Đời người như một ngày dài. Ngày bắt đầu bằng bình minh mỗi lúc một rạng rỡ hơn. Đó là tuổi thơ của chúng ta. Ngày sẽ tới chính ngọ nóng bỏng. Ai qua thời thanh xuân mà lại không … nóng bỏng? Mặt trời đứng bóng, rồi phải ngả về chiều và hoàng hôn đến. Đời người cũng thế.
Với người Đông phương và khi xã hội còn đóng khung trong làng xã thì con người về già đã được con cái trả hiếu. Nhưng khi con người phải sống theo nhịp độ của kỹ thuật và tâm não Tây phương thì những ngày cuối trong đời có thể phải ở trong những nơi xa lại gọi là ‘chăm sóc người già’. Được biết hiện nay không những người Úc ‘rặc’ mà khá đông người Việt Nam cũng phải vào sống trong nhà dưỡng lão.
Úc đang khui ra chuyện gì xảy ra trong những nơi treo bảng ‘Aged-Care, chăm sóc người già’ đó. Chuyện bắt đầu cách đây hơn năm, khi chương trình Four Corners chiếu trên đài truyền hình ABC cho thấy một phần chuyện kinh hoàng tại nhà dưỡng lão Oakden, Adelaide, Nam Úc. Cụ ông Graham Rollbusch, 70 tuổi, toi mạng sau khi nằm sõng soài (không biết bao lâu) trên vũng máu ở dưới sàn nhà. Còn cụ ông Peter Palmer, 84 tuổi, bị lú (dementia) lại không được ai trông nom. Cụ lang thang trong nhà dưỡng lão rồi đánh đập một cụ ông liệt giường khác. Trong khi đó, cụ Bob Spriggs bị nhân viên cho uống gấp 10 lần liều thuốc bác sỹ đã ra và trên thân thể già nua của cụ mang nhiều vết bầm không biết từ đâu mà ra.
Thật ra, ở Oakden không an toàn gì. Trước khi cụ ông Graham Rollbusch sõng soài trên vũng máu hai tháng, nhà dưỡng lão này đã từng mất bằng hành nghề. Các cụ trong nhà dưỡng lão này bị bỏ đói là chuyện thường. Ai vào đây, chỉ cần 6 tháng là mất từ 5 cho đến 10 kg vì nhân viên rất nhanh chóng dọn đi mất thức ăn nếu các cụ tỏ dấu biếng ăn.
Trước khi chương trình Four Corners xuất hiện trong phòng khách của dân chúng Úc chừng 10 tiếng đồng hồ, thủ tướng Scott Morrison vội vàng báo tin cho bàn dân thiên hạ hay sẽ mở ra uỷ ban điều tra về ngành chăm sóc người già. Thủ tướng kể ra tình cảnh ở Oakden Older Persons Mental Health Service như nguyên cớ khiến cho ông quyết định. Sau khi chương trình Four Corners của đài ABC chiếu những thước phim rất thương tâm ở bên trong nhà dưỡng lão, nhiều người thêm can đảm lên tiếng. Bà Janice Keys hối tiếc đã gởi chồng bị bệnh Alzheimer vào Bethany Nursing Home, Rockhampton. Qld. Tưởng vào đấy, chồng mình được chăm sóc cẩn thận hơn ở nhà. Nào ngờ, chỉ hai ngày sau, bà Janice vào thăm chồng thì ông khóc mà đòi ra về. Vài tuần sau đó, bà Janice lại thăm ông và thấy không ai giúp chồng mình tắm rửa hay ăn uống. Có hỏi thì nhân viên trả lời: vì thiếu nhân viên nên chỉ giúp làm mấy việc đó khi các cụ xin. Liếc mắt sang các cụ già khác, bà Janice thấy trên quần của một cụ bà có kiến bò.Thế là bà Janice đưa chồng ra khỏi nhà già với ý nghĩ ‘dù sao, chồng mình vẫn là người. Ông ấy có phẩm giá và cần được người khác kính trọng’.
