KHÔNG BAO GIỜ ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG

Các lãnh tụ Cộng Sản từ Lenin, Stalin đến Mao và những người khác luôn luôn khẳng định rằng Xã Hội Chủ Nghĩa là xã hội tương lai của loài người. Chủ Nghĩa Xã Hội sẽ chiến thắng Chủ Nghĩa Tư Bản vì Chủ Nghĩa Xã Hội là khoa học, là thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội của Marx và Engels.

Không ai quan tâm rằng Tư Bản Luận của Marx thật ra chỉ là những nhận xét cá nhân của ông về “quy luật” của xã hội con người. Hay nói đúng hơn đó chỉ là một giả thuyết của Marx và chưa hề được chứng minh trong thực tế.

Dù xuất thân bần cố nông, Lê Duẫn cũng đã cố gắng “nổ lực” đóng góp một chương trong cái gọi là chủ nghĩa xã hội này, đó là chương “Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Đóng góp “khoa học” của Lê Duẫn chưa có cơ hội chứng minh thì Chủ Nghĩa Xã Hội và Chủ Nghĩa Cộng Sản đã sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới. Cay đắng thay nó sụp đổ ngay tại Liên Xô, quê hương của Cách mạng vô sản và cũng là thành trì của phe Cộng Sản toàn thế giới.

Người Cộng Sản rất sính khoa học, và có một niềm tin mù quáng rằng xã hội con người phải tồn tại dựa trên một học thuyết. Nếu không có học thuyết làm nền tảng cho sự phát triển, thì xã hội con người sẽ phát triển theo kiểu tự phát, và cuối cùng sự hỗn loạn sẽ đưa xã hội loài người đến chỗ diệt vong.

Vì thế chưa tỉnh cơn ác mộng trước sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của phe XHCH, những người Cộng Sản Trung Quốc đã phải vội vàng lo tìm và xây dựng một chủ thuyết xã hội mới làm nền tảng cho sự phát triển của Trung Quốc.

Ngay lập tức đảng Cộng Sản Trung Quốc thấy ngay trong kho gia sản văn hóa của họ học thuyết nhân văn của Khổng Tử. Những người Cộng Sản cũng thấy ngay những sự tương đồng của chủ nghĩa Cộng Sản và học thuyết của Khổng tử. Đó là lý thuyết về xã hội có tôn ti trật tự và mọi người ý thức được vị trí của mình trong xã hội, và làm hết trách nhiệm trong vị trí xã hội của mình.

Do đó việc thiết lập các viện nghiên cứu Khổng Tử khắp mọi nơi lập tức được tiến hành. Có lúc một bức tượng khổng lồ của Khổng Tử đã được khiêng ra đặt ngay trước Thiên An Môn. Điều này làm nhiều người ngạc nhiên, vì trước đó đảng Cộng Sản và Mao đã mạ lỵ Khổng Tử đến tận cùng và cho rằng học thuyết của Khổng Tử là tàn dư của mấy ngàn năm phong kiến!

Dù không nói ra những người lãnh đạo Trung Quốc hiện đại cho rằng tư tưởng của Mao hoàn toàn đối nghịch lại với Khổng Giáo và sẽ gây tình trạng rối loại tại Trung Quốc nếu tư tưởng của Mao được đề cao trở lại. Hình ảnh của Mao vẫn được duy trì như là người khai sinh nước Trung hoa hiện đại, nhưng toàn bộ tư tưởng Mao được giới lãnh đạo hiện tại coi là ‘phản động’. Do đó người nào mưu toan áp dụng lại tư tưởng của Mao tất bị thanh trừng.

Về mặt thực tiển vận dụng lại Khổng Giáo trong điều kiện một nước Trung hoa hiện đại xem ra còn thiếu vắng một yếu tố nào đó. Trong khi Khổng Giáo đề cao tinh thần ‘trung quân ái quốc’ thì lòng ái quốc của Khổng Giáo có tính cách hướng nội nhiều hơn. Cái mà giới lãnh đạo Trung Quốc cần là lòng ái quốc có phạm vi rộng lớn hơn để đáp ứng được sự lớn mạnh mau chóng của quốc gia và những tham vọng của Trung Quốc trên chính trường thế giới. Do đó việc hồi sinh lại chủ nghĩa quốc gia với một tầm cao mới phối hợp với Khổng giáo là điều mà chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đang làm.

