000,000 nếu ngựa về nhất.
Nghĩ lại: đã ‘đánh’ thì đánh kiểu gì cũng đau. Không đau thể xác thì đau tinh thần (nếu ngựa có tinh thần). Bằng không thì đau tinh thần của người chứng kiến.
Nhỏ nước mắt
Vì rất yêu thú vật nói chung và yêu ngựa nói riêng, đông người Úc đã nhỏ nước mắt cho chú thím ngựa phải vào lò sát sinh.
Người ta đã kéo nhau tới trước cổng lò sát sinh Meramist ở Caboulture, Qld. biểu tình. Người biểu tình xin bác tài lái xe ngang qua đó ‘bòp kèn’ để tỏ lòng thương cảm với động vật. Đặc biệt cuối tuần qua biểu tình đã xảy ra ở trường đua Caulfield, Victoria và ở Randwick, NWS.
Gần như chắc, trong ngày Melbourne Cup (5.11) sẽ có mặt ở Flemington những giọt nước mắt khóc cho chú thím ngựa về vườn.
Cổ Nhuế