Sau 10 tháng điều tra, ủy ban điều tra ngành chăm sóc người già ở Úc (tên chữ Anh là Royal Commission into Aged Care Quality and Safety) đã công bố tường trình tạm thời. Dù chỉ tạm thời, tường trình này đã gây kinh hoàng trong dư luận tại Úc. Trong số những điều ủy ban điều tra tìm thấy, có người già bị bỏ cho chết, phải nằm trên giường đầy phân và nước tiểu; bị ăn những món mà ‘chó cũng chê’, bị nhân viên nhà dưỡng lão chửi mắng hay đánh đập, bị nhân viên dùng dây nhợ hay thuốc men mà giữ cho người già yên…
Đúc kết lại danh sách dài các chuyện buồn như trên, tường trình này viết: Thật xấu hỗ khi danh sách dài các chuyện này lại xảy ra trong thế kỷ thứ 21 tại Úc.
Ngày càng đông người già
Ủy ban điều tra tìm thấy: hệ thống chăm sóc người già ở Úc không những không ứng nhu cầu của người cao tuổi mà lại bất kể người già vì hệ thống này ‘không dịu dàng và không chăm sóc, unkind and uncaring’. Mang tên là ‘chăm sóc’ nhưng thật ra ngành dưỡng lão chỉ làm công việc ‘cho qua’ mà thôi.
Đáng tiếc khi tường trình này ra, xem chừng báo giới Úc ơ hờ. Dường như ủy ban điều tra có tính toán gì đó khi chờ cho đến thứ Năm (tuần qua) mới công bố tường trình. Chắc nghĩ rằng nhà báo được thêm một ngày thứ Sáu để viết những tường thuật và bình luận tràng giang trong số cuối tuần. Nhưng không. Báo chí đã kinh hoàng trong phút chốc khi đọc danh sách dài những chuyện động trời đang xảy ra cho người già ở Úc, rồi thôi. Từ trưa thứ Năm cho tới cuối ngày thứ Sáu, số bản tin nói về chuyện buồn cuả người già ở Úc chỉ bằng một phần ba các tin khi ủy ban điều tra về hoạt động của ngân hàng công bố tường trình.
Dường như nhà báo cho rằng chuyện người già không giúp bán báo chạy đâu! Chắc là nói đến tiền bạc thì người Úc để hơn vì ai cũng có tiền. Còn viết dài dòng về chuyện buồn của người già chỉ tổ làm bạn đọc chán ngắt thôi. Người ta ai cũng rồi ra sẽ già nhưng ai ai cũng níu kéo không cho cái già sống sộc tới. Không ai nghĩ mình rồi sẽ già. Ngay đến người đang già cũng chối với những câu đùa ‘già tóc, già râu. Cái đó đâu… già!’
Có chối, thì cái già vẫn tới. Nếu không ‘xồng xộc’ như cha ông chúng ta nói thì người già rồi ra sẽ chiếm phần khá đông người sống trên đất nước phước đức này. Vào năm 2017, ở Úc có gần 4 trệu người trên 65 tuổi. Nghĩa là ra đường thấy bảy người thì có một già. Tỷ lê này sẽ thu nhỏ lại vào năm 2057. Lúc đó cứ bốn người ở Úc thì có một trên 65 tuổi.
Hiện nay, ngành chăm sóc người già ở Úc trị giá lên đến $20 tỷ Úc kim. Trong số này, chính phủ Úc tài trợ lên đến 80%. Nay mai, khi người già đông hơn thì chính phủ phải chi nhiều hơn. Và nhà dưỡng lão trở thành nhan nhản.
Vì thế, chính phủ Úc đang chuẩn bị cho một ngày khi người già thành số đông trong dân Úc.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Điều đau lòng nhất do ủy ban điều tra này tìm ra trong các nhà dưỡng lão là nhân viên thường dùng thuốc men để giữ cho người già yên. Tên chữ Anh của biệp pháp này là ‘chemical restraints’. Bác sỹ Edward Strivens, chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc Người già tại Úc và New Zealand ( tên chữ Anh là Australian and New Zealand Society for Geriatric Medicine ) cho rằng vì có sẵn các thứ thuốc an thần, giảm đau và gây mê nên đụng đâu nhà dưỡng lão lôi ra xài đó.