Từ lâu chủ nghĩa quốc gia hiện đại của người Trung Quốc gắn liền với cái mặc cảm thua thiệt hèn kém của một nước Trung hoa nghèo, lạc hậu và bị nhiều nước khác bắt nạt. Chủ nghĩa Cộng Sản phần nào thỏa mãn được niềm tự hào quốc gia của người Trung Quốc. Tuy nhiên chủ nghĩa Cộng Sản lại hô hào ‘tứ hải giai huynh đệ’ và ở một mức độ nào đó kiềm hãm sự biểu lộ tinh thần quốc gia vì điều này đi ngược lại lý thuyết ‘thế giới đại đồng’ của chủ nghĩa Cộng Sản.

Nói tóm lại chủ nghĩa quốc gia tại Trung Quốc chưa bao giờ có cơ hội để được đảng Cộng Sản khuyến khích phát triển như hiện nay, đặc biệt là trong giới trí thức trung lưu là thành phần xã hội mà đảng Cộng Sản tin là có khả năng thách thức vị trí lãnh đạo độc tôn của họ.

Khai thác chủ nghĩa yêu nước (nếu cần cả chủ nghĩa yêu nước cực đoan) là ‘vũ khí chủ nghĩa’ mới của Trung Quốc. Nó có cái lợi lớn là khi say sưa với chủ nghĩa quốc gia người Trung Quốc sẽ quên đi sự thất bại của cái chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Mao Trạch Đông, vốn đã hoành hoành như những nạn dịch ở Trung Quốc gây biết bao tang tóc điêu tàn. Phát triển chủ nghĩa quốc gia dựa trên những thành tựu kinh tế luôn nhắc nhỡ cho người Trung Quốc hiểu rằng lòng yêu nước gắn liền với công lao của đảng và chính phủ.

Chủ nghĩa quốc gia có kiểm soát cũng sẽ dẫn đến sự đồng thuận của người dân cho những tham vọng chính trị (không loại trừ tham vọng lãnh thổ) của giới lãnh đạo Trung Quốc và cũng là yếu tố nhắc nhở những quốc gia khác rằng lòng yêu nước của người Trung Quốc có sức mạnh vô song. Chỉ riêng với chủ nghĩa quốc gia hay lòng yêu nước này, đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể sử dụng như những phản ứng nhiệt hạch có điều khiển để tạo ra những sức mạnh cần thiết cho từng giai đoạn một, từng hoàn cảnh một trong bối cảnh mới của nước Trung hoa trong thế kỷ 21.

Chủ nghĩa Cộng Sản đã chết, nhưng chủ nghĩa quốc gia mới của người Trung Quốc mới thực sự là mối lo của các nước lân bang, và làm cho cả thế giới phải dè chừng. Dĩ nhiên Trung Quốc đang hành xử một chủ nghĩa quốc gia thực dụng để tinh thần bài ngoại không thể đi quá mức cần thiết.

Việt Nam thành kính học tập Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, với niềm tin rằng ‘Trung Quốc còn, Việt Nam còn’. Khách quan mà nói Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng không có quốc gia nào có thể so sánh được. Do đó Việt Nam cũng sử dụng chủ nghĩa quốc gia như một thứ ý thức hệ thay thế cho chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng Việt Nam cũng có những sự khác biệt cơ bản với Trung Quốc, khiến việc ứng dụng chủ nghĩa quốc gia gặp những khó khăn.

Khó khăn lớn nhất thuộc về lịch sử: Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp đối với độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Khi tinh thần ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’ không còn tồn tại nữa, trong con mắt của người Việt Nam, Trung Quốc hiện nguyên hình của một triều đình Đại Hán.

Nói đến chủ nghĩa quốc gia là nói đến lòng yêu nước. Do đó chủ nghĩa quốc gia không phải là đặc tính riêng của Trung Quốc hay Việt Nam. Chủ nghĩa quốc gia tồn tại trong bất cứ quốc gia nào và khó có thể nói người nước nào yêu nước mình nhất. Nhưng do điều kiện lịch sử phải liên tục đấu tranh với kẻ thù ngoại bang, người Việt Nam rất nhạy cảm với chủ nghĩa quốc gia, đặc biệt đối với mối họa từ Trung Quốc.