Ủy ban điều tra gọi biện pháp này là ‘inhumane, abusive and unjustified, vô nhân đạo, hà hiếp và không thể biện minh’. Ở Melbourne, ủy ban điều tra đã nghe chuyện về cụ Brain Lynch. Cụ là cựu chiến binh chiến đấu ở Việt Nam. Nay về già và phải sống trong nhà dưỡng lão. Nhân viên ở trỏng đã cho cụ uống rất nhiều thứ thuốc mà chính cụ cho rằng mình ‘đã thiếp vào một giấc ngủ dài’.
Ngoài ra, ủy ban điều tra còn tìm thấy: cụ già sống trong nhà dưỡng lão thường bị chửi mắng hay đánh đập. Trong tài khoá 2017-18 đã có 3,773 vụ đánh đập xảy ra trong các nhà dưỡng lão tại Úc. Đây là các lần đánh đập có báo cho giới chức và không phải những lần người già ‘lỡ tay lỡ chưn’ với nhau. Nếu tính đồng đều thì mỗi ngày ở Úc có 10 cụ ông cụ bà bị ăn đòn. Một cụ bị ăn đòn đã quá nhiều!
Dù chỉ là tường trình tạm thời, tường trình này đã gióng lên tiếng chuông báo động tại Úc. Ông bộ trưởng đặc trách chăm sóc người già Richard Colbeck cho biết mình ‘hết hồn’ khi đọc tường trình. Tường trình đã bắt buộc chính phủ Úc lập tức ra tay. Biện pháp đầu tiên chính phủ Úc đã ra tay là : ra lệnh các nhà dưỡng lão ngưng dùng thuốc men để giữ người già yên. Kế tiếp chính phủ cho biết lập tức bớt đưa vào nhà dưỡng lão người trẻ tuổi bị khuyết tật.
Thêm người già được chăm sóc tại gia
Còn một khuyến cáo khác do ủy ban điều tra đưa ra và đòi chính phủ lập tức thi hành; nhưng chính phủ chưa đáp ứng. Đó là tăng thêm số chỗ cho người cao niên được chăm sóc tại gia để cắt ngắn thời gian chờ đợi. Được biết, liên bang đã dành ra $2.2 tỷ Úc kim để mở ra dịch vụ chăm sóc người già tại gia. Với số tiền này, chúng ta chỉ có 120 ngàn chỗ ‘chăm sóc tại gia’. Ông bộ trưởng Richard Colbeck muốn tăng số người được chăm sóc này lên đến 170 ngàn.
Hiện nay, chính phủ đã mở ra trang web có tên là ‘My Aged Care’ giúp cho người dân tìm hiểu và làm đơn xin được chăm sóc. Nhưng ủy ban điều tra cho rằng : trang web này còn thiếu sót, không ghi đủ thông tin và không hướng dẫn người dân làm sao để được chăm sóc tại gia. Nếu người dân tìm ra cách để xin được chăm sóc tại gia thì họ phải chờ lâu đến 12 tháng hay hơn nữa. Thế là có những người cao tuổi đã quy tiên trước khi nhân viên chính phủ đến gõ cửa nhà.
Sự thật, người lớn tuổi đã quen với khung cảnh đầm ấm trong gia đình, nên cực chẳng đã mới ra khỏi nhà mà dọn vào nhà dưỡng lão lạnh lẽo. Biết vậy, giáo sư Kathy Eagar, thuộc đại học Wollongong đề nghị ngành chăm sóc người già cần mở rộng dịch vụ tại gia hơn là khuyếch trương các nhà dưỡng lão.
Những người trẻ sống trong nhà dưỡng lão
Thật ra, ủy ban điều tra này không phải chỉ xem xét tình trạng bê bối trong nhà dưỡng lão mà con điều tra những gì đang xảy ra cho lớp người cao tuổi được chăm sóc tại gia và lớp người vì khuyết tật nên dù tuổi trẻ mà cũng phải sống trong nhà dưỡng lão.