Chủ nghĩa quốc gia luôn đi kèm với niềm tự hào dân tộc. Người Trung Quốc có nhiều cái để tự hào ví dụ 30 năm phát triển kinh tế thần kỳ, thành tựu khoa học kỹ thuật vượt trội, có thể sản xuất vũ khi tinh xảo, xây dựng một quân đội trang bị tận răng, những thành phố hiện đại hoa lệ, đời sống người dân ngày càng cao thấy rõ, Trung Quốc đã thành đại cường đứng thứ hai…Người Việt Nam trong khi đó lại có rất ít để tự hào. Khi đụng đến lòng tự hào dân tộc, người Việt Nam chỉ dựa vào lòng yêu nước và quá khứ chống ngoại xâm.

Những đoàn quân viễn chinh của Trung Quốc, Pháp, Nhật, Hoa kỳ đã đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam từng coi những quốc gia này là kẻ thù xâm lược. Do đó lòng yêu nước của người Việt Nam gắn liền với chiến tranh chống lại những quốc gia nói trên, với hận thù, với những gương anh hùng giết giặc bảo vệ quê hương. Nhưng chuyện chống Pháp, chống Nhật đã đi vào quá khứ và không ai còn muốn nhắc đến. Cuộc ‘kháng chiến chống Mỹ’ thì không phải ai cũng đồng ý với nhau. Nhiều người Việt Nam, rất nhiều người, kể cả ở hai miền Nam Bắc, chưa bao giờ coi Hoa kỳ là kẻ thù xâm lược.

Do đó chủ nghĩa quốc gia của người Việt Nam gắn liền với lòng căm thù Trung Quốc. Đa số người Việt Nam, không phân biệt quốc gia hay Cộng Sản, tin Trung Quốc luôn có mưu đồ đối với Việt Nam. Những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam từ phía Trung Quốc càng ngày càng được thực hiện với quy mô lớn hơn với thái độ kinh thường hơn, đã khiến người Việt Nam không thể kiềm chế lòng yêu nước của mình như đảng và chính quyền Việt Nam kỳ vọng nữa.

Sự sống còn của đảng, của chế độ, của các nhóm đặc quyền đặc lợi hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc. Hết có sự ủng hộ của Trung Quốc, chế độ độc tài tài Việt Nam sẽ sụp đổ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Bởi vậy chính quyền Việt Nam không thể để cho tinh thần yêu nước bài Trung Quốc trở thành một cao trào được. Giải thích thái độ nhu nhược, hèn nhát và nhượng bộ Trung Quốc quá mức của mình, chính quyền Việt Nam viện dẫn lịch sử các vua ngày xưa cũng đã rất uyển chuyển với triều đình Đại Hán để gìn giữ giang sơn.

Nhưng lý luận này không thuyết phục được ai. Vì sao? Ngày xưa các vua Việt Nam làm tất cả những gì họ có thể làm được để không mất một tất đất của cha ông để lại. Kết quả biện minh cho hành động. Ngược lại ‘sự khôn khéo ngoại giao’ của chính quyền Việt Nam đã làm nhiều vũng lãnh thổ, lãnh hải của tổ tiên để lại lọt vào tay của Trung Quốc không biết khi nào mới thu hồi lại được.

Đã thế nhà cầm quyền Việt Nam còn ra tay đàn áp các phong trào yêu nước chống Trung Quốc. Đến đây thì người Việt Nam hết hiểu chính quyền của mình. Chính quyền một mặt kêu gọi lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, một mặt đàn áp và dập tắt mọi biểu hiện của lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước. Bản chất bán nước của đảng và chính quyền Việt Nam đã hiện rõ.

Chủ nghĩa quốc gia trong tay những người Cộng Sản Việt Nam đã trở thành con dao hai lưỡi. Họ sẽ đứt tay chảy máu vì trò chơi mạo hiểm này. Tuy nhiên đối với các phong trào đấu tranh cho dân chủ tự do của người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước bài Trung Quốc của người Việt Nam lại là một lợi thế vô song. Chính quyền Cộng Sản càng đàn áp các phong trào chống Trung Quốc, con số người tham gia các phong trào đấu tranh cho dân chủ tự do sẽ càng đông. Đẩy đảng và chính quyền càng lúc càng lún sâu hơn vào trò chơi Trung Quốc, ngày diệt vong của đảng và chính quyền độc tài càng đến gần.

Chủ nghĩa quốc gia là ý thức hệ cuối cùng của đảng và chính quyền độc tài tại Việt Nam. Đảng tin rằng đây là thanh báu kiếm. Nhưng họ sẽ chết chính trên lưỡi gươm này.

Ls Lê Đức Minh

Related posts