Hiện nay, có chừng 6 ngàn người dưới 65 tuổi đang sống trong nhà dưỡng lão. Cứ mỗi tuần lễ thì có 42 người trẻ tuổi bị đưa vào nhà dưỡng lão. Họ bị đưa vào đó vì ở Úc không có nơi nào chứa chấp họ nữa.
Có ông như Neale Radley, 52 tuổi, bị liệt tứ chi vì tai nạn khi nhào lặn xuống nước. Cha mẹ già không còn sức chăm sóc cho ông. Ông phải vào nhà dưỡng lão. Điều trần trước ủy ban điều tra, ông Neale Radley cho biết đã ba lần mình suýt chết. Có một lần bị đau ruột dư – mãi đến một ngày sau nhân viên ở trỏng mới hay. Nhưng ông Neale Radley vẫn cho mình may mắn vì trong thời gian sống trong nhà dưỡng lão, chính ông đã thấy từ 30 đến 40 người đã quy tiên.
Còn bà Lisa Corcoran, năm nay 43 tuổi, đã từng bị dưa vào nhà dưỡng lão sau khi bị tai nạn. Lúc ấy bà chỉ mới 37 tuổi. Điều trần trước ủy ban điều tra bà Lisa Corcoran cho biết mình có hai điều ước: một là thoát khỏi cái nơi ‘chó đẻ’ này; hai là được ôm trở lại đàn con.
Đi tìm nguyên do
Nếu được phép sắp hạng nhà dưỡng lão tại Úc theo hệ thống ngôi sao thì có lẽ 5 ngàn nhà dưỡng lão đã được ủy ban điều tra để mắt tới chắc là chỉ được 1 sao mà thôi. Trước tình trạng tồi tệ trong ngành chăm sóc người già, ủy ban điều tra đã thử tìm các nguyên do.
Một trong những nguyên do gần là nhân viên làm việc trong ngành này ‘bị trả lương thấp, không được ai quý trọng và chưa được huấn luyện tới nơi tới chốn’. Đã vậy, nhà dưỡng lão tại Úc thường lại thiếu nhân viên. Vì thế ai làm ở nơi đây lúc nào cũng quá bận rộn.
Thiếu nhân viên trong nhà dưỡng lão là điều 85% người được ủy ban phỏng vấn cho biết. Đại học Wollongong cho rằng các nhà dưỡng lão tại Úc còn thêm ít nhất 20% nhân viên nữa thì mới được gọi là ‘tạm đủ’. Còn nếu muốn hệ thống dưỡng lão tại Úc được thế giới đánh ‘5 sao’ thì cần tăng gấp đôi số nhân viên hiện hữu. Khi nhà dưỡng lão Úc được ‘5 sao’ thì chắc là các cụ đang sống ở trỏng đã … tiêu diêu miền cực lạc hết rồi. Để có thêm nhân viên làm việc trong nhà dưỡng lão, Nhật bản đã nhận 100 ngàn người từ Việt Nam sang. Có lẽ Úc cũng phải nghĩ đến điều này.
Kế tiếp, số nhân viên ít ỏi trong nhà dưỡng lão lại không được huấn luyện đúng nghề. Trước đây, cứ bốn nhân viên ở trỏng thì có một là y tá có bằng cấp. Nhưng trong vòng 12 năm gần đây, số y tá này đã giảm xuống. Ngày nay, cứ 10 nhân viên thì mới có hai y tá.
Được biết, đây chỉ là tường trình tạm thời. ủy ban điều tra vẫn còn làm việc và dự trù sẽ làm xong tường trình chung cuộc vào cuối sang năm. Ủy ban càng làm việc lâu, chúng ta càng thấy thêm đau lòng vì những chuyện động trời đang xảy ra đến cho cụ ông cụ bà sống trong nhà dưỡng lão ở Úc.
Cổ Nhuế